Thời sự

Trường Sa - Một hải trình đặc biệt

Lục Thị Liên (Phó Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh) 19/05/2025 10:00

Sáng 30/4/2025 - đúng dịp cả nước nô nức kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và cũng là dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng các đảo ở Quần đảo Trường Sa, Đoàn công tác số 16 với hơn 180 đại biểu (trong đó có 35 đại biểu tỉnh Nghệ An) đến từ nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương khác nhau bắt đầu rời đất liền, mang theo tình cảm của đồng bào cả nước hướng về Trường Sa thân yêu.

Da Tay B Island is one of the three islands that make up the Da Tay Island in the Truong Sa archipelago. It is located 260 nautical miles away from the mainland. Photo: Manh Hung
Ảnh: Mạnh Hùng

Cột mốc chủ quyền - Biểu tượng thiêng liêng

Mỗi hòn đảo mà chúng tôi được đặt chân đến theo hải trình, dù thời gian chỉ có 2 đến 3 tiếng cho mỗi nơi, nhưng đều để lại trong tôi những dấu ấn sâu sắc. Ngày 2/5/2025, đoàn đặt chân đến đảo đầu tiên - Đá Thị, cách đất liền khoảng 250 hải lý. Dòng chữ “Đảo là nhà - Biển cả là quê hương” in trên tầng 3 của tòa nhà đảo, khiến tôi rưng rưng xúc động về tinh thần bất khuất kiên cường của của các chiến sĩ hải quân. Khẩu hiệu: “Dưỡng tâm trong, rèn trí sáng, xây hoài bão lớn” ở ngay nơi đón tiếp như tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho mỗi chiến sĩ cũng như công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Tại đảo Sinh Tồn (1 trong 3 xã đảo thuộc huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa), nơi được giải phóng từ ngày 28/4/1975. Tên gọi Sinh Tồn đã thể hiện được sự quyết tâm lớn lao. Ở đây tôi đã cảm nhận được sự trường tồn của biển đảo quê hương trước những khắc nghiệt, khó khăn, khi nhìn thấy những nụ cười hiền hậu, làn da rám nắng của các chiến sĩ và những vườn rau xanh mướt có cả cây trái, những giàn hoa nhiều màu sắc.

bna_truongsa_quangdung_46606868_282018.jpg
Ảnh: Quang Dũng

Trung tá Phạm Sỹ Thoại - Chỉ huy trưởng đảo Sinh Tồn chia sẻ: “Mặc dù khí hậu ở đảo rất khắc nghiệt, nhưng nhờ tinh thần ý chí và sáng tạo của quân và dân, đảo ngày càng có nhiều thay đổi, mang diện mạo mới”. Nơi đây đã có các hộ dân sinh sống cùng các công trình văn hóa - tâm linh. Tôi khá bất ngờ khi gặp chiến sĩ Lầu Bá Tồng - người dân tộc ở huyện Kỳ Sơn, đó là một chàng trai có dáng người cao, ánh mắt sáng. Cậu ấy đã rất vui như thể gặp được người thân khi gặp gỡ đoàn công tác Nghệ An, tôi bất ngờ bởi vì được biết, ở đây về cơ bản các chiến sĩ đến từ các vùng miền của Tổ quốc, nhưng phần lớn là ở các vùng quen với việc đi biển. Vậy là trách nhiệm chủ quyền biển đảo, đã ở trong tim bất kỳ người dân nào. Trước lúc chia tay, Lầu Bá Tồng đã tặng tôi một vỏ sò và nhắn nhủ: “Cô hãy giữ chút tình cảm của Trường Sa, nói với gia đình là em vẫn khỏe và luôn sẵn sàng hoàn thành tốt nhiệm vụ”, cái bắt tay vội vàng trong ánh nắng trưa Trường Sa, tôi thấy lòng mình se lại bởi những ánh mắt yêu thương của người chiến sĩ trên biển đảo và sâu thẳm trong đó là những hy sinh lớn lao cho đất nước!

Đoàn đại biểu tỉnh Nghệ an chụp ảnh tại đảo Trường Sa
Đoàn đại biểu tỉnh Nghệ An chụp ảnh tại đảo Trường Sa. Ảnh: Phan Tú

Tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, cột mốc chủ quyền là nơi trang trọng nhất, nơi tổ chức chào cờ, duyệt binh và đón tiếp các đoàn đại biểu. Đây không chỉ là công trình đánh dấu chủ quyền mà còn là biểu tượng về sự hy sinh cao cả của các thế hệ đi trước.

Tại đảo Cô Lin, Len Đao - hai đảo chìm giữa đại dương, các tòa nhà đảo sừng sững, vững chãi với hình ảnh chiến sĩ trẻ với ánh mắt kiên định, vững chắc tay súng giữa biển trời bao la càng khiến tôi thêm tin tưởng tưởng vào thế hệ hôm nay. Lời bài hát "Khúc quân ca Trường Sa" như vang vọng trong tâm trí và khắc sâu giá trị của những cống hiến, hy sinh của cha anh vì chủ quyền biển đảo: “Ngày qua ngày, đêm qua đêm, chúng tôi đứng đây gìn giữ quê hương…”.

4. BT TW Đoàn Nguyễn Minh Triết gặp gỡ các chiến sỹ trên đảo côlin
Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Minh Triết gặp gỡ các chiến sĩ trên đảo Cô Lin. Ảnh: Phan Tú

Tiếp theo hành trình, ngày thứ 5, chúng tôi đã đến đảo Đá Tây A, cách đất liền khoảng 270 hải lý, hôm đó khi chuẩn bị lên đảo thì bất ngờ trời mưa, nhưng cả đoàn công tác đều sẵn sàng xuống xuồng để lên đảo. Và khi đặt chân lên đảo, dòng chữ “Trung với Đảng, Hiếu với dân, Sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì sự nghiệp chủ quyền biển đảo của Tổ quốc” trên cổng chào như một lời thề son sắt về chủ quyền, về sự sẵn sàng hy sinh cho độc lập Dân tộc của quân và dân trên đảo.

Đá Tây A là một trong những đảo nổi, ngoài nhiệm vụ chính bảo vệ chủ quyền thì ở đây, cũng như các đảo trên huyện đảo Trường Sa của nước ta Đá Tây còn là điểm tựa vừa giúp ngư dân vươn khơi, bám biển khai thác, đánh bắt thủy sản, đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo, nổi bật là Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá. Sau khi dạo một vòng quanh đảo, ngồi dưới gốc cây bàng vuông, nghe các chiến sĩ kể chuyện, có người mới ra vài ba tháng, có người cũng đã gắn bó suốt 7-8 năm. Gần như không ai nói đến những vất vả hay khó khăn mà chỉ có những nụ cười hiền hòa, ánh mắt cương nghị, cho tôi thấy hình ảnh của một tinh thần thép, quyết tâm cho nhiệm vụ cao cả.

Ngày thứ 6 của hải trình, chúng tôi đến đảo Trường Sa Lớn - đảo chính và là trung tâm hành chính của Huyện đảo Trường sa, cách Cam Ranh khoảng 248 hải lý. Đây là nơi đoàn công tác đã được giành nhiều thời gian nhất và cũng là nơi tôi cảm thấy sự xúc động chưa bao giờ rõ như lúc này. Giữa biển trời xanh thẳm của đảo Trường Sa lớn, đón chúng tôi là lễ diễu hành của quân và dân trên đảo. Đây cũng là một trong những hoạt động thiết thực thi đua chào mừng kỷ niệm 50 năm Giải phóng quần đảo Trường Sa (29/4/1975 - 29/4/2025) và 70 năm Ngày thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam (7/5/1955 - 7/5/2025) tại Trường Sa.

Hình ảnh cột mốc chủ quyền Trường Sa, in hình Lá cờ đỏ sao vàng, phía trên cùng cột mốc với dòng chữ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Tọa độ địa lý: Đảo Trường Sa Vĩ độ 8°38′30″B, Kinh độ 111°55′55″Đ vững vàng, kiên cường giữa trùng khơi thật tự hào biết bao.

6. Đoàn đại biểu tỉnh Nghệ An chụp ảnh kỷ niệm tại đảo Sinh Tôn
Đoàn đại biểu tỉnh Nghệ An chụp ảnh kỷ niệm tại đảo Sinh Tồn. Ảnh: Phan Tú

Trung tá Cấn Ngọc Sơn - Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa cho biết: “Quân và Dân trên đảo Trường sa cũng như trách nhiệm của cá nhân đối với Tổ quốc: tiếp nối niềm tự hào về truyền thống anh hùng của dân tộc. Chúng tôi sẽ luôn đoàn kết một lòng, nắm chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa của Tổ quốc” .

Nghi lễ thả hoa tưởng niệm các chiến sĩ hi sinh trên quần đảo Trường Sa
Nghi lễ thả hoa tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh trên quần đảo Trường Sa. Ảnh: Phan Tú

Một trong những hoạt động chính trong hành trình của chúng tôi đó là Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại Gạc Ma, và các đảo vùng biển phía Nam, nhà giàn DK1 vào các ngày thứ 3 và thứ 6 của hải trình. Hòa trong tiếng sóng biển, gió và nắng Trường sa giây phút mặc niệm là tiếng nhạc cử lễ “Hồn tử sĩ” và những tiếng nức nở, xúc động của thành viên đoàn công tác. Những bông cúc, cánh hạc giấy thả xuống biển như gửi lời yêu thương đến các chiến sĩ đã ngã xuống, để an ủi các Anh trong lòng Biển mẹ bao la. Trong khoảnh khắc ấy, tôi đã cảm nhận rõ ràng rằng: Chủ quyền biển đảo là kết tinh của máu xương, nước mắt và tinh thần bất khuất.

Đêm chia tay tại Trường Sa Lớn vào lúc 21h tối sau buổi giao lưu văn nghệ trên đảo, là những giây phút hết sức xúc động. Mọi người cùng đứng mạn phải của tàu, vẫy tay chào quân dân trên cầu đảo. Chúng tôi cùng đồng thanh "Chúng tôi yêu Trường Sa, Tổ quốc vì Trường Sa". Tiếng vang vọng theo sóng biển đáp lời của các chiến sĩ "Trường Sa yêu Tổ quốc, Trường sa yêu Tổ quốc…" , những ánh đèn flash nhỏ dần khuất trong màn đêm biển cả đã làm cho ai nấy trên tàu đều xúc động, không muốn rời xa.

Gặp gỡ chiến sỹ trên đảo
Tác giả trò chuyện cùng chiến sĩ trên đảo Trường Sa. Ảnh: Phan Tú

Những pháo đài giữa biển trời Tổ quốc

Ngày 5/5/2025, chúng tôi được ghé thăm nhà giàn DK1 (cụm Dịch vụ kinh tế - Khoa học kỹ thuật), được xây dựng trên bãi cạn Tư Chính được ví như những “con mắt biển” ở thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.

Nhà dàn DK1 sừng sững giữa biển khơi
Nhà dàn DK1 sừng sững giữa biển khơi.

Qua trao đổi trò chuyện với Trung tá Trương Bá Chung (người Hà Tĩnh) về đời sống trên nhà giàn, cho biết đã có rất nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ dành trọn tuổi thanh xuân của mình để những nhà giàn DK1 trở thành những “pháo đài bất khả xâm phạm” hiên ngang trên biển. Thêm một lần nữa cảm nhận rõ hơn lúc nào hết về khó khăn, vất vả, thiếu thốn và cả những mất mát, hy sinh của các chiến sĩ hải quân tại Quần đảo Trường Sa và những nhiệm vụ xuất sắc mà họ đã hoàn thành để góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, thềm lục địa phía Nam Tổ quốc.

Nhà giàn DK1 cũng là điểm cuối của hải trình, thời gian không cho phép, ngay sau đó tàu KN 290 đã đưa chúng tôi trở về đất liền. Biển trời trong xanh, trên boong tàu, mọi người đang nhìn lại những tấm ảnh, hình ảnh cột mốc chủ quyền, những cái bắt tay, cái ôm ấm áp với chiến sĩ, nụ cười của các trẻ em nhỏ trên đảo,... tất cả trở thành hành trang ký ức khó phai mờ của chuyến đi đặc biệt này. Bản tin số 13 của “Đài phát thanh” trên tàu vang lên: "Hải trình kết thúc. Chúc các đại biểu công tác tốt. Nhớ mãi về Trường Sa thân yêu".

TRên nhà dàn DK1
Tác giả trên Nhà giàn DK1. Ảnh: Phan Tú

Hải trình khép lại, với tôi là kỷ niệm lớn của cuộc đời, không phải là sự kết thúc mà sẽ là hành trình tiếp nối kể lại, để thêm tin yêu về Trường sa. Chia tay lưu luyến, tôi nhớ đến lời Bác Hồ đã dặn các chiến sĩ Hải quân năm 1961: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Lời dặn của Người là lời nhắc nhở thiêng liêng cho mỗi người dân Việt Nam chúng ta về trách nhiệm trước chủ quyền biển đảo.

9. Buổi lễ tưởng niệm trên tàu
Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh trên Quần đảo Trường Sa.

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

Trường Sa - Một hải trình đặc biệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO