'Truy' trách nhiệm ngành chức năng về các vấn đề dư luận bức xúc
(Baonghean) - Nội dung chất vấn tại kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh tập trung 3 lĩnh vực mà dư luận đang hết sức quan tâm, đó là: Bất cập trong quy hoạch, cấp phép xây dựng các chung cư trên địa bàn tỉnh; Bất cập mô hình trường học mới VNEN và xã hội hóa trong trường học; Tình trạng nợ đọng BHXH và bội chi BHYT.
» Chất vấn tại hội trường: Thẳng thắn, đúng trọng tâm
» Phải cân đối quỹ BHYT đồng thời đảm bảo quyền lợi người bệnh
» Cử tri chưa thỏa mãn với phiên chất vấn về mô hình VNEN
Ngành chức năng “né” câu hỏi khó về quản lý, cấp phép xây dựng
Là người đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh nội dung vấn đề về quy hoạch, quản lý xây dựng chung cư cao tầng, ông Hoàng Trọng Kim - Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Những tồn tại trong quy hoạch, xây dựng, lỗi chính yếu là do một số chủ đầu tư năng lực còn hạn chế, chưa am hiểu pháp luật về đầu tư và xây dựng. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cấp huyện, xã xử lý chưa nghiêm theo quy định của pháp luật; việc tổ chức kiểm tra, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm chưa kịp thời; công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành cũng chưa thực hiện thường xuyên, liên tục.
17 cần cẩu đã bị đình chỉ. |
Sau khi người đứng đầu Sở Xây dựng nêu trách nhiệm của các cấp ngành trong quản lý nhà nước về lĩnh vực nói trên theo phân cấp, đã có rất nhiều ý kiến đại biểu được gửi tới đại diện Sở Xây dựng. Đại biểu Đặng Quang Hồng (huyện Nghi Lộc) chất vấn về giải pháp đối với 8 chung cư xây dựng chưa được cấp phép.
Đại biểu Thái Thị An Chung (Tân Kỳ) nêu: Liên quan đến tồn tại các chung cư cao tầng, Sở Xây dựng đã nêu cụ thể trách nhiệm của các bên. Nhưng trong báo cáo, trách nhiệm của Sở Xây dựng chưa thỏa đáng, cần làm rõ. Hiện tại các cần cẩu tháp xuất hiện trên địa bàn thành phố Vinh rất nhiều, có quy định quản lý hay không?
Đại biểu Trần Duy Ngoãn băn khoăn vì sao công trình chưa được cấp phép nhưng vẫn xây dựng, có hay không sự “chống lưng”, là một sự thể hiện bất chấp pháp luật?
Đại biểu Nguyễn Văn Lư thì đặt ra vấn đề: Sở Xây dựng có thể phân cấp cho thành phố Vinh thực hiện việc cấp phép và quản lý xây dựng trên địa bàn thành phố hay không? Nếu được, thành phố Vinh sẽ nhận trách nhiệm trước tỉnh, trước sở về đảm bảo vấn đề cấp phép xây dựng và quản lý xây dựng trên địa bàn.
Toàn cảnh kỳ họp thứ ba, HĐND tỉnh khóa XVII. |
Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở Xây dựng Hoàng Trọng Kim giải trình: Đối với 8 chung cư xây dựng chưa cấp phép, theo quy định của Luật Xây dựng, có 4 hình thức xử lý, hoặc đình chỉ thi công; nếu sai phạm nặng thì cưỡng chế tháo dỡ công trình, xử lý vi phạm hành chính (có thể xử lý hình sự). Ví dụ, Khách sạn Mường Thanh Cửa Đông, đã xử lý việc xây dựng ngoài đất cấp phép, yêu cầu tháo dỡ. Dự án trung tâm thương mại Bảo Sơn gây nứt nẻ nhà dân, sở đã phối hợp với TP. Vinh để xử lý nhà đầu tư có thỏa thuận đền bù. Về vấn đề quản lý cần cẩu tháp, có các quy định của Nhà nước trong đó có quy chuẩn về an toàn kỹ thuật, an toàn lao động có các thông số kỹ thuật thiết bị. Còn trách nhiệm đối với sử dụng gây mất an toàn, thuộc về chủ đầu tư và nhà thầu có liên quan.
