Xã hội

Trường Đại học Vinh tổ chức hội thảo về thực trạng tảo hôn ở miền núi của Nghệ An

Mỹ Hà 12/04/2025 10:56

Tình trạng tảo hôn đang là một vấn đề nhức nhối tại nhiều huyện miền núi ở Nghệ An, cản trở tiến trình nâng cao chất lượng dân số, chất lượng cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình.

Sáng 12/4, Trường Đại học Vinh tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Thực trạng tảo hôn và hiệu quả công tác phòng, chống tảo hôn trong đồng bào một số dân tộc thiểu số các huyện miền Tây tỉnh Nghệ An”.

Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ, đại diện Trường Đại học Vinh, Trường Chính trị tỉnh Nghệ An cùng đại diện một số sở, ban, ngành liên quan.

img_9674(1).jpg
Tiến sĩ Nguyễn Văn Đại – Phó Trưởng khoa Luật học, Trường Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Vinh phát biểu đề dẫn hội thảo. Ảnh: Mỹ Hà

Chương trình hội thảo nằm trong khuôn khổ triển khai đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp tỉnh: “Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tảo hôn trong đồng bào một số dân tộc thiểu số ở các huyện miền Tây tỉnh Nghệ An” do Trường Đại học Vinh thực hiện.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Văn Đại – Phó Trưởng khoa Luật học, Trường Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Vinh – Chủ nhiệm đề tài, đã khái quát tình trạng tảo hôn trên địa bàn một số huyện miền Tây Nghệ An. Theo ông, đây là một hủ tục tồn tại nhiều năm, gây cản trở lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững, ảnh hưởng đến tiến bộ xã hội. Tảo hôn không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn để lại nhiều hệ lụy đối với cá nhân, gia đình và cộng đồng; đặc biệt ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực, dân số và công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em.

ad95b2a792b021ee78a1(1).jpg
Biểu đồ về tình trạng tảo hôn trên địa bàn huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Mỹ Hà

Từ kết quả nghiên cứu, ngoài các nguyên nhân đến từ điều kiện cư trú, kinh tế khó khăn, tập tục lạc hậu, tình trạng tảo hôn còn bắt nguồn từ trình độ dân trí thấp, thiếu điều kiện tiếp cận thông tin, nhận thức pháp luật hạn chế. Nhiều người dân chưa hiểu rõ những hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Ở một số địa phương, chính quyền cơ sở chưa thực sự quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, đặc biệt là Luật Hôn nhân và Gia đình. Việc xử lý các trường hợp tảo hôn chưa đủ sức răn đe...

Một trong những khó khăn hiện nay là việc triển khai các chính sách, pháp luật về hôn nhân và gia đình ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế. Mức xử phạt hành chính đối với hành vi tảo hôn còn thấp, chưa đủ sức ngăn chặn.

Nhiều nơi, chính quyền cơ sở còn lúng túng trong xử lý vi phạm. Thêm vào đó, sự phản ứng từ phía cộng đồng còn rất yếu, phần lớn vẫn coi đây là việc riêng của từng gia đình, dòng họ.

img_9687(1).jpg
Các đại biểu phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Mỹ Hà

Hiện nay, phần lớn các cặp vợ chồng tảo hôn phải nghỉ học sớm, dẫn đến thiếu kiến thức xã hội, ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ và thể chất. Đồng thời, tảo hôn cũng làm mất cơ hội học tập, việc làm, khiến năng suất lao động thấp, kinh tế khó khăn, dễ phát sinh mâu thuẫn trong gia đình, gia tăng nguy cơ đói nghèo.

Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày các báo cáo đánh giá thực trạng tảo hôn và công tác phòng, chống tảo hôn trong cộng đồng các dân tộc Thái, Mông, Thổ, Khơ Mú và một số dân tộc khác tại miền Tây Nghệ An.

Đồng thời, các báo cáo khái quát tình hình chính sách và những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống tảo hôn tại địa phương.

bna00028-1-.jpg
Huyện Kỳ Sơn ra mắt mô hình phòng chống tảo hôn ở xã Hữu Kiệm. Ảnh: Mỹ Hà

Hội thảo cũng tập trung thảo luận, trao đổi về các kết quả nghiên cứu, phân tích những tồn tại, nguyên nhân, từ đó đề xuất các nhóm giải pháp thiết thực, khả thi nhằm hỗ trợ các địa phương và các sở, ngành liên quan của tỉnh Nghệ An triển khai hiệu quả công tác phòng, chống tảo hôn trong thời gian tới.

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Trường Đại học Vinh tổ chức hội thảo về thực trạng tảo hôn ở miền núi của Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO