Suy ngẫm

Trước sự cố môi trường, đừng chậm chạp!

Nhật Lân 12/07/2024 12:37

Để tìm được nguyên nhân dẫn đến sự cố môi trường như vụ việc suối Nậm Huống (Quỳ Hợp) chuyển màu có hiện tượng cá chết, chính quyền địa phương và ngành chức năng cần phải phản ứng nhanh, kịp thời, và phải đảm bảo tính trung thực, khách quan.

Bất an khi dòng Nậm Huống đoạn qua bản Cải, xã Châu Thành (Quỳ Hợp) bỗng nhiên đổi màu vàng sẫm có cá chết dạt bờ, một số người sử dụng mạng xã hội ở huyện Quỳ Hợp đã đưa những thông tin, hình ảnh liên quan lên trang Facebook cá nhân.

Ghi nhận tình trạng suối Nậm Huống chuyển màu đục vàng, có cá chết trong ngày 1/7/2024 của UBND huyện Quỳ Hợp. Ảnh: C.T.V
Ghi nhận tình trạng suối Nậm Huống chuyển màu đục vàng, có cá chết trong ngày 1/7/2024 của UBND huyện Quỳ Hợp. Ảnh: C.T.V

Đồng nghiệp của tôi ở vùng mỏ này không ngoại lệ, anh cũng sớm đưa các thông tin vụ việc cùng sự vào cuộc của các cấp, ngành chức năng lên tài khoản Facebook cá nhân.

Bởi đây là sự cố bất thường, thế nên, những thông tin, hình ảnh suối Nậm Huống họ chuyển lên Facebook cá nhân nhanh chóng thu hút sự quan tâm của người dùng mạng xã hội. Tương tự, Facebook cá nhân của đồng nghiệp cũng nhận được nhiều lượt bình luận, trong đó, có những trao đổi rất đáng chú ý.

Đoàn công tác của UBND huyện Quỳ Hợp kiểm tra tại vị trí khe, phía dưới mỏ của Công ty TNHH Thiếc Hà An trong ngày 2/7/2024. Ảnh: C.T.V
Đoàn công tác của UBND huyện Quỳ Hợp kiểm tra tại vị trí khe, phía dưới mỏ của Công ty TNHH Thiếc Hà An trong ngày 2/7/2024. Ảnh: C.T.V

Như tài khoản Nguyen Giang đã viết: “Lật lại lịch sử Quỳ Hợp cách đây 20 năm đi. Nước sông Dinh, khe, suối trong vắt. Đơn giản quá mà cứ đi tìm nguyên nhân…”; hoặc tài khoản Sầm Văn Thành đưa ra dự đoán: “Chắc là nước có hóa chất nên cá mới chết nhiều vậy”.

Thậm chí, tài khoản Facebook Khoi Nguyen đã viết: “Từ năm 2016 - 2017 khi vỡ đập chứa bùn thải suối Bắc của Công ty Kim loại màu Nghệ Tĩnh, đã phân tích mổ xẻ để quyết định phương án tối ưu là thay nguồn nước cung cấp cho thị trấn Quỳ Hợp. Nhưng trách nhiệm về kinh phí thuộc về ai thì không rõ ràng. Về phía nhà máy nước, khai thác nguồn đầu vào đạt hay không họ không chịu trách nhiệm. Cho nên đến bây giờ án binh bất động.

Theo tôi, nếu không ai chịu trách nhiệm để thay nguồn nước đầu vào cho nhà máy nước thì chỉ có cách đình chỉ vĩnh viễn hoạt động khai thác khoáng sản quặng thiếc suối Bắc. Không thể vì lý do kinh tế mà đánh đổi môi trường và sức khỏe nhân dân”.

Nhưng dù đầu tư lớn cho hệ thống xưởng tuyển thì biện pháp xử lý nước và bùn thải thì vẫn không mấy thay đổi. Tại bể chứa đầy bùn và nước thải này, ngày 5/7/2024, quản lý mỏ của Công ty TNHH thiếc Hà An thừa nhận với cán bộ Phòng TNMT huyện Quỳ Hợp và PV Báo Nghệ An rằng đã bơm ra hang casto để tự chảy ra môi trường. Ảnh: Nhật Lân
Dù đầu tư lớn cho hệ thống xưởng tuyển thì biện pháp xử lý nước và bùn thải vẫn không mấy thay đổi. Tại bể chứa đầy bùn và nước thải này, ngày 5/7/2024, quản lý mỏ của Công ty TNHH Thiếc Hà An thừa nhận với cán bộ Phòng TN&MT huyện Quỳ Hợp và P.V Báo Nghệ An rằng, đã bơm ra hang các tơ đều tự chảy ra môi trường. Ảnh: Nhật Lân

Nhưng đáng quan tâm nhất là tài khoản Trần Đức, khi đưa ra nhận xét: “Theo suy nghĩ của cá nhân tôi thì Nhà nước lấy mẫu hơi muộn. Phải chăng lấy mẫu sớm hơn thì mới đúng. Để nước khe chảy trôi chất độc hại đi hơi nhiều rồi…”.

Ông Lê Sỹ Hào - Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Quỳ Hợp tại cửa hang các tơ, nơi có 2 đường ống từ mỏ của Công ty TNHH Thiếc Hà An luồn vào. Ảnh: Nhật Lân
Ông Lê Sỹ Hào - Phó trưởng Phòng TN&MT huyện Quỳ Hợp tại cửa hang các tơ, nơi có 2 đường ống từ mỏ của Công ty TNHH Thiếc Hà An luồn vào để xả thải ra môi trường. Ảnh: Nhật Lân

Làm nghề báo, nhiều lần công tác trên địa bàn Quỳ Hợp để chuyển tải thông tin những sự cố tương tự nên khi đọc những bình luận này thì hiểu tâm tư, tình cảm của họ. Huyện Quỳ Hợp dù giàu tài nguyên khoáng sản, nhưng nhiều năm qua phải chịu những tác động xấu từ việc khai thác tài nguyên khoáng sản. Có những hệ lụy thấy được, nhưng cũng có những hệ lụy đang diễn ra âm thầm mà không phải ai cũng biết.

Cán bộ Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường lấy mẫu nước tại bể xử lý nước thải của Công ty TNHH Thiếc Hà An trong ngày 8/7/2024. Ảnh: Huy Nhâm
Cán bộ Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường lấy mẫu nước tại bể xử lý nước thải của Công ty TNHH Thiếc Hà An trong ngày 8/7/2024. Ảnh: Huy Nhâm

Như nước của dòng suối Nậm Huống, gắn kết mật thiết với đời sống sinh hoạt của các hộ dân các xã: Châu Thành, Châu Cường, Châu Quang , từ hoạt động sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia súc…, đến nước sinh hoạt hàng ngày. Thậm chí, nước của dòng suối Nậm Huống còn là nguồn nước thô để Nhà máy nước Quỳ Hợp sản xuất nước sinh hoạt cho hàng vạn người dân thị trấn.

messenger_creation_bfcfeb44-6387-4e55-bb87-370e31601147.jpeg
Bởi nguồn nước thô cho Nhà máy nước Quỳ Hợp là từ nước suối Nậm Huống - nơi thường có sự cố môi trường từ khai thác khoáng sản, lo lắng cho sức khỏe nên một số hộ dân đã bỏ tiền để xây dựng hệ thống giếng khoan, lắng lọc sử dụng làm nước sinh hoạt hàng ngày. Ảnh: Phan Giang

Thế nên, khi suối Nậm Huống có vấn đề bất thường, thì làm sao người dân các xã Châu Thành, Châu Cường, Châu Quang và thị trấn Quỳ Hợp không lo lắng, bất an. Mà không bày tỏ mong muốn các cấp, các ngành, các đơn vị chức năng vào cuộc tìm ra nguyên nhân dẫn đến sự cố, xử lý nghiêm minh thủ phạm.

Nhưng để tìm được nguyên nhân dẫn đến sự cố, cần phải có phản ứng nhanh, kịp thời, và phải đảm bảo tính trung thực, khách quan. Trong trường hợp suối Nậm Huống đổi màu, bên cạnh việc xác định đối tượng xả thải ra môi trường thì việc kịp thời lấy mẫu môi trường để giám định là hết sức quan trọng. Ai cũng có thể hiểu các khe liên quan trên núi Lan Toong và suối Nậm Huống đều là dòng nước chảy.

Việc Công ty TNHH Thiếc Hà An xả nước thải diễn ra trong một thời gian nhất định, nếu có phản ứng nhanh, lấy mẫu giám định kịp thời thì mới đảm bảo độ chính xác. Ngược lại, nếu lấy mẫu ở thời điểm sự cố đã qua đi một thời gian, nước khe, suối sẽ đẩy trôi nguồn thải độc hại xâm nhập, kết quả giám định vì thế sẽ thiếu chính xác.

So với năm 2018, quy mô đầu tư của Công ty TNHH Thiếc Hà An cho hệ thống thiếc bị, nhà xưởng tuyển thiếc trên núi Lan Toong đã thay đổi hoàn toàn. Ảnh: Nhật Lân
So với năm 2018, quy mô khai thác của Công ty TNHH Thiếc Hà An trên núi Lan Toong đã thay đổi, sẽ tăng lên gấp 3 lần, tăng thêm mối lo về môi trường cho huyện Quỳ Hợp . Ảnh: Nhật Lân

Như địa phương xã Châu Thành đã thông tin, sự cố suối Nậm Huống đổi màu vàng sẫm giao thoa từ ngày 30/6 đến ngày 1/7; trong khi 2 lần lấy mẫu nước giám định là vào ngày 3/7 và ngày 8/7. Thế nên, tài khoản facebook Trần Đức băn khoăn và nhận xét “Theo suy nghĩ của cá nhân tôi thì Nhà nước lấy mẫu hơi muộn. Phải chăng lấy mẫu sớm hơn thì mới đúng. Để nước khe chảy trôi chất độc hại đi hơi nhiều rồi…” là hoàn toàn xác đáng!

Bởi vậy, cần thấy nhận xét này là một góp ý có chất lượng; để trước bất kỳ sự cố môi trường nào, cũng đừng chậm chạp!

Mới nhất
x
Trước sự cố môi trường, đừng chậm chạp!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO