Trung Quốc muốn gì từ thượng đỉnh Mỹ - Triều?

Lan Hạ ((Theo LA Times))

Theo dõi Báo Nghệ An trên Google News
(Baonghean.vn) - Trong những ồn ào xung quanh hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều, Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un rõ ràng là những nhân vật được dư luận chú ý nhiều nhất.

Tuy nhiên, Trung Quốc cũng là một nhân tố đặc biệt quan trọng, và thậm chí còn có thể góp phần tác động tới kết quả của cuộc gặp được xem là lịch sử này.

Sự hòa giải giữa hai đồng minh 

Mãi tới tận gần đây, Bắc Kinh dường như vẫn cùng chung lo ngại với Washington về các vụ thử tên lửa đạn đạo và hạt nhân với sức công phá ngày càng lớn của Bình Nhưỡng.

Cùng các nghị quyết của Liên Hợp quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình bắt đầu gây sức ép với Triều Tiên bằng một loạt đòn trừng phạt kinh tế cứng rắn nhất từ trước tới nay.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau hai lần trong mùa Xuân này. Ảnh: Getty
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau hai lần trong mùa Xuân này. Ảnh: Getty
Tuy nhiên, vào tháng 3/2018, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ chấp nhận lời mời gặp gỡ của ông Kim Jong-un, thái độ của ông Tập Cận Bình đã ngay lập tức thay đổi và khiến Washington không khỏi cảnh giác.

Thay vì tiếp tục gia tăng sức ép, Tập Cận Bình đã mời nhà lãnh đạo trẻ tuổi của Bình Nhưỡng tới Bắc Kinh lần đầu tiên kể từ khi nhân vật này lên nắm quyền vào năm 2011.

Chuyến đi được dư luận xem là phản ánh một sự hòa giải giữa hai đồng minh vốn tồn tại nhiều rạn nứt. Những người vẫn còn hoài nghi về sự ấm lên trong quan hệ Trung-Triều hẳn đã rất ngạc nhiên khi Tập Cận Bình và Kim Jong-un lại bất ngờ có cuộc gặp lần thứ hai vào đầu tháng 5 vừa qua tại vùng Đông Bắc Trung Quốc.

Các bức ảnh được giới chức công bố cho thấy hai nhà lãnh đạo đã cùng nhau tản bộ và có tin cho biết Trung Quốc đã nới lỏng các hạn chế để thúc đẩy thương mại xuyên biên giới. 

Trump tuyên bố ông hoàn toàn bất ngờ về cuộc gặp thứ hai của lãnh đạo Trung - Triều, và cảnh báo Tập Cận Bình “có thể tác động” đến Kim Jong-un để đưa ra những yêu cầu của mình.

Trump đã gặp và nói chuyện với nhà lãnh đạo Trung Quốc nhiều lần, bởi vậy có ý kiến cho rằng Kim Jong-un có thể muốn tìm kiếm những lời khuyên và kinh nghiệm của Tập Cận Bình về cách đàm phán với nhà lãnh đạo bốc đồng và nóng nảy của nước Mỹ.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều có vẻ như đã quay trở lại lộ trình dự kiến diễn ra vào ngày 12/6 tới. Trong bối cảnh ấy, vai trò ngày càng lớn của Trung Quốc có ý nghĩa quyết định trong tiến trình ngoại giao về phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.

 Trung Quốc và các kịch bản cho quan hệ Mỹ - Triều

Giới phân tích đã nêu lên một số lý do dẫn đến những thay đổi trong chính sách của Tập Cận Bình và tác động của chúng đối với Washington.

Trong ngắn hạn, giới lãnh đạo Trung Quốc lo ngại rằng họ có thể bị gạt ra ngoài lề trong khi Triều Tiên và Mỹ có thể sẽ thúc đẩy một thỏa thuận thay đổi đáng kể hiện trạng chiến lược tại khu vực nằm sát biên giới Trung Quốc.

Điều này, nếu thực sự diễn ra, sẽ càng củng cố vị thế của Washington trong các tranh cãi thương mại đang khiến quan hệ giữa Mỹ và nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trở nên căng thẳng.

 Mỹ lo ngại khi Trung-Triều xích lại gần nhau. Ảnh: AP
Mỹ lo ngại khi Trung-Triều xích lại gần nhau. Ảnh: AP
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hơn đối với các nhà lập pháp Mỹ là Trung Quốc có thể sẽ cho rằng mọi thỏa thuận giải giáp hạt nhân đều đòi hỏi Mỹ phải có những nhượng bộ nhất định, nhiều khả năng là yêu cầu Mỹ hạn chế các hoạt động quân sự tại bán đảo Triều Tiên và trong toàn châu Á nói chung.

Mọi kế hoạch thu hẹp ảnh hưởng và quyền lực của Mỹ tại Tây Thái Bình Dương - chẳng hạn như giảm một phần hoặc rút toàn bộ 30.000 binh sỹ tại Hàn Quốc hoặc đưa các hệ thống phòng thủ tên lửa ra khỏi khu vực - đều sẽ củng cố đáng kể quyền lực cho Trung Quốc.

Tập Cận Bình có vẻ như đã đạt được mục tiêu trong ngắn hạn. Bằng việc thân thiện với Kim Jong-un, dù là miễn cưỡng, Tập Cận Bình đã tái khẳng định vai trò không thể thiếu của Trung Quốc trong việc đàm phán về mọi diễn biến địa chính trị châu Á.

