Từ đầu năm 2024 đến nay, Nghệ An xử lý hơn 1.100 trường hợp vi phạm tốc độ thông qua camera phạt nguội

Đặng Cường (thực hiện) 02/04/2024 09:23

(Baonghean.vn) - Hiện nay, tình trạng người tham gia giao thông vi phạm tốc độ vẫn còn xảy ra nhiều, nhất là trên các tuyến đường chưa có camera phạt nguội. Cá biệt, một số trường hợp còn cố tình che biển số để đối phó với lực lượng chức năng…

Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với Thượng tá Nguyễn Nam Hồng - Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông (Công an Nghệ An) về vấn đề này.

P.V:Nếu trước đây lái xe vi phạm tốc độ chủ yếu tập trung ở các tuyến Quốc lộ, thì nay tình trạng này còn xảy ra ở các tuyến đường tỉnh, đường huyện thậm chí đường xã. Vậy, lực lượng CSGT đã xử lý tình trạng này như thế nào, thưa ông?

Thượng tá Nguyễn Nam Hồng: Thời gian qua, hành vi vi phạm tốc độ của người tham gia giao thông diễn ra phổ biến, không chỉ trên tuyến Quốc lộ, đường nội thị mà trên cả các tuyến giao thông nông thôn, nhất là khi vắng bóng lực lượng chức năng. Trong đó, chủ yếu các xe chạy quá tốc độ quy định từ 10 km/h đến 20 km/h, cá biệt có trường hợp quá tốc độ quy định trên 35 km/h...

bna_1. ảnh pv.JPG
Hệ thống đường truyền ổn định, chất lượng hình ảnh sắc nét, những hành vi vi phạm như vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ... đều được hệ thống camera giám sát ghi nhận và chụp hình ảnh lại. Ảnh: Đ.C

Điều này không chỉ gây nguy hiểm trực tiếp cho người điều khiển phương tiện mà còn gây nguy hiểm cho những người tham gia giao thông khác. Bởi điều khiển phương tiện lưu thông với tốc độ cao sẽ hạn chế khả năng phân tích, xử lý các tình huống xảy ra trên đường, tốc độ càng lớn thì mức độ chấn thương càng cao và thực tế đã có không ít những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra.

Để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm, góp phần kiềm chế tai nạn giao thông, ngoài phát huy hệ thống camera phạt nguội, phòng đã chỉ đạo các đội, trạm tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, tổ chức mật phục ghi hình để xử lý nghiêm hành vi điều khiển phương tiện quá tốc độ cho phép.

Riêng từ đầu năm 2024 đến nay, thông qua hệ thống camera phạt nguội đã xử lý 1.119 trường hợp vi phạm tốc độ, thu phạt trên 2,3 tỷ đồng. Cùng với đó, qua tuần tra kiểm soát, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh đã phát hiện, lập biên bản 6.814 trường hợp vi phạm về tốc độ (trong đó: 5.244 ô tô; 1.497 mô tô- xe máy; 8 máy điện; 65 xe khác), thu phạt trên 12 tỷ đồng, tạm giữ 283 phương tiện, tước 1.571 GPLX.

P.V:Ông có thể cho biết, mức phạt đối với lỗi vi phạm tốc độ hiện nay?

Thượng tá Nguyễn Nam Hồng: Hiện nay, quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP cũng như một số điều được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP, người điều khiển phương tiện sẽ bị xử phạt từ 800.000 đồng đến 12 triệu đồng (tùy tốc độ vượt) đối với ô tô; bị xử phạt từ 300.000 đồng đến 5 triệu đồng (tùy tốc độ vượt) đối với xe máy.

Ngoài xử phạt hành chính, chủ phương tiện chạy quá tốc độ còn có thể bị tước Giấy phép lái xe từ 1- 4 tháng. Đồng thời, sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây ra tai nạn giao thông nghiêm trọng.

bna_CSGT cho người dân xem hình ảnh vi phạm. ảnh pv.jpg
CSGT cho người điều khiển phương tiện xem hình ảnh vi phạm. Ảnh: Đ.C

P.V:Về quy trình xử phạt qua hệ thống camera phạt nguội được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Thượng tá Nguyễn Nam Hồng: Trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện lắp camera giao thông phạt nguội tại 28 điểm. Với hệ thống đường truyền ổn định, chất lượng hình ảnh sắc nét, những hành vi vi phạm như vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ... đều được hệ thống camera giám sát ghi nhận và chụp hình ảnh lại. Sau khi xác minh các vi phạm, đảm bảo đủ 4 yếu tố pháp lý gồm thời gian, địa điểm vi phạm, lỗi vi phạm và biển số đăng ký của phương tiện vi phạm, Phòng CSGT sẽ in và phát phiếu thông báo gửi về địa chỉ của chủ phương tiện vi phạm để xử phạt theo quy định.

Trong trường hợp người vi phạm không đến thực hiện nộp phạt hoặc cố tình trốn tránh thì CSGT sẽ công khai các phương tiện vi phạm trên cổng thông tin điện tử của Cục CSGT, đồng thời gửi thông báo về Cục Đăng kiểm Việt Nam để tạm dừng việc kiểm định phương tiện.

2.jpg
Hình ảnh từ camera phạt nguội sau khi được phân tích tại Trung tâm chỉ huy, Phòng Cảnh sát giao thông tỉnh, sẽ có thông báo gửi cho người vi phạm. Ảnh: Đ.C

P.V:Bên cạnh chạy quá tốc độ còn có tình trạng sử dụng biển kiểm soát giả, chỉnh sửa biển, che biển, làm mờ biển, lật biển (2 biển số), để tránh lỗi phạt nguội. Vậy, đối với hành vi này bị xử lý như thế nào?

Thượng tá Nguyễn Nam Hồng: Tình trạng sử dụng biển kiểm soát giả (biển kiểm soát không do cơ quan có thẩm quyền cấp), chỉnh sửa biển, che biển, làm mờ biển, lật biển (2 biển số), nhằm tránh camera ghi nhận lỗi vi phạm để phạt nguội xuất hiện vài năm trở lại đây. Hành vi nói trên không chỉ vi phạm Luật Giao thông đường bộ, mà còn tiềm ẩn nhiều hệ lụy khó lường về an ninh, trật tự…

Hiện, cùng với việc phát hiện qua tuần tra kiểm soát, qua hình ảnh do người dân cung cấp... Lực lượng CSGT đang tiếp tục tận dụng tối đa hệ thống camera giám sát để hỗ trợ xác minh và phát hiện xe có dấu hiệu làm sai lệch biển số do cơ quan có thẩm quyền cấp. Khi phát hiện phương tiện vi phạm, trung tâm chỉ huy sẽ thông báo cho các tổ tuần tra lưu động dừng xe để xử lý.

Trước năm 2022, lỗi vi phạm này được Nghị định 100/NĐ-CP xử phạt còn thấp (từ 800.000-1.000.000 đồng), từ năm 2022, Nghị định 123/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 100) đã nâng mức xử phạt hành vi này lên gấp nhiều lần. Cụ thể, xử phạt từ 4-6 triệu đồng đối với hành vi Điều khiển xe gắn biển số không đúng với Giấy đăng ký xe hoặc gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc).

5.jpg
Các trường hợp che biển số được người dân chia sẻ trên mạng xã hội. Ảnh tư liệu

P.V:Lợi dụng hình thức phạt nguội đối với hành vi vi phạm tốc độ, hiện nay xuất hiện các đối tượng tự xưng CSGT, gọi điện thông báo phạt nguội yêu cầu chuyển tiền qua tài khoản để lừa đảo. Ông có thể cảnh báo về tình trạng này cho người dân?

Thượng tá Nguyễn Nam Hồng: Tất cả trường hợp vi phạm giao thông được phát hiện thông qua hệ thống giám sát (camera phạt nguội) đều được CSGT gửi thông báo bằng văn bản tới chủ phương tiện hoặc người điều khiển phương tiện vi phạm, đề nghị tới đơn vị phát hiện vi phạm để xử lý. Hoặc khi đi đăng kiểm phương tiện sẽ được cơ quan đăng kiểm thông tin về trường hợp vi phạm và đề nghị tới đơn vị CSGT phát hiện vi phạm để xử lý. CSGT không gọi điện thoại để thông báo vi phạm, cũng không yêu cầu người vi phạm chuyển tiền nộp phạt vào bất kỳ tài khoản nào.

Mặc dù đến thời điểm này Phòng CSGT Công an tỉnh chưa nhận được phản ánh nào về hành vi giả mạo CSGT để yêu cầu nộp phạt. Tuy nhiên, để tránh bị mất tiền cho các đối tượng lừa đảo, người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác đối với loại tội phạm này, cảnh giác với các cuộc gọi thông báo liên quan đến biên lai “phạt nguội”. Theo đó, không được cung cấp thông tin cá nhân cho bất kỳ ai, nhất là qua điện thoại.

P.V: Xin cảm ơn ông!

Mới nhất

x
Từ đầu năm 2024 đến nay, Nghệ An xử lý hơn 1.100 trường hợp vi phạm tốc độ thông qua camera phạt nguội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO