Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới phóng vệ tinh thử nghiệm công nghệ 6G

Phan Văn Hoà (Theo Rcrwireless, Techwireasia) 19/02/2024 15:46

(Baonghean.vn) - Trong một tuyên bố mới đây, nhà mạng di động lớn nhất thế giới tính theo số thuê bao China Mobile của Trung Quốc cho biết, họ đã phóng thành công vệ tinh đầu tiên trên thế giới nhằm thử nghiệm kiến trúc mạng 6G. 

Trong khi một số nơi trên thế giới đang tận hưởng lợi ích của kết nối 5G, Trung Quốc không hề lãng phí thời gian để phát triển thế hệ công nghệ di động tiếp theo, 6G. Được kỳ vọng sẽ nhanh hơn nhiều so với 5G, 6G sẽ hỗ trợ các ứng dụng vượt xa các kịch bản sử dụng di động hiện tại, bao gồm truyền thông tức thời, trí tuệ nhân tạo phổ biến và Internet vạn vật (IoT). Mạng 6G có thể sẽ hoạt động trên phổ tần số vô tuyến cao hơn, cung cấp nhiều băng thông hơn và độ trễ cỡ microgiây.

Công nghệ mạng 6G hiện tại chưa có các định nghĩa rõ ràng và cũng chưa được các tổ chức quốc tế phê chuẩn để trở thành công nghệ di động chính thức. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều quốc gia và các tổ chức trên thế giới đã lên kế hoạch đầu tư, nghiên cứu và phát triển công nghệ mới này.

Trung Quốc thúc đẩy nghiên cứu và phát triển 6G như thế nào?

Báo cáo cho biết vụ phóng vệ tinh này đánh dấu một bước tiến mới trong nỗ lực của nhà mạng nhằm khám phá công nghệ truyền thông tích hợp giữa mặt đất và không gian.

Vệ tinh thử nghiệm trên quỹ đạo Trái Đất tầm thấp (LEO) này sở hữu kiến trúc phân tán tự chủ dành cho 6G, được phát triển chung bởi nhà mạng China Mobile và Viện Cải tiến nghiên cứu vệ tinh nhỏ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc. Hệ thống này sử dụng phần mềm và phần cứng trong nước, hỗ trợ việc tái cấu trúc phần mềm trên quỹ đạo, triển khai linh hoạt các chức năng mạng lõi và quản lý tự động, giúp nâng cao hiệu quả và độ tin cậy của hoạt động mạng lõi vệ tinh trên quỹ đạo.

Báo cáo cũng lưu ý rằng vệ tinh được đặt ở độ cao quỹ đạo khoảng 500 km. Các vệ tinh thử nghiệm này có lợi thế về độ trễ thấp và tốc độ truyền dữ liệu cao hơn so với vệ tinh trên quỹ đạo tầm cao.

Nhà mạng China Mobile cũng cho biết họ có kế hoạch tiến hành các thí nghiệm trên quỹ đạo dựa trên các vệ tinh thử nghiệm này, nhằm thúc đẩy quá trình tích hợp và phát triển của ngành công nghiệp công nghệ không gian-mặt đất.

Trong một chia sẻ gần đây, ông Vương Chí Cường - người đứng đầu nhóm thúc đẩy 6G của Trung Quốc và Phó Chủ tịch Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông Trung Quốc cho biết, Trung Quốc đặt mục tiêu sẽ thương mại hóa công nghệ 6G vào năm 2030 và dự kiến việc chuẩn hóa công nghệ này sẽ hoàn thành vào khoảng năm 2025.

Ông Vương lưu ý rằng, Trung Quốc đã bắt đầu thử nghiệm công nghệ 6G vào năm 2022 và đã tiến hành nghiên cứu về kiến trúc hệ thống 6G và các giải pháp kỹ thuật trong năm 2023.

Cũng theo ông Vương, nghiên cứu liên quan đến 6G đã mở ra những kịch bản ứng dụng mới, bao gồm kết hợp truyền thông và độ nhạy; kết hợp truyền thông với trí tuệ nhân tạo và Internet vạn vật (IoT) quy mô lớn dựa trên tích hợp vệ tinh và truyền thông di động mặt đất.

Bên cạnh đó, theo ông Trương Vân Minh, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc (MIIT), nước này cần sớm nuôi dưỡng hệ sinh thái ứng dụng 6G, nhằm đẩy nhanh sự phát triển tích hợp của công nghệ không dây thế hệ tiếp theo sau 5G và các công nghệ mới như thực tế hỗn hợp (XR) và rô-bốt, để đặt nền móng vững chắc cho các ứng dụng 6G.

Trước đó, vào tháng 6 năm 2023, MIIT đã thông báo rằng chính phủ Trung Quốc đã phân bổ dải tần 6 GHz cho các dịch vụ 5G và 6G. MIIT cho biết, dải tần 6 GHz là tài nguyên chất lượng cao duy nhất có băng thông rộng trong băng tần trung, đồng thời lưu ý rằng dải tần 6 GHz đặc biệt phù hợp cho việc triển khai các hệ thống 5G hoặc 6G trong tương lai.

Để nghiên cứu và phát triển 6G, Trung Quốc đã đưa ra các lộ trình cụ thể và thúc đẩy các nhà mạng di động cũng như các công ty công nghệ hàng đầu của mình tham gia thực hiện. Theo đó, vào tháng 5 năm 2020, Tập đoàn cung cấp thiết bị viễn thông ZTE và nhà khai thác di động China Unicom đã ký một thỏa thuận hợp tác chiến lược về 6G. Theo đó, ZTE và China Unicom sẽ thực hiện hợp tác về đổi mới công nghệ và tiêu chuẩn 6G đồng thời tích cực thúc đẩy sự tích hợp sâu rộng của 6G với các mạng vệ tinh, IoT, Internet cho các phương tiện (IoV: Internet of Vehicles) và Internet trong công nghiệp (IIoT: Industrial IoT).

Nhà cung cấp thiết bị viễn thông hàng đầu của Trung Quốc Huawei cũng đã bắt tay vào nghiên cứu 6G và đang nghiên cứu các lý thuyết cơ bản của 6G, bao gồm nghiên cứu về các công nghệ giao diện vô tuyến mới, kiến trúc mạng mới và các công nghệ khả thi có thể được sử dụng trong mạng 6G. Huawei đang nỗ lực xây dựng sự đồng thuận về 6G bằng cách hợp tác với các công ty trong ngành công nghiệp viễn thông khác.

Các trường hợp sử dụng tiềm năng của 6G

Bản sao kỹ thuật số (Digital twins): 6G cho phép tạo ra bản sao ảo của các vật thể, hệ thống hoặc quy trình vật lý bằng cách sử dụng dữ liệu cảm biến, AI và điện toán biên.

Rô-bốt cộng tác (Cobots) và điều hướng rô-bốt: Rô-bốt cộng tác là rô-bốt được thiết kế để làm việc an toàn và hiệu quả cùng với con người trong môi trường làm việc chung. Cobots thường được sử dụng trong các nhiệm vụ lặp đi lặp lại, đơn giản như lắp ráp sản phẩm, di chuyển vật liệu nhẹ, kiểm tra chất lượng,...

Sự hợp tác giữa rô-bốt và con người giúp gia tăng năng suất, cải thiện chất lượng sản phẩm và giải phóng con người khỏi các công việc nguy hiểm, nhàm chán.

Trong khi đó, điều hướng rô-bốt là kỹ thuật nền tảng giúp cobot di chuyển an toàn và hiệu quả trong môi trường làm việc chung với con người.

Sức khỏe điện tử cho mọi người (E-health for all): là một mục tiêu hướng tới việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe thông qua các công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) cho tất cả mọi người, bất kể vị trí địa lý, thu nhập hay trình độ học vấn. Nó bao gồm nhiều hoạt động khác nhau như khám bệnh từ xa, theo dõi sức khỏe từ xa, hồ sơ sức khỏe điện tử và cung cấp thuốc trực tuyến,…

Sức khỏe điện tử cho mọi người có thể giúp mọi người ở những khu vực xa xôi hoặc khó tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe có thể nhận được sự chăm sóc mà họ cần, giảm chi phí chăm sóc sức khỏe, cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Chăm sóc sức khỏe chính xác (Precision health care): là một phương pháp chăm sóc sức khỏe cá nhân hóa cao, tập trung vào các nhu cầu và đặc điểm riêng biệt của từng cá nhân. Điều này khác với phương pháp truyền thống tập trung vào các phương pháp điều trị chung cho nhiều người.

Mạng 6G sẽ hỗ trợ các tình huống chăm sóc sức khỏe tiên tiến như gắn thiết bị điện tử trong cơ thể, phẫu thuật từ xa,…Ngoài ra, chăm sóc sức khỏe chính xác giúp cải thiện hiệu quả điều trị, giảm tác dụng phụ, phòng ngữa bệnh tật và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Nông nghiệp thông minh (Smart agriculture): 6G sẽ cho phép thực hành canh tác bền vững và dựa trên dữ liệu, sử dụng cảm biến, máy bay không người lái và bản sao kỹ thuật số ở khắp mọi nơi.

Giám sát Trái đấtbằng 6G: là phương pháp tận dụng mạng di động 6G tiên tiến để theo dõi tình trạng môi trường toàn cầu một cách chi tiết và hiệu quả. Tăng cường tính bền vững và bảo tồn môi trường, mạng này sẽ cho phép phân phối cảm biến toàn cầu để theo dõi các chỉ số môi trường và hỗ trợ hành động chống biến đổi khí hậu.

Thực tế mở rộng đa giác quan: Thực tế mở rộng đa giác quan (Multisensory Extended Reality - XR) là một loại công nghệ nhằm tạo ra những trải nghiệm nhập vai kích thích nhiều giác quan vượt xa thị giác và thính giác. Trong khi thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) truyền thống chủ yếu tập trung vào hình ảnh và âm thanh, thì XR đa giác quan lại cố gắng kết hợp các giác quan khác như xúc giác, khứu giác và thậm chí cả vị giác.

Mặc dù XR đa giác quan vẫn đang ở giai đoạn phát triển ban đầu, nhưng nó có tiềm năng tạo ra những trải nghiệm thực sự biến đổi, xóa nhòa ranh giới giữa thế giới thực và ảo.

Trải nghiệm người dùng được cá nhân hóa: Trong thế giới mạng 6G tương lai, trải nghiệm người dùng được cá nhân hóa (Personalized user experiences) hứa hẹn một bước tiến vượt bậc so với những gì chúng ta đang có ngày nay. Điều này có nghĩa là các dịch vụ kỹ thuật số sẽ được điều chỉnh, tùy chỉnh và định hướng riêng cho từng cá nhân dựa trên nhu cầu, sở thích, hành vi và thậm chí cả cảm xúc của họ.

Đối với các doanh nghiệp, ứng dụng trải nghiệm người dùng được cá nhân hóa nhằm cung cấp dịch vụ và nội dung được cá nhân hóa và theo ngữ cảnh cho người dùng, dựa trên sở thích, nhu cầu và cảm xúc của họ.

Trải nghiệm người dùng được cá nhân hóa bởi 6G hứa hẹn mang đến một tương lai nơi công nghệ đáp ứng được nhu cầu cá nhân của từng người một cách thông minh và chính xác. Tuy nhiên, cần phải giải quyết các thách thức liên quan đến quyền riêng tư và phân biệt đối xử để đảm bảo rằng công nghệ này được sử dụng có trách nhiệm và công bằng.

6G dự kiến sẽ cho phép các trường hợp sử dụng sáng tạo, mang tính tương lai, biến đổi cách sống và làm việc của con người theo những cách đáng chú ý. Mạng di động 6G cũng có thể mở ra những cơ hội và thách thức mới trong các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, lưới điện thông minh, giao thông vận tải và Công nghiệp 4.0.

Mặc dù hiện tại chưa có mốc thời gian triển khai 6G cụ thể, các chuyên gia về công nghệ và mạng lưới dự đoán công nghệ này sẽ được phát triển và ra mắt vào cuối thập kỷ này.

Mới nhất

x
Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới phóng vệ tinh thử nghiệm công nghệ 6G
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO