Trung Quốc bắt đầu “nhập cuộc”

Thanh Huyền 02/05/2018 16:33

(Baonghean) - Ngoại trưởng Trung Quốc đang có chuyến thăm Triều Tiên lần đầu tiên kể từ năm 2007. Trong bối cảnh hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3 vừa diễn ra thành công, Mỹ và Triều Tiên cũng đang chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh trong vòng 3-4 tuần tới, chuyến thăm của Ngoại trưởng Trung Quốc mang nhiều thông điệp tới Bình Nhưỡng.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị thăm Triều Tiên lần đầu tiên kể từ năm 2007. Ảnh: AFP
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị thăm Triều Tiên lần đầu tiên kể từ năm 2007. Ảnh: AFP

Trung - Triều xích lại

Chuyến thăm của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tới Triều Tiên lần này được đánh giá là một quyết định chóng vánh và có phần bất ngờ. Trong hơn 10 năm qua, đây là lần đầu tiên một Ngoại trưởng Trung Quốc thăm Triều Tiên. Trung Quốc vốn là một đồng minh thân thiết của Triều Tiên trong nhiều thập kỷ nhưng mối bang giao này đã rạn nứt nghiêm trọng, nhất là kể từ sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un lên nắm quyền vào năm 2011.

Bình Nhưỡng dường như tìm kiếm con đường “thoát Trung” trong khi Bắc Kinh có vẻ hết kiên nhẫn với các hành động thử tên lửa và hạt nhân của láng giềng và tham gia các lệnh trừng phạt của Liên Hợp quốc.

Các hoạt động ngoại giao song phương vì thế trở nên hiếm hoi và thường dừng ở cấp đặc phái viên của các nhà lãnh đạo hai nước. Gần đây, mối quan hệ này được “tiếp sức” nhờ những động thái ngoại giao cởi mở của Triều Tiên và sự ấm lên trong quan hệ liên Triều với các hoạt động ngoại giao nhộn nhịp. Nói chính xác hơn, hai sự kiện quan trọng là hội nghị thượng đỉnh liên Triều và cuộc gặp dự kiến Mỹ - Triều chính là “cái cớ” để Bắc Kinh và Bình Nhưỡng xích lại gần hơn.

Tháng 3 vừa qua, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thăm Trung Quốc, tạo ra bước ngoặt mới trong quan hệ Trung - Triều. Chuyến thăm này được cho là nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của Trung Quốc trước các sự kiện ngoại giao trọng đại giữa Triều Tiên với Hàn Quốc và Mỹ. Tiếp đà này, chuyến thăm Triều Tiên của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng không nằm ngoài mục đích bàn thảo những vấn đề xung quanh các sự kiện ngoại giao của Triều Tiên đã và sẽ diễn ra.

Trước hết, người đứng đầu Bộ ngoại giao Trung Quốc sẽ được phía Triều Tiên thông báo lại về nội dung chính trong cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều vừa qua và sẽ cùng thảo luận với chính quyền Bình Nhưỡng về cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều sắp tới. Thứ hai, chuyến công du của ông Vương Nghị có thể tạo tiền đề cho chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Triều Tiên theo lời mời của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, dự kiến diễn ra trong năm nay.

Bề ngoài là vậy nhưng chuyến thăm Triều Tiên của Ngoại trưởng Trung Quốc vào thời điểm nhạy cảm hiện nay có thể mang những thông điệp sâu xa khác. Trong suốt hội nghị thượng đỉnh liên Triều cuối tuần trước, Trung Quốc giữ thái độ im lặng. Sau đó, Bộ Ngoại giao nước này chỉ ra thông cáo ngắn “hoan nghênh” kết quả hội nghị và Trung Quốc “sẵn sàng tiếp tục đóng vai trò tích cực”. Có thể hiểu, với Trung Quốc, mối quan hệ liên Triều dù thăng hay trầm cũng không tác động nhiều đến cán cân quyền lực khu vực và an ninh của Bắc Kinh. Điều quốc gia này quan tâm nhất là mối quan hệ Mỹ - Triều Tiên và vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Chuyến thăm Triều Tiên của ông Vương Nghị diễn ra sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Ảnh: Reuters
Chuyến thăm Triều Tiên của ông Vương Nghị diễn ra sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Ảnh: Reuters

Không thể đứng ngoài lề

Không ít nhà quan sát nhận định, trong những cuộc bàn thảo về tương lai bán đảo Triều Tiên gần đây, dường như Trung Quốc đang “đứng ngoài lề”. Nhận định này hẳn là có cơ sở.

Thứ nhất, không thể phủ nhận do lợi ích chung giữa Bình Nhưỡng và Bắc Kinh, quan hệ song phương đã được cải thiện đáng kể. Nhưng Triều Tiên dường như đang hướng đến mối quan hệ cân bằng với các nước lớn chứ không muốn bị phụ thuộc vào bất cứ quốc gia nào. Việc cải thiện quan hệ với Mỹ và Hàn Quốc là minh chứng rõ nhất cho nhận định đó. Ít nhất, về mặt kinh tế, Triều Tiên có thể dễ dàng bù đắp do sự rút lui của Trung Quốc bằng các khoản đầu tư từ Hàn Quốc, Nhật Bản, và Mỹ.

Thứ hai, so với Mỹ và Hàn Quốc, Trung Quốc về cơ bản vẫn đang ngồi trên “băng ghế dự bị” trong các cuộc đàm phán sắp tới liên quan đến tương lai bán đảo Triều Tiên. Điều này thấy rõ khi trong tuyên bố chung Panmunjom hồi tuần trước, Hàn Quốc và Triều Tiên đều nhất trí thúc đẩy các cuộc gặp ba bên, gồm hai miền Triều Tiên và Mỹ để đi đến tuyên bố chấm dứt chiến tranh, thiết lập một nền hòa bình vĩnh viễn. Tuyên bố chỉ nêu khả năng “có thể” về một cuộc họp bốn bên bao gồm cả Trung Quốc. Thêm một chi tiết khác cũng được truyền thông chú ý bởi ngay sau hội nghị thượng đỉnh liên Triều, Tổng thống Hàn Quốc đã lần lượt điện đàm với lãnh đạo Mỹ, Nhật Bản, Nga để thông báo kết quả cuộc họp nhưng đến nay Nhà Xanh vẫn chưa kết nối điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Thứ ba, cũng tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều mới đây, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố sẽ từ bỏ vũ khí hạt nhân nếu Mỹ nhất trí chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên và cam kết không xâm lược nước này. Trước đây, quốc gia này thường đưa ra điều kiện chỉ giải giáp vũ khí hạt nhân một khi Mỹ phải rút quân và sự hiện diện quân sự khỏi Hàn Quốc - điều được Trung Quốc đồng tình. Bắc Kinh từng đề xuất sáng kiến “hai tạm dừng”, trong đó Triều Tiên tạm dừng phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo, còn Mỹ và Hàn Quốc tạm dừng các cuộc tập trận quân sự chung. Rõ ràng, tuyên bố mới nhất của nhà lãnh đạo Kim Jong-un không chỉ thể hiện sự tự chủ về chính sách với Mỹ mà còn cho thấy Bình Nhưỡng đang thay đổi lập trường.

Tình hình này rõ ràng là bất lợi với Bắc Kinh vì cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên có tác động rất lớn đến lợi ích quốc gia của Trung Quốc, bất kể theo hướng nào. Trước những diễn biến thay đổi chóng vánh như vậy, chuyến thăm Triều Tiên lần này của Ngoại trưởng Vương Nghị cho thấy Trung Quốc không muốn bị gạt ra ngoài câu chuyện liên quan đến Triều Tiên và để cho Mỹ làm chủ trên sân nhà. Trung Quốc, một bên tham gia Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) không dễ gì để “vuột mất” vai trò quan trọng trong tuyên bố chấm dứt tình trạng chiến tranh, thiết lập hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo này.

Về mặt khách quan, với vị trí và ảnh hưởng ở Đông Bắc Á cũng như mối quan hệ sẵn có với Triều Tiên, mọi kế hoạch nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đều khó thực hiện nếu thiếu sự hợp tác của Trung Quốc. Vì vậy, Bắc Kinh sẽ tận dụng mọi cơ hội để tác động đến kết quả của hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều sắp tới, đồng thời tìm lại vai trò và ảnh hưởng trong tương lai của bán đảo Triều Tiên.

Mới nhất
x
Trung Quốc bắt đầu “nhập cuộc”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO