Trước tòa, bầu Kiên khiến các bộ, ngành quản lý lúng túng
Bào chữa cho cáo buộc kinh doanh trái phép khi mua cổ phần, cổ phiếu của các công ty khác, dù không có đăng ký kinh doanh, bầu Kiên cũng đã làm lúng túng đại diện của các cơ quan quản lý nhà nước.
Bầu Kiên tại phiên toà |
Các bộ, ngành quản lý lúng túng.
Trong phiên xét xử buổi chiều ngày 21/5, Tòa tiếp tục hỏi đại diện phòng đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) TP.HCM, đại diện Sở KHĐT TP Hà Nội, đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đại diện Bộ KHĐT việc cấp giấy phép một số ngành nghề kinh doanh tại một số công ty được bầu Kiên góp vốn.
Bào chữa cho cáo buộc kinh doanh trái phép khi mua cổ phần, cổ phiếu của các công ty khác, dù không có đăng ký kinh doanh, bầu Kiên cũng đã làm lúng túng đại diện của các cơ quan quản lý nhà nước khi viện dẫn Điều 13 Luật DN 2005: “Có gần một triệu doanh nghiệp được thành lập thì một nửa trong số này có hoạt động góp vốn vào các doanh nghiệp khác. Luật không yêu cầu đây là ngành nghề kinh doanh. Các doanh nghiệp được quyền góp vốn vào các doanh nghiệp khác”.
HĐXX đã hỏi lại Đại diện Sở Kế hoạch Đầu tư TP. HCM, Đại diện Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội, đại diện Ủy ban Chứng khoán nhà nước về việc “Đầu tư góp vốn kinh doanh, mua cổ phần, cổ phiếu của công ty khác có phải đăng ký kinh doanh không”, thì đại diện các cơ quan này đều lúng túng không trả lời được và… đùn đẩy cho nhau.
Đại diện Sở Kế hoạch Đầu tư TP. HCM cho biết, Sở chưa thể khẳng định việc này. Sở đã hỏi Bộ KHĐT và Bộ KHĐT đã hướng dẫn Sở phải hỏi… Bộ Tài chính để được hướng dẫn cụ thể. Sở sau đó đã có văn bản hỏi Bộ Tài chính nhưng đến nay cũng chưa có phản hồi.
Đại diện Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội cho rằng để trả lời câu hỏi việc góp vốn mua cổ phần, cổ phiếu có phải đăng ký kinh doanh hay không thuộc nhiều cơ quan, đề nghị Quý tòa hỏi Bộ KHĐT, Bộ Tài chính…
Với cùng câu hỏi này, đại diện Ủy ban Chứng khoán nhà nước ấp úng nói: Để trả lời câu hỏi này phải là người có thẩm quyền. HĐXX đề nghị vị này về nghiên cứu, mai trả lời tòa vì đây là vấn đề liên quan trực tiếp đến việc có cấu thành hành vi vi phạm của bị cáo Kiên.
Bầu Kiên: Tôi không trốn tránh trách nhiệm
Về việc kinh doanh cổ phiếu có thuộc mã ngành đăng ký kinh doanh hay không, đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng câu trả lời không thuộc thẩm quyền của cơ quan này.
Nói về trách nhiệm tại Công ty Thiên Nam, bị cáo Kiên cho biết, Tổng Giám đốc Lê Quang Trung là người ký các lệnh bán và mua. Việc chỉ đạo điều hướng của công ty là HĐQT chịu trách nhiệm. “Cá nhân tôi là Chủ tịch HĐQT thì tôi là người chịu trách nhiệm”, bầu Kiên nói.
Đối với hàng loạt lệnh mua bán vàng trạng thái của Công ty Thiên Nam, bị cáo Kiên thừa nhận, tuy nhiên bị cáo Kiên cho rằng câu chữ trong cáo trạng không đúng.
“Pháp nhân đặt lệnh chứ không phải cá nhân đặt lệnh” - bị cáo Kiên nói. Theo lý giải của "bầu Kiên", Công ty Thiên Nam đặt lệnh mua bán vàng và gửi Ngân hàng ACB.
HĐXX truy vấn bầu Kiên về việc đặt lệnh giao dịch vàng giữa Công ty Thiên Nam và Ngân hàng ACB. Bầu Kiên trình bày quy trình: Việc Trung ký lệnh rồi thông báo cho bị cáo Kiên. Sau khi Kiên xem giá trần sẽ thông báo cho Ngân hàng ACB.
Theo bầu Kiên, "việc Kiên phải thông báo cho ACB vì anh Trung không thể giao dịch được". Việc Kiên thừa ủy quyền của anh Trung trong việc giao dịch với ACB vì đơn vị này mới nhận ra giọng nói của bầu Kiên để thực hiện khớp lệnh.
Tòa hỏi: "Vậy vì sao ACB nhận ra giọng nói của anh mà không nhận giọng nói của anh Trung?"
"Việc này rất khó khăn, anh Trung có gọi hơn 10 lần thì chưa chắc nhân viên ACB đã nhận ra được. Còn giọng nói của tôi, 25 năm nay, nhân viên ACB đều nghe" - Bầu Kiên nói.
Trong suốt quá trình xét xử, bầu Kiên luôn khẳng định không có tội, đề nghị HĐXX xét xử sớm để công bố cho dư luận biết thực chất vụ án này là gì. “Tôi là đàn ông, tôi không trốn tránh trách nhiệm trong bất kỳ trường hợp nào”.
Đến 16h20, Tòa tạm nghỉ phiên xét xử hôm nay. Sáng mai 22/5, tòa tiếp tục làm việc.
Theo báo GTVT