Trung Quốc chiêu mộ thành viên Quốc hội Đức làm gián điệp?
(Baonghean.vn) - Tờ báo Sueddeutsche Zeitung của Đức hôm 6/7 đưa tin, các cá nhân quốc tịch Trung Quốc đã liên hệ với một nhà lập pháp phe bảo thủ trong Quốc hội Đức vài lần vào mùa Hè năm 2016, dùng tiền đề nghị ông này trao đổi kiến thức chuyên môn và hiểu biết nội bộ.
Tờ báo khẳng định cơ quan tình báo nội địa Đức Bfv đã cảnh báo nhà lập pháp nói trên không lâu trước khi ông này tới Trung Quốc, rằng các điệp viên tình báo Trung Quốc được cho là đứng sau các liên hệ này. Danh tính của nhà lập pháp trên chưa được xác định.
Ảnh minh họa: Internet |
Sueddeutsche Zeitung cũng đưa tin, trong một trường hợp khác, một nhân viên làm việc cho một nhà lập pháp đã được trả 10.000 euro để cung cấp thông tin, và cũng đi tới Trung Quốc, nơi ông này bị gây sức ép.
Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc đang hối thúc Liên minh châu Âu (EU) ra tuyên bố chung mạnh mẽ đáp trả các chính sách thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại một hội nghị thượng đỉnh vào cuối tháng này, và kiến tạo quan hệ liên minh giữa EU và Trung Quốc.
Bắc Kinh cũng đề nghị mở cửa thêm thị trường Trung Quốc với thương mại từ EU trong một cử chỉ thể hiện thiện chí, phản ánh quan ngại sâu sắc của nước này về cuộc chiến thương mại với Mỹ, khi Trump tuyên bố áp thuế đánh vào hàng tỷ USD hàng hóa nhập từ Trung Quốc vào ngày 6/7.
Châu Âu, lo ngại về việc duy trì các quan hệ lịch sử khăng khít với Mỹ, đã từ chối các đề xuất của Trung Quốc.
EU cũng đang tìm cách thông qua quy định cho phép xem xét kỹ lưỡng hơn việc Trung Quốc tiếp quản các công ty châu Âu.
Phát biểu tại Bắc Kinh hôm 6/7 tại cuộc họp báo thường nhật, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng khẳng định ông chưa được nghe và chưa có thông tin gì về vấn đề trên.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường sắp sửa có chuyến thăm Đức vào tuần tới để dự các cuộc gặp với Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Hồi tháng 4, Hans-Georg Maassen, người đứng Bfv, đã kêu gọi nêu cao cảnh giác trước các động thái của các công ty Trung Quốc đầu tư vào hoặc mua lại các công ty công nghệ cao của Đức, cảnh báo việc để mất các công nghệ chủ chốt có thể gây tổn hại cho nền kinh tế Đức.
Cơ quan này vào năm ngoái cũng khẳng định tình báo Trung Quốc sử dụng hồ sơ giả trên các trang mạng xã hội chẳng hạn như LinkedIn để thu thập thông tin cá nhân về các quan chức và chính khách Đức.