“Trước tiên, mình phải gương mẫu”
Nhắc tới ông Vi Hải Đào (59 tuổi), người dân bản Khe Nằn, xã Chiêu Lưu (Kỳ Sơn) luôn thể hiện sự khâm phục và kính trọng. Ông là một tấm gương tiêu biểu trong việc tham gia công tác xã hội, phát triển kinh tế, nuôi dạy con cái nên người và góp phần giữ gìn an ninh trật tự.
(Baonghean) - Nhắc tới ông Vi Hải Đào (59 tuổi), người dân bản Khe Nằn, xã Chiêu Lưu (Kỳ Sơn) luôn thể hiện sự khâm phục và kính trọng. Ông là một tấm gương tiêu biểu trong việc tham gia công tác xã hội, phát triển kinh tế, nuôi dạy con cái nên người và góp phần giữ gìn an ninh trật tự.
Có thời gian gần 35 năm liên tục tham gia công tác xã hội, trước khi nghỉ hưu, ông Đào giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch HĐND xã Chiêu Lưu. Vợ chồng ông Đào có 6 người con. Dù thời kỳ bao cấp cuộc sống gặp nhiều khó khăn, vợ chồng ông vẫn quyết tâm đầu tư cho con cái học hành, thoát khỏi cuộc sống đói nghèo, quanh quẩn. Đến nay, cả 6 người con của ông đều có công việc ổn định, công tác trên các lĩnh vực: Giáo dục, Y tế và Quốc phòng - an ninh.
Ông Vi Hải Đào
Sinh ra và lớn lên ở Kỳ Sơn, ông Vi Hải Đào sớm nhận thấy nếu chỉ tập trung làm rẫy, duy trì tập quán sản xuất cũ sẽ không bao giờ thoát khỏi cuộc sống đói nghèo, lạc hậu. Việc phát nương làm rẫy còn ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, gẫy ra lũ quét, lũ ống đe dọa cuộc sống bản làng. Vì thế, gia đình ông tập trung phát triển chăn nuôi. Có thời điểm, đàn bò, đàn dê và đàn lợn của gia đình lên tới hàng chục con, đàn gà lên đến hàng trăm con, hàng năm đem về một nguồn thu lớn. Vợ chồng ông còn mở ki-ốt bán hàng tạp hóa, cải tạo vườn đồi để trồng rau, lương và phụ cấp hàng tháng để dành tiết kiệm.
Năm 1984, ông Đào đã dựng được ngôi nhà sàn 4 gian bằng gỗ, lợp ngói. Và đầu những năm 90 của thế kỷ trước, gia đình ông đã thoát nghèo, cuộc sống từng bước ổn định với mức thu nhập xấp xỉ 5 triệu đồng/tháng. Thấy hướng làm ăn của gia đình ông Đào mang lại hiệu quả cao, nhiều hộ dân ở Khe Nằn và các bản chung quanh tìm đến học hỏi. Ông sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, đặc biệt là cách phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm.
Không chỉ chăm lo gia đình, ông Vi Hải Đào còn dành nhiều thời gian, công sức và tâm huyết trong việc tham gia các hoạt động xã hội. Ông được xem là người đi đầu trong việc vận động bà con các dân tộc cư trú trên địa bàn xã Chiêu Lưu xây dựng và thực hiện nếp sống mới. Trong bản, có ai gặp khó khăn hoạn nạn, ông Đào thường đứng ra vận động bà con dân bản quyên góp tiền và gạo để chia sẻ với những gia đình thiếu may mắn. Để làm được những điều ấy, ông và các thành viên trong gia đình luôn đi đầu.
Do trình độ dân trí còn nhiều hạn chế và khả năng nhận thức không đồng đều, không ít người dân ở Chiêu Lưu vướng vào các loại tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn ma túy. Chứng kiến cảnh bất hạnh và khổ sở của những gia đình có người nghiện ma túy, với tư cách là một cán bộ, đảng viên, ông luôn tích cực vận động bà con nhân dân đấu tranh phòng ngừa tệ nạn và cảm hóa người lầm lỗi. Và ông đã thành công trong việc vận động một số đối tượng nghiện ma túy tham gia cai nghiện tại cộng đồng, giúp họ xóa bỏ mặc cảm lầm lỗi. Trong đó, 24 người đã cai nghiện thành công và tái hòa nhập cộng đồng, trở lại cuộc sống lao động sản xuất.
Ghi nhận những đóng góp của ông Vi Hải Đào, Chủ tịch UBND tỉnh đã tặng Bằng khen vì có nhiều thành tích trong việc phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số và Bằng khen vì có thành tích xuất sắc góp phần phát triển kinh tế - xã hội (năm 2011); được Giám đốc Sở GD-ĐT tặng Giấy khen vì có nhiều thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng cộng đồng khuyến học giai đoạn 2007-2012. Chưa kể những huy chương, kỷ niệm chương của các bộ, ngành trao tặng...
Trao đổi về kinh nghiệm, ông Vi Hải Đào chia sẻ: “Dù trong hoàn cảnh nào, tôi cũng xem gia đình là nền tảng của mọi thành công. Để làm tốt công tác xã hội, vận động được bà con nhân dân, trước hết bản thân và gia đình mình phải mẫu mực!”.
Bài, ảnh: TƯỜNG ANH