Từ trường làng đến “cha đẻ” ứng dụng Bluezone

Khoảng 1 năm gần đây, hàng chục triệu người dùng smartphone ở Việt Nam đã quá quen thuộc với ứng dụng “quốc dân” Bluezone – giúp truy vết người tiếp xúc gần với người nhiễm dịch Covid – 19. Ít ai biết rằng, “cha đẻ” của ứng dụng ấy chính là Võ Duy Khánh, nickname “Khánh xù” (SN 1991) ở xã Nghĩa Hồng (Nghĩa Đàn), nguyên Trưởng phòng cấp cao, Phòng An ninh di động, Trung tâm Nghiên cứu mã độc thuộc Tập đoàn Công nghệ Bkav.

Khác với mường tượng ban đầu về dân IT thường lặng lẽ, kiệm lời, âm thầm trong “thế giới” riêng bên chiếc máy vi tính, lần đầu gặp tại một quán cà phê ở thành phố Vinh, cảm nhận về Khánh là một chàng trai thân thiện, hoạt bát với mái tóc xù lãng tử và cặp kính dày cộp cùng giọng Nghệ đặc sệt.

Nói về ứng dụng Bluezone, Khánh cho biết, sau thời điểm Bệnh viện Bạch Mai đang bị phong tỏa vì dịch Covid – 19, Bkav nhận được lời đề nghị của lãnh đạo Bộ Thông tin – Truyền thông viết ứng dụng dựa trên ý tưởng truy vết những người tiếp xúc với người nhiễm bệnh để kịp thời phát hiện, cách ly tập trung những người tiếp xúc gần với ca nhiễm; yêu cầu cách ly tại nhà với những người tiếp xúc gần với những người nghi nhiễm; tổ chức xét nghiệm cho những người nghi nhiễm.

Võ Duy Khánh (đeo kính) trao đổi công việc với lãnh đạo Tập đoàn Công nghệ Bkav.
Võ Duy Khánh (đeo kính) trao đổi công việc với lãnh đạo Tập đoàn Công nghệ Bkav.

“Đang ngồi ăn trưa thì sếp Quảng (Nguyễn Tử Quảng – CEO Bkav) gọi vào giao việc”, Khánh nhớ lại. “Lúc đó, em bắt tay vào nghiên cứu và lựa chọn sử dụng công nghệ Bluetooth. Thực ra, đây không phải là công nghệ mới, vì Bluetooth đã được ứng dụng nhiều trên điện thoại di động. Tuy nhiên, cái khó là phải tìm ra giải pháp tối ưu thuật toán, hoạt động dễ dàng, hoàn hảo, bảo mật cao nhưng lại chính xác và tiết kiệm năng lượng”.

Từ ý tưởng đến khi ra bản demo trình lãnh đạo, nhóm làm việc dưới sự dẫn dắt của Khánh mất thời gian 2 ngày đêm làm việc liên tục và tìm ra thuật toán để tối ưu vấn đề đặt ra. “Bản demo của ứng dụng Bluezone được lãnh đạo duyệt, lúc đó em mới biết mình mệt rã rời và ngã khuỵu”, Khánh nhớ lại. Song với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Khánh và các đồng nghiệp tiếp tục bắt tay phát triển phần “lõi” công nghệ của ứng dụng để tiếp tục giải quyết những bài toán đặt ra, như tính tương thích giữa điện thoại sử dụng hệ điều hành Android và IOS khi cài đặt ứng dụng.

Đặc biệt, với quá trình truy vết, ứng dụng Bluezone phải đứng trước “rào cản” là nghi ngại của người dùng về tính bảo mật thông tin cá nhân. Giải quyết được bài toán công nghệ quả là khó nhưng để trấn an được tâm lý người dân còn khó hơn. Để minh bạch cũng là lời khẳng định thông tin người dùng không bị thu thập, nhóm quyết định sử dụng mã nguồn mở và công bố trên trang https://bluezone.gov.vn. “Mọi người có thể vào để thấy trong code viết gì, có lấy dữ liệu hay không; đồng thời đóng góp thêm để ứng dụng ngày càng phát triển”, Khánh nói.

Đến hôm nay, Bluezone đã trở thành ứng dụng hữu hiệu phục vụ cho công tác phòng, chống dịch Covid -19 tại Việt Nam và có hàng chục triệu lượt tải về. “Niềm hạnh phúc của người làm công nghệ như em là khi công việc mình làm hỗ trợ thiết thực cho Chính phủ, cho cộng đồng”, Khánh xù chia sẻ: “Có những thời điểm một phút cả ngàn người tải ứng dụng, chúng em sung sướng lắm vì chứng tỏ người dân tin tưởng; công việc mình làm thực sự hữu ích. Điều đó mang lại giá trị tinh thần rất lớn”.

Bố quê ở huyện Thanh Chương, mẹ quê ở Nghi Lộc nhưng gia đình Khánh sinh sống ở xã Nghĩa Hồng, huyện Nghĩa Đàn – huyện miền Tây Bắc Nghệ An. Tuổi thơ của Khánh cũng như bạn bè đồng trang lứa trên mảnh đất đỏ bazan Phủ Quỳ ở Tây Bắc Nghệ An êm đềm trôi qua với những giờ lên lớp, giúp đỡ bố mẹ công việc làm nông; những trận bóng rộn vang tiếng cười với chúng bạn buổi chiều tà.

Dù sinh sống xa trung tâm, điều kiện kinh tế – xã hội còn khó khăn nhưng cậu học trò Võ Duy Khánh luôn được chúng bạn nể phục vì thành tích học tập xuất sắc. Cậu từng tham gia cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” vào năm thứ 9 của chương trình. Chỉ đứng thứ 3 ở cuộc thi tuần, có chút thất vọng nhưng hành trang trở về từ cuộc thi trí tuệ là cả một thế giới đầy hoài bão, ước mơ, thôi thúc Khánh học tập tốt hơn nữa. Khánh được cử đi “chinh chiến” tại cuộc thi học sinh giỏi tỉnh Nghệ An cả 3 môn Toán, Hóa, Tin và trở thành học sinh đầu tiên của Trường THPT Cờ Đỏ (Nghĩa Đàn) “lập hat-trick” khi đạt giải Khuyến khích cùng lúc ở cả 3 môn. Tốt nghiệp THPT, Khánh cùng lúc đậu vào Đại học Y Hà Nội và Đại học Bách khoa Hà Nội.

Hành trình của một cậu học sinh trường làng ra Thủ đô nhập học, cuộc sống mới, môi trường mới với bao bỡ ngỡ; nhưng Khánh đã mạnh mẽ bước qua tất thảy với lòng ham học hỏi và ý chí cầu tiến. Bước ngoặt lớn với Khánh vào năm thứ hai đại học, cậu vượt qua nhiều ứng viên “nặng ký”, thi đỗ vào Tập đoàn Công nghệ Bkav. Với đam mê, khả năng của mình, Khánh được ghi nhận và dần thăng tiến, dù tuổi đời còn rất trẻ. Ngoài câu chuyện ứng dụng Bluezone nói trên, Khánh cùng các cộng sự còn được giao thực hiện các sản phẩm chuyên về an ninh, bảo mật thuộc mảng di động. “Mỗi lần trên các diễn đàn, người dùng bị mất điện thoại mà tìm lại được nhờ tính năng chống trộm của nhóm thực hiện, em thấy ý nghĩa vô cùng. Như em nói lúc đầu, mỗi sáng tạo của mình mà giúp đỡ thiết thực được mọi người trong thực tiễn đều làm em cảm thấy hạnh phúc”.

Nhớ lại ngày đó, Khánh kể, gia đình, người thân, bạn bè ai cũng khuyên chọn trường Y, nhưng cuối cùng vẫn kiên định lựa chọn vào  Bách khoa để được học ngành công nghệ thông tin. Nhìn công việc của Khánh ngày nay, ít ai ngờ rằng, cậu chỉ được tiếp cận với Tin học từ năm lớp 10, ban đầu lại hoàn toàn “học chay” do trường không có máy tính để thực hành. “May mắn là ba mẹ đã tích cóp mua cho em một máy tính cá nhân để phục vụ học tập. Niềm đam mê công nghệ thông tin được thôi bùng lên từ đó”, Khánh xúc động nhớ lại.

Võ Duy Khánh trao đổi với phóng viên.
Võ Duy Khánh trao đổi với phóng viên.

Chia sẻ về cuộc sống của một chuyên gia công nghệ ở độ tuổi 30, Khánh cho biết, bản thân còn nhiều ấp ủ, dự định cho tương lai sau tròn 10 năm gắn bó với lĩnh vực công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến một đam mê khác đã ngấm vào máu, đó là “xách ba lô lên và đi”. Trải nghiệm những vùng đất mới, ham khám phá, thích xê dịch là một nét tính cách đặc biệt làm nên một Khánh “xù” đầy năng lượng.

Gần đây nhất, cậu vừa cùng Trần Đặng Đăng Khoa – chàng trai có hành trình 1.111 ngày chu du khắp thế giới trên chiếc xe máy biển số Việt Nam, chinh phục đỉnh Puxailaileng tại Kỳ Sơn (Nghệ An) – đỉnh núi cao nhất dãy Trường Sơn Bắc. “Miền Tây Nghệ An của mình rất đẹp, từ các rặng núi, dòng sông đến những bản làng của đồng bào các dân tộc nép trong thung lũng, dưới những rặng dừa, bóng cây cổ thụ, chẳng khác gì Tây Bắc thu nhỏ. Nếu khai thác và quảng bá hiệu quả, em nghĩ sẽ thu hút được nhiều du khách để phát triển du lịch quê mình”, Khánh chia sẻ cảm nhận sau chuyến đi.

Sẽ còn rất nhiều chuyến đi nữa, nhiều chặng đường nữa đang trải dài với Võ Duy Khánh. Chúc “Khánh xù” luôn chinh phục tất thảy với tâm, trí vững vàng và khoáng đạt, như mảnh đất Phủ Quỳ nơi Khánh lớn lên…