Trung Quốc phải gánh hệ lụy sau phán quyết của PCA

Ngày 12/7 tới đây, Tòa trọng tài thường trực của Liên Hợp Quốc (PCA) sẽ đưa ra phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với "đường lưỡi bò" của Trung Quốc, bao trọn gần như cả Biển Đông.

Người dân Philippines kêu gọi Trung Quốc tôn trọng UNCLOS và phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (Nguồn: AFP)
Người dân Philippines kêu gọi Trung Quốc tôn trọng UNCLOS và phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (Nguồn: AFP)

Trang VietnamPlus đã giới thiệu bài viết của tạp chí uy tín National Interrest, đề cập đến những hệ lụy có thể xảy ra khi tòa đưa ra phán quyết.

Điều gì khiến các quốc gia tuân theo những phán quyết dựa trên luật pháp quốc tế? Trong lý luận quan hệ quốc tế có hai trường phái với quan điểm khác nhau về vấn đề này.

Những người theo chủ nghĩa thực dụng (rationalism) tin rằng quốc gia có lựa chọn chấp nhận các phán quyết hay không phụ thuộc vào nỗi sợ hãi bị trừng phạt hay các hình thức cấm vận quốc tế khác.

Trong khi đó, những người theo chủ nghĩa kiến tạo (constructivism) lại tin rằng các quốc gia tuân theo pháp luật quốc tế vì họ muốn tuân thủ các quy tắc và pháp luật hiện hành, để không làm hoen ố uy tín của mình nếu bất chấp các phán quyết đó.

Phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague trong tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc về các thực thể trên biển Đông sắp tới có thể là một trong những phán quyết với những hệ quả lớn và lâu dài nhất trong lịch sử PCA.

Trung Quốc và các nước khác sẽ phản ứng lại ra sao cũng sẽ có ý nghĩa rất quan trọng với các nhà lý thuyết quan hệ quốc tế và luật quốc tế trên phương diện tuân thủ các giá trị của luật hàng hải quốc tế, trong trường hợp này là Công ước quốc tế của Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS). 

Bối cảnh

Philippines tìm kiếm một tuyên bố từ tòa, đầu tiên và quan trọng nhất, là quyền và trách nhiệm tương ứng của cả hai nước với vùng biển, đáy biển, và các thực thể trên biển ở biển Đông được quy định theo UNCLOS và tuyên bố của Trung Quốc dựa trên “các quyền lịch sử,” tức đường chín đoạn của nước này, là không phù hợp với công ước và do đó không có giá trị.

Thứ hai, Philippines muốn xác định một số thực thể cụ thể mà cả hai nước tuyên bố chủ quyền được gọi tên chính xác ra sao, “đảo”, “đảo đá”, hay “bãi cạn” (những bãi chỉ nổi lên khi thủy triều rút: low tide elevations, hay LTE”).

Việc gọi tên này rất quan trọng vì nếu được định nghĩa là “đảo” theo công ước, chúng có thể kèm theo một vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) hay các quyền với khu vực thềm lục địa.

Tuy nhiên, nếu được định nghĩa là “đảo đá”, chúng sẽ chỉ có chủ quyền trong phạm vi 12 hải lý. Nếu là LTE, thì không có chủ quyền gì cả.

Hầu hết các thực thể mà Trung Quốc hiện chiếm đóng là những “đảo đá” và “LTE”, tức tối đa họ cũng chỉ có chủ quyền trong phạm vi 12 hải lý kể từ đó. Tòa nhiều khả năng sẽ tuyên các hoạt động bồi đắp của Trung Quốc thời gian qua không thể làm thay đổi bản chất pháp lý của các thực thể đó. Nếu tòa khẳng định không thực thể nào được tuyên bố EEZ, phán quyết sẽ tước bỏ hầu hết tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông.

Và thứ ba, Philippines muốn một tuyên bố nói Trung Quốc đã vi phạm UNCLOS khi ngăn chặn ngư dân Philippines kiếm sống bằng nghề đánh cá ở bãi cạn Scarborough, gây tổn hại cho môi trường biển bên trong vùng chủ quyền của Philippines, và tiến hành “những hoạt động nguy hiểm” nhắm vào ngư dân Philippines bằng các tàu bán quân sự.

Trung Quốc đã từ chối tham gia phiên tòa và đăng một “tuyên bố lập trường” giải thích lý do không tham dự quá trình tố tụng cũng như khẳng định lại “quyền lịch sử” với các thực thể ở biển Đông.

Tuy nhiên, PCA đã nói rõ “sự vắng mặt hay không chịu tranh biện cho quyền lợi của mình của một bên không thể là lý do cản trở quy trình tố tụng,” có nghĩa là Trung Quốc vẫn là một bên của tòa trọng tài và chịu sự ràng buộc của bất kỳ phán quyết nào từ tòa.

Phải nhấn mạnh rằng PCA sẽ không đưa ra bất kỳ phán quyết nào về chủ quyền ở biển Đông (phân xử xem nước nào có chủ quyền ở đâu) hay thiết lập các ranh giới trên biển (của các vùng chồng lấn).

Về việc tài phán chủ quyền, PCA không có thẩm quyền. Về việc xác lập ranh giới, Trung Quốc trước đó đã nói rõ họ rút khỏi việc phân xử kèm theo nghĩa vụ bắt buộc trong hàng loạt vấn đề tranh chấp trên biển, bao gồm định ranh giới trên biển, khi nước này kích hoạt điều 298 của UNCLOS.

Phản ứng của Trung Quốc

Sau phán quyết, giả sử là theo hướng có lợi cho Philippines trong hầu hết các vấn đề như nhiều người tiên đoán, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ mở một chiến dịch toàn diện để lên án phán quyết của PCA là không có giá trị và tuyên bố Trung Quốc không tuân theo. Trung Quốc cũng được chờ đợi sẽ huy động thật nhiều nước ủng hộ lập trường của họ chống lại một phán quyết dàn xếp tranh chấp có tính bắt buộc (và thực ra đã làm rồi).

Nhưng những hành động khác của Trung Quốc sau đó khó đoán hơn. Phản ứng khó có khả năng xảy ra nhất là Trung Quốc giảm dần việc leo thang các hành động và tuyên bố. Trong kịch bản này, Trung Quốc sẽ chùn bước trước khả năng bị tổn hại uy tín trước quốc tế và muốn bày tỏ với thế giới thấy họ muốn tuân thủ các quy chuẩn quốc tế về hành vi và luật lệ của UNCLOS.

Một kịch bản nhiều khả năng hơn là Trung Quốc sẽ có hành động hung hăng hơn để áp đặt các tuyên bố chủ quyền. Điều này bao gồm tuyên bố một Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở biển Đông, giống như ADIZ ở Hoa Đông năm 2013.

Trung Quốc cũng có thể tiếp tục hoặc bắt đầu bồi đắp mới các thực thể trên biển mà họ đang kiểm soát, bao gồm bãi cạn Scarborough. Trung Quốc đã chiếm bãi cạn này năm 2012, là thực thể do Trung Quốc chiếm giữ ở gần Philippines nhất.

Trung Quốc cũng có thể đẩy nhanh quá trình tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho những tranh chấp ở biển Đông. Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tiếp cận với tổng thống vừa tuyên thệ nhậm chức của Philippines, Rodrigo Duterte, để mời gọi ông mở thương lượng song phương về tranh chấp.

Trung Quốc tiến hành tập trận tại Biển Đông tháng 5/2016 (Nguồn: AFP)
Trung Quốc tiến hành tập trận tại Biển Đông tháng 5/2016 (Nguồn: AFP)

Trung Quốc cũng có thể gia tăng thêm ảnh hưởng ở ASEAN để cản trở việc khối này nhất trí được với nhau về việc gây áp lực buộc Trung Quốc thay đổi hành vi. Trung Quốc thậm chí có thể nhất trí về một Bộ quy tắc ứng xử với ASEAN để hạ nhiệt nỗi lo sợ về Trung Quốc ở khu vực này, nhưng chỉ nếu văn bản đó không trói tay Trung Quốc.

Cuối cùng, nếu phán quyết có thể ngăn chặn sự giải thích theo kiểu chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc ở các đảo đá và LTE tại biển Đông, các nước khác cũng có thể sẽ kiện Trung Quốc ra PCA theo gương Philippines.

Mỹ sẽ phản ứng ra sao

Một phản ứng có lợi cho Philippines sẽ cho Mỹ có thêm cơ sở pháp lý và sự chính danh để đáp lại những hành vi áp đặt ở biển Đông và chèn ép Philippines của Trung Quốc. Là một nước đồng minh có hiệp ước, Mỹ có cơ sở pháp lý quốc tế vững chắc để đáp lại những xâm phạm với chủ quyền trên biển của Philippines.

Hai thực thể trên biển nằm trong EEZ của Philippines có thể là mục tiêu để Mỹ can thiệp sâu hơn là bãi cạn Scarborough và Shoal và Reed Bank, một vùng mặt biển cạn bằng phẳng rộng lớn. Nếu Trung Quốc can thiệp vào các hoạt động thăm dò dầu khí của Philippines ở Reed Bank chẳng hạn, Mỹ có thể cửa hải quân tới bảo vệ các dàn khoan.

Tương tự, với Scarborough, Mỹ có thể đáp lại các sự cố quấy rối tàu đánh cá của Philippines từ phía Trung Quốc. Tất nhiên, những hoạt động như thế tiềm ẩn rủi ro, và cần phải được tiến hành một cách thận trọng với những quy định rõ ràng về sự tham gia của quân đội Philippines và Mỹ.

Kết luận

Việc Trung Quốc có thể phải trả một cái giá về mặt chính trị khi phớt lờ phán quyết của PCA hay không phụ thuộc lớn vào việc các nước khác đáp lại ra sao sau khi tòa tuyên án.

Những tuyên bố công khai ủng hộ tầm quan trọng của việc phải tuân thủ pháp luật của các quốc gia-nhà nước từ Mỹ, châu Âu và Liên Hợp Quốc sẽ gửi đi một thông điệp quan trọng cho Bắc Kinh.

Nếu Trung Quốc quyết định bỏ qua phán quyết như dự kiến, nước này có thể bị đánh giá là một cường quốc đang nổi lên nhưng lại không tôn trọng các tiêu chuẩn quốc tế và nguyên tắc pháp luật.

Sự coi thường đó sẽ là mối quan ngại lớn với nhiều nước muốn các đại dương và vùng biển được quản trị theo UNCLOS, chứ không phải bằng vũ lực.

Nếu Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh sự hiện diện của họ ở vùng này bằng cách xây thêm các cơ sở, đường băng và triển khai khí tài, trách nhiệm cuối cùng thuộc về Mỹ và các quốc gia trong khu vực đáp lại ra sao trên các phương diện ngoại giao, kinh tế, và quân sự.

Theo VIETNAM+

tin mới

Tổng thống Zelensky cho rằng Ukraine có thể bắt đầu đàm phán với Nga

Ukraine có thể bắt đầu đàm phán với Nga?

(Baonghean.vn) -Theo RIA Novosti, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 22/4 cho biết: "Chúng tôi sẽ chuẩn bị một tài liệu để giải quyết mọi vấn đề trong tầm nhìn của chúng tôi. Và chúng tôi sẽ tìm thời điểm thích hợp để chuyển nó cho đối phương và cùng thảo luận ở Thuỵ Sỹ".

Bản tin quốc tế: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'

Bản tin quốc tế: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'

(Baonghean.vn) - Bản tin quốc tế ngày 22/4 gồm những thông tin: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'; Tư lệnh quân đội Israel phê duyệt kế hoạch tiếp tục cuộc chiến ở Gaza; Iraq phóng tên lửa vào căn cứ quân sự của Mỹ ở Syria; Iran bác tin đàm phán trực tiếp với Mỹ.

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

(Baonghean.vn) - Chuyên gia quân sự Đức Nico Lange - một thành viên cấp cao tại Hội nghị An ninh Munich cho rằng, NATO đã đến lúc phải sửa chữa "sai lầm đắt giá" và thay đổi chiến lược ở Ukraine, NATO nên sử dụng hệ thống phòng không của mình bắn hạ tên lửa Nga ở sườn phía Đông của liên minh.

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

(Baonghean.vn) - Trong một thời gian dài, Nga đã chỉ tập trung vào quá trình phi quân sự hoá và phi phát xít hoá Ukraine. Tuy nhiên, các cuộc đối đầu ngày càng gia tăng ác liệt, và quy mô tàn phá đã cho thấy cách Nga tiếp cận với việc phi công nghiệp hoá Ukraine ngày càng rõ nét.

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Nước Pháp, bất chấp những tuyên bố hung hăng của Tổng thống Emmanuel Macron, không có đủ tiềm lực để tham gia vào cuộc chiến khốc liệt ở Ukraina; thậm chí nước này có thể chỉ có đủ đạn dược trong 2-3 ngày, theo Cyril de Lattre - chuyên gia hàng không, cựu phi công Pháp nói với Sputnik.