Trưởng Ban Pháp chế VCCI: Nghệ An cần một chiến lược phát triển doanh nghiệp tư nhân
(Baonghean) - Giải pháp quan trọng thời gian tới, tôi đề nghị tỉnh Nghệ An là ngoài việc xúc tiến đầu tư rất hiệu quả ra còn phải chăm sóc nhà đầu tư, theo đúng khẩu hiệu “theo sát từng bước chân nhà đầu tư”, đó là một trong những kiến nghị mà ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nêu ra khi trả lời phỏng vấn Báo Nghệ An.
P.V: Ông đánh giá như thế nào về nỗ lực trong việc hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính ở Nghệ An trong những năm qua?
Ông Đậu Anh Tuấn: Trong những năm gần đây, tỉnh Nghệ An đã có những chuyển động khá mạnh mẽ trong nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) Nghệ An đều đặn cải thiện trong 4 năm gần đây và đã lần đầu tiên lọt vào nhóm 20 tỉnh, thành phố cao nhất cả nước. Có được điều này theo tôi là cách tiếp cận bài bản và cầu thị của tỉnh.
Giao dịch ở bộ phận một cửa Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh. Ảnh tư liệu: PV |
Nghệ An là địa phương có chương trình cải cách môi trường kinh doanh, cải thiện PCI tham vọng và bài bản, nằm trong Nghị quyết của Tỉnh ủy và thể hiện qua nhiều chương trình cụ thể, thiết thực của Chính quyền. Chẳng hạn trong xúc tiến đầu tư, Nghệ An nhiều năm đều đặn và bền bỉ duy trì được Hội nghị xúc tiến đầu tư có ảnh hưởng và tiếng vang.
Cách đây mấy năm, Nghệ An cũng đã thành lập Trung tâm Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư trực thuộc UBND. Đây cũng là một cách tiếp cận mới về xúc tiến đầu tư và thể hiện ngay trong tên gọi của nó. Xúc tiến đầu tư nhưng chức năng hỗ trợ đầu tư được nhấn mạnh ngang với mục tiêu xúc tiến. Xúc tiến đi kèm với hỗ trợ hay nói cách khác hỗ trợ nhà đầu tư là cách xúc tiến quan trọng nhất.
Năm 2018, Nghệ An xếp thứ 19/63 tỉnh, thành trên bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Cùng với đó, Chỉ số cải cách hành chính (PAR index) xếp thứ 29/63 tỉnh, thành; Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI), Nghệ An xếp thứ 4/63 tỉnh, thành.
P.V: Ở chỉ số PCI, mặc dù Nghệ An đã lọt top 20 của cả nước; tuy nhiên, dưới góc nhìn từ các chỉ số thành phần và qua quan sát tình hình thực tiễn của tỉnh, theo ông, Nghệ An cần cải thiện điều gì?
Ông Đậu Anh Tuấn: Đi sâu hơn nữa vào kết quả điều tra thì với Nghệ An, các doanh nghiệp, nhà đầu tư phần nào đã hài lòng về những thủ tục ban đầu, khi doanh nghiệp gia nhập thị trường như thủ tục đăng ký đầu tư hay đăng ký doanh nghiệp, tiếp cận đất đai. Trong hệ thống chỉ số PCI thì đây là những chỉ số mà Nghệ An đứng trong nhóm đầu cả nước, trong hoặc xấp xỉ gần nhóm 20 tỉnh, thành phố đứng đầu. Đặc biệt chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp Nghệ An năm vừa rồi đứng thứ 2 của cả nước.
Sản xuất tôn tại một doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn tỉnh. Ảnh tư liệu: Hoàng Vĩnh |
Tuy nhiên, đáng lưu ý là với nhóm các thủ tục sau khi đăng ký, bước vào hoạt động kinh doanh tại tỉnh như chi phí thời gian, chi phí không chính thức… Nghệ An nhiều năm liền đang nằm trong nhóm sau. Trong PCI 2018 thì chỉ số chi phí thời gian và chi phí không chính thức của Nghệ An nằm trong nhóm các tỉnh thấp nhất cả nước.
Như vậy, Nghệ An khá thành công trong xúc tiến đầu tư, cải cách thủ tục để nhà đầu tư bước vào đầu tư, gia nhập thị trường. Nhưng cần phải chú ý hơn đến nhóm các thủ tục hậu đầu tư. Giải pháp quan trọng thời gian tới, tôi đề nghị tỉnh Nghệ An là ngoài việc xúc tiến đầu tư rất hiệu quả ra còn phải chăm sóc nhà đầu tư, theo đúng khẩu hiệu “theo sát từng bước chân nhà đầu tư”. Cách này sẽ thể hiện được sự thay đổi tư duy từ xin cho, ban phát sang suy nghĩ và hành động như chính nhà đầu tư. Cách tiếp cận phải từ cấp phép, cho phép sang cách nghĩ là phục vụ, chăm sóc nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Việc quan tâm tới từng dự án sau cấp phép có vai trò hết sức quan trọng trong thu hút đầu tư, là cách hữu hiệu để thu hút các doanh nghiệp làm ăn bài bản. Việc quảng bá hình ảnh, môi trường đầu tư sẽ trở nên thiết thực nhất khi lấy hiệu quả hỗ trợ, chăm sóc doanh nghiệp sau đầu tư làm thước đo về môi trường đầu tư. Về phía doanh nghiệp, sự trải nghiệm thực tế về môi trường đầu tư và thành công của các doanh nghiệp đến trước sẽ là bằng chứng thuyết phục hơn việc quảng bá, tuyên truyền hay bất kỳ chương trình xúc tiến đầu tư nào khác.
P.V: Theo ông, hiện nay Nghệ An cần thúc đẩy chính sách gì để hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp khi đây là lực lượng rất quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh?
Ông Đậu Anh Tuấn: Nghệ An đã tương đối thành công trong việc thúc đẩy phát triển một số dự án lớn, đặc biệt đầu tư vào hạ tầng khu công nghiệp và bước đầu đã có nhiều dự án quan trọng.
Một tổ hợp do doanh nghiệp tư nhân đầu tư tại Khu Công nghiệp VSIP Nghệ An. Ảnh: Thành Duy |
Bên cạnh các dự án đầu tư lớn, tôi muốn nhấn mạnh đến động cơ rất quan trọng cho sự phát triển của tỉnh trong thời gian tới là các doanh nghiệp tư nhân, từ các hộ kinh doanh cho đến các doanh nghiệp đang hoạt động chính thức theo Luật Doanh nghiệp. Đầu tư vào nông nghiệp, phát triển doanh nghiệp tư nhân đồng thời nâng cấp dịch vụ du lịch có lẽ là hướng phát triển bền vững của Nghệ An. Có thể giá trị công nghiệp, thu ngân sách của Nghệ An chưa “hoành tráng” so với các tỉnh hàng xóm nhưng cách thức phát triển này chắc chắn sẽ đem lại lợi ích cho đông đảo người dân, tạo thêm nhiều việc làm, bảo vệ môi trường, theo hướng phát triển bao trùm khi không ai bị bỏ lại phía sau.
Theo định hướng này thì Nghệ An có lẽ ngoài việc mời gọi “sếu đầu đàn” ra còn phải có một chiến lược phát triển doanh nghiệp tư nhân. Hiện tỷ lệ doanh nghiệp bình quân đầu người còn khá khiêm tốn, đang ở nửa sau của cả nước. Đó là chưa tính đến hầu hết các doanh nghiệp tư nhân của Nghệ An có quy mô vừa và nhỏ, rất nhiều doanh nghiệp siêu nhỏ. Nghệ An cũng chưa có nhiều sản phẩm, thương hiệu nổi bật phạm vi cả nước và khu vực.
Có được thêm nhiều doanh nghiệp mới thành lập, bên cạnh thu hút được nhiều dự án nước ngoài là bài toán quan trọng của Nghệ An. Bởi vì điều này là để đảm bảo đủ việc làm cho người lao động. Nghệ An là tỉnh đông dân, có lực lượng lao động trẻ gia nhập thị trường hàng năm rất lớn, số lượng lao động chuyển dịch từ khu vực nông nghiệp sang cao thì việc làm sẽ tạo ra ở đâu nếu không phải là chính ở các doanh nghiệp tư nhân cả chính thức và không chính thức?!
Những hoạt động cụ thể, thiết thực mà Nghệ An nên thực hiện là phải: Rà soát và kiến nghị gỡ bỏ các rào cản, khó khăn mà nhà đầu tư gặp phải; đánh giá hiệu quả thực thi của các chính sách ban hành, kể cả đánh giá mức độ thực hiện của các sở, ngành có liên quan, thúc đẩy đối thoại giữa chính quyền với doanh nghiệp; tìm tòi các sáng kiến mới để cải thiện môi trường kinh doanh… Đây chính là những hoạt động rất quan trọng và có ý nghĩa.
Đích đến ở đây không chỉ là những dự án đầu tư với số vốn đầu tư cụ thể, thành tích ngắn hạn mà còn là một môi trường đầu tư thuận lợi, an toàn, bền vững mà bất cứ nhà đầu tư nào dù trong tỉnh hay ngoài tỉnh, dù trong nước hay nước ngoài, dù lớn hay bé, tất cả đều được hưởng lợi.
P.V: Xin cảm ơn ông!