Trung Quốc yêu cầu Ấn Độ 'lập tức rút quân vượt biên'
Trung Quốc yêu cầu Ấn Độ lập tức rút quân khỏi khu vực tranh chấp ở biên giới nhằm tránh leo thang căng thẳng giữa hai nước.
Quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đang đối đầu một tháng qua tại biên giới. Ảnh: AP |
"Chúng tôi từng tuyên bố nhiều lần rằng Trung Quốc hy vọng Ấn Độ hiểu tình hình và ngay lập tức rút những binh sĩ vượt biên trái phép về phía biên giới của Ấn Độ", AP hôm nay dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng.
Tuyên bố của ông Lục được đưa ra trong bối cảnh Bắc Kinh và New Delhi đang trải qua hơn một tháng căng thẳng, khi cả hai bên đều cáo buộc binh sĩ của đối phương xâm nhập lãnh thổ của nhau.
Mặc dù hai nước đã tổ chức họp bàn giữa các quan chức cấp cao, tình hình vẫn không có dấu hiệu hạ nhiệt. Giới chức hai nước thậm chí còn đang bàn về khả năng xung đột thậm chí đẫm máu hơn chiến tranh năm 1962 làm hàng nghìn người chết.
Quân đội Ấn Độ ngày 10/7 triển khai thêm 2.500 binh sĩ đến khu vực bang Sikkim giáp biên giới Trung Quốc nhằm tăng cường khả năng ứng phó trong trường hợp xung đột giữa hai bên nổ ra tại cao nguyên Doklam.
Đây được cho là động thái phản ứng với việc Trung Quốc triển khai thêm quân đến Khamba Dzong và các khu vực gần thung lũng Chumbi, nằm giữa Sikkim của Ấn Độ và Bhutan.
Trong khi đó, một lữ đoàn Trung Quốc được trang bị giàn phóng tên lửa, súng máy hạng nặng và pháo cối mới đây tiến hành tập trận tấn công bằng đạn thật vào một địa điểm của kẻ thù ở Tây Tạng, gần biên giới Ấn Độ. Cuộc tập trận còn bao gồm theo dõi và ngắm bắn máy bay kẻ thù.
Trung Quốc và Ấn Độ có đường biên giới dài 3.550 km, được phân cách bởi dãy núi Himalaya và vùng cao nguyên Tây Tạng. Hai khu vực ngày nay vẫn là điểm nóng trong quan hệ hai nước là Aksai Chin ở tụ điểm của biên giới ba nước Pakistan, Ấn Độ và Trung Quốc và Arunachal Pradesh, ở sát biên giới đông bắc của Ấn Độ.
Aksai Chin hiện thuộc quyền quản lý của Trung Quốc nhưng Ấn Độ coi như thuộc về mình. Ngược lại, Arunachal Pradesh là một tiểu bang của Ấn Độ nhưng Trung Quốc lại coi là thuộc về Tây Tạng và đòi Ấn Độ trả lại.
Vị trí cao nguyên Doklam. Đồ họa: BBC. |
Theo VNE
TIN LIÊN QUAN |
---|