Tướng Cương: Nếu không có sự hậu thuẫn, Khơ me đỏ làm sao dám đánh Việt Nam

Thiếu tướng Lê Văn Cương – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an trả lời phỏng vấn Báo Nghệ An, nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày Chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Việt Nam và cùng nhân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (7/1/1979 – 7/1/2019).

P.V: Cách đây 40 năm khi dân tộc Việt Nam  vừa bước ra khỏi 2 cuộc chiến tranh, thì biên giới Tây Nam của Tổ quốc bị xâm phạm, chúng ta buộc lòng phải bước vào một cuộc chiến mới, thiếu tướng có thể nói rõ hơn về bối cảnh xảy ra cuộc chiến tranh này?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Trước hết, chúng ta phải nhận thức rõ rằng, chiến tranh biên giới Tây Nam cách đây 40 năm là một cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Khơ me đỏ là kẻ chủ mưu, đã phát động cuộc chiến tranh xâm lược gần như trên toàn tuyến biên giới Tây Nam. Hàng chục ngàn binh sỹ Khơ me đỏ đã tràn qua biên giới và giết hại hàng nghìn người Việt Nam. Người Việt Nam trong bối cảnh như vậy, buộc lòng phải tự vệ, nhân dân Việt Nam đứng dậy, nhất tề đoàn kết, phản công, đẩy lùi Khơ me đỏ ra khỏi biên giới, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

Bia chứng tích tội ác của Khơ me đỏ ở Tân Lập (Tây Ninh) và Ba Chúc (An Giang).
Bia chứng tích tội ác của Khơ me đỏ ở Tân Lập (Tây Ninh) và Ba Chúc (An Giang).

Về bối cảnh xảy ra cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam: Có thể nói, sau 30 năm (1945 – 1975), nhân dân Việt Nam đã kiên trì thực hiện cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, chiến thắng 2 đế quốc, kết thúc bằng chiến dịch giải phóng miền Nam, giành lại độc lập, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc.

Với chiến thắng hào hùng đó, chúng ta rất tự hào và phấn khởi, được thế giới ngưỡng mộ và đánh giá cao, vai trò, vị thế Việt Nam chưa bao giờ lên cao như sau Chiến thắng 30/4/1975. Nhưng chính trong bối cảnh trong ánh hào quang như vậy, thông thường người ta hay dễ lơi lỏng, mất cảnh giác.

Tôi xin nhắc lại một sự kiện, đó là cuối năm 1975, đoàn Đảng Cộng sản Nhật Bản sang chúc mừng thắng lợi của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trước khi về các bạn có nói rằng: “Kết thúc chiến tranh thế giới lần thứ 2, Nhật Bản đầu hàng đồng minh, dân tộc, đất nước chúng tôi nhục nhã. Là một kẻ thất bại và đầu hàng, người Nhật cúi mặt mà đi, không dám ngẩng mặt lên với thế giới. Lúc đó, chúng tôi rơi vào thảm cảnh nhục nhã, tối tăm. Ngược lại sau 30 năm, các đồng chí ở đỉnh cao của ánh hào quang chói lọi, hai bức tranh này trái ngược nhau hoàn toàn. Nhưng các đồng chí cần lưu ý, thông thường khi ở trong bóng tối, ở dưới vực sâu người ta thường tìm ra con đường để đi lên và phát triển. Còn ở trên đỉnh cao chói lọi của ánh hào quang chiến thắng rất dễ nhầm lẫn đường đi”.

Quân đội Khơ me đỏ tấn công biên giới Việt Nam; Pol Pot dẫn đầu quân lính Khơ me đỏ; Lính Khơ me đỏ bị thương trong các cuộc giao tranh ở biên giới; Son Sen (ở giữa) Bộ trưởng Quốc phòng của Khơ me đỏ.
Quân đội Khơ me đỏ tấn công biên giới Việt Nam; Pol Pot dẫn đầu quân lính Khơ me đỏ; Lính Khơ me đỏ bị thương trong các cuộc giao tranh ở biên giới; Son Sen (ở giữa) Bộ trưởng Quốc phòng của Khơ me đỏ.

Chính trong ánh hào quang đó, chúng ta có phần lơi lỏng, mất cảnh giác. Ở mức độ nào đó chúng ta chưa hiểu đầy đủ về Khơ me đỏ. Nhiều lúc, nhiều nơi cả công khai và không công khai, chúng ta cũng quan niệm họ là bạn. Cho nên, trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam chúng ta có phần bị động, bất ngờ, do lơi lỏng mất cảnh giác.

Khơ me đỏ đã bị nước ngoài thao túng từ năm 1956, đó là Cuốn hồi ký của Quốc vương Campuchia Sihanouk đã nói như vậy. Nhưng trong 30 năm dốc sức cho chiến tranh, chúng ta chưa có điều kiện tìm hiểu cặn kẽ về bạn bè, đối tác của chúng ta, nên có phần ngây thơ, nghĩ họ là bạn, vì thế bất ngờ và bị động đối phó. Đây là một bài học!

P.V: Thưa Thiếu tướng, tại sao Khơ me đỏ lại gây hấn và phát động chiến tranh xâm lược trên toàn tuyến biên giới Tây Nam của chúng ta?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Chúng ta phải khẳng định rằng, tuyệt đại đa số người Khơ me là những người trung thực, nhân hậu, họ hiểu đầy đủ, cặn kẽ sự giúp đỡ vô tư trong sáng của Việt Nam, và biết rằng, chỉ có thúc đẩy mối quan hệ Việt Nam và Campuchia thì hai nước mới phát triển được, đó là về mặt chính diện. Nhưng nên nhớ rằng ở Campuchia, Khơ me đỏ lại mang đậm trong mình nó chủ nghĩa dân tộc cực đoan hẹp hòi.

Người dân Campuchia rời bỏ nhà cửa khi Khơ me đỏ tràn vào thủ đô Phnom Penh.
Người dân Campuchia rời bỏ nhà cửa khi Khơ me đỏ tràn vào thủ đô Phnom Penh.

Những ai chưa rõ thì nên đọc cuốn hồi ký của Quốc vương Campuchia Sihanouk là “Người tù của Khơ me đỏ”, xuất bản  năm 1987. Trong cuốn hồi kỳ này, Quốc vương Sihanouk đã nói rất rõ: “Từ những năm 1956 – 1958, chủ nghĩa cực đoan, sô vanh nước lớn ở nước ngoài đã có quan hệ chặt chẽ với Khơ me đỏ. Hàng năm, lãnh đạo của Khơ me đỏ đều ra nước ngoài nhận chỉ thị, nhận viện trợ để về vừa thực hiện chống Mỹ vừa nuôi chí chống Việt Nam”. Tôi tin rằng Quốc vương Campuchia Sihanouk không bao giờ nói sai. Chính Quốc vương Campuchia Sihanouk đã nhận ra chân tướng của Khơ me đỏ từ rất sớm, nhưng khi đó chúng ta lại không nhận ra. Chính chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi của Khơ me đỏ, cộng với chủ nghĩa sô vanh nước lớn đã đẻ ra đường lối đối ngoại cực đoan, phản động của Khơ me đỏ.

Nếu không có hậu thuẫn giúp đỡ mọi mặt về lương thực, thực phẩm, vũ khí súng, đạn, vừa hậu thuẫn về ngoại giao… thì Khơ me đỏ làm sao có thể dám vượt qua biên giới đánh Việt Nam. Chính chủ nghĩa sô vanh nước lớn đã cung cấp toàn bộ các điều kiện cho binh lính Khơ me đỏ và đẩy họ qua biên giới Việt Nam. Thực ra cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam là do chủ nghĩa sô vanh nước lớn mượn tay Khơ me đỏ đánh Việt Nam.

Quân tình nguyện Việt Nam truy kích quân Khơ me đỏ; Hàng trăm lính Khơ me đỏ bị quân ta bắt khi chúng xâm lấn biên giới Việt Nam ở 2 huyện Bảy Núi và Tịnh Biên, tỉnh An Giang (19/1/1978).
Quân tình nguyện Việt Nam truy kích quân Khơ me đỏ; Hàng trăm lính Khơ me đỏ bị quân ta bắt khi chúng xâm lấn biên giới Việt Nam ở 2 huyện Bảy Núi và Tịnh Biên, tỉnh An Giang (19/1/1978).

Ngày 7/1/1979, khi chúng ta ào ạt tiến công vào Phnom Penh, cố vấn nước ngoài không kịp sơ tán tài liệu, chúng ta đã thu được tài liệu bỏ lại, chính tài liệu của nước ngoài sô vanh nước lớn đã nói rằng toàn bộ cuộc chiến này chính họ giúp đỡ Khơ me đỏ. Tài liệu của họ đã xác định điều này, chứ không phải chúng ta bịa ra (ta đã thu được khoảng 3 tấn tài liệu bỏ lại).

Hậu quả của cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam là hàng ngàn người dân thường Việt Nam bị Khơ me đỏ tàn sát, hàng trăm làng mạc bị đốt phá. Khi Việt Nam phản công đánh thắng, đuổi quân xâm lược ra khỏi bờ cõi, đồng thời giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng, những kẻ hà hơi tiếp sức cho Khơ me đỏ lại tiếp tục xuyên tạc, vu cáo Việt Nam.

Trưa 7/1/1979, các lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia cùng Quân tình nguyện Việt Nam tiến vào giải phóng Thủ đô Phnom Penh.
Trưa 7/1/1979, các lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia cùng Quân tình nguyện Việt Nam tiến vào giải phóng Thủ đô Phnom Penh.

P.V: Thủ tướng Campuchia Hun Sen từng nói rằng: “Không có sự giúp đỡ của Việt Nam thì Campuchia không có ngày nay, dứt khoát là thế”, vậy Thiếu tướng đánh giá  như thế nào về mối quan hệ Việt Nam – Campuchia?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Đã trôi qua 40 năm, nhưng điều đầu tiên phải khẳng định là trong thế kỷ XX, trên hành tinh này chỉ có 2 dân tộc hy sinh để cứu nhân loại, cứu dân tộc khác. Đó là nhân dân Liên Xô, trụ cột là người Nga, đã hy sinh 27 triệu người để cứu nhân loại khỏi thảm họa phát xít. Đây là một đóng góp vĩ đại của Liên Xô, của chủ nghĩa xã hội. Những kẻ chống cộng khắp thế giới, nếu còn một chút lương tâm và trung thực thì cũng phải thừa nhận điều này.

Lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia và bộ đội tình nguyện Việt Nam phối hợp luyện tập, nâng cao kỹ thuật chiến đấu.
Lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia và bộ đội tình nguyện Việt Nam phối hợp luyện tập, nâng cao kỹ thuật chiến đấu.

Dân tộc thứ 2 là dân tộc Việt Nam, đã hy sinh hàng ngàn sinh mạng để cứu nhân dân Campuchia khỏi thảm họa diệt chủng. Lịch sử không thể giả định, nhưng chúng ta có quyền đặt ra vấn đề, nếu như năm 1979, Việt Nam không sang cứu giúp, tiêu diệt Khơ me đỏ thì liệu hiện nay dân tộc Khơ me sẽ như thế nào? Nên nhớ rằng chỉ trong vòng 3 năm, chính Khơ me đỏ đã giết hại 2,7 triệu người dân vô tội ở Campuchia. Nếu tiếp tục để nó hoành hành thì chưa biết thảm họa sẽ thảm khốc như thế nào!

Cho nên, trong lịch sử văn minh nhân loại, những người trung thực bao giờ cũng phải xác nhận dân tộc Việt Nam đã có một nốt son, hy sinh bản thân mình để cứu bạn bè. Chính Việt Nam đã cứu Campuchia khỏi thảm họa Khơ me đỏ!

Trong 40 năm qua và hiện nay, tuyệt đại đa số người Khơ me dưới sự lãnh đạo của Đảng cách mạng CPP, đứng đầu là Thủ tướng Hunsen và Hoàng gia Campuchia đều đánh giá đúng mức những công lao to lớn không thể đo lường được của dân tộc Việt Nam đã cứu họ khỏi thảm họa diệt chủng.

Tình cảm của nhân dân Campuchia dành cho quân tình nguyện Việt Nam.
Tình cảm của nhân dân Campuchia dành cho quân tình nguyện Việt Nam.

Chính vì thế, cả Đảng cách mạng CPP, Hoàng gia và nhân dân Campuchia đều không ngừng củng cố quan hệ hữu nghị với Việt Nam. Họ nhận thức rõ, chỉ có thiết lập mối quan hệ hữu nghị với Việt Nam thì Campuchia mới phát triển. Vì thế trong 40 năm qua, mối quan hệ Việt Nam – Campuchia luôn được duy trì, vì lợi ích của cả Việt Nam và Campuchia, góp phần duy trì ổn định khu vực, xây dựng ASEAN thành trung tâm kết nối khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tôi tin rằng, trong thời gian tới mối quan hệ hữu nghị Việt Nam – Campuchia tiếp tục được củng cố vì lợi ích của 2 dân tộc, 2 đất nước.

Nhưng đồng thời chúng ta cũng không bao giờ được quên, trong cộng đồng người Khơ me ở Campuchia, bất cứ thời gian nào cũng có một bộ phận, cho dù họ chiếm phần rất nhỏ, ít ỏi, nhưng lại mang nặng chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, cực đoan, họ xuyên tạc lịch sử, vu cáo Việt Nam, tìm mọi cách phá hoại mối quan hệ hữu nghĩ Việt Nam – Campuchia do hai bên thiết lập.

Điều này đặt ra một vấn đề nhà nước, nhân dân Việt Nam và Capuchia phải vạch mặt những kẻ phá hoại mối quan hệ hữu nghị này, để người dân Campuchia, Việt Nam và cộng đồng thế giới thấy rõ được những kẻ “đổi trắng, thay đen”. Chúng ta không được lơ là, mất cảnh giác, mà phải xử lý kịp thời những kẻ đang có mưu đồ phá hoại mối quan hệ tốt đẹp của hai dân tộc, thắt chặt hơn mối quan hệ hợp tác toàn diện và bền vững lâu dài.

P.V: Xin cảm ơn Thiếu tướng!

Các chiến sĩ xe tăng Việt Nam vẫy tay chào người dân Campuchia đứng hai bên đường trước khi rút quân về nước năm 1989.
Các chiến sĩ xe tăng Việt Nam vẫy tay chào người dân Campuchia đứng hai bên đường trước khi rút quân về nước năm 1989.