Tướng Cương: Mối quan hệ Việt - Mỹ góp phần thúc đẩy xu thế hòa bình trong khu vực

Mỹ Nga 26/07/2023 08:35

(Baonghean.vn) - Sau 10 năm, mối quan hệ Việt - Mỹ đã và đang phát triển sâu rộng, hiệu quả và thực chất trên tất cả các lĩnh vực. Nhân sự kiện này, Báo Nghệ An có cuộc phỏng vấn  Thiếu tướng Lê Văn Cương - Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Công an.

P.V:Theo nhiều tài liệu cho thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã đặt nền móng cho mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ. Thiếu tướng có thể làm rõ những chi tiết lịch sử được xem như những viên gạch đầu tiên cho mối quan hệ song phương này?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Trên hành trình đi tìm đường cứu nước, Nguyễn Tất Thành đã tìm đến nước Mỹ - quốc gia nằm ở bên kia Đại Tây Dương, giai đoạn 1911-1913 . Đây không phải là một kế hoạch ngẫu nhiên. Trong suy nghĩ của chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành, việc đến Mỹ là để tìm hiểu cách một thuộc địa vừa thoát khỏi ách thống trị của thực dân Anh. Chính vì thế, sau khi tìm hiểu tình hình ở Anh và châu Âu, Nguyễn Tất Thành vượt Đại Tây Dương sang Mỹ.

Tuy nhiên, khi đến Mỹ, Nguyễn Tất Thành không đến Washington, mà đặt chân đến Boston. Đây là vấn đề mà các học giả thế giới bàn luận rất nhiều. Tại sao đến Boston mà không phải Washington? Bởi, Boston là thành phố lớn nhất của bang Massachusetts. Đây là cái nôi của cách mạng Mỹ. Hơn nữa Boston còn là một thành phố tri thức lớn nhất nước Mỹ, có Đại học Harvard nổi tiếng thế giới.

noi-bac-ho-song-va-lam-viec-tai-my-2152023a1.jpg
Tổng Giám đốc khách sạn Omni Parker House, ông John Murtha (thứ 2, phải sang) giới thiệu về 2 loại bánh thương hiệu của bang Massachusetts “Parker House rolls” và “Boston Cream Pie” mà Bác Hồ từng làm trên chính chiếc bàn đá cẩm thạch này. Ảnh: Internet

Tại Boston, Nguyễn Tất Thành đã làm thợ nướng bánh tại tiệm bánh ngọt của khách sạn Omni Parker House. Trong một bài xã luận đăng trên tờ Boston Globe, một nhà văn Mỹ đã viết như sau: “Lưu ý rằng, một nhà cách mạng tài danh, lãnh tụ Hồ Chí Minh của Việt Nam lừng danh từng tham gia làm việc như một người thợ nướng bánh, tại tiệm bánh ngọt Omni Parker House. Vị đầu bếp đặc biệt này đã đem đến niềm vinh dự cho nơi đây”. Đến bây giờ, trong căn phòng truyền thống của khách sạn Omni Parker House, có rất nhiều bức hình về Chủ tịch Hồ Chí Minh thời trẻ làm việc tại đây.

Tiệm bánh mì của khách sạn cũng là nơi gặp gỡ thường xuyên của các nhà khoa học, nhà văn, nhà thơ, đặc biệt là những nhà chính trị chống phân biệt chủng tộc, ách nô lệ. Đến làm bánh tại đây cũng là cách để Nguyễn Tất Thành tìm hiểu sâu hơn về bản chất của cuộc cách mạng Mỹ, làm phong phú thêm tri thức của mình trên hành trình đi tìm con đường cho cách mạng Việt Nam.

omni_02.jpg
Thông tin về Chủ tịch Hồ Chí Minh và nội dung lưu bút của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khi tới thăm khách sạn nhân dịp chuyến thăm, làm việc tại Mỹ (14/5/2022) được đóng khung treo trang trọng tại hành lang khách sạn. Ảnh: VOV

Một sự kiện đáng chú ý khác: Ngày 2/11/1944, Trung úy Mỹ William Shaw - phi công phi đội tiêm kích chiến thuật 51, trong khi làm nhiệm vụ và gặp sự cố, đã buộc phải nhảy dù xuống bản Ngần, xã Đề Thám, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng. Phi công Shaw đã được du kích Việt Nam cứu thoát khỏi sự săn lùng của quân Nhật, và được đưa đến Pác Bó để gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại hang Pác Bó, Bác còn tặng người phi công Mỹ này bản “Chương trình Việt Minh” đã được Người trực tiếp dịch ra tiếng Anh. Sau đó, Trung úy Shaw đã trở thành “cầu nối” để lãnh tụ Hồ Chí Minh gặp tướng Claire Chennault - Tư lệnh Không đoàn 14, có biệt danh là đơn vị “Hổ Bay” của Mỹ, đại diện cho lực lượng Đồng Minh tại vùng Hoa Nam (Trung Quốc). Trong cơ hội hiếm có này, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã đề nghị tướng Chennault công nhận mặt trận Việt Minh là lực lượng của phe Đồng Minh chống phát xít.

Đây là sự kiện được đánh giá mở đầu cho mối quan hệ bang giao Việt-Mỹ, khi cách mạng Việt Nam đang còn non trẻ với muôn vàn khó khăn. Nhờ thế, mà chúng ta tập hợp và tranh thủ được sự giúp đỡ của những người bạn Đồng Minh chống phát xít.

Sự vĩ đại của lãnh tụ Hồ Chí Minh còn thể hiện ở chỗ: Trong cuộc chiến chống Mỹ giai đoạn 1955-1975, Hồ Chí Minh đã nhận thức rõ bản chất xâm lược xấu xa của đế quốc Mỹ, đồng thời hiểu rõ Mỹ là một siêu cường, có tiềm lực quân sự và kinh tế khổng lồ, có vai trò chi phối thế giới về chính trị và an ninh. Vì thế, Người kêu gọi đánh Mỹ, nhưng không bao giờ dùng từ “tiêu diệt" cả. Trong bức thư chúc Tết nổi tiếng, Người nói: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”. Tư duy này là một sự chuẩn bị cho quá trình bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ sau chiến tranh. Đây là một tầm nhìn chiến lược của một vĩ nhân, và để lại kết quả mà chúng ta thụ hưởng ngày hôm nay.

Như vậy có thể nói, chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền móng cho mối quan hệ Việt-Mỹ “nở hoa” sau này.

SmartSelect_20230726-122522_Chrome.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hồi tháng 4. Ảnh: Quang Phúc (Dân trí)

P.V:Thưa Thiếu tướng, tại sao, vào ngày 25/7/2013, Việt Nam và Mỹ ký kết thiết lập mối quan hệ đối tác toàn diện?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Kết thúc chiến tranh, nhất là kể từ khi triển khai đường lối đổi mới năm 1986, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn đi theo tư tưởng “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai". Việc thiết lập quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-Mỹ xuất phát từ nền móng sâu xa của tư tưởng bao dung, độ lượng của người Việt.

Về mặt chính trị, năm 2012-2013, Mỹ có nhu cầu bức thiết muốn thúc đẩy mở rộng quan hệ với Việt Nam. Tại sao vậy? Bởi từ năm 2010, Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Hơn nữa, dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc trở thành một thế lực thách thức vai trò của Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói riêng và trên thế giới nói chung. Trong bối cảnh như vậy, Mỹ có một nhu cầu khách quan là phải tập hợp lực lượng đối phó với Trung Quốc. Và trong quá trình đó, Mỹ đánh giá vai trò của Việt Nam đặc biệt quan trọng. Việt Nam và ASEAN là mắt xích trung tâm, là nơi giao lưu của 2 đại chiến lược - “Vành đai, Con đường" của Trung Quốc, và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ. Việt Nam có vai trò đặc biệt trong ASEAN. Và trong mối quan hệ với Trung Quốc, Việt Nam có mối quan hệ đặc biệt mà Mỹ có thể tận dụng, khai thác được.

Về phía Việt Nam, từ năm 2011 trở đi, chúng ta có nhu cầu lớn về phát triển các mối quan hệ với thế giới, trong đó Mỹ là đối tượng đầu tiên cần tính đến. Việt Nam mong muốn hợp tác kinh tế, khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, chính trị và an ninh, quốc phòng với Mỹ.

Như vậy, do nhu cầu và lợi ích đảm bảo an ninh, phát triển của cả 2 bên, đã thúc đẩy Việt Nam và Mỹ đến với nhau để thiết lập quan hệ đối tác toàn diện, thông qua chuyến thăm Mỹ của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

SmartSelect_20230726-122522_Chrome.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính chụp ảnh cùng Tổng thống Mỹ Joe Biden trong chuyến thăm tới Washington, tháng 5/2023. Ảnh: Báo Tuổi trẻ

P.V:Trong 10 năm qua, mối quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Mỹ đã phát triển như thế nào, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Trong 10 năm qua, thông qua mối quan hệ đối tác toàn diện với Mỹ, Việt Nam thu lợi rất nhiều: trao đổi thương mại song phương đã tăng lên 7 lần; nhiều tập đoàn công nghệ cao của Mỹ đã đến đầu tư tại Việt Nam; có cơ hội mở rộng mối quan hệ kinh tế với châu Âu, Nhật Bản; gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới, nhận hỗ trợ từ Ngân hàng Thế giới…

Về đào tạo nguồn nhân lực, Việt Nam đã gửi hơn 30.000 du học sinh, sinh viên sang Mỹ theo học. Đây là nguồn nhân lực đặc biệt quan trọng trong tiến trình phát triển của Việt Nam.

Về mặt chính trị và ngoại giao, Việt Nam tiếp tục hợp tác với Mỹ trên diễn đàn song phương và cả đa phương. Thông qua hợp tác đã góp phần nâng cao vị thế, tiềm lực sức mạnh của Việt Nam tại khu vực và thế giới.

Tựu chung, trong 10 năm mối quan hệ Việt - Mỹ phát triển khá toàn diện, góp phần thúc đẩy xu thế ổn định, hòa bình trong khu vực nói riêng, thế giới nói chung. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng còn tồn tại nhiều bất đồng mà hai bên cần phải tháo gỡ.

P.V:Bối cảnh thế giới đang chứng kiến cuộc xung đột khốc liệt giữa Nga và Ukraine và chưa có dấu hiệu dừng lại. Liệu cuộc xung đột này có tác động như thế nào tới quan hệ Việt Nam và Mỹ hay không, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Đây là cuộc xung đột mở đầu cho thời kỳ mới của thế giới, chứng kiến sự đối đầu gay gắt giữa các cường quốc hậu Chiến tranh Lạnh, nhằm thiết lập lại trật tự mới trong tương lai. Do vậy, cuộc xung đột này ắt hẳn tác động đến mối quan hệ Việt-Mỹ.

Nhưng tôi nghĩ rằng, sức ảnh hưởng đấy không đủ lớn. Chắc chắn Mỹ theo dõi sát sao từng bước đi của Việt Nam trong mối quan hệ với Nga. Tuy nhiên, thái độ của Việt Nam rất rõ ràng: đứng về phía chính nghĩa, về phía luật pháp quốc tế.

Screen Shot 2023-07-26 at 6.50.43 AM.png
Thủ tướng Phạm Minh Chính chụp hình với đoàn doanh nghiệp Mỹ thăm Việt Nam tháng 3/2023. Ảnh: VGP

P.V:Vậy căng thẳng đối đầu gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, có tác động như thế nào tới Việt Nam, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Mối quan hệ song phương giữa Mỹ và Trung Quốc là mối quan hệ quan trọng nhất trên thế giới, bởi mọi biến đổi đều tác động đến an ninh và phát triển, trong đó có Việt Nam.

Việt Nam có mối quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc, đồng thời, có mối quan hệ toàn diện với Mỹ. Khi hai “ông lớn” đối đầu nhau, chắc chắn tác động tới Việt Nam. Tuy nhiên, sẽ theo 2 chiều: thuận và nghịch. Thách thức ở chỗ, làm sao Việt Nam vừa duy trì ổn định quan hệ với Trung Quốc, vừa mở rộng thúc đẩy quan hệ với Mỹ. Đồng thời, khi Mỹ-Trung đối đầu, vị thế của Việt nam lại được nâng cao, khi cả 2 cường quốc đều cần Việt Nam để tập hợp lực lượng.

Điều quan trọng nhất, Việt Nam cần xác định thách thức nằm ở đâu để vượt qua, và cơ hội nằm chỗ nào để tận dụng.

P.V: Dư luận quan tâm rất nhiều về khả năng nâng tầm mối quan hệ Việt-Mỹ trở thành “đối tác chiến lược”. Thiếu tướng có nhận định về vấn đề này như thế nào?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Xét về thế và thời, đây là thời điểm thuận lợi nâng tầm quan hệ đối tác toàn diện lên đối tác chiến lược. Nhưng xét về bối cảnh chính trị, khi Mỹ-Nga đang đối đầu trong xung đột tại Ukraine, nếu Việt Nam nâng tầm mối quan hệ từ “toàn diện" lên “chiến lược" thì xem ra… cần phải tính toán.

Tôi cho rằng, cần trao đổi với Mỹ rằng, mối quan hệ đối tác toàn diện còn có nhiều dư địa và không gian để phát triển. Vậy nên hai bên hãy tận dụng tối đa mối quan hệ này!.

P.V: Xin cảm ơn Thiếu tướng!

Tướng Cương: Mối quan hệ Việt - Mỹ góp phần thúc đẩy xu thế hòa bình trong khu vực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO