Trường PTTH Dân tộc nội trú Nghệ An: 40 năm vun đắp những mầm xanh
40 năm trước, tại thành phố Vinh, Trường Thanh thiếu niên dân tộc vùng cao Nghệ Tĩnh - tiền thân của Trường PTTH Dân tộc nội trú Nghệ An đã được thành lập. Để rồi từ ngày đó, học sinh, con em đồng bào dân tộc thiểu số của Nghệ An đã có một mái nhà chung để trở về. Ở đó, các em được học tập, được trưởng thành, được yêu thương trong vòng tay của cô, thầy…
• 23/11/2024 09:12
40 năm trước, tại thành phố Vinh, Trường Thanh thiếu niên dân tộc vùng cao Nghệ Tĩnh - tiền thân của Trường PTTH Dân tộc nội trú Nghệ An đã được thành lập. Để rồi từ ngày ấy, học sinh, con em đồng bào dân tộc thiểu số của Nghệ An đã có một mái nhà chung để trở về. Ở đó, các em được học tập, được trưởng thành, được yêu thương trong vòng tay của cô, thầy…
Đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, sau 2 cuộc kháng chiến, cứu nước vĩ đại, đất nước ta được hoàn toàn độc lập, thống nhất. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm cả nước nói chung, Nghệ Tĩnh nói riêng phải đối mặt với nhiều khó khăn của thời kỳ hậu chiến và bao cấp.
Trong bối cảnh như vậy, thật đặc biệt khi lãnh đạo tỉnh Nghệ Tĩnh có chủ trương thành lập một trường PTTH dành riêng cho con em đồng bào các dân tộc thiểu số.
Theo đó, ngày 4/12/1982, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1314/QĐ-UB chính thức thành lập “Trường Thanh thiếu niên dân tộc vùng cao Nghệ Tĩnh” - tiền thân của Trường PTTH Dân tộc nội trú Nghệ An hiện nay.
Đây là mô hình Trường PTTH Dân tộc nội trú cấp tỉnh đầu tiên của tỉnh Nghệ Tĩnh lúc bấy giờ, mặc dù loại hình trường rẻo cao, trường phổ thông lao động đã từng tồn tại ở một số huyện miền núi vào những năm trước đó.
Trường ra đời là để “đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa ở miền núi” và “nhiệm vụ trước hết và cấp bách là cần phải đào tạo đội ngũ cán bộ trẻ, khỏe, có trình độ văn hóa, khoa học, kỹ thuật cao của từng dân tộc”.
Chặng đầu mới thành lập là một giai đoạn vô cùng đáng nhớ trong lịch sử nhà trường. Các thế hệ tiền bối vẫn gọi thời điểm ấy là “tìm đất dựng trường, tìm trò mở lớp” bởi dù có quyết định thành lập trường, có người phụ trách và “bộ khung ban đầu”, có con dấu và tài khoản riêng, nhưng lại chưa có cơ sở vật chất, trường lớp, chưa có học trò để thật sự “thành trường”.
Trong biên niên nhà trường ghi rõ “kế hoạch 3 điểm” lúc bấy giờ là: “1. Nhanh chóng tìm nơi để đổi lấy cơ sở của Liên hiệp Thiếc;
2. Tuyển sinh khóa 1;
3. Mua sắm trang thiết bị cho 100 học sinh, 20 - 30 cán bộ, giáo viên”.
Sau rất nhiều nỗ lực của UBND tỉnh, Ban Dân tộc, Sở Giáo dục và Đào tạo và toàn thể cán bộ, giáo viên nhà trường, ngày 15/10/1984, lễ khai giảng năm học đầu tiên của Trường PTTH Dân tộc vùng cao Nghệ Tĩnh đã được diễn ra, trong một buổi sáng trời mưa tầm tã, nước ngập băng trường nhưng không khí thật hân hoan, xúc động và tràn đầy tin yêu, hy vọng.
Đọc hồi ký của đồng chí Vi Chiến Thắng, các bài hồi ức của thầy Nguyễn Xuân Trạch, thầy Nguyễn Khắc Tuệ, thầy Bùi Quang Thông,... chúng ta càng hình dung được rõ hơn những năm tháng đầu tiên khởi dựng ngôi trường vùng cao giữa lòng thành phố Vinh, cũng đang trong giai đoạn kiến thiết, dựng xây từ “gạch vụn”.
Ngày đó, trong tình cảnh cái ăn, cái mặc không đầy đủ, việc học hành có lẽ là một chuyện xa vời trong tâm tưởng của những đồng bào thiểu số. Vì thế, các thầy, cô đã chia nhau ra lên các bản, đến tận từng nhà, tận nương rẫy để thăm hỏi, giải thích, mời gọi.
Có những chuyến đi không mời được em nào, có những chuyến đi thầy giáo Nguyễn Xuân Trạch - Phó Hiệu trưởng nhà trường đã phải lặn lội lên đến tận cuối đất Kỳ Sơn mất gần 1 tháng trời mới vận động được vài em đồng ý nhập học.
Những ngày đầu, chủ trương của Sở Giáo dục và Đào tạo là chỉ tập trung tìm học sinh ở vùng sâu, vùng xa, không lấy vùng thuận lợi hơn như thị trấn, nên bài toán “tìm trò mở lớp” lại khó thêm gấp bội.
Vạn sự khởi đầu nan, để dần ổn định nền nếp, thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả công tác giáo dục, tập thể giáo viên và học sinh nhà trường đã cùng nhau nỗ lực, vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn.
Do đặc điểm và tính chất của trường dân tộc nội trú, cán bộ, giáo viên của trường vừa thực hiện nhiệm vụ người thầy giáo, vừa gánh vác trách nhiệm làm cha, làm mẹ, ngày đêm vất vả nuôi dạy học sinh.
Trong quá trình thực hiện mục tiêu đào tạo, nhà trường luôn coi trọng công tác đức dục, tập trung giáo dục các em lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc anh em; mục đích, động cơ, thái độ học tập; tình cảm thầy trò, bạn bè; khơi dậy trong các em những ước mơ và hoài bão; giáo dục các em phòng tránh các tệ nạn xã hội.
Đến năm 1994, đúng dịp kỷ niệm 10 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba, nhà trường đã tổ chức khánh thành công trình xây dựng. Nhờ đó, từ chỗ phải sử dụng cơ sở vật chất của Công ty Thiếc làm trường học, đến lúc này nhà trường đã có một cơ ngơi khang trang, đồng bộ, tọa lạc ở số 98, đường Mai Hắc Đế, ngay cửa ngõ vào thành phố Vinh.
10 năm, chặng đường đầu tiên đầy gian nan nhưng trường đã đạt được những thành quả đáng khích lệ với 312 học sinh tốt nghiệp, trong đó, có 177 em đi học đại học, cao đẳng. Có vùng, có dân tộc ở miền cao xứ Nghệ, lần đầu tiên trong lịch sử phát triển của mình, đã có người từ mái trường này tốt nghiệp THPT, vào đại học và tốt nghiệp đại học. Những học sinh các khóa đầu đã trở về tỉnh và về địa phương công tác, trở thành cán bộ chủ chốt các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể.
Đó là những thành quả đáng quý, nhất là trong tương quan so sánh với số lượng và trình độ cán bộ người dân tộc thiểu số trước đó. Điều này cũng khẳng định chủ trương mở trường là vô cùng đúng đắn, sáng tạo, thể hiện tầm nhìn chiến lược và sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo tỉnh đối với vùng dân tộc, miền núi.
Năm 1996 có ý nghĩa là cái mốc quan trọng trong chặng đường phát triển của nhà trường. Với Thông báo số 42/TB-TU, Tỉnh ủy Nghệ An nêu rõ chủ trương: “Nâng dần Trường PTTH Dân tộc nội trú tỉnh thành trung tâm chất lượng cao của giáo dục dân tộc và miền núi”.
Thực hiện chủ trương đặc biệt này, nhà trường đã thật sự có những bước tiến vượt bậc, tạo đà để thực hiện những giải pháp tích cực, khả thi, quyết liệt hơn, nhằm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Từ chỗ vừa đào tạo cả 1 cấp THCS và THPT đến chỗ chỉ tập trung đào tạo THPT; từ chỗ chiêu sinh đến chỗ tuyển sinh; từ chỗ đối tượng, khu vực tuyển sinh giới hạn đến chỗ đối tượng, khu vực tuyển sinh được mở rộng; số lượng và chất lượng đầu vào được nâng lên; nguồn học sinh có năng lực khá, giỏi được bổ sung, tạo tiền đề quan trọng cho việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Năm học 2008 - 2009, trường được chuyển bảng dự thi học sinh giỏi cấp tỉnh từ bảng B lên bảng A, cùng nhóm dự thi với các trường chuyên, trường khu vực thành phố, đồng bằng.
Từ đây, Trường PTTH dân tộc nội trú tỉnh bước vào một giai đoạn khẳng định vị trí, bắt đầu phát huy thương hiệu. Trong giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2014, tỷ lệ thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng đạt từ 80 - 85%. Năm 2014, điểm thi trung bình đạt 14,35 điểm/em, xếp thứ 20 toàn tỉnh. 20 năm sau ngày thành lập, nếu so sánh với chặng đầu tiên, có thể thấy nhà trường đã có một bước tiến rất xa trong việc thực hiện mục tiêu đặt ra tại quyết định thành lập trường và xứng đáng trở thành một trung tâm chất lượng cao của giáo dục dân tộc và miền núi.
Trong bối cảnh diễn ra cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đồng hành với ngành Giáo dục Nghệ An và cả nước, nhà trường bước vào một giai đoạn phát triển mới, tích cực, năng động, mở rộng giao lưu và hội nhập.
Năm 2019, thực hiện Kế hoạch số 306/KH-UBND, ngày 25/5/2019 của UBND tỉnh, Trường PTTH Dân tộc nội trú Nghệ An được chọn là 1 trong 5 trường THPT thí điểm xây dựng trường trung học trọng điểm chất lượng cao trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2019 - 2023. Đây là cơ sở quan trọng để nhà trường thực hiện các bước tiến mang tính đột phá nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục toàn diện, khẳng định vị thế và nâng tầm thương hiệu.
Những năm qua, với sự quan tâm, đầu tư của tỉnh và của ngành giáo dục, cơ sở vật chất của nhà trường được tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây mới nhiều công trình, hạng mục. Thư viện, nhà ăn, nhà học, cổng trường, ký túc xá được xây mới; nhiều phương tiện, thiết bị được sửa chữa, bổ sung.
Xác định đội ngũ giáo viên sẽ quyết định chất lượng giáo dục nên công tác xây dựng đội ngũ đặc biệt được chú trọng. Dưới sự chỉ đạo, định hướng của chi bộ, nhà trường luôn chú trọng đào tạo và phát triển đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn cao, đủ khả năng đáp ứng nhu cầu giáo dục ngày càng đa dạng. Hiện tại, đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường 100% có trình độ đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn.
Trong đó: 1/47 giáo viên có học vị tiến sĩ; 33/47 giáo viên có học vị thạc sĩ; 7/8 giáo viên tiếng Anh đạt trình độ bậc 5 (C1); 1/8 giáo viên đạt trình độ bậc 4 (B2 quốc tế); 100% giáo viên Tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin nâng cao. Trong đội ngũ giáo viên của nhà trường, nhiều người có tay nghề vững vàng, là cốt cán trong mạng lưới chuyên môn của Sở Giáo dục và Đào tạo.
Với sự đầu tư đồng bộ, chất lượng giáo dục có những bước phát triển vượt bậc, cả giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn. Từ chỗ chỉ có 2 em thi đậu thẳng vào đại học (năm học 1994 - 1995), 10 em thi đậu thẳng vào đại học (năm học 1995 - 1996) đến nay, tỷ lệ đậu vào đại học luôn đạt trên 90%, trong đó có nhiều em đậu vào các trường đại học uy tín, thuộc tốp đầu của hệ thống giáo dục đại học.
Riêng năm học 2023 - 2024, trường xếp vị trí thứ 4, góp phần vào thành tích chung của Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An trong bản đồ giáo dục cả nước.
Bên cạnh việc đầu tư chất lượng giáo dục toàn diện, nhà trường có nhiều giải pháp bứt phá để nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn. Từ năm học 2019 - 2020 không tổ chức thi vì đại dịch Covid-19, trong 4 năm học qua, trường có 89 em đoạt danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh; trong đó, có 11 giải Nhất, 40 giải Nhì, 19 giải Ba, 19 giải Khuyến khích.
Việc dạy học theo định hướng giáo dục STEM được chú trọng, nhiều dự án, đề tài khoa học, kỹ thuật đã được thực hiện và đoạt giải cao trong các cuộc thi cấp tỉnh, cấp quốc gia. Trường có 11 dự án đoạt giải cấp tỉnh, trong đó, có 4 giải Nhất, 3 giải Nhì, 4 giải Ba; có 1 dự án đoạt giải Triển vọng tại Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia, năm học 2023 - 2024. Nhiều học sinh đã tham gia thi lấy Chứng chỉ IELTS và Tin học quốc tế; có học sinh xuất sắc giành học bổng toàn phần của Đại học Anh quốc Việt Nam.
Đặc biệt, lần đầu tiên học sinh Trường PTTH Dân tộc nội trú tỉnh đã tự tin “ra biển lớn” khi tham gia một số cuộc thi quốc tế ở Thái Lan, Hàn Quốc, Ba Lan và đạt được thành quả xuất sắc. Trong 2 lần tham gia thi Toán TIMO quốc tế trường đã đạt 11 Huy chương Bạc, 1 Huy chương Đồng, 3 giải Khuyến khích. Học sinh của trường tham dự Cuộc thi “Phát minh và sáng chế” quốc tế INTARG tại Ba Lan đoạt 1 Huy chương Vàng, 1 giải Đặc biệt. Tham dự Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật Olympic phát minh và sáng chế thế giới WICO tại Hàn Quốc đoạt 3 Huy chương Vàng, 3 giải Đặc biệt.
Đây là những dấu ấn cho thấy sự trưởng thành vượt bậc của nhà trường, khẳng định rõ vai trò và đóng góp của Trường PTTH Dân tộc nội trú tỉnh, không chỉ trong việc tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi mà còn tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần đưa tỉnh nhà, đất nước phát triển nhanh và bền vững.
40 năm qua, Trường PTTH Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An đã trở thành cái nôi “đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài” cho con em đồng bào các dân tộc miền núi, vùng cao Nghệ An. Mỗi bước trưởng thành của các em học sinh cũng là niềm vui sướng, hạnh phúc, tự hào của lãnh đạo các cấp, của cộng đồng các dân tộc, đặc biệt là của các thầy giáo, cô giáo, cán bộ, nhân viên nhà trường.
Đến nay, trên khắp các huyện miền Tây Nghệ An, phần lớn các thế hệ học sinh của Trường PTTH Dân tộc nội trú tỉnh đã trở thành cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị nhà nước. Nhiều người là bác sĩ, kỹ sư, giáo viên, quân nhân, người sản xuất, kinh doanh và lao động giỏi, đã và đang có đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đặc biệt, có những người đang được tín nhiệm giữ các chức vụ chủ chốt trong các cơ quan lãnh đạo của Đảng, cChính quyền và Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp.
40 năm, “mang hương rừng đi, mang trái ngọt trở về”, trải qua mỗi chặng đường phấn đấu, rèn luyện và trưởng thành, các thế hệ thầy, trò nhà trường đã chung sức chung lòng, cùng nhau hun đúc nên những giá trị truyền thống vô cùng tốt đẹp. Đó là truyền thống đoàn kết, kiên trì vượt khó, tìm tòi sáng tạo, thương yêu đồng cảm, tôn trọng. Những giá trị truyền thống cao quý ấy làm nên dấu ấn đặc trưng và bản sắc riêng của Trường PTTH Dân tộc nội trú Nghệ An.
Đây cũng là nền tảng vững chắc để nhà trường bước vào giai đoạn phát triển tiếp theo, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc miền Tây Nghệ An.