Trung - Ấn nhất trí giảm căng thẳng: Án binh tạm thời!

(Baonghean.vn) - Chỉ ít ngày sau khi Trung Quốc và Ấn Độ cáo buộc nhau xâm nhập lãnh thổ và chỉ trích nhau vi phạm các thỏa thuận và hiệp ước đã có, hai bên bất ngờ tuyên bố vừa đạt được thỏa thuận mới gồm 5 điểm nhằm giảm căng thẳng ở biên giới hai nước.

Đáng chú ý nhất, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị đã nhất trí rằng, quân đội hai bên phải nhanh chóng rút quân và thoát ra khỏi cuộc tranh chấp ở biên giới - vốn được coi là nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ qua. Liệu đây có phải là thiện chí thực sự, hay đằng sau bước xuống thang này là những tính toán chiến lược của cả hai bên?

Chất xúc tác

Thỏa thuận giữa Trung Quốc và Ấn Độ đã đạt được bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) diễn ra ngày 10/9 tại Moskva, Nga. Nhắc đến chi tiết này, dư luận ngay lập tức có thể hình dung đâu là “chất xúc tác” cho động thái hạ nhiệt bất ngờ này của hai bên. Nước Nga của Tổng thống Putin có lẽ đã và đang làm được nhiều điều mà Mỹ chưa làm được, đó là trung gian hòa giải, hạ nhiệt các cuộc xung đột và điểm nóng trên toàn cầu. Mặc dù không thừa nhận vai trò trung gian hòa giải trong mối quan hệ Trung - Ấn, nhưng dư luận thời gian qua chứng kiến không ít động thái của Nga nhằm kéo hai nước lại với nhau.

Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar (trái) và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị vừa đạt được thỏa thuận giảm căng thẳng biên giới giữa hai nước. Ảnh: PTI
Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar (trái) và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị vừa đạt được thỏa thuận giảm căng thẳng biên giới giữa hai nước. Ảnh: PTI

Nếu như Mỹ bị “khước từ” vai trò hòa giải vì bị cho sẽ có sự thiên vị cho đồng minh Ấn Độ, thì Nga lại có mối quan hệ cân bằng khá tốt đẹp với cả New Delhi và Bắc Kinh. Cũng có những cạnh tranh địa chiến lược nhất định, nhưng bao trùm quan hệ Nga - Ấn, Nga - Trung vẫn là cái bắt tay cùng có lợi. Việc Ấn Độ ký thỏa thuận quốc phòng mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga thay vì đặt các mặt hàng tương đương của Mỹ cũng đã thấy triển vọng mối quan hệ này. Chưa hết, cả 3 nước Nga - Trung - Ấn hiện cùng là thành viên và ràng buộc lẫn nhau trong một số cơ chế hợp tác đa phương như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) hay Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS).

Bởi vậy, trong bầu không khí thiện chí của Hội nghị SCO diễn ra tại Moscow, không có lý gì, Trung Quốc và Ấn Độ lại không đạt được một kết quả nào đó với các nỗ lực của Nga. Thực tế, đây cũng là thành quả sau cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh và người đồng cấp Ngụy Phụng Hòa của Trung Quốc mới đây. Xét trên thực tế, dường như cả 2 bên đều không muốn xung đột biên giới giữa hai bên ngày càng nghiêm trọng. Bởi điều này không có lợi cho cả hai nước. Nếu như Trung Quốc còn đang phải bận tâm với cuộc chiến về mọi mặt với Mỹ thì Ấn Độ cũng bận rộn với các chính sách đối ngoại cân bằng mới hiện nay. Trung Quốc còn đang chịu sức ép và chỉ trích của nhiều nước trong khu vực với các hành động của nước này trên biển như quân sự hóa, tăng cường hiện diện tại các vùng biển tranh chấp.

Đó là chưa kể, cả hai nước đặc biệt là Ấn Độ vẫn đang phải ứng với đại dịch Covid-19 đang diễn biến vô cùng phức tạp. Vì thế rõ ràng, cả hai bên đều muốn dẹp bớt một mối lo không đáng có. Còn với Nga, tất nhiên nước này có nhiều động lực để khiến Trung - Ấn phải cùng xuống thang. Đó là nâng cao vai trò, vị thế trong các điểm nóng, mối quan hệ quốc tế, tận dụng các thỏa thuận, hợp đồng kinh tế thương mại với hai nền kinh tế lớn của khu vực...

Bộ ba Nga - Trung - Ấn. Ảnh: Xinhua
Bộ ba Nga - Trung - Ấn. Ảnh: Xinhua

Tảng băng chìm

Theo thỏa thuận 5 điểm vừa đạt được, Ấn Độ và Trung Quốc đã nhất trí duy trì đối thoại và liên lạc thông qua cơ chế Đại diện đặc biệt về vấn đề biên giới. Hai nước cũng tiếp tục tiến hành các cuộc họp trong khuôn khổ Cơ chế tham vấn và điều phối các vấn đề biên giới Trung Quốc - Ấn Độ. Bộ trưởng Ngoại giao hai nước cũng nhất trí đẩy nhanh hoàn tất các biện pháp mới nhằm xây dựng lòng tin lẫn nhau, duy trì và tăng cường hòa bình, an ninh ở khu vực biên giới. Thoạt nhìn, thỏa thuận này có vẻ như đã phá vỡ được bế tắc trong các cuộc đàm phán cấp chỉ huy quân sự hai nước thời gian qua. Nó có thể cũng khiến người ta sẽ sớm quên đi thực tế rằng, vừa mới đây thôi đã xảy ra hàng loạt các cuộc đụng độ nghiêm trọng tại biên giới Trung - Ấn, và hai nước còn điều thêm hàng nghìn binh sĩ đến tăng viện cho các lực lượng đang trấn giữ vùng đất dọc Đường Ranh giới thực tế (LAC).

Nhưng rõ ràng, thỏa thuận là vậy nhưng thực tế có diễn ra như kỳ vọng hay không lại là chuyện khác. Với Ấn Độ, sức ép từ trong nước với tâm lý chống Trung Quốc, đòi hỏi hành động mạnh mẽ đã khiến chính quyền Thủ tướng Ấn Độ Modi khó lòng xuống thang với Trung Quốc thời gian qua. Dù đã đạt thỏa thuận bước đầu nhưng dư luận hẳn nhớ, trong suốt 45 năm qua, hàng loạt thỏa thuận giữa hai bên đã đạt được nhằm duy trì lệnh ngừng bắn dọc theo đường biên giới ở phía Đông khu vực Kashmir, nhưng bầu không khí nơi đây chưa bao giờ hết nóng!

Còn với Trung Quốc, xuống thang với Ấn Độ cũng chẳng khác nào tự hạ vị thế của mình trước đối thủ. Sự cảnh giác cũng âm ỉ khi quan hệ Nga - Ấn vốn có lịch sử lâu đời và tốt đẹp hơn so với quan hệ Moscow - Bắc Kinh. Chưa hết, Ấn Độ còn có mối quan hệ đồng minh với Mỹ, ràng buộc và hỗ trợ nhau trong khuôn khổ nhóm Bộ Tứ: Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ. Mới nhất, giữa lúc căng thẳng với Trung Quốc còn chưa hạ nhiệt, Ấn Độ và Nhật Bản vừa ký hiệp ước hậu cần quốc phòng. Theo đó sẽ hỗ trợ hậu cần cho lực lượng quân đội của nhau trong các hoạt động gìn giữ hòa bình, hoạt động nhân đạo và khi tàu chiến của Ấn Độ và Nhật Bản ghé thăm các cảng của nhau.

Binh lính Trung Quốc - Ấn Độ tại biên giới hai nước. Ảnh: Inventiva
Binh lính Trung Quốc - Ấn Độ tại biên giới hai nước. Ảnh: Inventiva

Giới quan sát bình luận, Bắc Kinh chắc hẳn cũng đang hoài nghi rằng, dù là thỏa thuận hậu cần nhưng cũng ít nhiều cho phép New Delhi và Tokyo linh hoạt hơn trong việc tiếp cận các căn cứ của nhau... Vì thế, trở lại thỏa thuận mới nhất đạt được giữa Trung Quốc và Ấn Độ, đây có thể là một nước cờ nhắm tới một vài đối trọng của các nước này trong đó có Mỹ rằng, Nga - Trung - Ấn đang có những điểm chung đáng kể có thể bắt tay hợp tác. Đây sẽ là kịch bản mà Mỹ không hề mong muốn. Nhưng đồng nghĩa, đây chỉ là bề nổi của tảng băng chìm trong mối quan hệ tay ba với nhiều lợi ích chiến lược riêng. Tất nhiên, cả Trung Quốc và Ấn Độ trước mắt sẽ cố gắng hiện thực hóa thỏa thuận vừa đạt được ở một mức độ nào đó. Thế nhưng, chỉ cần một manh nha xung đột về lợi ích hoặc Nga vì lý do gì đó mà “buông tay”, hẳn nhiên, bầu không khí biên giới Trung - Ấn sẽ lại trở lại nóng bỏng như nó vốn có!

tin mới

Gói viện trợ cứu Kiev khỏi ‘nắng hạn’, hay phương Tây sa lầy vào khủng hoảng ở Ukraine?

Gói viện trợ cứu Kiev khỏi ‘nắng hạn’, hay phương Tây sa lầy vào khủng hoảng ở Ukraine?

(Baonghean.vn) - Hôm nay dự luật viện trợ cho Ukraine được đưa ra bỏ phiếu tại Thượng viện Mỹ, trước khi tổng thống ký thành luật. Liệu gói này có giúp Ukraine thay đổi tình thế hay không, khi nó đến Kiev “chậm trễ”?. Còn với Nga, việc này chỉ làm giàu cho tổ hợp công nghiệp quân sự của Mỹ.

Tổng thống Zelensky cho rằng Ukraine có thể bắt đầu đàm phán với Nga

Ukraine có thể bắt đầu đàm phán với Nga?

(Baonghean.vn) -Theo RIA Novosti, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 22/4 cho biết: "Chúng tôi sẽ chuẩn bị một tài liệu để giải quyết mọi vấn đề trong tầm nhìn của chúng tôi. Và chúng tôi sẽ tìm thời điểm thích hợp để chuyển nó cho đối phương và cùng thảo luận ở Thuỵ Sỹ".

Bản tin quốc tế: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'

Bản tin quốc tế: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'

(Baonghean.vn) - Bản tin quốc tế ngày 22/4 gồm những thông tin: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'; Tư lệnh quân đội Israel phê duyệt kế hoạch tiếp tục cuộc chiến ở Gaza; Iraq phóng tên lửa vào căn cứ quân sự của Mỹ ở Syria; Iran bác tin đàm phán trực tiếp với Mỹ.

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

(Baonghean.vn) - Chuyên gia quân sự Đức Nico Lange - một thành viên cấp cao tại Hội nghị An ninh Munich cho rằng, NATO đã đến lúc phải sửa chữa "sai lầm đắt giá" và thay đổi chiến lược ở Ukraine, NATO nên sử dụng hệ thống phòng không của mình bắn hạ tên lửa Nga ở sườn phía Đông của liên minh.

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

(Baonghean.vn) - Trong một thời gian dài, Nga đã chỉ tập trung vào quá trình phi quân sự hoá và phi phát xít hoá Ukraine. Tuy nhiên, các cuộc đối đầu ngày càng gia tăng ác liệt, và quy mô tàn phá đã cho thấy cách Nga tiếp cận với việc phi công nghiệp hoá Ukraine ngày càng rõ nét.

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Nước Pháp, bất chấp những tuyên bố hung hăng của Tổng thống Emmanuel Macron, không có đủ tiềm lực để tham gia vào cuộc chiến khốc liệt ở Ukraina; thậm chí nước này có thể chỉ có đủ đạn dược trong 2-3 ngày, theo Cyril de Lattre - chuyên gia hàng không, cựu phi công Pháp nói với Sputnik.