Từ người tị nạn trở thành tổng thống
(Baonghean) - Không nhiều người tin vào kịch bản một người tị nạn vào Mỹ lại có ngày về chiến thắng trên con đường chính trị tại quê nhà. Mohamed Abdullahi Mohamed đang viết nên câu chuyện cổ tích tại Somalia khi lên nhậm chức Tổng thống với ước muốn mang lại những thay đổi cho quốc gia đói nghèo và đầy bạo lực này.
Câu chuyện cổ tích
Cuộc bầu cử Tổng thống tại Somalia ngày 8/2 vừa qua đã đi vào lịch sử. Mohamed Abdullahi Mohamed, một người sinh ra tại Somalia nhưng nhập cư và lập nghiệp tại Mỹ đã trở thành vị Tổng thống của quốc gia chìm ngập trong nghèo đói và chiến tranh này. Chiến thắng gây ngạc nhiên của ông được ăn mừng bằng thịt lạc đà ở thủ đô Mogadishu, và những lời hò reo ở văn phòng Sở Giao thông New York tại khu Buffalo, nơi ông từng là một nhân viên văn phòng bình thường.
Điều khiến chiến thắng này gây chú ý là vì tại thời điểm đó, một tòa án liên bang ở Mỹ đã quyết định số phận của lệnh cấm nhập cảnh với những người như ông. Người ta sẽ ngạc nhiên hơn nữa bởi một người được thấm nhuần những giá trị dân chủ kiểu Mỹ sẽ phải đối đầu với tình trạng tham nhũng, thói vô chính phủ và khủng bố tràn lan tại đất nước vùng Sừng châu Phi này.
Tổng thống Somalia Mohamed Abdullahi Mohamed từng là một người xin tị nạn vào Mỹ. Ảnh: Politico |
Câu chuyện cổ tích của Tổng thống Mohamed bắt đầu vào năm 1988 khi ông đang là bí thư thứ nhất đại sứ quán Somalia tại Washington D.C. Ông cho rằng sẽ là quá nguy hiểm trở lại đất nước vào thời điểm loạn lạc, và vì thế nộp xin tị nạn tại Mỹ. Và suốt 25 năm sau đó, ông đã miệt mài học tập làm việc để đạt được những mục tiêu của mình. Tốt nghiệp đại học và cao học về lịch sử và khoa học chính trị, ông sau đó trở thành đại diện cho những người nhập cư. Từng bước, những bài học về xã hội dân sự, về khoa học quản lý của nước Mỹ đã nằm trong tay ông, thứ mà ông biết sẽ cần cho đất nước Somalia.
“Ông ấy luôn bày tỏ mong muốn được trở về và cố gắng mang tới hòa bình” Joel Giambra, một cựu ủy viên điều hành hạt Erie, New York nơi Mohamed từng đứng ra tranh cử nhận xét. “Đó luôn là tham vọng của ông ấy”.
Thực tế, Mohamed chưa từng muốn rời quê hương. Ông sinh ra trong một bộ tộc giàu có và có nhiều mối liên hệ với bên ngoài. Cha ông, người sống phần lớn thời gian dưới ách đô hộ của thực dân Italy, cũng là một công chức chính phủ. Biệt danh của Mohamed là “Farmaajo” nghĩa là pho-mát theo tiếng Italy. Sau khi tốt nghiệp Trung học, Mohamed xin vào làm một chân trong bộ Ngoại giao Somalia. Năm 1985, ông được gửi tới Washington D.C để làm việc cho tòa đại sứ tại đây. Và câu chuyện cổ tích bắt đầu.
Mong muốn thay đổi
Sự thăng tiến lên thượng tầng chính trị ở Somalia với Mohamed là một quá trình và nó diễn ra như một lẽ tất yếu bởi tài năng và sự cống hiến. Khởi đầu từ số 0 với Mohamed khi ông quyết định mang vợ sang Mỹ và định cư tại hạt Buffalo, nơi một cộng đồng người Somalia cũng chọn lập nghiệp tại đây vài năm trước. Năng lực và sự cống hiến giúp ông được tiến cử vào chức vụ nhỏ ở hội đồng địa phương hạt Buffalo.
