Từ việc HLV Hữu Thắng từ chức đến việc cần giải phẫu VFF
(Baonghean.vn) - Dự kiến vào ngày 12/9 tới, lãnh đạo VFF, Hội đồng HLV quốc gia và các bộ phận chuyên môn sẽ có buổi làm việc với HLV Nguyễn Hữu Thắng nhằm tổng kết, đánh giá quá trình chuẩn bị và kết quả thi đấu của đội tuyển U22 Việt Nam tại SEA Games 29. Điều mà dư luận quan tâm, ai là người chịu trách nhiệm chính về thất bại của U22 Việt Nam?
Là người đàn ông dũng cảm, HLV Hữu Thắng chỉ mất vài phút để đưa ra quyết định từ chức HLV trưởng quốc gia ngay sau trận đấu với U22 Thái Lan. Bầu Đức - một người đánh cược chiếc ghế Phó Chủ tịch VFF khi công thức “HAGL + Hữu Thắng” không đem về tấm HCV SEA Games cũng đã công bố từ chức. Trong một động thái ôn hòa, Phó Chủ tịch VFF Nguyễn Xuân Gụ cũng đã có lời xin lỗi tới người hâm mộ bóng đá Việt Nam. Nhưng chẳng nhẽ chỉ thế?
Đóng cánh cửa này
Rõ ràng, nếu không tìm hiểu đúng nguyên nhân thất bại thì khó lòng định ra hướng đi đúng cho bóng đá Việt Nam. Được biết, trong cuộc họp này lãnh đạo VFF và Hội đồng HLV quốc gia cũng sẽ hoạch định kế hoạch hoạt động của đội tuyển trong giai đoạn tới, trong đó có vị trí HLV trưởng tại vòng loại Asian Cup 2019, VCK U23 châu Á 2018 tại Trung Quốc cũng như các giải quốc tế trong năm 2018.
Vẫn còn những đứa trẻ đam mê bóng đá là chúng ta vẫn còn cơ hội phát triển bóng đá. Ảnh: Dũng Nguyễn |
Không nói ra, nhưng vai trò của bầu Đức thời gian qua được ví như ông chủ Chelsea, tỷ phú người Nga Roman Abramovich người đã không tiếc tiền để thuê HLV trưởng đội tuyển Nga, chi hàng triệu USD cho đội tuyển.
Ba Đức quyết chặt cao su, lập học viện, thuê thầy ngoại huấn luyện gà nòi, tẩy chay ông thầy người Nhật Miura và dựng Hữu Thắng - người ông cho là thích hợp nhất ngồi ghế HLV trưởng. VFF, trong bối cảnh Chủ tịch Lê Hùng Dũng nằm viện dài ngày, không còn cách nào khác đành im lặng chấp nhận.
Thực ra, cách làm của bầu Đức đơn thuần là nâng tầm của đội tuyển quốc gia chứ không phải là phát triển nền bóng đá Việt Nam. Người ta hy vọng, một ông bầu cá tính, dùng một HLV đầy cá tính là cho một kết quả như mong đợi. Điều đó đúng, khi chúng ta đụng với những đội bóng dưới tầm như Đông Timor, Campuchia…nhưng khi gặp các đối thủ ngang cơ và trên cơ như Indonesia, Thái Lan thì đành chôn chân.
Trước hết, phải nói Học viện HAGL Arsenal JMG là lò đào tạo tốt nhưng chỉ bằng ấy chưa đủ nâng tầm đội tuyển quốc gia, nhất là khi nó lại không đào tạo hậu vệ, thủ môn. Chỉ tính riêng thủ đô Băng-cốc (Thái Lan) các CLB bóng đá Thái Lan đã có 13 lò có trình độ tương tự. Thứ nữa, Hữu Thắng là nhà cầm quân có chuyên môn tốt nhưng rõ ràng chưa đạt tầm HLV trưởng Luis Milla danh tiếng của Indonesia.
Khi bóng đá nam thất bại thì chỉ có thầy trò HLV Hữu Thắng và Phó Chủ tịch Xuân Gụ đứng ra chia sẻ, xin lỗi. Ảnh: Internet. |
Rõ ràng, không thể đốt cháy giai đoạn, không thể có đội tuyển mạnh nếu như không có nền bóng đá phát triển. Không thể trông chờ vào một vài CLB mạnh mà có đội tuyển quốc gia mạnh, không có nền bóng đá phát triển bền vững sẽ không có HLV tốt, cầu thủ giỏi. Không hiểu được điều đó, có chăng đóng cánh cửa này, rồi sẽ đi đóng tiếp cánh cửa khác mà thôi!
Giải phẫu VFF
Muốn bóng đá Việt Nam phát triển, trước hết phải giải phẫu VFF. Không hiểu sao, người đứng đầu tổ chức ấy nằm viện 2 năm, không còn tham gia điều hành mà người ta vẫn để thế. Người ta nói nhiều về vai trò phụ trách chuyên môn của Phó Chủ tịch Trần Quốc Tuấn, hay vai trò trưởng đoàn của Tổng Thư ký Lê Hoài Anh trước thất bại đau đớn của đội tuyển.
Theo chúng tôi, điều này đúng nhưng chưa đủ, toàn bộ BCH VFF, những người được giao trọng trách phát triển bóng đá phải xin lỗi người hâm mộ Việt Nam mới đúng.
VFF đang nợ CĐV Việt Nam 1 lời xin lỗi! Ảnh: Internet |
Chúng ta vẫn cần dấu ấn cá nhân, những người như bầu Tú, với một thập kỷ gắn bó với futsal Việt Nam đã “đơm hoa, kết trái”. Bầu Tú thắng lợi còn bầu Đức thất bại vì ông Trần Anh Tú đã phát triển bề rộng futsal, gây dựng nó một cách bài bản, có lộ trình và đầy tính chuyên nghiệp.
Bóng đá nữ chúng ta có kết quả tốt vì giải vô địch quốc gia của chúng ta, tuy chưa thật rầm rộ nhưng được coi là tốt nhất trong khu vực Đông Nam Á. Từ đây, chúng ta mới phát hiện và bồi dưỡng được nhiều cầu thủ nữ có chất lượng tốt cho đội tuyển.
Rõ ràng, ngoài lò HAGL, chúng ta cần phát triển thêm nhiều lò đào tạo tốt như PVF, Viettel, Hà Nội…tìm cách nâng cấp V-League bằng và vượt các giải quốc gia khu vực để nâng tầm cầu thủ.
Thay vì loay hoay, thầy nội hay thầy ngoại, chúng ta cần, rất cần nhìn lại quá trình phát triển của bóng đá nữ, futsal để rút ra những bài học kinh nghiệm. Có vậy, sau thất bại tại SEA Games 29, đóng cánh cửa này để mở ra cánh cửa khác, chứ không mãi loay hoay, biết rồi, nói mãi!
AT
TIN LIÊN QUAN |
---|