TS Nguyễn Sỹ Dũng: Mạng xã hội và những thách thức của báo chí
(Baonghean.vn) - Theo TS. Nguyễn Sỹ Dũng, Nguyên Phó Chủ Nhiệm Văn Phòng Quốc Hội, mạng xã hội và truyền thông số đã giúp báo chí phát triển mọi mặt, song đồng thời tạo ra môi trường cạnh tranh thông tin khốc liệt làm nảy sinh thách thức cho báo chí.
TS Nguyễn Sỹ Dũng - Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trao đổi với cán bộ, phóng viên Báo Nghệ An. Ảnh: Thanh Lê. |
Thời đại truyền thông số cùng với mạng xã hội, tạo thách thức hết sức lớn cho những người làm báo. Trước hết, đó là việc cập nhật thông tin, nhiều sự kiện báo chí chưa kịp đưa tin nhưng mạng xã hội đã đưa tin.
Xu hướng 'nhà báo công dân', 'tòa soạn cá nhân' xuất hiện ngày càng nhiều. Ở Việt Nam, theo ước tính, đang có khoảng 180 triệu điện thoại di động đang được sử dụng, phần đa có chức năng chụp ảnh, quay phim, truy cập internet. Thông tin được cập nhật trên mạng xã hội rất nhanh, làm cho báo chí rất khó cạnh tranh trong việc cập nhật thông tin.
Sáng 11/4, TS Nguyễn Sỹ Dũng- nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội có cuộc trao đổi với cán bộ, phóng viên Báo Nghệ An về nội dung thách thức của báo chí trong thời đại truyền thông số và xây dựng nhà nước kiến tạo, phát triển. Dự buổi làm việc có đồng chí Phạm Thị Hồng Toan - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Nghệ An cùng cán bộ, phóng viên cơ quan. |
Thách thức thứ hai đó là báo chí không nâng cao được năng suất lao động, bởi quá trình đăng tải phải qua nhiều khâu, nhiều quy trình.
Ông Dũng đơn cử năng suất lao động của các ngành khác đã nâng lên 100 lần thì báo chí, nhất là báo in vẫn dừng lại ở đó. Đó là lý do mà các tờ báo in ở các nước phát triển buộc phải giải tán, đóng cửa.
Để nâng cao năng suất lao động trong lĩnh vực báo chí nhất là trong giai đoạn cuộc cách mạng lần thứ 4 sắp diễn ra là vô cùng khó khăn.
Vậy, "lối ra" của báo chí là gì?. Ông Dũng cho rằng, một mặt báo chí phải thông tin nhanh nhạy nhưng điều mà báo chí phải khác với mạng xã hội đó là phải bổ sung giá trị gia tăng, đưa tin một cách trung thực, mang tính xây dựng, phản biện và toàn diện.
Từ một sự kiện từ mạng xã hội, phóng viên phải phân tích bổ sung giá trị gia tăng, phân tích những hệ lụy tác động của sự kiện đến công chúng. Điều này mạng xã hội không làm được, thông tin trên mạng xã hội dù phong phú, đa dạng nhưng vẫn mang tính cá nhân, không qua bất cứ một ban biên tập nào thẩm định. Chưa kể đến là thông tin trên mạng xã hội nhiều khi chưa chính xác.
Trung tâm toà soạn hội tụ Báo Nghệ An. Ảnh tư liệu |
Ông Dũng cũng khẳng định rằng, báo chí hiện đại có mối liên hệ chặt chẽ với mạng xã hội. Trong thời đại bùng nổ của truyền thông số, chính các nhà báo cũng là những người tham gia vào cộng đồng mạng xã hội để vừa tiếp cận, chắt lọc thông tin, vừa cung cấp thông tin một cách trung thực, xây dựng và mang tính toàn diện đến đông đảo công chúng.
Theo ông Dũng để cạnh tranh với mạng xã hội, thì đòi hỏi mỗi tờ báo càng phải nâng cao chất lượng, khắc phục xu hướng thương mại hóa, đồng thời không ngừng nâng cao trình độ kỹ thuật, trình độ chuyên môn nghiệp vụ theo hướng hiện đại hóa.
"Đặc biệt là phải xây dựng được uy tín, thương hiệu của mình, thông tin của tờ báo được bạn đọc tin cậy chính là sức mạnh của tờ báo. Báo chí muốn tồn tại và phát huy hiệu quả phải xây dựng được niềm tin với công chúng”- ông Dũng cho biết.
Cũng tại buổi nói chuyện với cán bộ, phóng viên Báo Nghệ An, ông Nguyễn Sỹ Dũng đã trao đổi một số nội dung liên quan đến chủ đề nhà nước kiến tạo, phát triển; một số cơ hội và thách thức của Báo Nghệ An trong thời đại bùng nổ thông tin trên mạng xã hội...
Thanh Lê
TIN LIÊN QUAN |
---|