Năm 1999, ông giúp Giambra chạy đua cho chức vụ ủy viên điều hành tại hạt. 3 năm sau, ông đánh cuộc khi ra tranh cử chức vụ điều phối viên tại Sở Giao thông New York. Trong 8 năm sau đó, ông thúc đẩy chính sách về chống phân biệt đối xử và những động thái quyết liệt với các nhà thầu của chính phủ. Điều này được cho là quá xa lạ với đất nước Somalia, nơi mà cơ hội việc làm trong cơ quan chính phủ phụ thuộc vào tư cách thành viên trong bộ lạc và việc trao đổi đất đai.
Đại sứ Mỹ tại Somalia trong buổi tiếp kiến với tân Tổng thống Somalia, Mohamed Abdullahi Mohamed - một cựu viên chức Mỹ. Ảnh: SHM |
Những người từng làm việc với Mohamed trong quãng thời gian này miêu tả ông là một người đàn ông của gia đình tốt bụng. Nhưng những tham vọng của ông không chỉ nhằm giúp cải thiện tỷ lệ người thuộc nhóm thiểu số được làm việc cho các nhà thầu của chính phủ.
Đó còn là xác định những mục tiêu về chính trị tại quê hương mình. Vì thế, ông quyết tâm lấy được tấm bằng thạc sĩ về khoa học chính trị tại Đại học công New York ở Buffalo. Luận văn của ông có tựa đề: “Những lợi ích chiến lược của Mỹ ở Somalia”. “Chúng tôi ý thức được rằng Mohamed có những sự đam mê, và trái tim ông đã để lại quê hương mình”, Janine Shepherd, người từng làm tại sở Giao thông New York với ông kể lại. “Ông ấy luôn day dứt về tệ tham nhũng ở Somalia”.
“Chúng tôi từng có những cuộc nói chuyện nhiều giờ về các quốc gia đang phát triển, nơi thường sự độc đoán đang nắm quyền. Chúng tôi cũng thảo luận xem cần những bước đi nào để tiến tới một nền dân chủ”, Giáo sư Donald Grinde, người hướng dẫn luận văn cho Mohamed nhớ lại. Họ có lúc tranh cãi về những mô hình quản trị dân chủ khác nhau, chủ nghĩa mệnh lệnh kiểu nhà binh, và chủ nghĩa cực đoan tôn giáo. “Mohamed hiểu rằng dân chủ không phải là một quá trình hoàn hảo” Grinde bình luận, “ở cả Somalia và nước Mỹ. Nhưng tôi nghĩ ông ấy đã đoán ra rằng tốt hơn là có một hình thức thay thế.”
Những trải nghiệm học thuật giúp Mohamed hình dung ra những vấn đề của thế giới, của riêng Somalia và về giải pháp với bạo lực và đói nghèo. Trong luận văn tốt nghiệp, Mohamed đã xác định “những phần tử Hồi giáo cực đoan” là trở ngại chính với sự ổn định của đất nước Somalia. Ông khẳng định, Al-Shabab và các tổ chức khủng bố có thể lộng hành bởi chính sách can dự nửa vời của Mỹ tại khu vực.
“Người Somalia là nạn nhân của chủ nghĩa thực dân, độc tài và những kẻ côn đồ mang danh quân đội.” Mohamed viết. “Giờ đây, họ đang ở ngã tư của những ý thức hệ cực đoan: một bên là ý thức hệ Thiên chúa giáo của George W. Bush, và một bên là chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo, thứ đang muốn gây ra một cuộc thánh chiến với phía bên kia ở Iraq, Afghanistan và cả ở Somalia nữa. Đáng buồn là, những người phải chịu đựng hậu quả nhiều nhất lại là những người chẳng liên quan gì tới những ý thức hệ cực đoan này”.
Phan Tùng
TIN LIÊN QUAN |
---|