Với câu hỏi của đại biểu Trần Duy Ngoãn, theo ông Kim, hiện chưa có sự phối hợp tốt giữa các cơ quan để kiểm tra dự án được hay chưa được cấp phép, trong đó cấp cơ sở là quan trọng theo phân cấp, Sở Xây dựng không thể tự đi rà soát ở cơ sở được. Còn có hay không việc chống lưng cho dự án xây dựng trái phép, hiện không có chứng cứ để đề cập...
Với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Lư, ông Kim đồng tình với việc có thể phân cấp cho thành phố trong cấp phép và quản lý các dự án xây dựng, tuy nhiên Sở Xây dựng cần phải xem xét cẩn trọng, nếu đúng luật định và chính quyền địa phương đủ năng lực, sở sẽ đề nghị phân cấp một cách hợp lý.
Doanh nghiệp cho rằng thủ tục cấp phép xây dựng, đầu tư dự án rườm rà đã đẩy chi phí, giá nhà lên cao. |
Theo đánh giá của chủ tọa kỳ họp, việc trả lời chất vấn của Sở Xây dựng là đầy đủ nhưng cũng còn nhiều vấn đề chưa rõ. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Viết Đường cho rằng, trong công tác quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng còn chưa nghiêm; việc phân cấp xử lý vi phạm giữa các cấp ngành chưa rõ ràng. Tại các công trình chung cư cao tầng, còn tồn tại nhiều vấn đề về an toàn lao động, ô nhiễm môi trường... cần khắc phục. Đồng thời đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt về vấn đề quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng, đảm bảo theo đúng các quy định của luật.
Dự phiên chất vấn, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường tiếp thu các ý kiến của kỳ họp, khẳng định sẽ chỉ đạo Sở Xây dựng, chính quyền các cấp thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật để làm tốt vấn đề quy hoạch, quản lý xây dựng...
Có thể thấy, ở nội dung này, vị đại diện Sở Xây dựng dù đã trả lời đầy đủ các câu hỏi chất vấn, nhưng vẫn còn “né” chưa trả lời đúng trọng tâm một số câu hỏi “khó”.
Đề nghị tạm dừng nhân rộng mô hình trường học mới (VNEN)
Bà Nguyễn Thị Kim Chi - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo là người thứ hai đăng đàn trả lời các nội dung chất vấn về áp dụng mô hình VNEN và thu xã hội hóa giáo dục.
Trước khi trả lời chất vấn, bà Nguyễn Thị Kim Chi trình bày báo cáo giải trình về 2 lĩnh vực: kết quả thực hiện mô hình trường học mới VNEN và vận động xã hội hóa trong các nhà trường.
Về nguyên nhân thực hiện mô hình trường học mới VNEN như kỳ vọng, bà Nguyễn Thị Kim Chi nêu chủ yếu do tâm lý đám đông và tâm lý ứng thí của phụ huynh học sinh và người dân. Công tác truyền thông chưa hiệu quả. Người đứng đầu Sở Giáo dục và Đào tạo cũng cho rằng, cần rút kinh nghiệm về công tác tổ chức, quán triệt chủ trương; tập huấn bồi dưỡng đội ngũ; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc; truyền thông tạo đồng thuận xã hội.
Cử tri khối 5, phường Trường Thi (TP. Vinh) theo dõi phiên chất vấn qua chương trình truyền hình trực tiếp. Ảnh: Thanh Lê |
Về xã hội hóa giáo dục, bà Nguyễn Thị Kim Chi khẳng định quá trình quản lý và sử dụng nguồn kinh phí quán triệt các nguyên tắc: Tự nguyện, đúng mục đích; dân chủ, công khai, minh bạch. Tuy nhiên, còn một số tồn tại, hạn chế như còn có tình trạng lạm thu.
Đã có 7 đại biểu tham gia chất vấn với hàng chục câu hỏi được đặt ra yêu cầu Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo trả lời. Nội dung xoay quanh các bất cập khi triển khai mô hình trường học mới VNEN và hướng thực hiện trong thời gian tới.
Các câu hỏi của đại biểu Đinh Thị An Phong (Nghi Lộc), Nguyễn Thị Lan (Đô Lương), đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Giám đốc Công an tỉnh), Nguyễn Như Khôi (Giám đốc Đài PTTH) tỉnh nêu: Dạy học theo mô hình VNEN cần rất nhiều điều kiện, trong khi đó thực tế còn quá nhiều bất cập, chưa đáp ứng về cơ sở vật chất, giáo viên, tài liệu học tập, sỹ số quá đông, phụ huynh không đồng thuận... nên cử tri cho rằng, thực tế của tỉnh chưa phù hợp để triển khai mô hình dạy học này. Thời gian tới, ngành có nên tham mưu và quyết định dạy học theo mô hình mới này không? Trong giai đoạn thí điểm có hỗ trợ kinh phí, nhưng sau khi dừng không có hỗ trợ thì sẽ thực hiện như thế nào?
Đại biểu Lục Thị Liên - đơn vị Quỳ Châu yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết áp dụng mô hình này ở miền núi đã phù hợp hay chưa? Đã có giải pháp gì hỗ trợ cho các trường và giáo viên miền núi? Vẫn còn tình trạng ở các trường thực hiện phụ đạo thêm buổi chiều cho học sinh do lo lắng học sinh không nắm được bài học trên lớp? Đại biểu Nguyễn Thị Lan (Đô Lương) cũng thẳng thắn chất vấn: Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đánh giá mô hình VNEN triển khai đồng bộ, nhưng qua khảo sát thực tế thì cho thấy chưa đồng bộ ví dụ như ở một số trường sách giáo khoa chưa đầy đủ; phụ huynh có trường chưa nắm được quy trình?
Lớp học VNEN ở trường Tiểu học 2 Môn Sơn, Con Cuông. |
Về nội dung vận động xã hội hóa, các đại biểu nêu câu hỏi: Việc dạy thêm, học thêm, lạm thu, với tư cách của lãnh đạo ngành, bà Nguyễn Thị Kim Chi đã tham mưu cho tỉnh tiến hành kiểm tra, thanh tra được bao nhiêu đơn vị, bao nhiêu cá nhân và xử lý được bao nhiêu? Hiện vẫn còn nhiều sai phạm trong thực hiện các khoản thu trong nhà trường, đề nghị bà cho biết nguyên nhân và giải pháp?
Trả lời chất vấn các đại biểu, bà Nguyễn Thị Kim Chi cho biết: Các vấn đề đại biểu đề cập cũng là những băn khoăn của ngành, nhưng trước nhiệm vụ đổi mới về giáo dục ngành không thể không thực hiện nhiệm vụ. Về nguyên lý, mô hình VNEN là tốt, điều quan trọng là thực hiện có phù hợp hay không.
Về các khó khăn, với việc sỹ số học sinh đông (chủ yếu ở các trường trên đại bàn TP. Vinh), bà Nguyễn Thị Kim Chi giải trình: Chẳng lẽ một đơn vị thành phố mà lại không thực hiện đổi mới giáo dục, nên sở mới lựa chọn “bất đắc dĩ” cho phép các trường trên địa bàn triển khai (?) Về chất lượng đội ngũ giáo viên phục vụ thực hiện mô hình dạy học mới, Giám đốc Sở GĐ&ĐT cho biết: Đều đủ chuẩn đào tạo, tuy nhiên, dạy theo mô hình này đòi hỏi giáo viên phải tâm huyết, trách nhiệm nên sở đã chỉ đạo nhà trường lựa chọn giáo viên giỏi để bố trí dạy các lớp áp dụng mô hình mới.
Về chất lượng học sinh có em học tốt, có em học chưa tốt theo áp dụng VNEN, Giám đốc Sở GD&ĐT cho đó là hiện tượng bình thường, học mô hình nào cũng sẽ có những biểu hiện như vậy. Về tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, bà Kim Chi khẳng định: Sở đã làm rất đầy đủ hàng năm; Sở sẽ tiếp tục tăng cường bồi dưỡng tập huấn và nêu cao tinh thần tự bồi dưỡng. Giám đốc Sở GD&ĐT cũng cho rằng: Triển khai VNEN ở miền núi là khá tốt về rèn luyện khả năng hòa nhập cộng đồng cho học sinh. Việc phụ đạo cho học sinh chỉ xảy ra ở một số nơi, nhất là TP. Vinh; chủ yếu do phụ huynh quá quan tâm lo lắng cho con em, băn khoăn về hiệu quả và lộ trình triển khai cũng như việc thi cử như thế nào. Vấn đề này sở sẽ rà soát và có điều chỉnh. Với công tác thi cử, sở sẽ thực hiện theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT...
Giờ giáo dục thể chất của học sinh phường Quang Tiến, Tx Thái Hòa. |
Về lạm thu trong các trường học, bà Nguyễn Thị Kim Chi xin tiếp thu và hứa sẽ chấn chỉnh kịp thời. Về việc lạm thu, dạy thêm học thêm, bà Kim Chi cho biết: Sở rất coi trọng công tác kiểm tra, từ tháng 9 hàng năm đều có kế hoạch thanh tra chuyên ngành. Tuy nhiên, không thể kiểm tra hết được. Năm 2016 đã thanh tra 9 huyện và gửi công văn đề nghị xử lý đến các huyện đối với các trường tiểu học, mầm non vi phạm. Thời gian tới, với những tích cực đã thấy và những bất cập ngành đã thực hiện, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết đã chỉ đạo, khuyến khích các trường áp dụng theo tinh thần tự nguyện.
Kết luận nội dung chất vấn về các vấn đề giáo dục, ông Nguyễn Xuân Sơn - Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng: Để giáo dục phát triển đáp ứng yêu cầu mới còn 2 vấn đề rất trăn trở, đó là tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục như thế nào; đầu tư nâng chất lượng dạy và học ra sao? Qua chất vấn về 2 nội dung của ngành Giáo dục và Đào tạo tại kỳ họp cho thấy, việc tổ chức thực hiện trên thực tế vẫn còn quá nhiều bất cập. Từ đó chủ tọa kỳ họp đề nghị UBND tỉnh tạm dừng nhân rộng mô hình VNEN trên địa bàn tỉnh, và chỉ thực hiện mô hình trường học mới trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, nhà trường phải đảm bảo đáp ứng đầy đủ các điều kiện triển khai. Với những trường đã thực hiện, các cấp, ngành cần đánh giá khách quan, rút các thành tố tốt để phát huy, hạn chế tối đa các bất cập.
Đối với việc xã hội hóa giáo dục, điều cử tri quan tâm là việc vận động phụ huynh; dù xã hội hóa đã góp rất nhiều cho xây dựng cơ sở vật chất của các nhà trường, nhưng mỗi đầu năm học phụ huynh lại băn khoăn, lo lắng việc lạm thu, sử dụng không đúng. Vì vậy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị xem xét lại việc hướng dẫn thực hiện thu, chi xã hội hóa đã đầy đủ, khoa học hay chưa? Việc vận động đóng góp phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện chứ không áp đặt, tuân thủ quy trình 4 bước triệt để. Đề nghị tăng cường kiểm tra, giám sát việc đóng góp xã hội hóa và xác định đây là công việc của nhiều cấp, ngành. UBND tỉnh và ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chỉ đạo để đáp ứng mong muốn của cử tri về 2 nội dung này.
BHXH không trốn tránh trách nhiệm trong vấn đề bội chi BHYT
Cũng trong phiên chất vấn, vào chiều ngày 15/12, vấn đề bội chi quỹ BHYT và nợ đọng BHXH được nhiều đại biểu nêu câu hỏi với các cơ quan chức năng. Trả lời các câu hỏi của cử tri gửi về trước kỳ họp, ông Lê Trường Giang - Giám đốc BHXH tỉnh Nghệ An đã có báo cáo giải trình các vấn đề bội chi quỹ bảo hiểm y tế và nợ đọng bảo hiểm xã hội.
Theo đó, mặc dù Nghệ An bội chi quỹ khám chữa bệnh (KCB) BHYT năm 2016, nhưng tổng chi KCB 9 tháng đầu năm và dự kiến cả năm 2016 vẫn trong dự toán được giao và trong khả năng điều tiết, cân đối quỹ BHYT của BHXH Việt Nam...
Bước vào phần chất vấn, các đại biểu Đinh Thị An Phong (Nghi Lộc), Nguyễn Văn Hải (Tương Dương), Lô Thị Kim Ngân (Quế Phong), Lục Thị Liên (Quỳ Châu) tập trung chất vấn ở nội dung bội chi quỹ BHYT, với các câu hỏi: Trách nhiệm của cơ quan BHXH tỉnh khi để quỹ BHYT bội chi? Làm rõ trách nhiệm của bộ phận giám định BHYT - liệu có sự thỏa thuận cấu kết giữa đội ngũ này với các cơ sở khám, chữa bệnh hay không? Các biện pháp của BHYT tỉnh để đảm bảo không bội chi vừa đảm bảo được quyền lợi KCB của người dân? BHXH tỉnh cần công khai các đơn vị KCB bội chi quỹ BHYT lớn?
Đại biểu Nguyễn Văn Hải chất vấn các vấn đề phần mềm quản lý BHYT và quyền lợi của người đóng BHXH. |
Trả lời chất vấn của các đại biểu, ông Lê Trường Giang cho biết: Việc bội chi quỹ BHYT trong năm 2016 đã được dự báo trước do những thay đổi chính sách nhưng cũng do cơ quan BHYT chưa triển khai thanh tra, kiểm tra kịp thời, còn lúng túng. Đây chính là lỗi chủ quan, cơ quan BHXH không trốn tránh trách nhiệm này. Hiện nay, ngành chưa phát hiện được giám định viên nào bao che, thỏa thuận với cơ sở khám chữa bệnh. BHXH tỉnh đã có công văn tăng cường quản lý đội ngũ này, khi phát hiện những tiêu cực của giám định viên sẽ xử lý nghiêm, buộc thôi việc, chuyển cơ quan điều tra.
Việc thanh toán từ cơ sở KCB theo cơ chế phí dịch vụ, điều này có nghĩa chỉ định kỹ thuật, dịch vụ càng nhiều thì cơ sở KCB càng có lợi. BHXH tỉnh kiên quyết từ chối không thanh toán những chỉ định thiếu hợp lý. Thời gian qua, BHYT tỉnh nhận thấy: Ở những cơ sở KCB trên địa bàn thành phố Vinh và vùng phụ cận có sự bội chi lớn, các cơ sở KCB ở khu vực miền núi bội chi ít thậm chí kết dư. Để ngăn chặn bội chi, đảm bảo quyền lợi của người bệnh, thời gian tới, BHXH tỉnh tập trung tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh phát triển đối tượng tiến tới BHYT toàn dân; phối hợp với ngành chức năng thanh tra việc sử dụng quỹ BHYT tại các cơ sở KCB, dự báo diễn biến công tác KCB BHYT để chủ động triển khai các giải pháp kiểm soát; tăng cường công tác giám định tại cơ sở có chi phí gia tăng bất thường để phát hiện sớm lạm dụng, trục lợi...
Để làm rõ hơn vấn đề bội chi quỹ BHYT, chủ tọa phiên chất vấn đã mời đại diện Sở Y tế giải trình nội dung liên quan. Ông Hoàng Văn Hảo - Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế cho biết: So sánh số liệu KCB năm 2016 và 2015 thì số lượt khám không tăng. Tuy nhiên, số lượng người dân đến KCB ở các cơ sở y tế tuyến huyện lại tăng lớn, tuyến xã giảm mạnh. Người dân sử dụng dịch vụ, kỹ thuật với đơn giá cao hơn. Lý do tăng còn do trong năm qua Nghệ An đã áp dụng, làm chủ thêm 175 kỹ thuật KCB mới.
Người dân chờ làm thủ tục khám bệnh tại Phòng khám đa khoa Quang Khởi (Hoàng Mai) Ảnh minh họa |
Ngoài lý do khách quan ở trên, đại diện Sở Y tế cho biết thêm: Nguyên nhân chủ quan là do một số đơn vị, cá nhân chưa thực hiện đúng chủ trương chính sách của Nhà nước về BHYT, lạm dụng dịch vụ kỹ thuật, thuốc. Trong khi đó công tác thanh, kiểm tra, giám định chưa đạt được yêu cầu đề ra. Giải pháp ngăn chặn tình trạng bội chi của ngành Y tế là: Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu đơn vị KCB, xử lý nghiêm sai phạm; Ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong quản lý KCB và thanh toán BHYT, loại trừ tình trạng sáng khám một nơi, chiều khám nơi khác; Nghiên cứu áp dụng mô hình phòng khám bác sỹ gia đình.
Kết luận phần chất vấn các vấn đề bội chi quỹ bảo hiểm y tế và nợ đọng BHXH, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Thị Hiền yêu cầu ngành Y tế, BHXH tăng cường công tác phối hợp kiểm soát quỹ ngay từ đầu năm và thanh kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm. Với nợ đọng BHXH, cơ quan BHXH tỉnh cần nâng cao trách nhiệm trong việc thu hồi nợ, chủ động tiếp cận doanh nghiệp, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động; phối hợp tốt với Liên đoàn Lao động tỉnh thực hiện khởi kiện các doanh nghiệp ra tòa.
Nhóm PVTS