Trường nghề loay hoay trước 'bài toán' giáo viên hợp đồng

Thanh Nga - Mỹ Hà 11/04/2024 09:04

(Baonghean.vn)- Nghệ An đang rà soát lại nhân viên hợp đồng ở các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập nhằm triển khai thực hiện Nghị định số 111 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.

Quá trình này sẽ tác động không nhỏ đến nhiều trường nghề, khi mà ở đó, số giáo viên, nhân viên hợp đồng đang chiếm tỷ lệ lớn.

Những nỗi niềm…

Ở tuổi ngoài 40, chị Hà Thị Lâm vẫn đang là giáo viên hợp đồng ở Khoa May mặc - Trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghệ An. Công việc đặc thù, trường lại thiếu giáo viên nên chị cùng lúc kiêm nhiệm và đứng lớp nhiều môn học.

Sau gần 15 năm hợp đồng, mong ước vào biên chế của nữ giáo viên này vẫn chưa thực hiện được. Dù trường vẫn đảm bảo các quy định về lương, thưởng, theo chị Lâm, nếu được vào biên chế, chị sẽ yên tâm công tác, không còn lo lắng về việc cắt giảm lương hoặc chậm lương.

Tiết học của học sinh KHoa may mặc - Trường Trung cấp DTNT Nghệ An. PG.JPG
Tiết học của học sinh Khoa May mặc - Trường Trung cấp DTNT Nghệ An. Ảnh: Mỹ Hà

Gần đây thông tin tỉnh đang thực hiện việc rà soát lại đội ngũ nhân viên hợp đồng ở các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 111 càng khiến chị thêm lo lắng. Trên thực tế, đã có thời điểm, các chị phải tạm ứng lương vì trường gặp vướng mắc từ phía kho bạc.

Nhiều năm nay, Trường Trung cấp dân tộc nội trú Nghệ An đều rơi vào tình trạng thiếu giáo viên. Nói về điều này, thầy giáo Lê Văn Tuấn - Hiệu trưởng nhà trường đưa ra một con số so sánh khá bất cập về cơ cấu đội ngũ: “Trường chúng tôi thành lập năm 2009, khi ấy có 23 biên chế và quy mô tuyển sinh mỗi năm chỉ 100 em. Hiện nay, quy mô mỗi năm lên đến gần 500 học sinh, số biên chế không tăng mà còn giảm 2 người. Những năm qua, chúng tôi không tuyển được giáo viên mới”.

Ông Tuấn cho biết, vì thiếu giáo viên trầm trọng nên việc hợp đồng giáo viên là tất yếu để đảm bảo đủ đội ngũ đứng lớp. Trong số đó, có cả hợp đồng cơ hữu (từ 1 năm trở lên) và hợp đồng thỉnh giảng (tùy từng môn học). Hiện trường đang hợp đồng hơn 20 giáo viên, trong đó, có 13 giáo viên cơ hữu (gồm giáo viên dạy nghề và giáo viên văn hóa), ngoài ra, còn hợp đồng các giáo viên thỉnh giảng theo từng đặc thù bộ môn (theo từng tiết).

Tuy nhiên, việc hợp đồng cũng không dễ dàng vì số giáo viên có năng lực và mặn mà với trường nghề không nhiều. “Con Cuông là địa phương xa trung tâm nên số giáo viên dạy nghề là người bản địa không nhiều. Trong khi đó, giáo viên ở dưới xuôi lên nếu chi trả lương thấp họ sẽ không hào hứng. Vì thế, với một trường đặc thù như chúng tôi, nếu không có biên chế, nếu không được tuyển dụng giáo viên hợp đồng và nếu không cho các trường một cơ chế riêng để chi trả thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc bố trí giáo viên”, vị Hiệu trưởng cho hay.

Giờ học của Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Nghi Lộc.jpeg
Giờ học của Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Nghi Lộc. Ảnh: NTCC

Trường Trung cấp nghề kinh tế - kỹ thuật Nghi Lộc hiện nay cũng đang đào tạo gần 300 học viên. Do nhiều nguyên nhân từ lịch sử để lại nên đây là một trong ngôi trường hi hữu không có giáo viên hợp đồng cơ hữu. Trong khi đó, đã nhiều năm trường không được tuyển thêm biên chế dù đã nhiều lần kiến nghị. Để đủ giáo viên đứng lớp, nhà trường buộc phải hợp đồng giáo viên thỉnh giảng tại nhiều trường khác nhau, việc chi trả lương được tính theo số tiết. Tuy nhiên, hiện nay, việc chi trả lương cho giáo viên còn gặp nhiều khó khăn.

Trường chúng tôi từ trước Tết đến nay chi khoảng 200 triệu đồng trả lương cho giáo viên hợp đồng chưa được thanh toán với lý do đang phải rà soát lại đội ngũ giáo viên hợp đồng theo Nghị định 111.

Nhưng thực tế ở trường chúng tôi không có đối tượng này, bởi nếu nói giáo viên hợp đồng nghĩa là giáo viên phải ký hợp đồng, phải đóng bảo hiểm xã hội. Các giáo viên còn lại của chúng tôi, không liên quan đến bất cứ chính sách nào, cũng không liên quan đến đối tượng hợp đồng theo Nghị định 111 nên cần có cơ chế “mở” để chúng tôi chi trả lương cho họ. Còn nếu không có cơ chế thì chúng tôi sẽ không có giáo viên đứng lớp.

Ông Lương Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Kinh tế Kỹ thuật Nghi Lộc

Tìm phương án gỡ khó

Nghị định số 111 quy định rõ về kinh phí thực hiện ký hợp đồng để giải quyết khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn thực hiện và bảo đảm kinh phí triển khai thực hiện các quy định mới. Liên quan đến nội dung này, thời gian qua, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, các trường nghề trên địa bàn tỉnh Nghệ An cũng đã rà soát, báo cáo việc thực hiện hợp đồng cho các nhà trường. Bên cạnh đó, các trường cũng đã chỉ ra những khó khăn, bất cập.

Tiết học của khoa may mặc Trường Trung cấp DTNT Nghệ An.JPG
Hầu hết các trường nghề đều phải tuyển dụng thêm giáo viên hợp đồng để đảm bảo có đủ giáo viên đứng lớp. Ảnh: Thanh Nga

Chia sẻ thêm về điều này, ông Lê Văn Tuấn – Hiệu trưởng Trường Trung cấp dân tộc nội trú Nghệ An nói thêm: Chúng tôi đã có báo cáo gửi Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và Sở Nội vụ về thực tế sử dụng lao động ở trường. Qua nắm bắt ở Kho bạc Nhà nước, chúng tôi cũng được yêu cầu rằng, tất cả giáo viên hợp đồng cần phải được sự đồng ý của cơ quan chủ quản (cấp tỉnh).

Tuy nhiên, thực tế hiện nay nhu cầu hợp đồng là có thực và chúng tôi mong tỉnh sớm có hướng dẫn cụ thể để chúng tôi xác định rõ trường được hợp đồng bao nhiêu giáo viên để đảm bảo việc dạy và học ở nhà trường, không làm xáo trộn tâm tư của đội ngũ cán bộ, giáo viên.

bna_Lớp học nghề.JPG
Lớp học nghề của Trung tâm GDNN - GDTX huyện Anh Sơn. Ảnh: Mỹ Hà

Tại Trường Trung cấp kinh tế - công nghiệp – thủ công nghiệp, thời gian qua để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao, trường đã hợp đồng 14 lao động. Hiện nay, theo Nghị định số 111, trường có 9 giáo viên/14 người hợp đồng không được chi trả lương. Số người đang làm việc so với quy mô đào tạo trường thực hiện đang thiếu nhiều. Trước thực tế này, trường cũng đã có văn bản trình Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, trình UBND tỉnh cho phép được hợp đồng lao động để thực hiện nhiệm vụ được giao, đảm bảo không gián đoạn việc dạy học.

Những năm gần đây, hằng năm, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức đào tạo nghề cho trên 60.000 học viên ở các trình độ cao đẳng, trung cấp và sơ cấp nghề.

Theo Nghị định 143/2016/NĐ-CP ngày 14/10/2016 quy định điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp thì các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải “bảo đảm tỷ lệ học sinh quy đổi trên giáo viên quy đổi tối đa là 25 học sinh/giáo viên; đối với các nghề yêu cầu về năng khiếu, bảo đảm tỷ lệ học sinh quy đổi trên giáo viên quy đổi tối đa là 15 học sinh/giáo viên”.

Như vậy, nếu chiếu theo số liệu học viên của năm 2022 là 65.498 thì toàn tỉnh phải có hơn 2.600 giáo viên dạy nghề. Tuy nhiên, đến nay, tổng số giáo viên dạy nghề trên địa bàn tỉnh mới chỉ có 2.065 người (biên chế 803 người, chiếm 38,8% tổng số nhà giáo; hợp đồng 1.262 người, chiếm 61,2%); 477 người là cán bộ quản lý, trong đó có 382 cán bộ quản lý kiêm tham gia giảng dạy, chiếm 80% tổng số cán bộ quản lý.

435063937_358987666529740_8665972299835159954_n.jpg
Quy mô các trường nghề trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Kỹ thuật: Hồng Toại

Theo các khảo sát của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, từ năm 2020 đến nay, tình trạng thiếu hụt giáo viên ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngày càng tăng. Nếu như giữa năm 2020, theo khảo sát về nhu cầu bổ sung đội ngũ giáo viên của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thuộc tỉnh quản lý, số giáo viên còn thiếu so với nhu cầu là 207 người thì đến ngày 30/6/2023, số giáo viên còn thiếu đã lên đến 340 người.

Nhiều cơ sở dạy nghề đang gặp rất nhiều khó khăn trong đào tạo vì thiếu giáo viên dạy nghề. Không những thế, tình trạng “chảy máu” giáo viên diễn ra tại nhiều trường nghề.

Theo một báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, giai đoạn 2015-2020, toàn tỉnh có 170 giáo viên dạy nghề bỏ ra ngoài làm việc, chủ yếu là giáo viên hợp đồng.

Từ đó đến nay, dù chưa có số liệu khảo sát mới nhưng qua tìm hiểu thực tế ở các trường, số giáo viên bỏ công việc giảng dạy để ra ngoài làm việc vẫn xảy ra hằng năm.


Ông Hoàng Sỹ Tuyến – Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết: “Mặc dù thiếu giáo viên dạy nghề nhưng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp lại hoàn toàn không được tuyển dụng giáo viên hợp đồng, không được ký hợp đồng dài hạn chỉ được ký hợp đồng 3 năm do đang siết chặt quản lý biên chế và số lượng người làm việc tại các cơ quan, đơn vị.

Ngoài ra, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn phải tiếp tục tinh giản biên chế theo Nghị định 113/2018/NĐ-CP, dẫn đến khó khăn trong việc đảm bảo đủ số lượng giáo viên theo nhu cầu đào tạo thực tế”.

Mới nhất

x
Trường nghề loay hoay trước 'bài toán' giáo viên hợp đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO