Cuộc 'bẻ lái' thành công của nam sinh lớp 11 chuyên Tin giành giải Nhất môn Tiếng Anh học sinh giỏi quốc gia
(Baonghean.vn) - Nguyễn Quang Thanh là một trong ít học sinh lớp 11 của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu giành giải Nhất tại Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm nay. Điều đặc biệt ở nam sinh này đó là em giành giải Nhất môn Tiếng Anh, trong khi em vốn là một học sinh học lớp chuyên Tin học.
Không muốn tiếp tục sai lầm
Nguyễn Quang Thanh có bước khởi đầu khá thuận lợi khi em từng là học sinh chuyên Toán Trường THCS Đặng Thai Mai (TP Vinh).
Học chuyên Toán và từng có giải ở các kỳ thi học sinh giỏi nên Thanh và gia đình cho rằng việc em thi vào chuyên Toán hoặc chuyên Tin là một lẽ dĩ nhiên.
"Em có năng khiếu Tiếng Anh từ nhỏ nhưng ngày trước em chỉ quan niệm ngoại ngữ là một thanh công cụ để giao tiếp, để áp dụng vào trong các ngành học khác. Sau này em thi vào chuyên Tin vì muốn khám phá thêm khả năng của mình bởi đây là một ngành học mới, có tính sáng tạo cao" - Quang Thanh cho biết.
Từ khi vào học ở Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nguyễn Quang Thanh cũng đã đặt mục tiêu cho mình đó là đi du học nước ngoài. Điều kiện tất yếu để có thể “săn” học bổng, đó là phải có bộ hồ sơ đẹp và Thanh đặt mục tiêu cho mình phải có giải quốc gia.
Khi bắt đầu xây dựng mục tiêu, Thanh cũng nhận ra những khó khăn của mình và tự em biết dù xuất phát điểm là Toán – Tin nhưng em không thực sự đam mê những môn có quá nhiều “tính toán, nhiều luật lệ”.
So với các bạn cùng lớp em nghĩ mình không “bì” được. Vì thế, em tự xem lại mình có điểm mạnh gì và lựa chọn đi đúng con đường. Thực ra, từ nhỏ đến lớn em “nhạy” với ngôn ngữ từ Tiếng Việt, Ngữ văn, Tiếng Anh và cả Tiếng Trung. Tuy nhiên, trước đây em chỉ xem ngoại ngữ chỉ là công cụ. Nhưng sau này, em thay đổi cách nhìn về ngoại ngữ.
Thời điểm Nguyễn Quang Thanh quyết tâm theo đuổi môn Tiếng Anh, Thanh đang học lớp 10. Nền tảng ban đầu Thanh khá tự tin ở mình đó là em có vốn Tiếng Anh khá dày đã tích luỹ được từ những năm phổ thông. Bên cạnh đó, em cũng đã tham gia thi SAT với điểm đọc và điểm viết Tiếng Anh của em khá cao.
Kể thêm về điều này, Thanh cho biết: Em đã làm các bài thi thử và có nhiều bài đạt điểm tối đa. Vì thế, em nghĩ rằng các kỹ năng của mình cơ bản tốt. Nhưng nếu so với các bạn chuyên Tiếng Anh, em nghĩ điều em thua các bạn nhất chính là em đã chọn sai đường. Vì thế, có một khoảng thời gian, em không có thời gian để tích luỹ kiến thức.
Nói về lựa chọn “hy hữu” này của cậu học trò Nguyễn Quang Thanh, cô giáo Đặng Thị Kim Oanh - giáo viên Tiếng Anh kể lại rằng: Tôi chủ nhiệm lớp 11 chuyên Anh và dạy môn Tiếng Anh ở lớp 11 chuyên Tin. Quá trình dạy Thanh ở lớp, tôi biết em là người có năng lực. Tuy nhiên khi nghe Thanh đưa ra đề xuất của mình, ban đầu tôi rất bất ngờ bởi hiếm có học sinh nào “rẽ ngang” như vậy. Sau này, Quang Thanh tiến bộ nhanh bởi em là học sinh thông minh, nhanh nhẹn. Hơn nữa, em có tố chất của một học sinh học tự nhiên nên khi sang học Tiếng Anh em có nhiều lợi thế và có sự bứt phá.
Hành trình “vất vả”
Trước khi đến với đội tuyển Anh, Quang Thanh cho biết, điều em thấy mình kém hơn so với các bạn lớp chuyên Anh đó là kho từ vựng khổng lồ mà các bạn đã tích luỹ được. Trong khi đó, dù Quang Anh học Tiếng Anh từ khi chỉ mới 5 tuổi, năm 14 - 15 tuổi, em thi IELTS đã từng đạt điểm nghe tối đa 9.0, điểm đọc 8.5 nhưng ở hai kỹ năng còn lại là viết và nói em chỉ đạt 6.0 và 6,5. Điều Quang Anh tự tin ở mình là “em học nhanh và nghĩ rằng mình sẽ có thể bù được vào lượng kiến thức mà mình bị hụt”.
Nhìn lại hành trình hơn 1 năm theo đuổi đội tuyển Tiếng Anh, Nguyễn Quang Thanh cũng thốt lên rằng “ôi thực vất vả”. Lý do bởi khi mới gia nhập, phần lớn lớp chuyên Anh với 35 thành viên đều đang đặt mục tiêu theo đuổi đội tuyển. Thế nhưng, chỉ tiêu dành cho học sinh lớp 11 chỉ có 4 người. Ví mình ở thời điểm đó, Thanh chia sẻ “mình như cá bơi ra khỏi nước”. Chưa kể, nếu như cách học của các bạn nặng về kiến thức thì Thanh lại học một cách “tự nhiên, bản năng” qua phim, nhạc…
Nói về sự khác biệt về cách học Tiếng Anh, Nguyễn Quang Thanh chia sẻ về khái niệm học Tiếng Anh mà một người thầy của em từng nói. Theo đó, Tiếng Anh có thể học với 4 cấp độ, trong đó cấp độ 1 là học để xã giao, cấp độ 2 là sử dụng trong ngôn ngữ học thuật, cấp độ 3 là để hiểu được sự hài hước của người nước ngoài và cấp độ 4 đó là phải hiểu tầng sâu nhất của Tiếng Anh, đó là thơ và tiểu thuyết.
Thanh cũng nói rằng, ban đầu vì yêu thích Tiếng Anh, xem Tiếng Anh là một công cụ nên việc học Tiếng Anh của Thanh chủ yếu để “ứng dụng”. Trong khi đó, để tham gia các kỳ thi thì các kỹ năng ở mức độ 1 và mức độ 2 lại hết sức quan trọng.
Sau này, trong quá trình học và chọn đội sơ tuyển, đội tuyển chính thức, nhờ cách hướng dẫn, chỉ bảo của thầy cô và nhờ vào chính các bạn, Thanh đã thay đổi.
Em nhớ khi mới vào đội tuyển, chúng em thường có một trò chơi là tìm từ trong từ điển và đọc nghĩa. Những ngày mới chơi “em im lặng như hến, mất cả sự linh hoạt. Hoặc có khi em biết từ nhưng em không thế nhớ và hình dung ra được. Em nghĩ mình bị hổng kiến thức quá nhiều. Vì vậy, em phải học tập từ các bạn bằng cách “cày” từ vựng, học lại toàn bộ các cấu trúc ngữ pháp, thậm chí em còn ngồi nghiền ngẫm cả 1 cuốn từ điển để bổ sung vốn từ cho mình”.
Không ngại thay đổi
Chặng đường theo đuổi đội tuyển quốc gia cho đến khi có tên chính thức trong danh sách 10 học sinh xuất sắc nhất của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nguyễn Quang Thanh kể lại rằng, chưa bao giờ em nản. Lý do đơn giản bởi Thanh nghĩ “mình không còn con đường nào khác, đã đâm lao phải theo lao”. Hơn nữa em cũng nghĩ rằng “mình đã gần 18 tuổi, phải tự chịu trách nhiệm với quyết định của mình và nếu một kỳ thi mà mình không cố gắng được thì sau này khó thành công”.
Hành trình này, Thanh cũng xem là một “sự đột phá bản thân”, khiến em thay đổi rất nhiều: Cuộc thi học sinh giỏi quốc gia là một cuộc thi rất nặng học thuật. Vì vậy, chúng ta không nên làm theo những gì mà mình yêu thích. Trước đây, em thích Tiếng Anh nhưng em lại “bài trừ” học thuật, vì em không thích sự cứng nhắc. Nhưng sau này, em đã suy nghĩ lại, nếu mình muốn phát triển thì mình cần tôn trọng những “đường biên” đã vẽ ra. Trong quá trình đó, em vẫn học theo hướng dẫn và lộ trình mà thầy cô đã đưa ra. Song song với đó, em vẫn học Tiếng Anh bằng chính sự đam mê của mình. Việc tìm được sự cân bằng giữa học thuật và niềm yêu thích giúp em học Tiếng Anh một cách hệ thống hơn, hiệu quả hơn.
Mặc dù có sự cố gắng vượt bậc nhưng tham dự Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và trở thành học sinh duy nhất của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu giành giải Nhất môn Tiếng Anh, Thanh vẫn thấy bất ngờ: Em nghĩ rằng ở đội tuyển Tiếng Anh ai cũng là ứng cử viên cho giải Nhất bởi ngoài sự chăm chỉ, kiên trì, nỗ lực, mỗi người đều có “thiên phú” riêng về Tiếng Anh và đều có tài năng. Nhưng so với các bạn, có lẽ em đến với cuộc thi này gánh nặng tâm lý của em nhẹ nhàng hơn. Cuộc thi này với em chỉ là “mở đường” cho tương lai và nếu chẳng may thất bại, em vẫn cố gắng bước vững lại để đi tiếp – Quang Thanh kể thêm.
Với giải Nhất học sinh giỏi Tiếng Anh, Nguyễn Quang Thanh đã bước đầu chinh phục được mục tiêu của mình. Trong 2 năm theo đuổi đội tuyển quốc gia, Thanh nói rằng em cảm thấy mình là kẻ “lạc loài” nhưng chính sự khác biệt lại giúp Thanh có thêm động lực để cố gắng, giúp Thanh tự bứt phá bản thân.
Hành trình đến giải Nhất Tiếng Anh tại Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Tiếng Anh có thể cũng mở ra cho Thanh một hướng đi mới trong tương lai. Nam sinh này mong muốn em sẽ tiếp tục theo đuổi môn Tiếng Anh và tiếp tục khám phá Tiếng Anh với nhiều tầng nghĩa khác và để được học Tiếng Anh như một ngôn ngữ thực thụ.
Ở đội tuyển học sinh giỏi quốc gia, dù các em đến từ lớp nào, dù các em là học sinh lớp 11 hay 12 thì các em đều được đón nhận như nhau. Việc cùng hợp tác, chia sẻ, giúp đỡ nhau giữa các thành viên đã giúp cho đội tuyển Tiếng Anh có một mùa thi thành công.
Với riêng Quang Thanh, em đã có một kỳ thi với nhiều sự thăng hoa và em đã phát huy được các lợi thế của mình để đạt điểm số cao nhất.