Về phần mình, Kim Jong-un đã tận dụng cơ hội gặp gỡ Trump để cải thiện quan hệ với Trung Quốc, hoặc ít nhất là đưa hai bên trở về mối quan hệ đối tác kinh tế chiến lược không mấy toàn vẹn như trong suốt 7 thập kỷ qua.

Đúng như giới phân tích Trung Quốc nhìn nhận, thực tế một hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều thành công sẽ có lợi cho Trung Quốc. Và dù Donald Trump có nghĩ gì đi chăng nữa, nhiều người cho rằng Tập Cận Bình sẽ không đóng vai “kẻ phá hoại”.

“Một Triều Tiên bình thường và cởi mở hơn là mục tiêu chiến lược quan trọng hơn của Trung Quốc. Mọi kết quả tích cực của hội nghị đều sẽ là tin tức tốt đối với Bắc Kinh”.

Tống Đào - chuyên gia về Triều Tiên, Trung tâm Thanh Hoa về Chính sách Toàn cầu tại Bắc Kinh

Mọi ý kiến đều cho rằng “thảm họa” là khi hội nghị thất bại và Mỹ tấn công phủ đầu vào các hạ tầng hạt nhân của Triều Tiên.
Tuy nhiên, từ góc độ của Trung Quốc, điều tồi tệ nhất có thể sẽ là một thỏa thuận giải giáp hạt nhân từng bước không hề tính đến các lợi ích chiến lược của Trung Quốc, cụ thể là đi kèm với các yêu cầu buộc Mỹ giảm quân số trong khu vực. Dù vậy, không nhiều người cho rằng kịch bản này sẽ xảy ra.

Giáo sư quan hệ quốc tế David Kang, hiện làm việc tại Đại học Nam California, cho rằng kết quả khả thi nhất của thượng đỉnh Mỹ-Triều sẽ là một thỏa thuận dài hạn đòi hỏi hai bên có những nhượng bộ và trao đổi tương xứng.

Chắc chắn, có những người tại Trung Quốc lo ngại việc Bình Nhưỡng hướng về phía Mỹ là cách để cân bằng mối quan hệ giữa các cường quốc, cách mà nhiều quốc gia đã làm.

Một số người thậm chí còn nhắc đến tương lai xa hơn khi hai miền Nam-Bắc trên bán đảo Triều Tiên tái thống nhất, trở thành một đồng minh mạnh mẽ của Mỹ, tương tự những gì từng diễn ra giữa Đông Đức và Tây Đức sau Chiến tranh Lạnh.

Trong khi đó, Trung Quốc “thà sống với một quốc gia bị cô lập và sở hữu vũ khí hạt nhân” hơn là để kịch bản này trở thành sự thật./.

tin mới

 Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực nếu Tel Aviv đáp trả

Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực giữa Iran - Israel nếu Tel Aviv đáp trả vụ tấn công 13/4

(Baonghean.vn) - Bình luận về khả năng có một cuộc chiến tổng lực và toàn diện giữa Iran - Israel sau sự kiện 13/4, PGS.TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an cho rằng, cuộc chiến sẽ bùng lên nếu Israel có các hành động đáp trả vào các căn cứ của Iran.

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

(Baonghean.vn) - Lần đầu tiên kể từ năm 1945, Đức đưa vài nghìn binh lính tiến sát tới biên giới Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Đức gọi những gì đang diễn ra là “một ngày tuyệt vời đối với Quân đội Đức”. Lữ đoàn Đức này đi đâu, và sẽ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng nào đối với lợi ích của Nga?

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

(Baonghean.vn) - Cựu Giám đốc Tổng cục An ninh Đối ngoại Pháp Alain Jouillet cho biết, nếu Nga và Ukraine không thể đạt được thỏa thuận trong những tháng tới, do áp lực từ các thế lực bên ngoài, thì một thỏa thuận ngừng bắn sẽ đạt được sau khi ông Donald Trump trở lại nắm quyền.

Cựu chuyên gia Lầu Năm Góc: Phương Tây 'đánh mất' sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao cho Tổng thống Zelensky

Cựu chuyên gia Lầu Năm Góc: Phương Tây 'đánh mất' sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao cho Tổng thống Zelensky

(Baonghean.vn) - Cựu chuyên gia phân tích của Lầu Năm Góc, Trung úy Không quân Mỹ đã nghỉ hưu Karen Kwiatkowski cho rằng, phương Tây đã đánh mất sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao phó cho Tổng thống Volodymyr Zelensky trong cuộc bầu cử tổng thống 5 năm trước đó. 

Israel chuẩn bị cho kịch bản ở các khu vực khác ngoài Gaza

Israel chuẩn bị cho kịch bản ở các khu vực khác ngoài Gaza

(Baonghean.vn) - Israel đang tiếp tục cuộc chiến ở Gaza nhưng cũng đang chuẩn bị cho kịch bản ở các khu vực khác, Thủ tướng Benjamin Netanyahu cho biết ngày 11/4, trong bối cảnh lo ngại rằng Iran đang chuẩn bị tấn công Israel để đáp trả việc sát hại các chỉ huy cấp cao của Iran.