Trung - Triều bắt tay, Mỹ lo sức ép!
(Baonghean) - Sau một đêm thông tin tràn ngập trên báo chí khu vực và quốc tế, cuối cùng, báo chí Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên ngày 8/1 cũng đã chính thức xác nhận, Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang có chuyến thăm Trung Quốc theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Với chuyến tàu bí mật trong đêm và một lịch trình không được thông tin chi tiết, dư luận đặt câu hỏi: Liệu đây có phải là chuyến đi chuẩn bị cho một cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2 sắp diễn ra cũng như tạo sức ép với Mỹ? Và rằng, Trung Quốc vẫn là một nhân tố không thể thiếu trong bất cứ một động thái ngoại giao quan trọng nào của Triều Tiên.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và phu nhân trước khi lên đường sang thăm Trung Quốc. Ảnh: AP |
Nhân tố không thể thiếu
Chuyến công du Trung Quốc lần này đã đánh dấu cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ 4 giữa Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chỉ từ năm ngoái đến nay. Nhìn lại hồi năm ngoái 2018, ông Kim Jong-un đã có tới 3 chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 3, tháng 5 và tháng 6.
Dễ thấy, đây đều là những mốc thời gian trước hoặc sau các cuộc gặp thượng đỉnh giữa Nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng như Tổng thống Mỹ Donald Trump. Theo giới quan sát, rõ ràng, Trung Quốc vẫn là một đối tác hàng đầu, nắm giữ vị trí không thể thiếu trong chính sách đối ngoại của CHDCND Triều Tiên.
Mặc dù thời gian qua, Trung Quốc không ít lần bày tỏ thái độ chỉ trích công khai với chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên; thế nhưng có thể nói, mối quan hệ Trung - Triều vẫn chưa thể có một mối quan hệ nào khác tương đương thay thế.
Thậm chí theo tờ Washington Post, việc Nhà lãnh đạo Kim Jong-un mừng sinh nhật lần thứ 35 đúng dịp thăm Trung Quốc đã cho thấy sự trân trọng đối với mối quan hệ truyền thống này.
Chưa hết, giới quan sát còn bình luận, chắc chắn ông Kim Jong-un muốn thăm dò thái độ của Trung Quốc về các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc và Mỹ nhằm vào nước này thời gian qua, cũng như khả năng Bắc Kinh có thể nới lỏng các sức ép nhằm vào Bình Nhưỡng.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: Sky News |
Bởi thái độ của Trung Quốc sẽ tác động lớn đến mức độ phản ứng của ông Kim Jong-un đối với các lệnh trừng phạt của Mỹ đến mức nào. Với sự ủng hộ của Trung Quốc, chắc chắn Triều Tiên sẽ có nhiều điều kiện mặc cả hơn trên các bàn thương thảo với Mỹ. Đặc biệt, khi cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung mới nhất lại diễn ra cùng thời điểm tại Bắc Kinh, Trung Quốc.
Không những thế, hơn ai hết, Triều Tiên hiểu rằng, Trung Quốc cũng sẽ là một thành phần không thể thiếu trong các cuộc đàm phán để ký kết Hiệp ước hòa bình để thay thế Hiệp định đình chiến tạm thời Chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953, chấm dứt tình trạng chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên. Bởi trong quá khứ, Trung Quốc vốn là một trong ba bên tham gia ký kết Hiệp định đình chiến cùng với Mỹ và Triều Tiên.
Thay đổi chiến lược
Trong khi đó, dường như đã có sự chuyển biến trong các bước đi ngoại giao của Triều Tiên kể từ khi Nhà lãnh đạo Kim Jong-un lên nắm quyền hồi năm 2011. Nếu như mới cách đây 1 năm, đặc biệt trước và sau thời điểm diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều hồi tháng 6/2018, người ta thấy một Triều Tiên đặc biệt thiện chí và có các bước đi cải thiện quan hệ với Mỹ.
Thế nhưng kể từ đó đến nay, bất chấp phía Bình Nhưỡng đã có những nhượng bộ đáng kể, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn kiên quyết cứng rắn không gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào Triều Tiên. Bởi điều kiện mà Mỹ đặt ra là phía Triều Tiên phải ngay lập tức chuyển giao kho vũ khí hạt nhân và phi hạt nhân hóa hoàn toàn.
Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn kiên quyết cứng rắn không gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào Triều Tiên. Ảnh: CNN |
Rõ ràng, bất chấp cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ nhất đã diễn ra khá tốt đẹp, hố sâu nghi kỵ giữa Mỹ và Triều Tiên vẫn khó lòng khỏa lấp. Các cuộc đàm phán thời gian qua bị đình trệ và không có nhiều tiến triển.
Ai cũng hiểu, Triều Tiên dù có xuống thang thì cũng không thể “nhượng bộ một chiều” khi chưa nhận được những đảm bảo an ninh từ phía Mỹ sau khi thực hiện phi hạt nhân hóa. Vì thế, một khi sự kiên nhẫn đã “tới hạn”, dường như Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang điều chỉnh các “nước cờ” sắp tới.
Biểu hiện là trong bài phát biểu năm mới vừa qua - vốn được coi là định hướng chiến lược cho Triều Tiên trong năm tới, Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã nhấn mạnh rằng, Bình Nhưỡng sẽ lựa chọn một con đường mới nếu đàm phán với Mỹ vẫn rơi vào bế tắc và Washington vẫn tiếp trừng phạt và gây sức ép.
Ông đồng thời nhấn mạnh đến tinh thần của “sự công bằng” trong các cuộc đàm phán và rằng, Triều Tiên vẫn luôn sẵn sàng mở cửa, còn mọi chuyện sẽ do thái độ và thiện chí từ phía Mỹ.
Thông điệp này có thể hiểu, Triều Tiên muốn gửi thông điệp đến Mỹ rằng, Bình Nhưỡng vẫn còn có những lựa chọn khác ngoài Mỹ và Hàn Quốc trong tất cả mọi vấn đề, từ kinh tế cho đến ngoại giao, an ninh…
Theo giới quan sát, thông qua chuyến công du lần này, Triều Tiên có lẽ cũng muốn làm “vừa lòng” đồng minh lâu năm Trung Quốc thông qua việc khẳng định mối quan hệ Trung - Triều vững chắc.
Không chỉ gửi thông điệp đến Mỹ và Trung Quốc, thực tế chuyến công du lần này cũng là để Bình Nhưỡng “đánh tiếng” với Seoul. Trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Triều Tiên không có nhiều tiến triển thậm chí đi xuống, Hàn Quốc với sự lãnh đạo của vị Tổng thống chuộng hòa bình là ông Moon Jae-in có lẽ sẽ không ngại đánh đổi một chút hòa khí với đồng minh Mỹ để thuận theo các yêu cầu từ phía Triều Tiên. Chắc hẳn, với một tương lai hòa bình trên bán đảo Triều Tiên dường như sắp tới đích, Tổng thống Hàn Quốc càng có lý do để hành động theo hướng này.
Sắp có thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2?
Trở lại chuyến công du Trung Quốc lần này, tháp tùng Nhà lãnh đạo Kim Jong-un là phu nhân Ri Sol-ju cùng một số quan chức cấp cao, như: Ngoại trưởng Ri Yong-ho, Trưởng ban Mặt trận thống nhất phụ trách quan hệ liên Triều của đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol, Phó chủ tịch Ủy ban trung ương đảng Lao động Triều Tiên Pak Thae-song…
Dù không tiết lộ chi tiết lịch trình, thế nhưng giới quan sát cho rằng, rất có thể nội dung chính là bàn thảo cụ thể về một cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2 - nếu nó thực sự diễn ra như hai bên kỳ vọng.
Nhiều tín hiệu thời gian gần đây đều cho thấy, các bên đều đang hướng đến một cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2. Như trong tuyên bố mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ hy vọng sẽ tổ chức một cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong tương lai không xa.
Thực tế, việc cải thiện quan hệ với Triều Tiên và đạt được những kết quả ngoại giao lịch sử nằm trong mục tiêu chiến lược của Tổng thống Donald Trump kể từ khi lên nắm quyền. Bước đi này cũng phù hợp với chiến lược ưu tiên khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà ông Trump đang thúc đẩy.
Sắp có thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2?. Ảnh: CNN |
Tất nhiên, trước sức ép chuyến thăm Trung Quốc lần này của ông Kim Jong-un, đây có thể trở thành những điều kiện “mặc cả” trên bàn đàm phán thương mại căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc thời gian này.
Trong khi đó về phía Triều Tiên, song song với thái độ cân bằng hơn với cả Mỹ và Trung Quốc, Nhà lãnh đạo Kim Jong-un vẫn khẳng định duy trì chính sách mở cửa, hội nhập và phát triển kinh tế quốc gia.
Vì thế, một cuộc gặp thượng đỉnh thứ 2 với Tổng thống Mỹ cũng là điều mà ông Kim Jong-un kỳ vọng. Dù vậy, liệu cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều có thực sự diễn ra và nội dung có tích cực, thực tế hơn cuộc gặp lần thứ nhất hay không, điều này vẫn sẽ phụ thuộc vào những lợi ích thiệt - hơn mà tất cả các bên đang cân nhắc. Trong đó, các kết quả cuộc gặp Trung - Triều lần này chắc chắn cũng đóng một vai trò không thể thiếu!