Trung tâm Bảo trợ xã hội Nghệ An: Ngôi nhà thứ hai của những mảnh đời kém may mắn
(Baonghean.vn) -“Nghe đối tượng bằng trái tim, giúp đối tượng bằng hành động” là mục tiêu hoạt động mà Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh đã đề ra. Từ đây, nhiều hoàn cảnh neo đơn, không nơi nương tựa, nhiều người bị bệnh éo le đã có nơi thứ hai là “nhà” để được điều trị, chăm sóc, hỗ trợ.
Điểm tựa an toàn
Gần 10 năm nay, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Nghệ An đóng tại xã Giang Sơn Đông, huyện Đô Lương đã trở thành chốn về của anh Nguyễn Quang T, (quê ở xã Kim Thành, huyện Yên Thành).
Người đàn ông sinh năm 1987 đó nay là một trong những nhân tố tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao cho các anh, chị em đang điều trị tại trung tâm. Anh cũng chia sẻ muốn được gắn bó lâu dài với đơn vị vì ở đây anh cảm thấy mình là người có ích.
Trước đó, anh Nguyễn Quang T, từng làm công nhân giày da ở thành phố Biên Hòa. Biến cố xảy ra năm anh gần 30 tuổi khi anh bất ngờ bị tai nạn giao thông.
Sau tai nạn, việc phục hồi về sức khỏe gặp nhiều khó khăn, nhất là căn bệnh mất ngủ kéo dài và bệnh chuyển biến xấu ảnh hưởng đến ý thức, hành động. Ngày mới được gia đình đưa lên trung tâm điều trị, không ít lần anh trốn ra ngoài, các anh em ở đơn vị phải về tận quê để tìm kiếm.
Vào cơ sở phía Bắc của Trung tâm Bảo trợ xã hội đóng tại khối 5, thị trấn Diễn Châu, huyện Diễn Châu đã hơn 5 năm, thời điểm này, bà Nguyễn Thị Tân (xã Trung Sơn, huyện Đô Lương) nói rằng, đây là lúc mình thấy thoải mái “sung sướng” nhất bởi lẽ “ăn uống có cấp dưỡng”, “ốm đau có y tế”, nơi ở thì khang trang, mỗi người một phòng do cán bộ Trung tâm lo lắng chăm sóc.
Ở tuổi ngoài 80 nhưng nay bà vẫn minh mẫn, nhanh nhẹn, thích làm việc. Hàng ngày, ngoài thời gian đọc sách, báo, chơi bài với các ông, bà khác trong trung tâm, bà còn hỗ trợ các nhân viên làm thêm vườn, chăm sóc cây xanh...
Cả cuộc đời vất vả, chồng, con mất sớm, chưa từng có một mái nhà cho riêng mình, bà nói rằng, mình may mắn khi được vào trung tâm và được chăm sóc chu đáo. Bà cũng xem nơi đây là nhà và đội ngũ nhân viên ở trung tâm là con, là cháu của mình.
Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh hiện đóng tại 3 địa điểm, hiện nay đã có 2 địa điểm đi vào hoạt động ổn định (cơ sở Đô Lương và Diễn Châu) với gần 200 đối tượng đang được điều trị và chăm sóc lâu dài. Trong số này, chiếm phần lớn là những người già neo đơn, không nơi nương tựa, bệnh tật, không còn thân nhân hoặc những người bị các bệnh rối loạn về tâm thần, không có khả năng nhận thức.
Tại Trung tâm, hiện cũng đang có 7 trường hợp là thân nhân của các gia đình liệt sĩ. Đây đều là những trường hợp bị tàn tật, không còn nơi nương tựa, tuổi đã cao. Nhiều người sức khỏe yếu, không thể tự chăm sóc nên đã gắn bó ở đây nhiều năm.
Chị Nguyễn Thị Đức (xã Văn Sơn, huyện Đô Lương) vốn là con liệt sĩ và đã bị mù bẩm sinh. Nhà có 2 anh em nhưng vì hoàn cảnh khó khăn, điều kiện chăm sóc không đảm bảo nên chị đã vào với trung tâm từ năm 1989, khi mới 22 tuổi. Hiện đã ngoài 50, chị cũng đã quen với nếp sống, sinh hoạt và thấy vui, thoải mái khi được ở với những người cùng hoàn cảnh.
Với số lượng đối tượng cần chăm sóc đông, trong khi toàn bộ cán bộ nhân viên, đội ngũ y tế của trung tâm chỉ có 34 biên chế nên khối lượng công việc ở Trung tâm rất nhiều áp lực.
Một ngày làm việc của cán bộ và nhân viên Trung tâm bắt đầu từ sáng sớm và có thể kết thúc vào đêm muộn. Cũng có khi, giờ làm việc không thể tính theo giờ hành chính, nhất là mỗi lần có người ốm đau, phải đi viện.
Bộ phận y tế của chúng tôi có 15 người và phải điều trị thường xuyên cho gần 200 bệnh nhân. Ngoài thăm, khám, cấp phát thuốc, hướng dẫn bệnh nhân phục hồi chức năng, chúng tôi còn phải trực tiếp chăm sóc người bệnh. Nếu bệnh nhân bị chuyển biến nặng phải chuyển viện.
Nhiều công việc vất vả, không tên, nếu không xem bệnh nhân là người nhà thì khó có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Nâng cao chất lượng phục vụ
Trung tâm Bảo trợ xã hội Nghệ An là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội với chức năng chính là tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng bảo trợ xã hội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không tự lo được cuộc sống và không có điều kiện sinh sống tại gia đình, cộng đồng. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng tiếp nhận và nuôi dưỡng các đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp; tiếp nhận, nuôi dưỡng các đối tượng tự nguyện đóng góp kinh phí hoặc có người nhận bảo trợ đóng góp kinh phí.
Với đặc thù riêng, những năm qua, hoạt động của Trung tâm Bảo trợ xã hội luôn thực hiện song song hai nhiệm vụ đó là chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị.
Trong đó, với điều trị, ngoài thực hiện thường xuyên việc thăm, khám, phục hồi chức năng ở trung tâm, hàng năm Trung tâm còn phối hợp với Bệnh viện Tâm thần Nghệ An và các bệnh viện trên địa bàn để thực hiện việc khám sàng lọc, đánh giá mức độ bệnh lý và có phác đồ điều trị, phục hồi chức năng cho các đối tượng người khuyết tật thần kinh tâm thần.
Với trách nhiệm của một đơn vị làm công tác bảo trợ, bên cạnh việc chăm lo bữa ăn, giấc ngủ hàng ngày thì Trung tâm cũng đặc biệt quan tâm đến đời sống tinh thần cho các đối tượng.
Hiện ở Trung tâm có sân bóng chuyền hơi, bóng chuyền da, bóng bàn, có phòng đọc sách, có các câu lạc bộ như câu lạc bộ bóng bàn, cờ tướng, cầu lông, văn hóa, văn nghệ. Các đối tượng tùy theo năng lực, sức khỏe của mình có thể tham gia các hoạt động để vừa cải thiện sức khỏe, trí tuệ, vừa được hòa nhập, giao lưu.
Việc xây dựng môi trường cảnh quan xanh, sạch, đẹp với nhiều vườn rau xanh, cây ăn quả cũng giúp trung tâm tự túc được phần lớn thực phẩm sạch, an toàn và tạo điều kiện để các đối tượng được tham gia sản xuất, lao động, cải thiện sức khỏe và từng bước được sinh hoạt như những người bình thường.
Với mục đích nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ xã hội cho các đối tượng, năm 2023, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1248/QĐ-UBND phê duyệt Đề án xây dựng “Mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội” tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Nghệ An.
Việc xây dựng đề án có ý nghĩa quan trọng đối với Trung tâm trong giai đoạn hiện nay, khi nhu cầu của các đối tượng ngày càng gia tăng. Trong khi, các chế độ chính sách, điều kiện chăm sóc, tư vấn chữa trị và phục hồi chức năng tại trung tâm còn nhiều hạn chế, mới chỉ bảo đảm được sự hỗ trợ một phần các nhu cầu thiết yếu tối thiểu cho một nhóm đối tượng.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất của đơn vị đã xuống cấp, dụng cụ y tế, trang thiết bị chưa đảm bảo, một số cán bộ viên chức chưa qua đào tạo chuyên ngành nên chưa đáp ứng được yêu cầu chăm sóc, trợ giúp cho các đối tượng yếu thế như mong muốn của trung tâm đề ra...
Qua hơn 5 tháng triển khai, hiện đề án đã được thực hiện có hiệu quả khi nhiều công trình đã đi vào xây dựng, sửa chữa và kịp hoàn thành đưa vào sử dụng, tạo cơ hội cho người bệnh được chăm sóc trong điều kiện ngày càng tốt hơn.
Bên cạnh đó, nhiều công trình thể thao cũng đã hoàn thành, giúp các đối tượng có một sân chơi để cải thiện, nâng cao sức khỏe. Báo cáo mới nhất của trung tâm cũng cho thấy, hiện trên 80% đối tượng trước mắt tương đối ổn định về mặt tâm lý và sức khỏe tâm thần.
Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng chúng tôi xác định, trợ giúp xã hội phải đa dạng cả vật chất và tinh thần, phù hợp với từng đối tượng.
Vì vậy, thời gian tới trung tâm sẽ tiếp tục quan tâm đến nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, đảm bảo kịp thời các chế độ chính sách, hỗ trợ đối tượng hòa nhập cộng đồng. Đồng thời, sẽ tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa nhằm tăng thêm nguồn lực phục vụ đối tượng, nâng cao chất lượng dịch vụ công tác xã hội đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ công tác xã hội của người dân hướng tới mục tiêu phát triển xã hội công bằng và hiệu quả.