Từ Đảo Mắt nghe vang vọng Bạch Đằng Giang

(Baonghean) - Ra tới Đảo Mắt, chúng tôi như thấy đây đó hình bóng một thuở cha ông đi mở cõi với những “đội Hoàng Sa”,“đội Bắc Hải” trên các thuyền gỗ đơn sơ vượt sóng gió bão tố khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Đảo Mắt như ngọn đèn thiêng trong bão tố, như người bảo vệ vùng đất, vùng biển trời quê hương thiêng liêng. Tiếp bước truyền thống hào hùng ông cha vì non sông gấm vóc, những người lính Đảo Mắt hôm nay luôn quyết tâm vượt mọi khó khăn bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng Tổ quốc… 

Cửa Hội - nơi sông Lam đổ về biển mẹ vào sáng tháng sáu bình yên quá: nước ngọt, mặn lặng lẽ giao hòa, rừng phi lao thẳm xanh rì rào ru bờ cát trắng. Từ Cửa Hội nhìn xa nơi trùng khơi chỉ cách chừng 25 km, Đảo Mắt mờ mờ chợt ẩn, chợt hiện dưới độ cong của muôn vàn lớp sóng. Từng hồi còi dõng dạc vang lên như tha thiết chào tạm biệt đất liền, tàu chở đoàn Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh Nghệ An từ Cửa Hội tiến về Đảo Mắt; mấy người dân bán hàng quanh cả̉ng chạy ùa lại đưa lên tàu mấy thùng nước sạch “gửi tặng cho mấy anh bộ đội ngoài đảo, mùa ni thiếu nước lắm”…. Con tàu của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An đưa chúng tôi dập dình lao qua triền sóng, lòng người phơi phới hướng về chân trời. Mùa hè ra khơi, nắng biển Đông vàng như mật o­ng sánh, trời lồng lộng cao xanh, sóng cả mênh mông dạt dào vỗ ùa tung bọt trắng.
 
Trước mặt biển bao la, ai đó trong đoàn ngân nga kể cho mọi người nghe câu chuyện vua Lê Thánh Tông năm xưa từng cưỡi thuyền rồng vượt qua cửa biển này trừng phạt quân Champa xâm lấn… Ngược với hướng hải trình ra khơi là từng đoàn tàu nối tiếp nhau đang trở về cảng cá, nụ cười của những chủ nhân biển cả lấp lánh như báo tin vui một chuyến bội thu. Gió thổi lên mặt bể tạo sóng - sóng giúp đẩy thuyền nặng trĩu tôm cá về bờ - gió và sóng đang hát bản hùng ca tôn vinh người ngư dân ngày đêm bám biển, chiến thắng sức mạnh thiên nhiên. Một anh bạn đồng nghiệp nửa như tự sư,̣ nửa ví von cho chúng tôi nghe: Ngư dân như những chiến binh canh giữ đất trời ngoài trùng dương của Tổ quốc, như những cột mốc sống khẳng định chủ quyền trường tồn vùng lãnh hải quốc gia..

Mới chỉ gần hai tiếng đồng hồ đánh vật với sóng mà nhiều người trong đoàn đã thấy khá mệt (Thế mới biết kỳ công của ông cha với những “đội Hoàng Sa”, “đội Bắc Hải” trên các thuyền gỗ đơn sơ vượt sóng gió bão tố khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc)… Đảo Mắt anh hùng hiện ra vững chãi giữa biển khơi như sức mạnh của bức tường thành canh giữ bão báp cho đất liền mưa thuận gió hòa, mùa màng phong vượng. Đảo có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong thế trận phòng thủ và kinh tế của tỉnh Nghệ An. Trong chiến tranh chống Mỹ, để đánh chiếm, giặc đã trút lên đây hơn 4000 tấn bom đạn. 
 
Dẫn đoàn lên Đảo, thượng tá Trương Đức Thuận, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh Nghệ An, năm nay đã ngoài 50 say sưa giới thiệu về Đảo Mắt: Giữa trùng khơi, Đảo Mắt còn được ví như “mắt biển”, các chiến sỹ vừa canh giữ, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, vừa bảo vệ, che chở ngư dân giữa giông tố hay bão biển hoặc những tai nạn bất ngờ, từ trước đến giờ cán bộ chiến sỹ đảo mắt đã kịp thời cứu giúp hàng trăm người dân bị nạn. Cũng như các chiến sỹ ta ở Trường Sa thân yêu, các chiến sỹ Đảo Mắt luôn vượt lên tất cả khó khăn của cuộc sống xa đất liền, gia đình, điều kiện ăn ở thiếu thốn, khí hậu khắc nghiệt ngày đêm cố gắng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ, xứng đáng với truyền thống anh hùng của đảo, của quân đội nhân dân Việt Nam. Trong chiến tranh chống Mỹ, Đại đội  32 - tức Tiểu đoàn hỗn hợp Đảo Mắt hôm nay, có 9 chiến sỹ anh dũng hy sinh… Nghe giọng lúc hăng hái, lúc trầm buồn của anh, bất chợt nhớ hai câu thơ của vị vua Trần Nhân Tông cảm khái về cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ nhất: “Bạch đầu quân sĩ tại/Vãng vãng thuyết Nguyên Phong”.(Lính bạc đầu còn đó/ Kể mãi chuyện Nguyên Phong)
 
“Tàu đã về nhà!” Chiến sỹ lái tàu reo vang trong nụ cười rạng rỡ của những người lính đảo đang chào đón; những vòng ôm siết, bàn tay nắm chặt bàn tay sao mà trìu mến thế. Nghe trong vị mặn mòi gió biển tha thiết ấm nồng tình cảm quân – dân, của người thân lâu ngày gặp lại. Những bậc thang đá đẽo gọt xây dựng chắc chắn bắt đầu từ bến vòng vèo đưa chúng đi thăm nơi ăn chốn ở, nơi luyện tập sẵn sàng chiến đấu của các chiến sỹ Đảo. Trong đoàn, có những người đã nhiều lần đến Đảo Mắt nhưng lần nào đến cũng ngạc nhiên trước sự đổi thay trên Đảo. Dưới bàn tay của các chiến sỹ, những mảnh vườn xinh xắn với bể chứa nước ngọt, khu trồng rau, chuồng chăn nuôi gà, lợn, dê; doanh trại, nhà ở, phòng truyền thống, hội họp khang trang được quy hoạch bài bản xây dựng lên trên đá, sỏi. Hệ thống ánh sáng, hàng chục trụ quạt gió năng lượng sạch đang trong giai đoạn hoàn thiện. Trên đảo giờ không chỉ có điện thoại mà thả sức truy cập, khai thác mạng Internet, giúp các chiến sỹ thấy gần với cuộc sống thường nhậ́t của đất liền, hòa nhập cùng thế giới.  

Đại úy Nguyễn Mạnh Hùng – Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn hỗn hợp Đảo Mắt tâm sự: Anh em chiến sỹ ai cũng đã quen, thích nghi với cuộc sống biển đảo; cùng với nhiệm vụ huấn luyện, canh giữ bảo vệ  đảo thì việc ra sức cải tạo điều kiện vật chất, điều kiện sống trên đảo cũng là hành động thiết thực, trước hết là trực tiếp nâng cao cuộc sống của anh em, sau đó là góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo vững chắc của đất nước, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Trên đảo, các chiến sỹ đều rất trẻ. Phát huy tinh thần thanh niên, tuổi trẻ xung kích bám sát với chủ đề “Trí tuệ Việt Nam, Tuổi trẻ Việt Nam cho sự phát triển bền vững biển, đảo Tổ quốc” để xây dựng đảo với các hoạt động sáng kiến thiết thực như: làm bảng tin cập nhật thông tin hàng ngày, chăm sóc vướn cây thanh niên, trồng rau không cần đất, vườn bậc thang tăng gia sản xuất, sửa chữa đường ống dẫn nước suối, bể nước mưa, đảm nhận chăn nuôi tại chỗ. Hiện đảo có 7 vườn rau bậc thang cơ bản đảm bảo đủ rau xanh mùa nắng nóng, đầy đủ các loại vật nuôi để bảo đảm thức ăn tươi… các phong trào sinh hoạt luôn duy trì tốt, kỷ luật quân ngũ được giữ nghiêm.

Đến dâng hương tại Đài tưởng niệm các chiến sỹ đã anh dũng hy sinh bảo vệ đảo, bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc, chúng tôi như thấm thêm những máu xương mà ông cha đã đổ ra để tạo hình đất nước muôn đời. Đến thăm Khẩu đội 3 của Trung đội 2 đang làm nhiệm vụ với những khẩu pháo vươn ra biển để canh giữ biển trời, để ý thức rõ hơn nhiệm vụ thiêng liêng gìn giữ phát huy những giá trị tốt đẹp của tổ tiên truyền lại. Lên Đảo Mắt, chúng tôi mới thấy được một phần những vất vả khó khăn nhưng cũng rất đỗi tự hào của những người lính đảo. Thượng sỹ Trần Trọng Hoàn, quê ở Hưng Nguyên nói về những khó khăn thường nhật lính đảo đối mặt: Cuộc sống người lính trên đảo đặc biệt khó khăn về nước ngọt, nhất là vào mùa hè, nước sinh hoạt được chiến sỹ tiết kiệm hết sức. Nhiều khi cũng cảm thấy nóng bức tuy nhiên đã là lính đảo thì cũng quen với cảm giác này rồi.

Dưới tán cây trên đảo, Đại úy Nguyễn Thành Trung – Chính trị viên Phó cho biết: Mùa nào cũng có khó khăn và thuận lợi. Sự thiếu thốn nào rồi cũng dần quen… Các cụ ngày xưa vượt Trường Sơn đi cứu nước còn khó khăn hơn nhiều mà vẫn làm được. Đến giờ, chúng tôi lớp người đi sau phát huy truyền thống của lớp đi trước khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và quân đội giao phó, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. 

Người lính giữa biển khơi, sau những giờ phút tập luyện, lại hòa mình vào hoạt động thể thao bóng chuyền, bóng đá; lại cất lên tiếng hát át tiếng sóng, tiếng hát làm vơi đi nỗi nhớ nhà, ấm lòng người lính. Buổi giao lưu với những người lính đảo bắt đầu từ cái bá vai, quàng cổ, chuyền tay cái micrô cất những lời ca về Đảng về Bác Hồ, về biển đảo, Trường Sa… Đảo Mắt luôn ồn ào, khắc nghiệt bởi bốn mùa sóng vỗ, gió lùa và sự mặn mòi của biển cả. Song ý chí những người lính trẻ vẫn vững vàng, kiên cường như tạc vào đảo bức tượng Đức Thánh Trần, Đại đế Quang Trung giữa Biển Đông.

Chiều về, nắng vàng dường như thắm lại. Mặt trời – nơi bắt đầu sự sống buông về nơi những dãy núi trong đất liền mờ xa; Đêm buông rèm, thị xã biển Cửa Lò rực rỡ lên đèn ngày hội… Trăng lạnh về khuya, người lính đảo tâm tình chuyện một tấm lòng son và hai vai gánh nặng, bên thì nhiệm vụ bám trụ canh giữ biển đảo của Tổ quốc, bên thì nỗi nhớ đất liền cồn cào, nặng gánh gia đình... Đêm về phía rạng đông, biển chuyển mình, phía chân trời đã thấy ánh lên màu bình minh hồng ngọc. Giữa tiếng gió dạt dào và sóng biển, tôi đã nghe vang vọng áng “thiên cổ hùng văn” Bạch Đằng Giang Phú của danh sỹ Trương Hán Siêu thời nhà Trần, ngợi ca chiến công hiển hách của ông cha ta đánh tan quân xâm lược trên cửa sông Bạch Đằng được ngân lên hùng tráng bởi một anh lính trẻ... Lời phú rằng: “Sông Đằng một dải dài ghê/ Sóng hồng cuồn cuộn tuôn về bể Đông/... Trời Nam sinh bậc anh hùng/ Tăm kình yên lặng, non sông vững vàng/... Ngàn năm ngẫm cuộc thanh bình/ Tại đâu đất hiểm bởi mình đức cao.

Thành Chung

tin mới

Nhà hát Chèo Quân đội biểu diễn phục vụ chiến sĩ Nghệ An

Nhà hát Chèo Quân đội biểu diễn phục vụ chiến sĩ Nghệ An

(Baonghean.vn) - Tối 6/4, tại Trung đoàn 764, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Nhà hát Chèo Quân đội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã tổ chức biểu diễn chương trình nghệ thuật phục vụ cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và nhân dân trên địa bàn đóng quân.

Hội thảo khoa học 'Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại'

Hội thảo khoa học 'Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại'

(Baonghean.vn) - Sáng 27/3, tại thủ đô Hà Nội, Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng) phối hợp với Báo Quân đội Nhân dân và Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) tổ chức Hội thảo khoa học: “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại”.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh thăm, động viên Đội Quy tập mộ liệt sĩ tại tỉnh Xiêng Khoảng

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh thăm, động viên Đội Quy tập mộ liệt sĩ tại tỉnh Xiêng Khoảng

(Baonghean.vn) - Sáng 21/3, đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ngành đã đến thăm, động viên cán bộ, nhân viên Đội Quy tập mộ liệt sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tại tỉnh Xiêng Khoảng, nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào.

Bộ đội Biên phòng tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ thị, mệnh lệnh về phòng thủ dân sự, phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

Bộ đội Biên phòng tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ thị, mệnh lệnh về phòng thủ dân sự, phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

(Baonghean.vn) - Chiều 14/3, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 theo hình thức trực tiếp và kết nối trực tuyến với các điểm cầu trong toàn lực lượng.

Những hy sinh thầm lặng của các nữ chiến sĩ Công an Nghệ An

Những hy sinh thầm lặng của các nữ chiến sĩ Công an Nghệ An

(Baonghean.vn) - Thường xuyên phải gác lại nghĩa vụ làm vợ, làm mẹ, các nữ chiến sĩ Công an Nghệ An luôn nêu cao tinh thần vượt khó, vượt gian khổ, tận tụy phụng sự tổ quốc và nhân dân. Họ không quản ngại mưa gió, nắng cháy, hiểm nguy để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh kiểm tra công tác chuẩn bị Lễ giao nhận quân tại huyện Nam Đàn và Đô Lương

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh kiểm tra công tác chuẩn bị Lễ giao nhận quân tại huyện Nam Đàn và Đô Lương

(Baonghean.vn) - Chiều 22/2, đoàn công tác Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh do đồng chí Đại tá Đinh Bạt Văn – Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh làm trưởng đoàn đã đến kiểm tra công tác chuẩn bị Lễ giao nhận quân tại huyện Nam Đàn và Đô Lương.