Tủ sách xóm Bắc Sơn 2
(Baonghean) - Bác Nguyễn Văn Lạc (1951), xóm 2, xã Bắc Thành (Yên Thành) trước đây làm Giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện Yên Thành, về hưu năm 2010. Nhận thấy các em nhỏ hiếu học, vậy nên bác Lạc nghĩ tới ý tưởng mở một thư viện nhỏ trong làng để phục vụ nhu cầu của các em học sinh và giữ gìn văn hóa đọc cho người dân địa phương.
(Baonghean) - Bác Nguyễn Văn Lạc (1951), xóm 2, xã Bắc Thành (Yên Thành) trước đây làm Giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện Yên Thành, về hưu năm 2010. Nhận thấy các em nhỏ hiếu học, vậy nên bác Lạc nghĩ tới ý tưởng mở một thư viện nhỏ trong làng để phục vụ nhu cầu của các em học sinh và giữ gìn văn hóa đọc cho người dân địa phương.
Thấy đây là một ý tưởng hay và thật sự có ý nghĩa, Ban Mặt trận xóm Bắc Sơn 2 đã đồng ý để Nhà Văn hóa xóm trở thành địa điểm mở một “thư viện” nhỏ. Từ số sách xã tặng 47 quyển, nhân dân trong xóm ủng hộ 47 quyển và Thư viện tỉnh tặng 200 quyển, bác Lạc bỏ tiền ra mua thêm 20 quyển, tủ sách bắt đầu đi vào hoạt động.
Các em nhỏ đọc sách ở Nhà Văn hóa xóm Bắc Sơn 2.
Cứ đều đặn, vào chiều thứ năm và chủ nhật hàng tuần, “thư viện” lại mở cửa. Nói là “thư viện” nhưng thực ra chỉ là một cái tủ sách nhỏ đặt trong Nhà Văn hóa xóm. Không thẻ đọc, không giấy tờ, không cần nộp lệ phí... nhưng trẻ con, người già, ai cũng đều được mượn sách. Ban đầu bạn đọc chủ yếu là các cháu nhỏ trong làng, sau một vài lần đến Nhà Văn hóa đọc sách đã lên lớp giới thiệu cho nhiều bạn nên số lượng bạn đọc ngày một tăng lên đáng kể. Tính đến thời điểm từ đầu năm 2013, có 107 người đăng ký đọc sách và 489 lượt sách được mượn về nhà, buổi đông nhất là 40 người, ít nhất là 10 người.
Bác Lạc chia sẻ: Các em tới đọc và mượn chủ yếu là truyện tranh, ca dao, tục ngữ, tiểu thuyết lịch sử, truyện ngắn…; các loại sách tham khảo bổ trợ học tập thì các em ít đọc và mượn hơn (lý do bởi sách tham khảo ở đây còn quá ít, có một số cuốn thì kiến thức của sách cũ ngày trước, chưa đáp ứng yêu cầu phục vụ học tập của các em).
Thấy bác Lạc nhiệt tình, bà con trong xóm, cán bộ công chức đều tham gia góp tiền ủng hộ “thư viện” đóng tủ. Gia đình khó khăn thì ủng hộ 10 nghìn đồng, nhà khá giả thì vài ba trăm nghìn đồng, cảm động nhất là có bà cụ neo đơn không có tiền cũng ủng hộ 1 cuốn truyện thiếu nhi.
Ông Lăng Khắc Huy (77 tuổi), người dân trong xóm cho biết: Từ khi có tủ sách, một số cụ cao tuổi như tôi lại có thêm nơi để giải trí, chúng tôi tới mượn sách đọc và trao đổi với nhau. Các cháu nhỏ cũng hình thành thói quen ngày nghỉ thì lên Nhà Văn hóa đọc sách, nhiều gia đình mừng vì con cái ít chơi bời hơn, tránh xa các tệ nạn xã hội và ra đường gặp cháu nào cũng chào hỏi rất lễ phép.
Việc làm của bác Lạc – người giữ gìn “văn hóa đọc làng quê” và “thư viện” xóm Bắc Sơn 2 thật đáng trân trọng, học tập.
Kiều Thị Nga (Xóm 7, Diễn Thành, Diễn Châu)