Trump lừa dối chính mình, Kim Jong-un giữ lời hứa
Theo giới phân tích, sự tồn tại của các cơ sở tên lửa bí mật Triều Tiên không phải “dối trá” vì ông Kim Jong-un không hứa từ bỏ chương trình hạt nhân.
Triều Tiên vẫn âm thầm sản xuất vũ khí hạt nhân?
Theo Daily Beast, 5 tháng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rằng cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên đã kết thúc thì trên thực tế, Bình Nhưỡng có thể vẫn đang âm thầm phát triển vũ khí hạt nhân mới. Cụ thể, Triều Tiên dường như đang sản xuất thêm đầu đạn hạt nhân và những tên lửa có khả năng mang các đầu đạn này trong các cơ sở bí mật trên khắp đất nước.
Ông Kim Jong - un (thứ 2 từ phải qua) chưa bao giờ cam kết từ bỏ vũ khí hạt nhân. Ảnh: AFP/Getty. |
Bản báo cáo được Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) công bố hôm 12/11 cho biết, qua những hình ảnh do vệ tinh thương mại ghi lại được, thông tin từ những người “đào tẩu” và các quan chức chính phủ, có thể xác định được rằng Triều Tiên có 13 cơ sở tên lửa. Ngoài ra, Triều Tiên còn 7 cơ sở bí mật khác được che giấu kỹ lưỡng.
Khi được hỏi về báo cáo nêu trên của CSIS, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ đã từ chối đưa ra bình luận.
Daryl Kimball, chuyên gia hạt nhân tại Hiệp hội kiểm soát vũ khí ở Washington cho biết: “Tại các địa điểm này và những nơi khác, Triều Tiên tiếp tục cải thiện vật liệu hạt nhân, cải thiện khả năng tên lửa đạn đạo và có thể sản xuất nhiều đầu đạn hạt nhân hơn”.
Tờ New York Times đã mô tả sự tồn tại của các cơ sở tên lửa là một "sự lừa dối lớn" của Triều Tiên. Tuy nhiên, một số chuyên gia nói với Daily Beast rằng quan điểm này là hoàn toàn sai.
Các chuyên gia cho rằng, trên thực tế Triều Tiên đang làm chính xác những gì mà nước này cam kết sẽ làm và Bình Nhưỡng chưa bao giờ hứa sẽ ngừng phát triển kho vũ khí hạt nhân. “Chưa có thỏa thuận nào giữa Mỹ và Triều Tiên về việc giải giáp hạt nhân”, ông Kimball chỉ ra.
Quay trở lại thời điểm cách đây hơn 1 năm, vào tháng 7/2017, Triều Tiên đã lần đầu tiên thử nghiệm một tên lửa tầm xa có thể mang đầu đạn hạt nhân và tầm bắn vươn tới lục địa Mỹ. Sau đó 2 tháng, vào tháng 9/2017, Triều Tiên tiếp tục tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6. Khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã lên tiếng cảnh báo về khả năng đáp trả bằng một “phản ứng quân sự lớn”.
Sau hơn một năm với những diễn biến leo thang liên tiếp, vào đầu năm 2018, lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đã đồng ý gặp nhau. Như “khúc dạo đầu” của một “mùa xuân mới”, Triều Tiên phóng thích các con tin Mỹ và ngay sau Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ -Triều lịch sử ở Singapore tháng 6/2018, Tổng thống Trump quyết định dừng cuộc tập trận quân sự quy mô lớn Mỹ-Hàn thường niên vốn đã được lên kế hoạch từ trước.
Trở về từ Singapore, ông Trump hồ hởi tuyên bố với cánh phóng viên rằng vấn đề hạt nhân đã được giải quyết. “Tôi đã giải quyết vấn đề đó. Phần lớn vấn đề đã được giải quyết”, ông Trump nói.
Trump tự lừa dối mình, Kim Jong-un không thất hứa?
Triều Tiên đã ngừng phóng tên lửa tầm xa và không tiến hành thêm thử hạt nhân nhưng theo Jeffrey Lewis - chuyên gia hạt nhân tại Viện nghiên cứu quốc tế Middlebury ở Monterey, đây không phải kết quả của bất kỳ điều gì ông Trump làm hoặc Bình Nhưỡng bị đe dọa.
“Đầu năm nay, trong một bài phát biểu, ông Kim Jong-un nói rõ rằng Triều Tiên đã hoàn thành giai đoạn nghiên cứu, phát triển hạt nhân và tên lửa. Giờ đây họ sẽ chuyển sang giai đoạn mà theo lời ông Kim là ‘sản xuất hàng loạt’”, Lewis nói với Daily Beast.
Theo Daily Beast, cuộc gặp Thượng đỉnh Trump-Kim ở Singapore hồi tháng 6 là một tín hiệu tốt nhưng chưa giải quyết được tận gốc vấn đề. Thực tế là hai bên không có được một kế hoạch thực sự để chấm dứt việc sản xuất vũ khí hạt nhân của Triều Tiên và phá hủy kho vũ khí hiện tại của nước này, ước tính khoảng 50 đầu đạn.
“Không còn mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên”, ông Trump tuyên bố “chiến thắng” ngay sau khi trở về từ Singapore.
Giới phân tích cho rằng, thông báo này của nhà lãnh đạo Mỹ nếu không phải là một lời nói dối thì nó phản ánh sự hiểu lầm sâu sắc về một phần kế hoạch và lời cam kết của ông Kim Jong-un. Nhà lãnh đạo Triều Tiên chưa bao giờ đồng ý từ bỏ chương trình hạt nhân và vì thế việc Bình Nhưỡng tiếp tục sản xuất đầu đạn hạt nhân, tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân “không có gì đáng ngạc nhiên”.
“Ông Kim không lừa dối bất kỳ ai. Có hay chăng chính là ông Trump đã tự lừa dối mình”, ông Lewis nhận định.
Theo ông Kimball, vẫn còn cơ hội để Mỹ và Triều Tiên có thể giải quyết được vấn đề khi Nhà lãnh đạo Triều Tiên thực sự mong muốn chính thức kết thúc tình trạng chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên bằng một bản hiệp ước hòa bình và điều này nằm trong tay Mỹ.
“Điều đó không làm chúng ta tốn kém”, Kimball nói, bất chấp cảnh báo của một số nhà phân tích rằng hiệp ước hòa bình cũng đồng nghĩa với yêu cầu Mỹ phải rút hàng chục nghìn binh sĩ khỏi Bán đảo Triều Tiên.
“Triều Tiên yêu cầu, kêu gọi các bước đi tương ứng của Mỹ, chấm dứt thù địch. Tuy nhiên họ đã không nhận được những gì mong muốn và vì vậy Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục cải thiện những gì họ thấy là có thể giúp tăng cường khả năng phòng thủ của mình”, ông Kimball kết luận./.