Tướng Cương dự báo về tương lai của châu Âu

17/03/2017 10:37

(Baonghean.vn) - Vào cuối tháng 3 này, Liên minh châu Âu (EU) sẽ tổ chức Kỷ niệm 60 năm thành lập (1957-2017). Dư luận châu Âu và quốc tế cho rằng, sau 60 năm hình thành và phát triển, EU đang lâm vào cuộc khủng hoảng hết sức trầm trọng. Vậy lối rẽ nào sẽ dành cho Liên minh hùng hậu này?

Liên quan tới vấn đề này, Báo Nghệ An đã có cuộc trao đổi với PGS-TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược và khoa học Bộ Công an.

PGS.TS-Thiếu tướng Lê Văn Cương tại trường quay Báo Nghệ An ngày 16/3/2017. Ảnh Nhật Minh.
PGS.TS-Thiếu tướng Lê Văn Cương tại trường quay Báo Nghệ An ngày 16/3/2017. Ảnh Nhật Minh.

PV: Thưa Thiếu tướng, ông có thể cung cấp cho độc giả rõ về cuộc khủng hoảng mà Liên minh châu Âu đang phải đối mặt?

PGS-TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương: Vào những năm đầu thế kỷ XXI (2000-2005) chính là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của EU. Tháng 9/2008, cuộc khủng hoảng kinh tế ở Mỹ kéo theo sự suy thoái của nền kinh tế thế giới. Và châu Âu cũng không thoát khỏi cơn bão khủng hoảng tài chính này. Đến hiện tại, Liên minh châu Âu đang rơi vào cuộc đại khủng hoảng trên tất cả các lĩnh vực.

Về kinh tế, EU đang phải đối mặt với những khó khăn chồng chất: đồng Euro bấp bênh, nợ công các quốc gia cao. Hệ thống ngân hàng hết sức “ốm yếu”. Tỷ lệ người thất nghiệp tăng, phân hoá giàu nghèo ngày càng rộng. Khó khăn về kinh tế dẫn tới khủng hoảng về lòng tin. Hơn 600 triệu người dân châu Âu không còn tin vào giới lãnh đạo tinh hoa của họ nữa.

Về chính trị - xã hội, chưa bao giờ châu Âu lại bị chia rẽ sâu sắc như hiện nay. Giữa các nước tồn tại những mâu thuẫn gay gắt. Sự kiện ngày 23/6/2015, hơn 51.9% cử tri Anh bỏ phiếu đề nghị Anh rời khỏi Liên minh châu Âu như “một giọt nước tràn ly”, tạo ra cuộc khủng hoảng mới về chính trị.

Bên cạnh đó, châu Âu còn phải đối mặt với những khủng hoảng người nhập cư, hoạt động chống chủ nghĩa khủng bố.

P.V: Khủng hoảng niềm tin đang diễn ra ngay trong nội bộ EU. Vậy đâu là nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng này, thưa Thiếu tướng?

PGS-TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương: Như chúng ta đã biết, toàn cầu hoá kinh tế là một xu thế phát triển tất yếu. Một mặt, nó làm cho các nước xích lại, hợp tác với nhau. Mặt khác, nó lại đẩy mâu thuẫn giữa các nước ngày càng lên cao,. Ví như, bốn nền kinh tế trụ cột của EU – Đức, Pháp, Italia, Tây Ban Nha với quan điểm duy trì bền vững nền kinh tế toàn cầu hoá với nhau. Nhưng các nước có trình độ phát triển chậm hơn như ở Đông Âu, Baltic thì lại kịch liệt phản đối. Bởi suy cho cùng, toàn cầu hoá chỉ mang lại lợi ích cho những tập đoàn đa quốc gia, còn 78% đại bộ phận châu Âu không có được lợi ích gì. Phân hoá giàu nghèo giữa các nước ngày càng trở nên sâu sắc.

Từ đây, chủ nghĩa dân tuý chống toàn cầu hoá đã được sản sinh, với khẩu hiệu “lấy quốc gia là tối thượng, kiên quyết chống lại liên kết quốc tế”. Điều này, tạo nên một vết hằn sâu ngay trong lòng châu Âu. Chủ nghĩa dân tuý là nguyên nhân có thể làm Liên minh châu Âu tan rã.

PV: Vừa qua, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu công bố “sách trắng”, đưa ra 5 kịch bản cho EU đến năm 2025. Thiếu tướng có thể nói rõ hơn về nội dung này?

PGS-TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương: Ngày 6/3 vừa qua, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Jean-Claude Juncker công bố “sách trắng”, đưa ra 5 kịch bản tương lai của châu Âu trong 10 năm tới.

Kịch bản thứ nhất, Liên minh châu Âu giữ nguyên 27 nước thành viên (không có Anh) và đưa ra cải cách toàn diện về kinh tế, chính trị, an ninh.

Kịch bản thứ hai, Liên minh châu Âu thuần tuý chỉ là một liên minh kinh tế. Nghĩa là 27 nước thành viên nằm trong một thị trường kinh tế chung, không có sự ràng buộc về mặt chính trị, xã hội.

Kịch bản thứ ba được đề xuất bởi thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande hướng tới xây dựng“một châu Âu đa cấp độ”. EU sẽ chia làm hai nhóm: nhóm các quốc gia phát triển mạnh như Đức, Ý, Pháp, Tây Ban Nha, và nhóm các nước phát triển chậm như vùng Đông Âu, Baltic. Ngay lập tức, mô hình này đã vấp phải sự phản đối kịch liệt. Bởi theo như thủ tướng Ba Lan phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu, với kịch bản này sẽ xuất hiện sự phân hoá đẳng cấp phát triển giữa các nước, và càng đẩy mâu thuẫn lên cao.

Kịch bản thứ tư với chủ trương châu Âu chỉ hợp tác với nhau về an ninh. Nghĩa là sẽ xây dựng một lực lượng cảnh sát chung, trao đổi thông tin tình báo với nhau hàng ngày, cùng hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố và tội phạm.

Kịch bản thứ năm tiến tới xây dựng châu Âu như một quốc gia liên bang, trong đó bao gồm nhiều quốc gia độc lập. Tôi cho rằng, đây là một kịch bản quá tham vọng.

Theo tôi, trong 5 kịch bản trên, châu Âu chỉ nên xây dựng kịch bản thứ hai – chỉ còn lại là khu vực thị trường kinh tế chung. Các kịch bản còn lại không mang tính khả thi cao.

PV: Liên minh châu Âu có hai mối quan hệ lớn: EU-Mỹ và EU-Nga. Dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump, hai mối quan hệ này sẽ có gì mới, thưa Thiếu tướng?

PGS-TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương: Về chính sách đối ngoại, châu Âu chủ yếu phụ thuộc vào Hoa Kỳ. Dưới thời Tổng thống Donald Trump, dư luận quốc tế hi vọng vào sự chuyển biến mới trong quan hệ Mỹ-Nga, nhưng theo tôi, điều đó không xảy ra. EU không bao giờ có khả năng đi ngược lại với Mỹ trong quan hệ với Nga. Cho nên, chừng nào Mỹ còn chưa cải thiện mối quan hệ với Nga, chừng đó quan hệ EU-Nga vẫn còn căng thẳng.

Tổng thống Trump từng tuyên bố, NATO đang còn lạc hậu. Dư luận cho rằng, ông có thể làm giảm vai trò của NATO. Điều này sẽ không xảy ra, bởi NATO là công cụ chủ yếu để Hoa Kỳ bảo vệ lợi ích của mình trên phạm vi châu âu nói riêng và thế giới nói chung. Như vậy, về cơ bản, quan hệ EU-Mỹ vẫn giữ mức bình ổn như hiện tại.

PV: Thiếu tướng có thể khái quát về bức tranh toàn cảnh châu Âu năm 2017 ?

PGS-TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương: Năm 2017 là năm đỉnh điểm khủng hoảng ở châu Âu, vì các nguyên nhân sau:

Thủ tướng Anh Theresa May quyết định kích hoạt điều 50 Lisbon. Ngày 31/3, Anh tiến hành đối thoại với 27 nước thành viên EU còn lại nhằm thực hiện hoá Brexit mà không gây ra thảm hoạ đối với Anh. Nội dung cuộc đàm phán sẽ xoay quanh vấn đề chính: EU sẽ mở cửa cho hàng hoá của Anh, với điều kiện Anh phải mở cửa cho công dân EU sang Anh lao động. Mỗi năm, Anh xuất khẩu sang châu Âu 400 tỷ bảng hàng hoá. Nếu như đôi bên không đưa ra được tiếng nói chung, thì chắc chắn nền kinh tế Anh sẽ sụp đổ.

Thất bại của ông Geert Wilders cũng là thất bại của tư tưởng chống người nhập cư Hồi giáo và Liên minh châu Âu (EU).
Thất bại của ông Geert Wilders cũng là thất bại của tư tưởng chống người nhập cư Hồi giáo và Liên minh châu Âu (EU).

Năm 2017 diễn ra 3 cuộc bầu cử lớn tại Hà Lan (15/3), Pháp (23/4) và Đức (tháng 9). Đây là những cuộc bầu cử sẽ làm rung chuyển châu Âu.

Có thể nói, năm 2017 là năm ảm đạm với châu Âu. Một không khí rã rời, chia rẽ, mất lòng tin ngay chính trong nội bộ châu Âu. Chưa bao giờ, châu Âu rơi vào cuộc khủng hoảng trầm trọng như vậy.

PV: Sau Brexit, liệu có xuất hiện kịch bản Nexit không, thưa Thiếu tướng?

PGS-TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương: Ngày 15/3 vừa qua, đảng cực hữu đã không thành công tại cuộc bầu cử quốc hội Hà Lan. Do đó, tôi tin rằng, sẽ không có kịch bản Nexit. Nhưng không có Nexit, không có nghĩa châu Âu đoàn kết với nhau. Thậm chí, vẫn âm ỉ một làn sóng muốn thoát khỏi châu Âu. Đây là vết nứt sâu trong lòng châu Âu, mà không dễ gì hàn gắn được.

Xin cảm ơn Thiếu tướng!

Mỹ Nga (thực hiện)

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Tướng Cương dự báo về tương lai của châu Âu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO