Tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran: 'Đứa con của chiến tranh'

(Baonghean) - Sau cái chết của tướng Qassem Soleimani, nhiệm vụ bảo vệ lợi ích và mở rộng tầm ảnh hưởng Iran khắp Trung Đông giờ đặt lên vai Esmail Ghaani - một nhân vật quyền lực nhưng khá kín tiếng trong quân đội Iran. Chân dung tân chỉ huy này gây tò mò với truyền thông quốc tế, từ việc ông sẽ thoát khỏi cái bóng của vị tướng huyền thoại Soleimani như thế nào cho đến việc “trả thù” Mỹ ra sao.

Bước ra khỏi bóng tối

Vài giờ sau khi Thiếu tướng Qassem Soleimani bị Mỹ hạ sát tại Baghdad, Iraq, Lãnh tụ tinh thần tối cao Iran Ali Khamenei bổ nhiệm tướng Esmail Ghaani, 63 tuổi, làm Tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC). Điều này đủ thấy lực lượng Quds có tầm quan trọng như thế nào trong hệ thống quân đội Iran. Ghaani nhiều khả năng được thăng quân hàm từ Chuẩn tướng lên Thiếu tướng khi nhận vị trí mới.

Esmail Ghaani, tân chỉ huy lực lượng Quds thay thế tướng Qassem Soleimani bị Mỹ ám sát ngày 3/1/2020. Ảnh: AP
Esmail Ghaani, tân chỉ huy lực lượng Quds thay thế tướng Qassem Soleimani bị Mỹ ám sát ngày 3/1/2020. Ảnh: AP

Mặc dù là cái tên khá mới với truyền thông quốc tế nhưng Esmail Ghaani thực tế là một nhân vật có tiếng, chỉ đứng sau Soleimani trong lực lượng quân đội Iran. Một trong những lần xuất hiện hiếm hoi của Ghaani với truyền thông quốc tế là hồi năm 2017, khi mối quan hệ Mỹ - Iran bắt đầu tăng nhiệt, Ghaani cảnh báo rằng: “Những lời đe dọa chống lại Iran của ông Trump sẽ gây thiệt hại cho Mỹ".

Trước đó, Ghaani lui vào hoạt động “trong bóng tối” chủ yếu do những lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây nhằm nhưng thực chất ông giữ vị trí quan trọng trong hàng ngũ IRGC từ lâu. Ghaani không chỉ là cấp phó mà còn là một người đồng chí, một người bạn của tướng Soleimani. Cả hai đều cùng nhau chiến đấu trong cuộc Chiến tranh Iran-Iraq, các cuộc xung đột của thời kỳ hậu Cách mạng Hồi giáo (1979).

Esmail Ghaani từng tự nhận mình và “người bạn” Soleimani là “những đứa trẻ của chiến tranh”. “Chúng tôi là đồng đội trên chiến trường và bạn bè ngoài trận chiến”. Sinh ngày 8/8/1957 tại thành phố Mashhad, Iran và lớn lên trong thập kỷ cuối cùng của chế độ quân chủ tại quốc gia Trung Đông này, Ghaani gia nhập IRGC năm 1980, một năm sau khi Cách mạng Hồi giáo 1979 lật đổ vua Iran Mohammad Reza Pahlavi. Giống như Soleimani, ông sau đó tham gia chiến dịch dập tắt cuộc nổi dậy của người Kurd tại Iran.

Esmail Ghaani gặp lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei (phải) trong cuộc họp với các chỉ huy quân sự. Ảnh: Radio Farda
Esmail Ghaani gặp lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei (phải) trong cuộc họp với các chỉ huy quân sự. Ảnh: Radio Farda

Năm 1980, Iraq xâm chiếm Iran, phát động cuộc chiến kéo dài 8 năm với 1 triệu người thiệt mạng, Soleimani, Ghaani cùng nhiều chiến binh IRGC trẻ tuổi được điều ra tiền tuyến, tham gia những đợt tấn công chống quân Iraq. “Lính tình nguyện đều biết mình sẽ chết, nhưng họ không ngần ngại xông lên khi chúng tôi ra lệnh. Chỉ huy coi binh sĩ như những đứa con, các binh sĩ coi lệnh xung trận là yêu cầu của Thượng đế mà họ phải thực hiện”, Ghaani kể về cuộc chiến. Ghaani nằm trong số ít những người lính còn sống sót sau cuộc chiến và cuối cùng gia nhập Lực lượng Quds ngay sau khi lực lượng này được thành lập. Quds - một nhánh của IRGC Iran, được đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của Lãnh tụ Tối cao Iran, chuyên về hoạt động tình báo và chiến tranh đặc biệt, có sứ mệnh giải phóng các vùng đất Hồi giáo bị chiếm đóng.

Nhiệm vụ chính của Quds là loại bỏ bất kỳ hoạt động chống chính phủ nào, tìm kiếm đồng minh của Iran tại hải ngoại, tuyên truyền và xuất khẩu tư tưởng cách mạng, nhất là trong cộng đồng Hồi giáo Shia. Đặc nhiệm Quds được cho là lực lượng tinh nhuệ nhất của IRGC, giúp Iran mở rộng ảnh hưởng ở mức chưa từng có tại khu vực, từng được mệnh danh là “cánh tay nối dài giúp Iran tăng cường ảnh hưởng ở Trung Đông”.

Ông Ghaani được ca ngợi là “một trong những chỉ huy đạt nhiều chiến tích nhất” của IRGC và giành được sự tin tưởng lớn từ đại giáo chủ Ayatollah Khamenei.

Với tầm quan trọng như vậy, người chỉ huy của Quds được coi như nhân vật quyền lực số 2 chỉ sau lãnh tụ tinh thần Iran. Mặc dù không có “tiếng tăm” và quyền lực như tướng Soleimani, nhưng ông Ghaani được ca ngợi là “một trong những chỉ huy đạt nhiều chiến tích nhất” của IRGC và giành được sự tin tưởng lớn từ đại giáo chủ Ayatollah Khamenei. Trong khi vẫn còn nhiều điều chưa biết về Ghaani, các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây với nhân vật này từ năm 2012 cho thấy ông từ lâu đã ở vị trí quyền lực trong tổ chức.

Esmail Ghaani bên linh cữu người tiền nhiệm. Ảnh: Reuters
Esmail Ghaani bên linh cữu người tiền nhiệm. Ảnh: Reuters

Sứ mệnh trả thù Mỹ

Sau khi ông Esmail Ghaani được bổ nhiệm vào vị trí chỉ huy lực lượng Quds, lãnh tụ Iran Khamenei tuyên bố các hoạt động của lực lượng này vẫn không thay đổi. Một trong những nhiệm vụ đầu tiên của Ghaani là giám sát bất cứ hành động trả thù cho tướng Soleimani sau khi Mỹ không kích giết hại vị tướng này gây ra sự phẫn nộ trên khắp đất nước Iran. Trong tuyên bố đầu tiên khi nhận nhiệm vụ mới, ông Ghaani khẳng định sẽ “bắt đầu hành động” để trả thù cho cái chết của người tiền nhiệm.

“Thượng đế đã hứa sẽ trả thù và ngài sẽ là người báo thù chính thức. Chắc chắn các hành động trả thù sẽ được thực hiện. Chúng tôi sẽ tiếp tục con đường của Thánh tử vì đạo Soleimani, với cùng lực lượng, và cách đền đáp duy nhất đối với ông là khiến người Mỹ phải rút lui khỏi khu vực”

Tướng Ghaani tuyên bố

Sáng 8/1, Iran nã hơn chục quả tên lửa vào các căn cứ quân sự của Mỹ ở Iraq như một hành động “đòi nợ máu”, trả thù cho tướng Soleimani. Nhưng đó có lẽ sẽ không phải là hành động duy nhất cho cuộc trả thù này, mặc dù cả Mỹ và Iran sau đó đã có những tuyên bố xuống thang.

Biển người Iran biểu tình đòi trả thù Mỹ vì ám sát người tướng Qassem Soleimani. Ảnh: AFP
Biển người Iran biểu tình đòi trả thù Mỹ vì ám sát người tướng Qassem Soleimani. Ảnh: AFP

Giới quan sát cho rằng, Esmail Ghaani sẽ đối mặt với thách thức lớn gấp đôi của một người nhận nhiệm vụ mới. Đầu tiên, ông sẽ phải thoát khỏi “cái bóng” của Soleimani - vị tướng được tôn vinh như một huyền thoại, một người anh hùng ở Iran. Nhiều người Iran tin rằng, tướng Soleimani “được lòng” hầu khắp các tầng lớp, từ chính giới cho đến các tướng lĩnh trong quân đội Iran và hàng triệu người Hồi giáo ở quốc gia này. Trong khi đó, Esmail Ghaani dù được ngợi ca nhưng cũng có những lời “gièm pha” về mối quan hệ thân thiết của ông với Đại giáo chủ Khamenei.

Thách thức thứ hai đối với tân chỉ huy lực lượng Quads là ông phải chứng minh Iran quyết tâm trong việc tiếp tục chính sách của mình ở Iraq, Syria và Lebanon, những quốc gia mà lực lượng Quds đã gây dựng ảnh hưởng lâu nay. Ông cũng sẽ phải lên kế hoạch cho những đòn trả thù cho tướng Soleimani như đại giáo chủ Khamenei hứa hẹn, có thể không chỉ bằng những đòn tấn công trực diện như vụ tấn công tên lửa hôm 8/1. Quan trọng nhất, ông sẽ phải bảo toàn tài sản chiến lược của Iran bên ngoài biên giới đất nước.

Esmail Ghaani (trái) sẽ đối mặt với thách thức khi phải thoát khỏi “cái bóng” của Soleimani - vị tướng được tôn vinh như một huyền thoại, một người anh hùng ở Iran. Ảnh AFP
Esmail Ghaani (trái) sẽ đối mặt với thách thức khi phải thoát khỏi “cái bóng” của Soleimani - vị tướng được tôn vinh như một huyền thoại, một người anh hùng ở Iran. Ảnh: AFP

Ở phương Tây, các nước Ả Rập và Israel, các nhà phân tích đang vẽ ra những kịch bản cho phản ứng từ Iran trong tương lai. Cách Iran phản ứng với vụ ám sát tướng Soleimani sẽ là “chìa khóa” để thế giới hiểu rõ hơn chính sách của quốc gia Hồi giáo này. Và một phần trong cách thức mà Iran thực hiện phụ thuộc vào lực lượng Quds giờ đây do tướng Ghaani lãnh đạo.

tin mới

 Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực nếu Tel Aviv đáp trả

Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực giữa Iran - Israel nếu Tel Aviv đáp trả vụ tấn công 13/4

(Baonghean.vn) - Bình luận về khả năng có một cuộc chiến tổng lực và toàn diện giữa Iran - Israel sau sự kiện 13/4, PGS.TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an cho rằng, cuộc chiến sẽ bùng lên nếu Israel có các hành động đáp trả vào các căn cứ của Iran.

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

(Baonghean.vn) - Lần đầu tiên kể từ năm 1945, Đức đưa vài nghìn binh lính tiến sát tới biên giới Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Đức gọi những gì đang diễn ra là “một ngày tuyệt vời đối với Quân đội Đức”. Lữ đoàn Đức này đi đâu, và sẽ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng nào đối với lợi ích của Nga?

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

(Baonghean.vn) - Cựu Giám đốc Tổng cục An ninh Đối ngoại Pháp Alain Jouillet cho biết, nếu Nga và Ukraine không thể đạt được thỏa thuận trong những tháng tới, do áp lực từ các thế lực bên ngoài, thì một thỏa thuận ngừng bắn sẽ đạt được sau khi ông Donald Trump trở lại nắm quyền.

Cựu chuyên gia Lầu Năm Góc: Phương Tây 'đánh mất' sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao cho Tổng thống Zelensky

Cựu chuyên gia Lầu Năm Góc: Phương Tây 'đánh mất' sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao cho Tổng thống Zelensky

(Baonghean.vn) - Cựu chuyên gia phân tích của Lầu Năm Góc, Trung úy Không quân Mỹ đã nghỉ hưu Karen Kwiatkowski cho rằng, phương Tây đã đánh mất sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao phó cho Tổng thống Volodymyr Zelensky trong cuộc bầu cử tổng thống 5 năm trước đó.