Tướng Cương: Bộ Công an đã có một cuộc cách mạng trong tổ chức bộ máy

Phương Thúy 10/08/2018 20:52

(Baonghean.vn) - Khó khăn đầu tiên của cuộc cách mạng cải cách này là đụng chạm trực tiếp đến lợi ích của hàng trăm tướng lĩnh và sĩ quan cao cấp của Bộ và 63 tỉnh, thành.

Chiều 7/8, Bộ Công an tổ chức Hội nghị triển khai Nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Công an. Báo Nghệ An có cuộc phỏng vấn PGS.TS – Thiếu tướng Lê Văn Cương, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược khoa học Bộ Công an một số vấn đề liên quan.

Bộ công an cho biết, không tổ chức cấp trung gian; sắp xếp, thu gọn các đơn vị sự nghiệp công lập, giáo dục, báo chí, y tế trong Công an nhân dân.Nguồn internet
Bộ công an cho biết, không tổ chức cấp trung gian; sắp xếp, thu gọn các đơn vị sự nghiệp công lập, giáo dục, báo chí, y tế trong Công an nhân dân. Nguồn internet

P.V: Thưa Thiếu tướng, là một người có nhiều năm công tác trong ngành công an, ông có thể cho biết tại sao Bộ Công an lại có sự thay đổi bộ máy lớn đến như vậy?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Đúng là trong thời gian qua, lãnh đạo Bộ Công an và Đảng ủy Công an Trung ương đã chuẩn bị mô hình mới để thay đổi vận hành bộ máy, nâng cao hiệu quả. Theo tôi căn nguyên của sự thay đổi này xuất phát từ hai nguyên nhân.

Việc thay đổi mô hình của Bộ Công an lần này là xuất phát từ thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc duyệt Đội danh dự Công an nhân dân.

Bên cạnh đó, về mặt thực tiễn qua những lần Bộ Công an điều chỉnh tổ chức trước đây đều làm phình to bộ máy, có quá nhiều tầng nấc trung gian, từ 4 tổng cục tăng lên 8 đơn vị cấp tổng cục, hơn 50 cấp vụ cục thành 120 vụ cục khiến cho bộ máy nặng nề, cồng kềnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả kém.

Ngoài những thành tựu to lớn của lực lượng công an trong việc đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội, đem lại cuộc sống bình yên cho người dân thì chưa bao giờ lực lượng Công an nhân dân lại có nhiều “vết chàm” gây ảnh hưởng không nhỏ tới lòng tin của nhân dân.

Đơn cử như vụ việc của ông Nguyễn Thanh Hóa - nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao và ông Phan Văn Vĩnh – nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, tiếp tay tham gia đánh bạc quốc tế…

Có thể nói rằng chỉ trong vòng nửa năm mà gần chục tướng công an bị kỷ luật. Tôi cho rằng đây cũng là hậu quả tất yếu của bộ máy cồng kềnh nhiều tầng nấc trung gian đã tồn tại trong một thời gian khá dài.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các lãnh đạo Bộ Công an. Ảnh: Internet

P.V: Bộ Công an đã có nhiều lần thay đổi, điều chỉnh bộ máy tổ chức, vậy ông có đánh giá như thế nào về thay đổi lần này?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Từ năm 1945 đến nay, Bộ Công an đã có 5 lần thay đổi mô hình tổ chức bộ máy. Tuy nhiên, qua 5 lần thay đổi khung bộ máy cơ bản vẫn vậy, chỉ mang tính chất điều chỉnh hoặc thêm bớt. Còn lần thay đổi này, Bộ Công an đã xây dựng khung mới hoàn toàn như: tổ chức bộ máy của cơ quan Bộ Công an gồm các đơn vị cấp Cục, so với bộ máy tổ chức cũ giảm 6 Tổng cục, giảm gần 60 đơn vị cấp Cục và gần 300 đơn vị cấp phòng.

Công an địa phương sáp nhập 20 đơn vị Cảnh sát PCCC vào công an tỉnh, thành phố và tinh gọn tổ chức công an cấp tỉnh, cấp huyện giảm hơn 500 đơn vị cấp phòng và gần 1.000 đơn vị cấp đội. Đây thực sự là cuộc cách mạng cải cách toàn diện và triệt để trong việc triển khai tổ chức bộ máy theo quy định mới của Bộ công an.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng lãnh đạo Bộ Công an.

P.V:Thưa Thiếu tướng, tại sao lãnh đạo Bộ Công an và Đảng ủy Công an Trung ương làm được điều này trong khi việc thay đổi tổ chức bộ máy được đánh giá là rất khó?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) của Đảng, Bộ Chính trị và Thủ tướng yêu cầu 25 Bộ trực thuộc Chính phủ phải tinh giản bộ máy gọn nhẹ, bỏ trung gian nhằm hiệu lực, hiệu quả hơn. Tôi cho rằng, đến giờ phút này Bộ Công an đã đi đầu trong tất cả các Bộ và đơn vị trực thuộc của Chính phủ. Bởi hiện nay, các bộ cũng chỉ mới giảm bớt đầu mối các phòng hay nhập vài vụ, cục với nhau chứ chưa triệt để, toàn diện và cách mạng như Bộ Công an.

Để lãnh đạo Bộ Công an làm được điều này, làm được cuộc cách mạng toàn diện này thì tập thể lãnh đạo Công an và Đảng ủy Công an Trung ương phải là những người có quyết tâm chính trị, chính kiến và tính Đảng cao nhằm bằng mọi cách thực hiện hóa có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII).

Ngoài ra, lãnh đạo Công an và Đảng ủy Công an Trung ương phải có tâm sáng và bàn tay sạch. Bởi lẽ “đụng” đến tổ chức bộ máy là “đụng” đến con người, đến lợi ích khi hàng trăm cán bộ cao cấp, tướng tá không có chỗ làm việc. Vì thế những người quyết định như ông Tô Lâm và Đảng ủy Công an Trung ương, nếu không có bàn tay sạch và tâm sáng thì không thể làm được.

P.V: Dư luận đang rất quan tâm đến việc triển khai mô hình mới và cho rằng lãnh đạo Bộ Công an và công an địa phương gặp nhiều khó khăn? Theo ông để triển khai mô hình hiệu quả thì Bộ Công an cần phải gì?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Khó khăn đầu tiên của cuộc cách mạng cải cách này là đụng chạm trực tiếp đến lợi ích của hàng trăm tướng lĩnh và sĩ quan cao cấp của Bộ và 63 tỉnh, thành. Đây chính là rào cản lớn nhất mà Bộ Công an và Đảng ủy Công an Trung ương phải vượt qua.

Theo đó, đây là một mô hình tổ chức bộ máy mới, một cuộc cách mạng cải cách toàn diện và triệt để, cần cơ chế mới nhưng không phải dễ dàng hình thành được cơ chế nên sẽ gặp không ít hạn chế và vướng mắc trong quá trình hoạt động, triển khai….

Lực lượng cảnh sát cơ động tập luyện sẵn sàng bảo vệ an toàn tuyệt đối cho Tuần lễ cấp cao APEC 2017. Ảnh: zing
Lực lượng cảnh sát cơ động tập luyện sẵn sàng bảo vệ an toàn tuyệt đối cho Tuần lễ cấp cao APEC 2017. Ảnh: zing

P.V:Theo ông, Bộ Công an cần làm gì để thực hiện bộ máy mới này tinh gọn, ít tầng nấc trung gian, hiệu quả và nắm chắc tình hình hơn?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Tôi cho rằng đồng chí Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Công an đến tập thể lãnh đạo Đảng ủy Công an Trung ương cần phải xây dựng quy chế làm việc, xác định rõ, phân công trách nhiệm và quyền hạn của các Thứ trưởng, Bộ trưởng và Cục trưởng rõ ràng để điều hành công việc.

Đồng thời, xây dựng các mối quan hệ giữa Bộ với địa phương, quan hệ giữa lãnh đạo Bộ với các cục trên Bộ và 63 tỉnh, thành… nhằm xây dựng tổ chức bộ máy Bộ Công an tập trung, thống nhất, chuyên sâu, tinh gọn đầu mối, hoạt động hiệu lực, hiệu quả tăng cường cho cơ sở theo hướng “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”.

Thường xuyên tổ chức tập huấn đổi mới phong cách làm việc tận tụy, sát cơ sở, nắm chắc tình hình cho các sĩ quan lãnh đạo từ cấp Cục trưởng, Cục phó đến trưởng công an huyện…

P.V:Trân trọng cảm ơn Thiếu tướng!

Theo Kỹ thuật: Hữu Quân
Copy Link
Tướng Cương: Bộ Công an đã có một cuộc cách mạng trong tổ chức bộ máy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO