Tư thương 'tranh mua' sắn nguyên liệu của nhà máy sắn ở Con Cuông

15/12/2017 09:11

(Baonghean.vn) - Những ngày qua trên địa bàn xã Lục Dạ (Con Cuông) xuất hiện tư thương đổ xô đến thu mua sắn trong vùng nguyên liệu do Nhà máy tinh bột sắn Thanh Chương đầu tư.

Năm nay, nông dân xã Lục Dạ trồng trên 20 ha sắn nguyên liệu, thực tế cho thấy cây sắn đã đứng chân ở đây từ nhiều năm và hàng năm đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân. Hiện đang là cao điểm vụ thu hoạch sắn, các hộ gia đình huy động tối đa nguồn nhân lực để đảm bảo kịp mùa vụ. Tuy nhiên, vì cái lợi trước mắt mà một số hộ gia đình đã bán sắn cho tư thương với mức giá 1.450 đồng/kg.

Sắn được người dân bán cho các tư thương với giá 1.450 đồng/kg. Ảnh: Bá Hậu
Sắn được người dân xã Lục Dạ (Con Cuông) bán cho các tư thương với giá 1.450 đồng/kg. Ảnh: Bá Hậu

Hộ gia đình Vi Thị Mậu ở bản Yên Hòa trồng hơn 8 sào sắn nguyên liệu. Bà Mậu cho biết do năm nay thời tiết mưa nhiều, đất nén chặt nên củ sắn không to, nhưng bù lại lại có nhiều củ, kích thước tương đối đồng đều. Ước tính vụ sắn này gia đình bà thu về khoảng 9 tấn. Trước khi bước vào vụ trồng sắn niên vụ 2017- 2018, bà đã ứng của nhà máy 22,5 tạ phân bón, giống và ký cam kết bán sản phẩm cho nhà máy. Thế nhưng, hiện tại bà đang bán cho các tư thương bên ngoài. Khi được hỏi lý do vì sao lại bán sắn cho tư thương, bà Mậu cho biết: “Do gia đình đang cần tiền mua lúa giống, nên đã "bán trộm" cho tư thương với giá cao hơn, gia đình cũng biết sai nhưng cũng vì khó khăn quá!”.

Xe tải của tư thương vào thu mua sắn tại bản Yên Hòa, xã Lục Dạ. Ảnh: Minh Hạnh
Xe tải của tư thương vào thu mua sắn tại bản Yên Hòa, xã Lục Dạ. Ảnh: Minh Hạnh

Để đảm bảo nguồn nguyên liệu, ngay từ đầu vụ, cán bộ nông vụ của Nhà máy tinh bột sắn Thanh Chương đã vào tận từng hộ điều tra diện tích, quy ra sản lượng, căn cứ vào đó mà có kế hoạch nhập cho bà con, đảm bảo sắn dỡ xong được nhập trong ngày, tránh hư hỏng cho cả hai phía.

Bà Lương Thị Hiền - Phó chủ tịch UBND xã Lục Dạ cho biết: “Đến mùa thu hoạch, như cam kết bà con phải bán sản phẩm cho nhà máy và trả khoản nợ được đầu tư ban đầu. Cách làm đó đã triển khai mấy năm qua, và để tạo động lực cho người trồng sắn, về phía nhà máy và chính quyền địa phương đã cam kết với các hộ dân chấp nhận thu mua sắn theo giá thị trường, trong trường hợp giá sắn trên thị trường giảm thì vẫn cam kết giữ nguyên giá 1.400đ/kg. Nhưng đã có thực trạng một số tư thương nhảy vào vùng nguyên liệu của xã thu mua với giá 1.450đ/kg tại bãi tập kết thông qua việc trả ngay bằng tiền mặt, thì người dân thấy lợi một chút đã bội tín.

Sắn của người dân được tập kết bên đường chờ tư thương đến mua. Ảnh: Bá Hậu
Sắn của người dân được tập kết bên đường chờ tư thương đến mua. Ảnh: Bá Hậu

Được biết, chi phí đầu tư 1ha sắn là 6 - 7 triệu đồng chưa tính công lao động, sau 10 - 12 tháng, năng suất bình quân đạt 18 - 20 tấn/ha, với giá sắn 1.400đ/kg mua tại vùng nguyên liệu theo cam kết với nhà máy, người dân sẽ thu từ 27 - 30 triệu đồng/ha.

Minh Hạnh - Bá Hậu

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Tư thương 'tranh mua' sắn nguyên liệu của nhà máy sắn ở Con Cuông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO