Trưng bày di tích nhà cụ Vi Văn Khang tạo điểm nhấn phát triển du lịch miền Tây
(Baonghean.vn) - Nhà cụ Vi Văn Khang được dựng năm 1919 theo kiểu kiến trúc nhà sàn truyền thống của đồng bào Thái đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định công nhận di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia năm 1994.
Ngày 9/5, Hội đồng khoa học ngành VHTT nghe và cho ý kiến đề cương trưng bày Nhà cụ Vi Văn Khang, di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia thuộc dự án “Bảo tồn, tôn tạo di tích nhà cụ Vi Văn Khang ở bản Thái Hòa, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An”.
Nơi đây lưu giữ các tài liệu, hiện vật về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng thời kỳ 1930 - 1931 của cụ Vi Văn Khang, người cộng sản kiên trung, Bí thư chi bộ đầu tiên gắn với quá trình ra đời và hoạt động của Chi bộ Môn Sơn - Lục Dạ, chi bộ Đảng đầu tiên của miền Tây xứ Nghệ.
Trải qua bao biến cố của lịch sử chiến tranh và thời gian, di tích đã được quan tâm tu bổ, tôn tạo 2 lần vào năm 1994 và năm 2009.
Thực hiện Quyết định 5703/QĐ-UBND.CNXD của UBND tỉnh đã phê duyệt “Bảo tồn, tôn tạo di tích nhà cụ Vi Văn Khang ở xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An”, UBND huyện Con Cuông đã triển khai phê duyệt đề cương hạng mục: Sưu tầm hiện vật, tài liệu bổ sung nội thất, nghiên cứu phục hồi các giá trị văn hóa phi vật thể” thuộc dự án này.
Nhà cụ Vi Văn Khang. Ảnh tư liệu: Minh Hạnh |
Sau khi tham vấn các ý kiến của Hội đồng khoa học và các phòng, đơn vị liên quan, theo đó, đã thống nhất tên gọi của hạng mục này nhằm triển khai thuận lợi đồng thời 2 nội dung: Trưng bày nội thất nhà cụ Vi Văn Khang và nhà trưng bày bổ sung di tích.
Nhà cụ Vi Văn Khang sẽ tập trung trưng bày các tư liệu, hiệu vật liên quan đến gia đình, cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của cụ Vi Văn Khang, của Chi bộ Môn Sơn - Lục Dạ…
Nhà trưng bày bổ sung di tích liền kề trong khuôn viên này sẽ trưng bày bổ sung những tư liệu, hiện vật có liên quan đến di tích gốc theo không gian, thời gian, phong tục, tập quán, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể… làm phong phú, nổi bật những bản sắc văn hóa của đồng bào Thái, tinh thần và ý chí của con người và mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, tạo điểm nhấn phát triển du lịch của tỉnh nói chung, của huyện Con Cuông nói riêng.