Tư lệnh không quân Đức bị dọa đuổi việc nếu nhắc đến “F-35“
Đức đang tìm kiếm giải pháp thay thế tiêm kích Tornado già cỗi, nhưng không muốn lựa chọn tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ.
Tư lệnh không quân Đức Karl Muellner. Ảnh: Luftwaffe. |
"Nguồn tin không quân Đức tiết lộ tư lệnh lực lượng này nhiều khả năng sẽ bị sa thải nếu nhắc đến từ "F-35" trước công chúng thêm một lần nữa. Dường như giới lãnh đạo vẫn nghiêng về các giải pháp như Typhoon hoặc một mẫu tiêm kích mới của châu Âu", Sputnik dẫn lời chuyên gia quân sự Christian Theils cho biết hồi đầu tuần.
Cách đây hai tháng, tư lệnh không quân Đức Karl Muellner tuyên bố nước này cần "tiêm kích thế hệ 5 để đáp ứng toàn bộ yêu cầu tác chiến". Đây được coi là tín hiệu mạnh mẽ, cho thấy Berlin sẵn sàng đặt mua máy bay tàng hình F-35, vốn bị đánh giá là quá đắt và còn nhiều lỗi kỹ thuật.
Không quân Đức đang xem xét hàng loạt tiêm kích nhằm thay thế mẫu Panavia Tornado cũ kỹ, bao gồm F-35 JSF, F-15 Eagle, F/A-18E/F Super Hornet và Eurofighter Typhoon. Trong đó, chỉ có F-35 đáp ứng tiêu chuẩn do tướng Muellner đề cập.
Tuy nhiên, giới chức quốc phòng Đức đã tìm cách tránh xa những tuyên bố lựa chọn dòng F-35 của ông Muellner. Thứ trưởng Quốc phòng Đức Ralf Brauksiepe hồi tháng 12/2017 khẳng định tiêm kích Typhoon là lựa chọn hàng đầu để thay thế mẫu Tornado nội địa, các máy bay Mỹ như F-15, F/A-18E/F và F-35 chỉ là "giải pháp thứ cấp".
Việc mua tiêm kích F-35 có thể gây bất đồng chính trị, sau khi Đức và Pháp công bố kế hoạch đồng phát triển tiêm kích thế hệ 5 cùng các đối tác châu Âu. Đây là dự án đầy tham vọng nhưng rất tốn kém, có thể buộc hai quốc gia này cắt giảm ngân sách cho các chương trình xã hội.
Một vấn đề khác là khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân trên tiêm kích mới. Phiên bản Typhoon nâng cấp có thể triển khai bom hạt nhân B-61, trong khi những chiếc F-35 chỉ có thể mang vũ khí này sau năm 2020.
Đức, Italy, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ đang sở hữu chung 200 quả bom hạt nhân B-61, một phần trong cam kết NATO của các nước này. Nếu Đức không chọn mẫu máy bay mang được vũ khí hạt nhân, họ sẽ phải chuyển chúng cho các thành viên NATO khác.