Trung Quốc 'tê liệt' vì Corona, con virus khoét sâu 'lỗ hổng' hàng Việt

Vietnamnet.vn 06/02/2020 08:04

Dịch viêm phổi cấp do virus Corona làm lộ ra những khó khăn khi doanh nghiệp Việt quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc ở cả hai chiều “xuất - nhập”.

Khó khăn cả hai chiều “xuất - nhập”

Những ngày qua, các mặt hàng nông sản của Việt Nam rớt giá vì không đưa được hàng vào Trung Quốc do dịch viêm phổi cấp. Hàng vạn tấn thanh long, dưa hấu, thủy sản,... ế ẩm. Đơn cử như sầu riêng, trước Tết giá đạt 70.000 đồng/kg, nay chỉ còn 40.000 đồng/kg; thanh long chỉ còn 3.000 - 4.000 đồng/kg, cá biệt có nơi giá dưa hấu chỉ còn 1.000 đồng/kg.

Báo cáo của Bộ Công Thương cũng như Bộ NN-PTNT chỉ ra thực tế đáng quan ngại. Theo dự báo của Bộ Công Thương, hoạt động xuất nhập khẩu không tránh khỏi ảnh hưởng tiêu cực trong ngắn hạn và trung hạn với khoảng thời gian có thể từ 6 đến 8 tháng.

Dưa hấu lâm cảnh ế ẩm, chờ giải cứu. Ảnh: Internet

Trong đó, nhu cầu tiêu thụ giảm do các chuỗi cửa hàng ở Trung Quốc đóng cửa. Cụ thể, chuỗi Starbucks Trung Quốc đóng cửa hàng ngàn cửa hàng, ảnh hưởng tiêu thụ cà phê; chuỗi McDonald đóng cửa hàng trăm cửa hàng, ảnh hưởng tiêu thụ cá philê; các nhà hàng, chuỗi ẩm thực vắng khách dẫn đến giảm nhu cầu đối với thủy sản...

Bên cạnh đó, chợ biên giới mở chậm hơn thường lệ, trước mắt là đóng đến ngày 8/2 khiến trao đổi cư dân bị gián đoạn trong khi đây vẫn là hình thức trao đổi quan trọng đối với một số nông sản của ta, nhất là trái cây.

Còn khách mua Trung Quốc cũng không sang được Việt Nam như thường lệ nên không có đơn hàng mới mặc dù một số chủng loại trái cây đã vào vụ.

Đối với ngành thủy sản, ông Nguyễn Hoài Nam (Phó tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam), cho biết: Hiện nay, chưa có việc hủy đơn với mặt hàng thủy sản do dịch cúm do virus Corona nhưng đã xảy ra chậm đơn hàng, điều chỉnh đơn hàng. Các đối tác hứa ngày 16/2 mới bắt đầu nhận hàng. Khó khăn trước mắt là một số hãng tàu biển lớn ngưng nhận các container hàng chở đi Trung Quốc. Các khách hàng lớn Nhật Bản đề nghị không đưa hàng qua Trung Quốc.

Đó là việc xuất khẩu. Còn việc nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ các ngành sản xuất trong nước cũng có thể gặp rắc rối không kém.

Do Trung Quốc kéo dài kỳ nghỉ Tết bởi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều nhà máy chưa làm việc, nên hoạt động cung ứng nguyên vật liệu cho các khách hàng ở Việt Nam cũng có nguy cơ bị gián đoạn.

Dệt may, da giày, điện tử,... là một trong những ngành nhập nhiều nguyên vật liệu từ Trung Quốc. Do đó, nếu nguồn hàng dự trữ mà cạn kiệt, các doanh nghiệp có thể sẽ gặp khó trong việc sản xuất kinh doanh.

Đơn cử mặt hàng đang rất “hot” là khẩu trang y tế. Nguyên liệu quan trọng nhất như vải lọc kháng khuẩn và than hoạt tính hiện trong nước chưa sản xuất thường phải nhập khẩu từ Trung Quốc, nhưng việc Trung Quốc hạn chế xuất khẩu trang thiết bị, nguyên vật liệu đã khiến việc sản xuất khẩu trang đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu. Nhiều doanh nghiệp đang phải chật vật tìm nguồn hàng từ các nước khác, nhưng không dễ.

Rủi ro lớn

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy xuất, nhập khẩu vào Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu thương mại Việt Nam.

Năm 2019, xuất khẩu của Việt Nam đạt hơn 264 tỷ USD thì có tới trên 41 tỷ USD là sang Trung Quốc, chỉ đứng sau xuất khẩu vào thị trường Mỹ (hơn 61 tỷ USD). Riêng nông sản, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam trong năm 2019 với 5,92 tỷ USD, dù có giảm 7,4% so với năm 2018 (do ảnh hưởng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung).

Còn soi kỹ các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ thấy mức độ quan hệ qua lại rất lớn. Theo Tổng cục Hải quan, năm 2019 Việt Nam nhập khẩu hơn 253 tỷ USD, thì có tới hơn 75 tỷ USD là nhập từ Trung Quốc.

Đặc biệt là với nguyên liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp của Việt Nam, ví dụ, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng nhập khẩu trong năm 2019 có xuất xứ Trung Quốc đứng vị trí số 1 với kim ngạch nhập khẩu đạt 14,9 tỷ USD, tăng 28%.

Nhóm mặt hàng nguyên phụ liệu dệt may, da, giày (bao gồm: bông, xơ sợi dệt, vải các loại, nguyên phụ liệu dệt, may, da, giầy) nhập khẩu về Việt Nam năm 2019 chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc với trị giá 11,52 tỷ USD.

Việt Nam cũng nhập khẩu chất dẻo nguyên liệu và sản phẩm trong năm 2019 chủ yếu từ Trung Quốc, với kim ngạch đạt 3,99 tỷ USD, tăng tới 25,1% so với năm 2018.

Trong năm 2019, Trung Quốc và Hàn Quốc vẫn là hai thị trường chính cung cấp điện thoại các loại và linh kiện cho Việt Nam với tổng trị giá đạt 13,5 tỷ USD, chiếm 92,4% tổng trị giá nhập khẩu của nhóm hàng này. Trong đó từ Trung Quốc là 7,58 tỷ USD.

Năm 2019, Trung Quốc tiếp tục là thị trường cung cấp sắt thép các loại; hóa chất và sản phẩm lớn nhất vào Việt Nam...

Hiện nay, Việt Nam đã ký kết 13 hiệp định thương mại tự do nhằm mở rộng thị trường giao thương. Tuy nhiên, việc tận dụng cơ hội từ các hiệp định này vẫn chưa được như ý. Các bạn hàng của Việt Nam đến nay vẫn là những “gương mặt thân quen” như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, một số nước EU,... Việc tiếp cận các thị trường mới dù được nỗ lực thúc đẩy song vẫn còn đang ở dạng “tiềm năng”.

Việc phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc cho thấy các ngành hàng sẽ rất dễ bị “tổn thương” khi nền kinh tế này “hắt hơi, sổ mũi”. Dịch viêm phổi cấp do virut Corona gây ra như đã phân tích ở trên là ví dụ.

Mới nhất

x
Trung Quốc 'tê liệt' vì Corona, con virus khoét sâu 'lỗ hổng' hàng Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO