Trường Tiểu học Lê Mao: Hành trình 30 năm ươm những mầm xanh

Mỹ Hà 27/12/2019 20:13

(Baonghean.vn) - Năm 2019, Trường Tiểu học Lê Mao chào đón tuổi 30. Ba mươi năm đã đi qua, dẫu thời gian chưa phải là dài nhưng đã chứng kiến sự thay đổi vượt bậc của nhà trường trong hành trình bồi dưỡng, vun đắp những mầm xanh.

Tận tụy với nghề

Trường Tiểu học Lê Mao tiền thân là Trường Cấp 1, 2 Lê Mao. 30 năm trước, trường trước được tách ra và có tên gọi là Trường cấp I Lê Mao, sau này là Tiểu học Lê Mao. Từ ngày thành lập cho đến nay, trường vẫn nằm ở vị trí 99 đường Đinh Công Tráng, thành phố Vinh.

Thành lập trong điều kiện đất nước và tỉnh nhà mới thoát khỏi thời kỳ bao cấp, buổi đầu trường gặp muôn vàn khó khăn. Cơ sở vật chất vỏn vẹn chỉ có dãy nhà 2 tầng 10 phòng học được xây dựng từ năm 1963 và 3 dãy nhà cấp 4 phên nứa mét, lợp tranh. Lúc bấy giờ, Lê Mao cũng là một trong những phường trung tâm, có số lượng học sinh đông bậc nhất của thành phố nên dù toàn trường có 39 lớp học và gần 1.500 học sinh nhưng chỉ có 24 phòng bao gồm cả phòng chức năng và phòng học, nhiều phòng dột nát, bàn ghế thiếu. Để duy trì tổ chức dạy học 1 buổi/ngày, nhà trường phải tổ chức dạy học 3 ca (sáng, trưa, chiều). Điều đáng nói, dù trong những ngày đầu tiên, mặc dù phải đối diện với rất nhiều thiếu thốn nhưng điều đó lại càng nhân lên nhiệt huyết, lòng yêu nghề mến trẻ.

Giáo viên ngày đó, một buổi lên lớp, buổi còn lại hăng say với việc trường, việc lớp như tự làm đồ dùng dạy học, cải tạo lại phòng học, bàn ghế, cuốc đất trồng hoa làm đẹp khuôn viên trường. Đặc biệt, xác định công tác chuyên môn là nhiệm vụ trọng tâm, tập thể giáo viên ra sức thi đua dạy tốt học tốt. Biết bao đêm thức trắng với bao trăn trở về bài dạy, những buổi thảo luận sôi nổi cho những tiết thao giảng giáo viên dạy giỏi, những tiết bồi dưỡng học sinh giỏi cấp thành phố, cấp tỉnh, cấp quốc gia. Cũng chính vì những thành tích này, nên dù trường mới thành lập nhưng đã nhanh chóng tạo được uy tín với phụ huynh, học sinh và được lãnh đạo phòng, chính quyền thành phố tin tưởng.

Đây cũng là giai đoạn ghi dấu nhiều thành tích của tập thể các thầy giáo, cô giáo, trong đó cô Phạm Phương Lan (nguyên là Hiệu trưởng nhà trường), cô Hà Thị Thủy, cô Võ Thị Phiến (nguyên là Hiệu phó nhà trường), cô Trần Ngân Hoa, cô Nguyễn Thị Phượng (nguyên Chủ tịch Công đoàn trường)... sau này đã trở thành những cán bộ quản lí giỏi; các cô: Lê Thị Công Tân, Lê Thị Bích Liên, Nguyễn Thị Hòa, Phan Lê Hoa, Nguyễn Thị Hương Mai, Nguyễn Thị Lê, Đinh Thị Thu, Trần Song Liên, Võ Kim Nhung, Nguyễn Thị Tuyết lan, Nguyễn Thị Vịnh, Nguyễn Thị Minh Tâm, Nghiêm Thị Xuyến, Trần Thị Lợi, Phùng Kim Tuyến (nguyên Chủ tịch công đoàn trường)… đã trở thành nhà giáo mẫu mực, uy tín.

Quyết tâm đổi mới

Sự thay đổi của nhà trường bắt đầu từ năm 1995, khi nhà trường được cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm và đầu tư để xóa dãy nhà tranh và thí điểm mô hình bán trú (học 2 buổi ở lại có ăn cơm), dù rằng trong năm đầu tiên chỉ có 2 lớp với 70 học sinh tham gia. Đến năm 2000, với những ưu thế của mô hình này, việc tổ chức bán trú đã được nhân rộng trong toàn trường và trở thành một trong những trường tiên phong trong thành phố. Đây cũng là giai đoạn chứng kiến sự thay đổi đội ngũ lãnh đạo, khi cô giáo Nguyễn Phương Lan được nghỉ hưu theo độ và cấp trên đã điều động thầy Trần Văn Phương - nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Đô về làm hiệu trưởng nhà trường.

Từ tháng 8/2001 đến 8/2008, trong 8 năm gắn bó với tập thể nhà trường, thầy và các hiệu phó là cô Hà Thủy, cô Ngân Hoa và sau này là cô Trần Thị Kim Chi, cô Nguyễn Thị Quyên đã cùng nhau xây dựng một tập thể đoàn kết, vững mạnh, đạt được nhiều thành tích cao trong công tác dạy học. Đội ngũ giáo viên giỏi tỉnh, học sinh giỏi các cấp của nhà trường là con số đáng ghi nhận và lưu danh. Các cô nhiều lần đạt giáo viên giỏi các cấp như cô Nguyễn Thị Quyên, cô Trương Thị Kim Lựu, cô Trần Thị Lý, cô Phan Hồng Vân, cô Nguyễn Thị Mai Hoa, cô Lê Thúy Vinh; tổng phụ trách Đội giỏi - cô Trần Thị Châu Long, cô Nguyễn Thị Mai Hoa… Cô Lê Thúy Vinh là 1 trong 36 giáo viên Nghệ An được suy tôn “Giáo viên tiêu biểu giai đoạn 2008 - 2013”. Thành tích của nhà trường giai đoạn này được ghi nhận bằng kết quả thi đua đáng tự hào như Bằng khen về thành tích xuất sắc trong sự nghiệp GD&ĐT của Bộ GD&ĐT, Bằng khen lá cờ đầu trong sự nghiệp GD&ĐT của UBND tỉnh, Huân chương Lao động hạng Ba...

Trong những năm này, trường cũng tiếp tục nhận được sự quan tâm đặc biệt của chính quyền địa phương. Nhờ đó, 2 dãy nhà 2 tầng được mọc lên thay thế cho 2 dãy nhà cấp 4 đáp ứng đủ phòng học cho mỗi lớp 1 phòng học 2 buổi/ngày; Phòng đa chức năng cũng được xây dựng, góp phần tích cực cho công tác giáo dục thể chất, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho nhà trường. Đây cũng là tiền đề để đầu năm 2008, trường được công nhận Trường đạt chuẩn Quốc gia và Bằng công nhận cơ sở văn hóa cấp Trung ương. Tháng 8/2008, thầy Hiệu trưởng Trần Văn Phương được đón nhận danh hiệu cao quý - Nhà giáo ưu tú.

Bước sang những năm cuối 2000, do sự gia tăng của quy mô học sinh, trường lại phải đối diện với thời kỳ khó khăn về cơ sở vật chất, thiếu phòng học, phòng chức năng, sân trường xuống cấp. Liên tục trong nhiều năm, học sinh trong trường phải học thêm vào ngày nghỉ vì thiếu phòng học, thiếu giáo viên. Tuy nhiên, dù điều kiện khó khăn nhưng thầy giáo Đặng Quang Canh - Hiệu trưởng nhà trường vẫn chỉ đạo đội ngũ giáo viên, duy trì tốt việc dạy và học. Nhờ đó, trong suốt 6 năm học từ năm 2008 - 2014 thì có 5 năm liên tục trường hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đạt danh hiệu Tập thể lao động Xuất sắc cấp Tỉnh; cá nhân thầy hiệu trưởng đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh năm 2012. Sau khi thầy giáo Đặng Quang Canh chuyển công tác, cô giáo Trương Thị Kim Lựu được bầu làm hiệu trưởng và giữ vị trí này từ năm 2014 đến nay.

Giai đoạn này, nhà trường có nhiều thuận lợi, đó là đội ngũ có trình độ chuẩn, khối đoàn kết vững chắc,có phẩm chất đạo đức tốt, có tinh thần trách nhiệm cao, có ý thức học hỏi, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau, nhiều giáo viên có tay nghề vững vàng, chăm lo công tác chuyên môn. Bên cạnh đó, Ban giám hiệu đều cư trú trên địa bàn phường, tâm huyết với công việc, năng động, sáng tạo, linh hoạt trong điều hành. Trường cũng đã thường xuyên nhận được sự chỉ đạo cụ thể, sát sao của Phòng Giáo dục và đào tạo trong triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học nên đã linh hoạt và sáng tạo trong định hướng đổi mới. Một điều thuận lợi khác, đó là lãnh đạo địa phương luôn quan tâm, Hội cha mẹ học sinh sẵn sàng phối hợp với nhà trường trong mọi hoạt động; CSVC, trang thiết bị dạy học của nhà trường ngày càng đáp ứng yêu cầu đổi mới trong quản lí, dạy học của nhà trường.

Tuy vậy trường còn gặp không ít khó khăn như kinh nghiệm giảng dạy, công tác chủ nhiệm của đội ngũ giáo viên trẻ chưa có nhiều; GV nữ chiếm hầu hết, nhiều giáo viên có sức khỏe không tốt; đời sống của một bộ phận giáo viên và bộ phận phục vụ còn rất khó khăn và đặc biệt khối phòng học đã xuống cấp trầm trọng, tình trạng thiếu phòng học cho hẳn 1 khối vẫn chưa được khắc phục. Chính vì điều này, từ năm 2016 đến nay, trường đã tập trung mọi nguồn lực để đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy và học. Nhờ đó, đến nay, trường được đánh giá là một trong nhưng trường có cơ sở vật chất đứng đầu thành phố. Hiện nay, 2 dãy phòng học được tăng cường trang thiết bị dạy học hiện đại. Các phòng chức năng, nhà đa năng, phòng thư viện, phòng đội, phòng truyền thống, các dụng cụ thể dục thể thao, sân chơi, bãi tập được hoàn thiện, bếp ăn bán trú bảo đảm yêu cầu VSATTP, ngày càng phục vụ tốt hơn cho công tác dạy và học, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của giáo dục trong thời kỳ đổi mới.

Nỗ lực cho sự phát triển

Để thực hiện Nghị quyết số 29 - NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo từ năm 2015 đến nay, Ban giám hiệu nhà trường gồm cô Trương Thị Kim Lựu - Hiệu trưởng, 2 Phó hiệu trưởng Nguyễn Hoàng Yến, Phạm Thị Trường Giang đã cùng với tập thể GV, CBNV nhà trường đưa ra những giải pháp khả thi nhằm duy trì tổ chức tốt các hoạt động giáo dục. Do đó, trường đã chỉ đạo thực hiện có hiệu quả chương trình giáo dục học 2 buổi/ngày có bán trú, vận dụng thích hợp các thành tố của mô hình trường tiểu học mới; đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực người học; Tăng cường, đa dạng hóa các hình thức dạy học qua các hoạt động cụ thể, tổ chức nhiều hoạt động giáo dục hỗ trợ bổ ích, lý thú nhằm phát huy năng lực cá nhân, góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện cho học sinh.

Nhà trường đặc biệt tăng cường các hoạt động trải nghiệm phù hợp với từng độ tuổi; xây dựng văn hóa đọc; các hoạt động TDTT, văn nghệ, thể dục giữa giờ, sinh hoạt chào cờ đầu tuần được đổi mới, sáng tạo, có ý nghĩa thiết thực. Năm học 2019 - 2020, Trường Tiểu học Lê Mao là 1 trong 6 trường Tiểu học của thành phố được chỉ đạo thí điểm đưa môn giáo dục STEM vào nội dung giáo dục ngoài giờ chính khóa nhằm hướng học sinh đến các hoạt động thực hành và vận dụng kiến thức để tạo ra sản phẩm hoặc giải quyết các vấn đề của thực tế cuộc sống, trang bị cho các em những kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học… Đây là bước tiếp cận phương pháp dạy học mới - Phương pháp dạy học nhằm phát triển năng lực người học.

"Thành công của Trường Tiểu học Lê Mao bắt nguồn trước hết nhờ đội ngũ Ban giám hiệu nhà trường đã luôn trăn trở tìm tòi tham mưu, kết nối nhà trường, gia đình để cùng tạo dựng môi trường tốt nhất cho việc giáo dục; luôn biết động viên khích lệ đội ngũ và tạo dựng nề nếp làm việc tích cực, hăng say và tự giác".

Bà Ngô Thị Nguyệt - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vinh

Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cô và trò, liên tục trong nhiều năm qua, trường có nhiều học sinh đạt giải cao ở các kỳ thi, kỳ giao lưu. Đó là 181 lượt HS đạt học sinh giỏi cấp thành phố, 54 lượt học sinh giỏi tỉnh, 42 lượt học sinh giỏi quốc gia. Tiêu biểu năm học 2013 - 2014 có em Mai Bảo Thành đạt HCV IOE Tiếng Anh cấp Quốc gia, em Thái Quỳnh Phương đạt giải Khuyến khích viết chữ đẹp được tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Đội tuyển HSG khối 5 đã giành giải Nhất toàn đoàn trong kỳ thi Giải Toán tuổi thơ cấp thành phố, em Nguyễn Lê Hưng đậu thủ khoa và là thí sinh duy nhất đại diện cho bậc tiểu học của tỉnh tham dự kỳ thi Tin học trẻ toàn quốc và đã đạt giải Nhì, mang vinh dự về cho tỉnh Nghệ An và nhà trường... Bên cạnh các thành tích đạt được về các môn văn hóa, nhà trường cũng đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục thể chất với nhiều học sinh đạt giải tại Hội khỏe Phù Đổng, giải cờ vua toàn quốc.

Chặng đường xây dựng và phát triển của nhà trường phải nói đến thành quả của công tác bồi dưỡng đội ngũ. Trong giai đoạn 10 năm gần đây, trường có 4 thầy cô đạt chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, 86 lượt thầy cô đạt chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, 7 lượt thầy cô giáo viên dạy giỏi tỉnh, 28 lượt thầy cô giáo viên dạy giỏi cấp thành phố. Toàn trường có 86 sáng kiến kinh nghiệm cấp thành, 4 sáng kiến kinh nghiệm cấp tỉnh. Đội ngũ giáo viên trẻ trong thời kì mới rất năng động, sáng tạo, ứng dụng thành thạo CN thông tin trong giảng dạy…

Chi bộ nhà trường trong suốt 30 năm qua luôn xứng đáng là hạt nhân lãnh đạo toàn diện các hoạt động của nhà trường theo đúng mục tiêu giáo dục đào tạo của Đảng nhằm xây dựng nhà trường không ngừng phát triển và là nơi tạo nguồn cán bộ cho Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố. Trong nhiệm kỳ qua, tập thể nhà trường giữ vững danh hiệu thi đua Tiên tiến xuất sắc cấp tỉnh 5 năm liền, đơn vị đạt thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị 08-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới”.

30 năm xây dựng và phát triển, những thành tích trường Tiểu học Lê Mao đạt được hôm nay là sự nỗ lực và phấn đấu bền bỉ của tập thể lãnh đạo, giáo viên và học sinh nhà trường qua các thế hệ. Bên cạnh đó là sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền thành phố, của Phòng giáo dục và Đào tạo TP Vinh và đặc biệt là sự ủng hộ, nhiệt tình của đông đảo phụ huynh, học sinh.

Kỷ niệm ngày thành lập trường, cô giáo Trương Thị Kim Lựu - Hiệu trưởng nhà trường cũng khẳng định: Trong suốt ba thập kỷ qua, điều mà chúng tôi tự hào nhất đó là luôn giữ vững được chất lượng giáo dục của nhà trường và luôn luôn là một địa chỉ giáo dục được phụ huynh học sinh tin tưởng. Giữ gìn và phát huy truyền thống của nhà trường, tâp thể lãnh đạo và giáo viên, nhân viên Trường Tiểu học Lê Mao quyết tâm chung sức, chung lòng thi đua dạy tốt, lập nhiều thành tích để xứng đáng với sự tin yêu, kỳ vọng và xứng đáng với ngôi trường mang tên người chiến sỹ cách mạng Xô Viết kiên trung./.

Theo Kỹ thuật: Thành Cường, Ảnh: Đức Anh, Hồng Quế
Copy Link

Mới nhất

x
Trường Tiểu học Lê Mao: Hành trình 30 năm ươm những mầm xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO