Tuấn Anh rời đội bóng phố Núi và chuyện ‘nước chảy chỗ trũng’

Hoa Bùi 11/03/2024 09:58

(Baonghean.vn) - Như vậy là cầu thủ được coi là tài năng nhất trong số những người tài năng thuộc lứa U19 Hoàng Anh Gia Lai năm nào Nguyễn Tuấn Anh đã chính thức rời đội bóng phố núi, tiếp bước những Xuân Trường, Công Phượng, Văn Toàn, Văn Thanh, Hồng Duy…

Chuyện tưởng mới mẻ, bất ngờ nhưng thực ra đã diễn ra liên tục nhiều mùa bóng đã qua, không chỉ với riêng đội bóng gắn với lò đào tạo nức tiếng Hoàng Anh Gia Lai mà với các đội bóng là lò đào tạo khác như Sông Lam Nghệ An, Đồng Tháp…

Câu chuyện bóng đá chuyên nghiệp “nước chảy chỗ trũng” tất yếu diễn ra và xem ra điều đó có lợi cho chính các tài năng và cả nền bóng đá, hơn hẳn câu chuyện đáng buồn “dành cả thanh xuân để trụ hạng” mà ai ai cũng biết lâu nay.

anh-7036.jpg
Tiền vệ Tuấn Anh. Ảnh VFF

Rõ ràng, trong điều kiện hiện nay, những cầu thủ giỏi trưởng thành từ những đội bóng trung bình, ít tham vọng rất khó có đủ điều kiện để phát triển tài năng. Cả một loạt ngôi sao trẻ ở Hoàng Anh Gia Lai có thể phát huy tốt năng lực và sở trường ở U23 Việt Nam hay ở Đội tuyển Việt Nam nhưng lạ thay họ “mất hút” và thảm hại ở ngay chính đội bóng đã đào tạo nên chính mình, bởi phương châm đào tạo thiên về tấn công mà bỏ quên phòng ngự, bởi thiên về lối đá đẹp mà không tính đến hiệu quả, nghĩa là chỉ hợp với bóng đá trẻ, bóng đá phong trào hơn là bóng đá chuyên nghiệp.

Thực tế còn cho thấy, những cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai khi đến đội bóng mới đã và đang phát huy rất tốt năng lực, sở trường để có ngay thành tích như Văn Thanh và triển vọng lớn cho Văn Toàn, Hồng Duy (và cả Tuấn Anh) khi về chơi cho Thép Xanh Nam Định hiện tại.

Vấn đề của các cầu thủ trẻ Hoàng Anh Gia Lai, xem ra không khác gì câu chuyện “chảy máu tài năng” lâu nay tại đội bóng Sông Lam Nghệ An. Cả hai lò đào tạo/đội bóng đều muốn giữ cho mình ngôi sao sáng nhất, ví dụ như Tuấn Anh, Minh Vương, ví dụ như Trọng Hoàng hay Hoàng Văn Khánh… nhưng rốt cuộc, cực chẳng đã họ đều phải rời đi với đủ thứ lý lẽ, lý do mà ai ai cũng biết là đội bóng nghèo không đáp ứng đủ sự cống hiến của cầu thủ.

Hơn nữa, phải chăng cái cách Sông Lam Nghệ An mời về rồi lại cho đi Ngọc Hải, Trọng Hoàng để sử dụng cả một dàn trẻ mà vẫn thi đấu không đến nỗi nào ở lượt đi V-League mới đây là một gợi ý tuyệt vời để Bầu Đức cho phép Tuấn Anh chuyển đi, an tâm với dàn trẻ tự đào tạo hiện nay? Và cuối cùng là câu chuyện “nước chảy chỗ trũng” khi hàng loạt ngôi sao các đội bóng tụ về Công an Hà Nội, Thép Xanh Nam Định hay Đình Bắc về Hà Nội FC… như một cách để phát triển tài năng giữa vô vàn tài năng là cách làm đúng đắn và cần thiết nhất hiện nay.

Đến đây thì nhiều người có thể hình dung về diện mạo một nền bóng đá chuyên nghiệp với những đội bóng hàng đầu, đủ sức thi đấu ở các giải Cup khu vực và châu lục, những đội bóng khá là nơi rèn dũa các tài năng trẻ để chờ cơ hội được chuyển lên đội bóng đẳng cấp hơn và những đội bóng yếu, là “đất sống” cho những cầu thủ đã qua thời đỉnh cao, những cầu thủ dự bị...

mat-9068-1710119919-7497.jpg
Tuấn Anh (phải) trong buổi ký hợp đồng và ra mắt CLB Nam Định. Ảnh: Nam Định FC

Trên thế giới, có những đội bóng hàng đầu gắn liền với các lò đào tạo nức tiếng, nhưng cũng không hiếm đội bóng trung bình nhưng lại đào tạo được rất nhiều cầu thủ giỏi. Hà Lan là nơi sản sinh ra rất nhiều cầu thủ đẳng cấp thế giới nhưng hiện tại gần như danh tiếng các câu lạc bộ hàng đầu đã đi vào dĩ vãng. Ở Anh, lò đào tạo của Everton hay West Ham United đều rất trứ danh nhưng đội bóng lại không đạt được đẳng cấp cần có.

Ở nước ta, trường hợp Sông Lam Nghệ An, Hoàng Anh Gia Lai khá điển hình cho nhận định trên. Chỉ khác là, khi đào tạo được một hay nhiều ngôi sao, người ta thường biết cách để đem lại lợi nhuận cực lớn cho cả lò đào tạo, đội bóng lẫn cầu thủ khi chuyển nhượng như trường hợp Everton từng “bán” Rooney cho Manchester, Stone cho Man City, hay Aston Villa bán Greralish cho Man City… Còn ở Việt Nam, phần lớn các cuộc chuyển nhượng, mua bán cầu thủ vẫn nằm trong vòng bí mật, rất ít được biết đến cụ thể mà phần thiệt hại chắc chắn là lò đào tạo vốn được bao cấp lâu nay như một chuyện “cha chung”…

Nói gọn lại, chuyện Tuấn Anh rời Hoàng Anh Gia Lai, dù ai nói ngả, nói nghiêng gì đi nữa thì cũng là chuyển động bình thường của một cầu thủ chuyên nghiệp trong nền bóng đá đi dần đến chuyên nghiệp. Mong một kết thúc có hậu cho tiền vệ tài năng bậc nhất nhưng chưa may mắn này. Cũng mong bóng đá Việt đi dần vào khuôn khổ chuyên nghiệp với những nhà đầu tư mạnh, tầm nhìn xa, biết cách để phát huy mọi tài năng vì một nền bóng đá phát triển đúng cách, đúng hướng, tránh tuyệt đối chuyện “ăn sẵn”, “ăn xổi ở thì”, “thấy vui chạy lại, thấy buồn bỏ đi”…

Và tất nhiên, sau tất cả những gì đã có, đã thấy, đừng bao giờ bất ngờ chuyện một tài năng trẻ, một cầu thủ giỏi được săn đón, chào mời và được vời về những đội bóng mạnh, giàu tham vọng. Đó là con đường tất yếu của mọi con đường phát triển bóng đá, như chính con đường Tuấn Anh từ Hoàng Anh Gia Lai xếp thứ 3 dưới lên lượt đi đang đến với Thép Xanh Nam Định xếp thứ nhất đỉnh bảng lượt đi V-League này vậy./.

Mới nhất

x
Tuấn Anh rời đội bóng phố Núi và chuyện ‘nước chảy chỗ trũng’
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO