Từ những dự án nước sạch bỏ không, nguồn vốn Nhà nước đang bị lãng phí
(Baonghean.vn) - Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh có nhiều công trình cấp nước tập trung được xây dựng tại khu vực nông thôn, thế nhưng, do không được nâng cấp kịp thời, việc đầu tư không phù hợp, thanh, quyết toán chậm… khiến cho nhiều công trình không phát huy được hiệu quả, gây lãng phí lớn.
LÃNG PHÍ
Trên địa bàn toàn tỉnh, những năm qua có rất nhiều công trình nước sạch được đầu tư hàng chục tỷ đồng nhưng không phát huy hiệu quả đã được báo chỉ điểm mặt, chỉ tên, nhưng rút cuộc vẫn chưa thể giải quyết được, điều này khiến cho phần vốn đầu tư của Nhà nước bị lãng phí và thiệt hại.
Dự án nhà máy nước sạch tại xã Hưng Thông (Hưng Nguyên) là một ví dụ điển hình cho việc đầu tư không hiệu quả. Dự án này được phê duyệt năm 2009, với tổng mức đầu tư 25,8 tỷ đồng, do UBND huyện Hưng Nguyên làm chủ đầu tư. Theo thiết kế, nhà máy nước này có công suất 1.000m3/ngày đêm, đáp ứng cho nhu cầu sử dụng của khoảng hơn 1.300 hộ dân.
Dù đã hoàn thành vào năm 2018, thế nhưng cho đến nay, nhà máy nước này đang phải bỏ hoang và không thể vận hành vì nguồn nước thô cấp cho nhà máy lấy ở kênh Thủy lợi Hoàng Cần không đảm bảo chất lượng, thường xuyên bị nhiễm bẩn và khô cạn.
Trong 5 năm qua, từ khi nhà máy nước tại xã Hưng Thông hoàn thành, UBND huyện Hưng Nguyên đang “loay hoay” trong việc tìm kiếm giải pháp đưa nhà máy đi vào hoạt động. Vậy nhưng, với việc nguồn nước đầu vào không ổn định, cộng thêm chi phí đầu tư đường ống lớn đã khiến mọi việc rơi vào bế tắc. Khối tài sản khổng lồ do Nhà nước bỏ vốn đầu tư đang nằm “đắp chiếu” và có nguy cơ bị hoang phế.
Ông Nguyễn Hữu Phúc - Chủ tịch UBND xã Hưng Thông cho biết, nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân trong xã là rất lớn. Người dân đã chờ đợi rất lâu, hy vọng có nước sạch để dùng sau khi nhà máy nước sạch được đầu tư xây dựng trên địa bàn nhưng đến nay vẫn chưa được hưởng.
Được biết, gần đây, xã Hưng Thông cũng đã làm việc với Công ty CP Cấp nước Nghệ An về việc họp bàn với người dân để chốt phương án lắp đặt, đấu nối đường ống vào nhà và chi phí mỗi hộ gia đình phải tham gia khi sử dụng nước sạch, trong trường hợp phải lắp đặt đường ống nước sạch trực tiếp từ nhà máy nước huyện Hưng Nguyên về xã Hưng Thông. Như vậy, Nhà máy nước Hưng Thông đang có nguy cơ phải phế bỏ dù chưa hoạt động được ngày nào.
Hay như tại xã Đô Thành (Yên Thành), vào năm 2011, địa phương này đã được UBND tỉnh đồng ý cho lập dự án đầu tư hệ thống cấp nước sinh hoạt, với tổng mức đầu tư hơn 28 tỷ đồng để cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân trong xã. Vốn ngân sách bố trí 16,8 tỷ đồng và vốn đối ứng địa phương 11,2 tỷ đồng.
Do nguồn vốn đối ứng của địa phương không đủ nên chính quyền xã đã vận động người dân đóng góp, mỗi hộ 2,5 triệu đồng và đã thu được hơn 5,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, vốn ngân sách Nhà nước bị cắt giảm, nên đến nay, chủ đầu tư dự án vẫn đang nợ nhà thầu 15 tỷ đồng. Điều đáng nói là lâu nay, công trình này đang được giao cho Công ty TNHH Phú Lộc quản lý, vận hành, trong khi đó còn nhiều xóm trên địa bàn xã vẫn chưa có nước để dùng.
Ông Luyện Xuân Huệ - Chủ tịch UBND xã Đô Thành cho biết: Do giai đoạn 1 đang còn nợ tiền đơn vị thi công nên giai đoạn 2 nhà máy chưa biết khi nào mới thực hiện được. Hiện xã đã làm hồ sơ quyết toán giai đoạn 1 và chờ phương án xử lý tiếp theo.
CẦN GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ
Theo thống kê, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 561 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung đã được đầu tư đưa vào sử dụng, tổng công suất thiết kế 79.985 m3/ngày đêm, cấp nước cho hơn 118.000 người. Công suất khai thác hiện tại đạt 39.972 m3/ngày đêm, đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho khoảng 112.000 người và các điểm công cộng khu vực nông thôn. Trong số này có đến 492 công trình tự chảy; 69 công trình bơm dẫn.
Trong tổng số 561 công trình cấp nước tập trung thì có đến 249 công trình do UBND các xã quản lý vận hành, chiếm 44%. Hình thức cộng đồng quản lý là 290 công trình (chiếm 52%); Các hình thức hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp quản lý 22 công trình (chiếm 4%). Điều đáng nói là do địa bàn rộng lớn, số lượng công trình cấp nước tập trung nông thôn nhiều lại chủ yếu nằm trên địa bàn các huyện miền núi cao được đầu tư từ lâu, nhiều công trình đầu tư từ những năm 1999, 2000, 2003... nên đã có đến 235 công trình bị xuống cấp, không còn khả năng hoạt động.
Mặc dù thời gian gần đây, dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở, ngành chuyên môn đã nắm được số lượng, hiện trạng sử dụng của các công trình cấp nước, nhằm phục vụ cho công tác đầu tư, quản lý, khai thác, vận hành. Tuy nhiên, trên thực tế, có những công trình được đầu tư đã lâu năm; một số công trình chưa được quyết toán hoặc hồ sơ quyết toán chưa đảm bảo yêu cầu, nguồn vốn đầu tư đa dạng từ nhiều chương trình, chia thành nhiều giai đoạn, nên việc thiết lập hồ sơ ban đầu ở một số địa phương khó khăn; việc xác định giá trị công trình khi giao cho doanh nghiệp chưa được tính toán, giao theo giá trị còn lại thực tế, cơ chế cho doanh nghiệp nhận nợ chưa rõ ràng nên chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp trong việc nhận chuyển giao công trình...
Ông Lâm Duy Thưởng - Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Nghệ An cho biết: Nghệ An là tỉnh còn nhiều khó khăn, nguồn lực từ ngân sách dành cho các công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung còn hạn chế. Đặc biệt, bắt đầu từ năm 2016, khi Chương trình Mục tiêu Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2012 - 2015 kết thúc nên kết quả thực hiện cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn chưa đáp ứng được nhu cầu nước sạch đảm bảo tiêu chuẩn cho người dân vùng nông thôn.
Trong khi đó, các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn tỉnh chủ yếu được xây dựng ở các huyện miền núi cao có địa hình phức tạp, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, mưa lũ phá hoại đã làm cho công trình xuống cấp nhanh. Phần lớn công trình không thực hiện thu phí sử dụng nước (hầu hết tại các xã miền núi) hoặc nguồn thu không đủ cho chi phí nhân công, hóa chất, quản lý vận hành… nên công tác duy tu, bảo dưỡng không đảm bảo, nhiều công trình nhanh xuống cấp, hư hỏng.
Cũng theo ông Thưởng, tất cả các công trình được UBND tỉnh phê duyệt dự án, giao cho cấp xã làm chủ đầu tư thì xã phải chịu trách nhiệm quản lý, vận hành sau đầu tư. Tuy nhiên, công tác quản lý hồ sơ của các công trình cấp nước tập trung do cấp xã quản lý còn nhiều bất cập, nhiều công trình không có hoặc hồ sơ không đầy đủ gây khó khăn cho việc xác định giá trị còn lại của công trình, khó khăn cho công tác sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng đường ống làm ảnh hưởng lớn đến công tác khai thác, quản lý và vận hành công trình.
Hiện nay, Nhà nước đang khuyến khích xã hội hóa để huy động và đa dạng hóa nguồn lực để duy trì, phát triển, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch. Tuy nhiên, địa phương nào muốn liên kết, hợp tác với doanh nghiệp bên ngoài thì phải được sự đồng ý của Nhà nước.
“Theo quy định tại Nghị định số 43/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch. Việc bàn giao tài sản là kết cấu hạ tầng nước sạch phải đảm bảo đúng quy định của Nhà nước. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, hiện tại việc đánh giá các giá trị tài sản còn lại, giá trị tài sản đã khấu hao, giá trị nguồn vốn mà doanh nghiệp, cá nhân đã đầu tư vào, còn nhiều khó khăn. Điều này đòi hỏi phải có giải pháp đồng bộ trong việc bàn giao, tiếp nhận, thu hút xã hội hóa để tiếp tục quản lý, vận hành, phát huy hiệu quả các công trình đã đầu tư”, ông Thưởng nhấn mạnh.