Trường nghề ở Nghệ An nỗ lực đào tạo theo đơn đặt hàng

Thanh Nga 01/04/2024 11:06

(Baonghean.vn) - Dạy nghề gì để gắn với nhu cầu việc làm đang là nỗi trăn trở lớn của các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh.

Thực tế, có rất nhiều ngành nghề từng rất hot thì nay có xu hướng chững lại, ngược lại có những ngành nghề xã hội đang rất cần thì các cơ sở dạy nghề chưa có đủ điều kiện để mở mới. Tuy nhiên, các cơ sở đào tạo đang cố gắng tìm ra những cách thức để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Đào tạo theo đơn đặt hàng

Vào năm 2022, Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Hồng Lam nhận được đơn đặt hàng từ Công ty Honda với hơn 200 suất lao động ngành Tin học ứng dụng. Công ty này cam kết lao động sau khi được đào tạo ở trường Hồng Lam sẽ được nhận vào làm việc với mức lương từ 10 - 12 triệu đồng, chỉ cần có tay nghề ở mức thiết kế được những phần mềm nhỏ hoặc làm được một vài modul theo yêu cầu.

Kỹ thuật chế biến món ăn.jpg
Thầy trò Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Hồng Lam tại Ngày hội tư vấn việc làm. Ảnh: NTCC

Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Hồng Lam Phan Xuân Dũng cho biết: Hầu hết học sinh được đào tạo ngành Tin học ứng dụng tại trường đều có thể làm được công việc theo yêu cầu của phía đặt hàng, các em được nhận mức lương ổn định và được đảm bảo công việc dài lâu. Những năm tới, trường vẫn sẽ tiếp tục mở ngành này, vì ngoài đơn hàng của công ty cũ thì trường còn tiếp tục nhận được một vài đơn hàng của các công ty khác cũng với yêu cầu tương tự.

Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Hồng Lam cho biết thêm, sắp tới trường sẽ mở thêm những mặt nghề hot mà nhu cầu thị trường đang cần như nghề chăm sóc sắc đẹp để có chương trình đào tạo sát đúng với nhu cầu. “Đây là nghề mà nhiều thị trường trong nước cũng như nước ngoài đang cần và chúng tôi cũng đã tuyển sinh được số lượng lớn.” - ông Dũng cho hay.

học sinh. học nghề may tại trường Trung cấp KT - KT Hồng Lam.jpg
Học sinh ngành May tại Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Hồng Lam. Ảnh: NTCC

Không chỉ Hồng Lam là đơn vị nhận được đơn hàng lao động ở một ngành nghề mới rồi sau đó triển khai đào tạo, mà hiện nay nhiều trường cũng đang nâng cấp những ngành nghề hot sau khi nhận được nhiều đơn đặt hàng của các đơn vị doanh nghiệp. Ông Lương Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Kinh tế - Kỹ thuật Nghi Lộc cho biết: “Riêng với nghề Kỹ thuật chế biến món ăn, chúng tôi luôn có lượng đơn đặt hàng lớn của các khách sạn nhà hàng. Thậm chí, vào kỳ thực tập, học sinh được trả lương từ 5 – 7 triệu đồng/tháng. Đến thời điểm tốt nghiệp, nhiều đơn vị sẵn sàng nhận luôn cả lớp”.

Cũng theo thầy Tuấn, Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Nghi Lộc đang có dự định mở thêm ngành nghề mới như ngành may thời trang, tiếng Hàn nhưng gặp khá nhiều trở ngại vì thiếu giáo viên cơ hữu và điều kiện về cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu. Ông Tuấn cho biết thêm: “Ngành May công nghiệp vốn là ngành hot trong nhiều năm gần đây nhưng nay đang có xu hướng chững lại và trong những năm tới xu thế học sinh đầu quân cho ngành nghề này ít đi. Nhà trường sẽ có những điều chỉnh về số lượng tuyển sinh và sẽ tập trung cho ngành nghề khác”.

Hiện trên địa bàn tỉnh, nhiều cơ sở đào tạo nghề đang rà soát các ngành nghề có lượng tuyển sinh thấp để điều chỉnh quy mô đào tạo; đồng thời sẽ có kế hoạch để mở thêm các ngành mới phù hợp với xu thế việc làm. Ông Chu Minh Lợi - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Nghệ An cho biết: Chúng tôi hiện đang đào tạo 7 mặt nghề truyền thống như: Điện, Điện lạnh, Điện dân dụng, Hàn, Cơ khí, May, Kỹ thuật chế biến món ăn, Công nghệ ô tô. Bên cạnh những ngành có lượng tuyển sinh tương đối tốt thì cũng có những ngành lượt tuyển sinh thấp hơn hẳn. Để đáp ứng được xu thế, chúng tôi sẽ sàng lọc lại các ngành có ít học sinh và mở thêm các ngành mới đáp ứng nhu cầu thị trường.

bna _ Học nghề sửa chữa điện tử.jpg
Đào tạo nghề Điện tử tại Trường Dân tộc nội trú Nghệ An. Ảnh: NTCC

Hay trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghệ An cũng có nhiều trăn trở trong việc nâng cao chất lượng tay nghề cho học sinh đối với những ngành nghề đang hot. Hiệu trưởng Trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghệ An Lê Anh Tuấn cho biết: “Chúng tôi đang đầu tư cơ sở vật chất cho ngành Hàn và Công nghệ ô tô để học sinh có điều kiện tốt nhất được thực hành trong môi trường làm việc hiện đại, đáp ứng yêu cầu tiêu chí của ngành nghề này”.

Tại cuộc họp tổng kết công tác giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động, ông Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhìn nhận: “Để lao động có việc làm tốt và sẵn sàng đầu quân ở các doanh nghiệp trong tỉnh, trong nước, các nhà trường và các cơ sở đào tạo nghề phải có sự liên kết chặt chẽ, đào tạo nghề cần gắn với nhu cầu của thị trường lao động. Hiệu quả nhất vẫn là đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp để đảm bảo sinh viên khi ra trường sẽ có việc làm”. Do đó, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, trường nào biết lựa chọn đúng ngành nghề mà nhu cầu xã hội đang cần sẽ khẳng định được vị trí của mình. Thay vì đào tạo những gì nhà trường có, các nhà trường nên bắt kịp đào tạo những ngành nghề xã hội cần.

Nâng cao tay nghề cho lao động, đáp ứng nhu cầu thị trường

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trên địa bàn tỉnh có khoảng 82-85 nghìn người có nhu cầu học nghề các cấp trình độ với tổng số 57 nghề. Cụ thể: nhóm nghề nông nghiệp có nhu cầu chiếm từ 45-46,5% và nhóm nghề phi nông nghiệp chiếm từ 53,5 - 55% nhu cầu học nghề toàn tỉnh.

Biểu đồ-nhu cầu học nghề các cấp trình độ.png
Đồ hoạ: Hữu Quân

Trong năm 2023, các trường nghề đã tuyển sinh, đào tạo cho 68.272 lượt người, đạt 104,2% kế hoạch; trong đó, trình độ cao đẳng 5.080 người, trung cấp 9.934 người, sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng 53.258 lượt người góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 69%, trong đó có văn bằng, chứng chỉ đạt 28,6%; tỷ lệ có việc làm đạt 80,7%.

Biểu đồ-đào tạo nghề.png
Đồ hoạ: Hữu Quân

Các cơ sở đào tạo đã chú trọng và đẩy mạnh hoạt động ký kết với doanh nghiệp để tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên thực tập, tuyển dụng lao động. Tỷ lệ học sinh, sinh viên trình độ cao đẳng, trung cấp sau tốt nghiệp có việc làm đạt 95%, một số nghề sau đào tạo 100% lao động đều có việc làm, thu nhập ổn định, với mức thu nhập bình quân từ 7-8 triệu đồng/tháng như: Hàn, cơ khí, điện, điện tử, quản trị khách sạn, công nghệ ô tô, kỹ thuật chế biến món ăn, xây dựng, quản trị nhà hàng.

Thị trường lao động chuyển dịch theo hướng tốt hơn, giảm tỷ trọng lao động trong lĩnh vực nông lâm thuỷ sản từ 34.89% năm 2022 xuống 34,63% năm 2023, tăng tỷ trọng lao động trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng từ 32.60% năm 2022 lên 32.84% năm 2023, tăng tỷ trọng lao động trong lĩnh vực dịch vụ từ 32.48% năm 2022 lên 32,53% năm 2023. Số lượng và chất lượng nguồn nhân lực không ngừng được nâng lên đảm bảo từng bước đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong nước và hội nhập quốc tế.

Biểu đồ-Chuyển dịch thị trường lao động.png
Đồ hoạ: Hữu Quân

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long khẳng định: Để tạo thêm nhiều cơ hội việc làm có mức thu nhập cao cho lao động trên địa bàn tỉnh, cần tăng cường quan hệ hợp tác giữa các cơ quan quản lý lao động địa phương với các doanh nghiệp; giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, nhất là các tập đoàn, tổng công ty để ký kết thỏa thuận thực hiện đào tạo theo đơn đặt hàng, đào tạo có địa chỉ, gắn tuyển sinh với tuyển dụng, sử dụng. Phát triển đa dạng các hình thức đào tạo, như: liên kết đào tạo kèm cặp tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh, dịch vụ; trang trại, truyền nghề.

Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt công tác khảo sát, dự báo nhu cầu thị trường sử dụng lao động gắn với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, từng ngành, từng địa phương gắn với vùng kinh tế Bắc Trung Bộ và thị trường lao động trong nước, ngoài nước.

Mới nhất

x
Trường nghề ở Nghệ An nỗ lực đào tạo theo đơn đặt hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO