Từ ông giáo làng tới giải thưởng Toán quốc gia
(Baonghean.vn) - Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trao giải thưởng Công trình Toán học xuất sắc năm 2023. Hầu hết các tác giả đạt giải là những nhà khoa học đang công tác tại các trường đại học lớn. Duy chỉ có tác giả Nguyễn Văn Thắng là ông giáo “gõ đầu trẻ” tại “trường làng”.
Toán học bắt đầu từ cuộc sống
Với thầy giáo Nguyễn Văn Thắng (40 tuổi, Trường Trung học cơ sở Quán Hành, huyện Nghi Lộc), mối lương duyên giữa anh với nghề “dạy chữ, trồng người” là định mệnh… Ngày xa xưa nhiều năm trước, cậu học trò Nguyễn Văn Thắng vẫn luôn ước mong sau này trở thành một kỹ sư, xây nên những công trình vĩ đại. Thế rồi điều kiện kinh tế của một gia đình nông dân nghèo ở xã Nghi Diên đã không cho phép Thắng theo đuổi giấc mơ. Năm 2003, anh ngậm ngùi rút hồ sơ ở một trường đại học ở Hà Nội, trở về học tại ngành Sư phạm Toán học ở Trường Đại học Vinh. Thầy giáo Nguyễn Văn Thắng đã bắt buộc lựa chọn ngành Sư phạm…
Có thể nghề giáo không phải là lựa chọn đầu tiên của Nguyễn Văn Thắng. Song khi đã quyết định thì anh luôn nỗ lực hết mình để làm tốt nhất, đi xa nhất. Trong những tháng năm là sinh viên, Thắng đã không ngừng cố gắng học tập kiến thức, trau dồi kỹ năng để trở thành một người giáo viên giỏi. Ngoài học ở trường, anh tích cực làm gia sư để đỡ đần bố mẹ, cũng là để trau dồi nghề… Chính vì vậy, ngay khi tốt nghiệp đại học, thầy giáo Nguyễn Văn Thắng đã được nhận về công tác tại ngôi trường gần nhà.
Trở thành “ông giáo làng”, thầy giáo Nguyễn Văn Thắng cần mẫn với sự nghiệp trồng người; không ngừng khơi gợi và khơi dậy niềm đam mê Toán học của nhiều thế hệ học trò... “Toán học vốn xuất phát từ hiện tượng tự nhiên, vật lý; hiện tượng xã hội và thực tế cuộc sống”, thầy giáo Thắng đã truyền đạt, nhen nhóm tư duy về Toán học cho học trò của mình như thế.
“Không có một học sinh nào là học yếu môn Toán cả mà vấn đề là người giáo viên Toán đã tâm huyết, đã có sự quan tâm đúng mức với học sinh hay chưa? Học sinh sẽ có động lực học tập tốt nếu nhận được sự động viên kịp thời. Người giáo viên giỏi là người dồn hết tâm huyết, sức lực cho học trò mình” - thầy Thắng nói. Với quan điểm về Toán học, về nghề giáo như vậy, 17 năm qua, “ông giáo làng” Nguyễn Văn Thắng đã lặng lẽ ươm những mùa quả ngọt.
Thầy Thắng không tự hào về danh hiệu cá nhân mà anh luôn tự hào về học trò của mình. Nhiều năm qua, năm nào học sinh của thầy đã đạt nhiều danh hiệu học sinh giỏi các cấp. Đã có những em đạt thủ khoa, giải Nhất, Nhì, Ba trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh như em Trương Xuân Thông (thủ khoa học sinh giỏi tỉnh môn Toán năm học 2018-2019)…, “Tiếng lành đồn xa”, đã có nhiều phụ huynh ở vùng lân cận như thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò tìm đến thầy Thắng để nhờ giúp bồi dưỡng thêm về môn Toán cho con em mình.
Đam mê “bài toán ngược”
Bên cạnh niềm say mê giảng dạy thì thầy giáo Thắng cũng đam mê với việc nghiên cứu Toán học. Nuôi dưỡng đam mê đó, anh đã không ngừng cố gắng học tập và trở thành tiến sĩ Toán học vào năm 2019. Bắt đầu từ năm 2013, với sự hướng dẫn của các thầy giáo của mình, sự giúp đỡ và hỗ trợ của đồng nghiệp, Nguyễn Văn Thắng đã bước chân vào lĩnh vực nghiên cứu các công trình Toán học và dần có những thành công với nhiều bài báo, công trình được đăng tải, công bố trên những tạp chí Toán chuyên ngành quốc tế. Có công trình thầy giáo Thắng là đồng tác giả và cũng có công trình thầy giáo Thắng là chủ đề tài.
Lĩnh vực mà thầy Nguyễn Văn Thắng tập trung nghiên cứu là “Bài toán ngược” (còn gọi là bài toán nghịch đảo). Bài toán ngược được bắt đầu với kết quả và sau đó là quá trình tính toán tìm ra các nhân tố nhân quả dựa theo tập hợp các quan sát những đại lượng. "Bài Toán ngược" là một trong số các bài Toán quan trọng nhất trong khoa học và Toán học bởi vì cho chúng ta biết về các tham số không thể trực tiếp quan sát được. “Bài toán ngược” có ứng dụng rộng rãi trong quang học, âm học, lý thuyết truyền thông, xử lý tín hiệu, hình ảnh y học, máy tính, hải dương học, thiên văn học, xử lý ngôn ngữ tự nhiên và nhiều lĩnh vực khác.
Trong rất nhiều nghiên cứu mà thầy Thắng tham gia thì có 2 công trình rất tiêu biểu, đó là: “Các kết quả ổn định của phương trình Parabol phân thứ ngược thời gian” và “phương trình Parabolic nửa tuyến tính ngược thời gian với các hệ số phụ thuộc thời gian và nguồn Lipschitz địa phương” (cả 2 công trình này đều đã được đăng tải trên Tạp chí Inverse Problems - tạp chí số một trong lĩnh vực “Bài toán ngược” của thế giới vào năm 2018 và 2019)…
Tính ứng dụng của 2 công trình trong cuộc sống là rất lớn. Với “phương trình Parabolic nửa tuyến tính ngược thời gian với các hệ số phụ thuộc thời gian và nguồn Lipschitz địa phương” đã tối ưu hóa tốc độ của quá trình xác định nhiệt độ tại một thời điểm nào đó trong quá khứ thông qua nhiệt độ đo đạc được tại thời điểm hiện tại hay xác định việc truyền tải của chất gây ô nhiễm tại một vùng nước ngầm...
Năm 2019, công trình “Các kết quả ổn định của phương trình Parabol phân thứ ngược thời gian” đã được Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (Bộ Giáo dục và Đào tạo) trao thưởng. Năm 2023, công trình “Phương trình Parabolic nửa tuyến tính ngược thời gian với các hệ số phụ thuộc thời gian và nguồn Lipschitz địa phương” (của nhóm tác giả Nguyễn Văn Đức - Trường Đại học Vinh và Nguyễn Văn Thắng - Trường Trung học cơ sở Quán Hành) được Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán trao giải Nhì giải thưởng Công trình Toán học xuất sắc năm 2023.
Được biết, đây là giải thưởng hết sức danh giá nằm trong chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2010 với mục tiêu nâng cao trình độ, vị thế của Toán học Việt Nam trên trường quốc tế. Giai đoạn 2010-2020, việc xét chọn và trao thưởng các công trình Toán học đăng ở các tạp chí quốc tế uy tín được tổ chức 1 năm 1 lần. Giai đoạn 2021-2030, giải thưởng công trình Toán học xuất sắc được trao 3 năm 1 lần. Năm 2023, toàn quốc đã có 35 công trình đạt giải.
Ở thời điểm này, anh vẫn đang miệt mài với các nghiên cứu và có những công trình đang trong quá trình phản biện, trước khi được công bố… Được nhận những giải thưởng danh giá của quốc gia về Toán học và nhận được lời mời về làm việc của một số trường đại học song thầy giáo Thắng vẫn an nhiên với cuộc sống “ông giáo làng”. “Tôi đam mê nghiên cứu và tôi cũng rất yêu công tác giảng dạy, trường lớp của mình. Tôi chỉ nghĩ đơn giản, mình ở đâu, ở cương vị nào không quan trọng; quan trọng là mình cố gắng đóng góp cho quê hương, đất nước mình”, thầy giáo Thắng tâm sự.