Tự phê bình và phê bình: Một việc làm nhạy cảm?

06/03/2017 16:34

(Baonghean) - Tự phê bình và phê bình mà làm hời hợt, quanh co, không rõ ràng sai đúng sẽ làm cho khuyết điểm “nhờn thuốc” và nặng nề hơn.

Mỗi đảng viên, cũng như toàn Đảng ta đều có quá trình sinh ra, lớn lên, trải qua nhiều cơ hội và thử thách. Bác Hồ dạy: “Đảng ta không phải ông Thánh và cũng không phải từ trên trời rơi xuống, nó ở trong xã hội mà ra”. Vượt qua những gian nan, con người có thể trở thành anh hùng hoặc bộc lộ những yếu kém, khuyết điểm. Khuyết điểm càng lâu càng bám vào cơ thể như bụi bẩn hàng ngày tích tụ lại.

Vì thế theo Bác Hồ, tự phê bình để nhận rõ và gạt đi những bụi bẩn cũng “như công việc tắm gội, rửa mặt hàng ngày” không thể thiếu được. Như vậy, muốn sạch sẽ, phải tắm gội, muốn trưởng thành phải chú ý phê và tự phê.

Hoạt động trong điều kiện càng nhiều khó khăn, càng nhiều va chạm, đòi hỏi thử thách càng lớn, càng làm cho con người dễ sinh ra khuyết điểm, càng dễ gặp nhiều hiềm khích ích kỷ. Cha đẻ của mọi thứ khuyết điểm là chủ nghĩa cá nhân. Bác Hồ dạy “Chủ nghĩa cá nhân là một thứ vi trùng rất độc, do đó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm”.

Bệnh tham lam, lười biếng, ba hoa, bè phái, địa phương chủ nghĩa, ham danh vị, quân phiệt, quan liêu, xa rời quần chúng, hẹp hòi, chuộng hình thức, lối làm việc bàn giấy, vô kỷ luật, ích kỷ, hủ hóa... đều từ đó mà ra. Để điều trị các chứng bệnh ấy không có thuốc đặc hiệu nào hơn là tự phê bình và phê bình, giúp chúng ta thấy được khuyết điểm để sửa chữa, nhờ thế mà làm cho Đảng ngày càng mạnh lên.

Như vậy, việc tự phê bình và phê bình là nhu cầu tất yếu của cuộc sống, là quy luật trưởng thành của Đảng và đảng viên.

Một số ý kiến cho rằng, hiện nay việc tự phê bình và phê bình vô cùng nhạy cảm vì vốn dĩ tâm lý của con người thích được khen, khó chấp nhận lời chê. Mọi người dễ ngại ngần, tránh né vì “Người ta hay có lòng tự ái. Thừa nhận cái sai, cái dốt, cái kém của mình thì sợ mất thể diện, mất uy tín, mất địa vị”.

Bởi vậy, phê bình đã khó, tự phê bình càng khó hơn. Không ít trường hợp mượn cớ để phê bình gay gắt về đồng chí của mình. Những tập thể mất đoàn kết nội bộ hoặc chạy theo thành tích thì việc tự phê bình và phê bình thường thực hiện một cách hình thức. Về vấn đề này, xin được nhắc lại lời dặn dò thật giản dị, gần gũi và chân tình của Bác: “Khuyết điểm cũng như chứng bệnh, phê bình cũng như uống thuốc.

Sợ phê bình cũng như có bệnh mà dấu bệnh không dám uống thuốc, để đến nỗi bệnh ngày càng nặng... nể nang không phê bình để đồng chí mình cứ sa vào lầm lỗi đến nỗi hỏng việc, thế thì khác nào thấy đồng chí mình ốm mà không chữa cho họ, nể nang không dám tự phê bình để cho khuyết điểm mình chứa chất lại, khác nào mình tự bỏ thuốc độc cho mình”.

Con người ta, ai cũng khó tránh khỏi sai lầm khuyết điểm. Điều quan trọng là ở chỗ có dám tìm ra, nhận rõ khuyết điểm để sửa chữa. Thế hệ cha ông từng tin tưởng rằng “trong bao nhiêu năm hoạt động bí mật, dù bị bọn thực dân khủng bố gắt gao và Đảng ta gặp nhiều khó khăn nguy hiểm, nhưng Đảng ta ngày càng phát triển, càng mạnh mẽ và đã lãnh đạo nhân dân ta làm cách mạng thành công, kháng chiến thắng lợi, đó là Đảng ta khéo dùng cái vũ khí sắc bén tự phê bình và phê bình”.

Chính vì thế, tinh thần đồng chí, đồng đội sau khi phê và tự phê càng ngày càng mật thiết, quý trọng, chứ không vì hiềm khích cá nhân mà hằm hè nhau. Bởi vì trước khi đưa vào cuộc họp, mình góp ý trực tiếp, chân tình, nhẹ nhàng cho nhau, vừa tự mình nêu gương, vừa thường xuyên nhắc nhở, động viên để đồng chí mình ngày càng sửa chữa và tiến bộ. Chỉ khi nào người đó không cầu thị, không chịu khó lắng nghe mới đưa vào họp hành.

Như vậy, phê và tự phê là việc khó khăn, cần khéo léo, dũng cảm và kiên quyết. Và theo ông, quan trọng nhất là xuất phát từ tâm với đồng chí, với việc chung.

Tự phê bình và phê bình nhằm mục đích để giúp nhau tiến bộ, nên động cơ phải trong sáng, dựa trên “tình đồng chí thương yêu nhau”, phải dân chủ, không mệnh lệnh, chụp mũ; không công kích áp đặt khuyết điểm cho nhau, không xoi mói “bới lông, tìm vết”, “hạ bệ” nhau; “tránh công kích cá nhân, cãi bướng, trả thù, tiểu khí”.

Tự phê bình và phê bình phải kiên quyết không khoan nhượng. Bác Hồ cũng dặn rằng: “Tự phê bình và sửa chữa có khi dễ, nhưng có khi cũng khó khăn, đau đớn vì tự ái, vì thói quen, hoặc vì nguyên nhân khác. Đó là một cuộc đấu tranh”.

Vì thế thực hiện tự phê bình và phê bình phải triệt để, đúng mức, không nể nang, không thêm bớt. Như thế mới giúp cho người có khuyết điểm sửa chữa, giúp người khác thấy đó mà đề phòng, tránh gặp khuyết điểm tương tự. Khuyết điểm sớm được sửa chữa sẽ dễ hơn khi trở thành căn bệnh trầm kha.

Tự phê bình và phê bình mà làm hời hợt, quanh co, không rõ ràng sai đúng sẽ làm cho khuyết điểm “nhờn thuốc” và nặng nề hơn.

Tự phê bình và phê bình phải “biết cách phê bình sáng suốt, khôn khéo, như chiếu tấm gương cho mọi người soi thấu những khuyết điểm của mình, để tự mình sửa chữa”. Tự phê bình và phê bình phải được tiến hành trong tổ chức, chứ không phải bạ đâu nói đó. Người đứng đầu phải thật công minh, tạo được môi trường dân chủ, thẳng thắn để ai cũng có thể nói rõ chính kiến của mình, không phải “thậm thà, thậm thụt”, “ngồi lê mách lẻo” làm mất đoàn kết nội bộ.

Tự phê bình và phê bình phải có gốc rễ là thái độ chân tình, cầu thị, nói đúng ưu điểm và khuyết điểm, phê bình phải đúng lúc, có hoàn cảnh thích hợp; phải biết lắng nghe và chờ đợi đồng chí tiếp thu để tránh việc làm cho người nhận phê bình nản chí, hậm hực. Việc đó được Bác Hồ ví von “Bánh ngọt là một thứ ngon lành, nhưng đem bánh ngọt bắt người ta ăn, nhét vào miệng người ta thì ai cũng chán”.

Anh Hoa

TIN LIÊN QUAN

Tự phê bình và phê bình: Một việc làm nhạy cảm?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO