Tướng Cương nói gì về những mâu thuẫn, thách thức qua Hội nghị An ninh Munich 2020?
(Baonghean) - Hội nghị An ninh Munich 2020 diễn ra tại Đức cuối tuần qua đã bàn thảo một loạt vấn đề quan trọng ở cấp độ khu vực và thế giới. Để có cái nhìn toàn diện hơn, Báo Nghệ An phỏng vấn PGS. TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương - Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Công an về sự kiện này.
Chủ nghĩa tư bản khủng hoảng trầm trọng
PV:Thưa Thiếu tướng, xin ông lý giải tại sao Hội nghị An ninh Munich (MSC) năm nay lại chọn chủ đề “Westlessness” - có nên hiểu là sự mất tính phương Tây, thế giới ngày càng “quay lưng” với phương Tây?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Phương Tây ở đây chỉ 3 trung tâm phát triển nhất của chủ nghĩa tư bản (CNTB) hiện đại Mỹ - Nhật - châu Âu. Trải qua hơn 500 năm hình thành và phát triển, CNTB phương Tây đã tạo ra những thành tựu hết sức to lớn, thúc đẩy toàn cầu hóa, làm cho các quốc gia xích lại gần nhau. Nhưng chính CNTB hiện đại đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng hết sức trầm trọng mang tính toàn cầu trên tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội: kinh tế, an ninh, môi trường sống...
Ông Wolfgang Ischinger - Chủ tịch Hội nghị an ninh Munich, Đức phát biểu tại hội nghị, ngày 16/02/2018. Ảnh: Reuters/Michaela Rehle |
Nguyên nhân được xác định là do bất bình đẳng, không chỉ liên quan đến thu nhập, tài sản mà còn là cơ hội, tiến bộ trong cuộc sống. Một cuộc khảo sát gần đây ghi nhận 56% người được hỏi cho rằng CNTB gây hại nhiều hơn lợi cho nhân loại. Có thể nói, chưa bao giờ CNTB đứng trước khó khăn, thách thức như hiện nay. Và điều này được phản ánh ngay trong chủ đề của MSC 2020.
Sự thiếu trách nhiệm của các quốc gia siêu cường
PV: Thiếu tướng có thể cho biết những vấn đề chính trong chương trình nghị sự tại MSC 2020 là gì?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: MSClà một diễn đàn ngoại giaođa phương về các vấn đề an ninh quốc tế, và tất cả các vấn đề nóng trên thế giới đều được đặt lên bàn nghị sự. Năm nay, có 40 nguyên thủ quốc gia, hơn 100 bộ trưởng ngoại giao, bộ trưởng quốc phòng, nhiều chính khách, học giả, đại diện tập đoàn kinh tế lớn có mặt tại MSC 2020. Họ cùng nhau thảo luận những vấn đề nóng về an ninh thế giới.
Cảnh sát bảo vệ tuyến đường nơi diễn ra MSC 2020. Ảnh: Reutes |
Ở cấp độ toàn cầu, đó là về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung; căng thẳng Mỹ - Nga; kiểm soát vũ khí giết người hàng loạt; Mỹ - Nga rút khỏi hiệp ước INF, chống biến đổi khí hậu; quan hệ xuyên Đại Tây Dương Mỹ - châu Âu, dịch bệnh… Nhưng điểm nhấn được nhiều người quan tâm tại hội nghị năm nay là việc nhiều diễn giả chỉ trích sự thiếu trách nhiệm của 3 cường quốc: Mỹ, Trung Quốc và Nga, đẩy thế giới vào bất ổn, khó đoán định.
Còn ở cấp độ khu vực, những vấn đề an ninh chiếm khá nhiều thời gian của diễn đàn là vấn đề Trung Đông, quan hệ Mỹ - Iran, Israel - Palestine xung quanh kế hoạch Hòa bình Trung Đông của Tổng thống Mỹ Donald Trump… Chúng bộc lộ rằng, Mỹ đang đứng ở phía bị cô lập, cả châu Âu cùng Trung Quốc, Nga, Ấn Độ cùng đứng về 1 phía phản đối Mỹ. Qua đó, tôi cho rằng không khí khá cởi mở và thẳng thắn tại MSC khi nhiều học giả phương Tây thẳng thắn phê phán cách ứng xử của chính quyền Tổng thống Trump đối với Israel và một loạt biểu hiện trong 3 năm cầm quyền của ông. Ngoài ra, xung đột Donbass (Ukraine), vấn đề Libya, Yemen, Syria, Afghanistan, Dòng chảy phương Bắc 2 của Nga… cũng được bàn thảo tại hội nghị lần này, cho thấy vấn đề an ninh khu vực tập trung vào Trung Đông, phản ánh rằng đây vẫn tiếp tục là điểm nóng.
Nhiều vụ tấn công liên tiếp tại Afghanistan năm 2018 - 2019 khiến hàng trăm dân thường thiệt mạng và bị thương. Ảnh: Reuters |
PV:Trong số những vấn đề Thiếu tướng đã nêu, đâu là thực tế bộc lộ rõ những mâu thuẫn lớn nhất giữa các quốc gia, lực lượng trên toàn cầu, thưa ông?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Qua mấy ngày nhóm họp MSC,thấy rõ nhất vẫn là những mâu thuẫn giữa 2 siêu cường Mỹ và Trung Quốc, thậm chí cảm nhận đâu đó như không khí một cuộc “Chiến tranh Lạnh” đã bắt đầu giữa 2 nước này. Quan hệ Mỹ - Nga cũng được đề cập khá nhiều. Các đại biểu dự hội nghị mong muốn 3 cường quốc này có trách nhiệm hơn, giải quyết ổn thỏa mối quan hệ giữa các bên, tăng cường hợp tác để đối phó với những thách thức toàn cầu. Ở cấp độ khu vực, mâu thuẫn lớn nhất có lẽ là trong quá trình giải quyết mối quan hệ Israel - Palestine và Mỹ - Iran, bộc lộ việc ngay trong thế giới phương Tây, châu Âu hoàn toàn phản đối, bất bình trước kế hoạch Hòa bình Trung Đông mà ông Trump công bố hồi tháng 1, cũng như không đồng tình với việc Mỹ khởi sự căng thẳng, xung đột quân sự với Iran, tác động đến kinh tế toàn cầu và khu vực.
Ngoài ra, những vấn đề khác cũng không tạo ra đồng thuận như: chống biến đổi khí hậu, cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược, phòng chống dịch bệnh như Covid-19…
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich, bác bỏ quan ngại của các quốc gia phương Tây rằng Mỹ đang rút dần vai trò trên trường quốc tế. Ảnh: AFP |
Bất bình đẳng trong quan hệ quốc tế
PV:Như vậy, theo Thiếu tướng nhân loại hiện đang đứng trước những thách thức an ninh nào?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Có 4 thách thức lớn, thứ nhất và lớn nhất là bất bình đẳng, mất dân chủ trong quan hệ quốc tế. Một số cường quốc tự cho mình quyền bất chấp luật pháp quốc tế, một số quốc gia, đặc biệt nước nhỏ, có lúc phải chịu thua thiệt trong thiết kế và tiến hành các mối quan hệ song phương và đa phương.
Thứ hai là tính hiệu lực và khả thi của Hiến chương Liên hợp quốc và hệ thống luật pháp quốc tế, các định chế quốc tế trên tất cả các lĩnh vực đang đứng trước thách thức rất nghiêm trọng. Vấn đề cơ bản trong Hiến chương Liên hợp quốc và các đạo luật quốc tế ngăn cấm các quốc gia dùng hay đe dọa dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp, cưỡng chế cướp đoạt lãnh thổ của nước khác. Thế nhưng, chỉ riêng Israel đã tiến hành hàng chục cuộc chiến để cướp đất của người Palestine, ngang nhiên xây dựng khu định cư trên đất của đối phương, Mỹ đơn phương công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, hành động của Trung Quốc trên Biển Đông vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm chủ quyền các nước…
Thứ ba, về an ninh và chính trị, thế giới hiện bất ổn, khó đoán định, khó kiểm soát. Thứ tư là thách thức do “bộ ba” đói nghèo, dịch bệnh, biến đổi khí hậu đặt ra. Thế nhưng, nhân loại đang chia rẽ, thiếu hợp tác để ứng phó với thách thức và thảm họa.
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas (ngồi giữa) chủ trì cuộc họp các Ngoại trưởng tại Diễn đàn An ninh Munich ngày 16/02/2020. Ảnh: Reuters/Michael Dalder |
PV: MSC 2020 đã đề cập các vấn đề an ninh châu Á như thế nào thưa Thiếu tướng?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Như đã đề cập, những vấn đề tại Trung Đông và Nam Á như quan hệ Mỹ - Iran, Israel - Palestine, Syria, Afghanistan… được nhắc đến khá nhiều. Còn ở Đông Á, vấn đề hạt nhân, tên lửa đạn đạo của Triều Tiên và quan hệ đang đóng băng, chưa có lối ra với Mỹ cũng được nhắc đến. MSC cũng yêu cầu giải quyết tranh chấp giữa các nước trên Biển Đông thông qua các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Mâu thuẫn trong dàn xếp, ngăn chặn thảm họa
PV:Thái độ của các nước trước các thách thức an ninh thế giới ra sao, thưa Thiếu tướng?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Nhân loại đứng trước 2 thảm họa: hạt nhân và biến đổi khí hậu, dịch bệnh. Trước thảm họa hủy diệt hạt nhân, nghịch lý là Nga - Trung - Mỹ đều tuyên bố mong muốn không có bom nguyên tử, có định chế ngăn phát triển vũ khí hạt nhân hàng loạt, cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược, nhưng vì lợi ích riêng, họ mâu thuẫn trong cách dàn xếp, tìm giải pháp ngăn thảm họa. Đối với những vấn đề nhân đạo như chống dịch bệnh, biến đổi khí hậu, đói nghèo, 3 cường quốc trên cùng các nước giàu ở châu Âu cũng khẳng định sẵn sàng chia sẻ và hợp tác, nhưng cũng vì đứng trên lập trường lợi ích dân tộc, quốc gia mình, nên thái độ, khả năng hợp tác của các nước cách xa nhau, và điều này càng bộc lộ gay gắt tại MSC 2020.
Việt Nam cần "dĩ bất biến, ứng vạn biến"
PV:Cuối cùng, trước thực tiễn nhiều thách thức đến vậy, theo ông các quốc gia, trong đó có Việt Nam nên lựa chọn ứng phó ra sao?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Có lẽ các nước, nhất là các nước tầm trung, quy mô vừa phải phải thực hiện phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Nghĩa là, các quốc gia, trong đó có Việt Nam phải tập trung và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để nhanh chóng nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia, trong đó quan trọng nhất là khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, xây dựng nền kinh tế đứng vững trên điều kiện cụ thể của mình. Song song với đó, cần tỉnh táo quan sát biến động khu vực và thế giới, để kịp thời ứng phó có hiệu quả, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại. Cần đặc biệt lưu tâm đến tình hình kinh tế toàn cầu, đồng thời bám sát những diễn biến trong quan hệ nước lớn, nhất là giữa Mỹ - Trung để làm chủ tình hình, điều chỉnh chính sách đối ngoại kịp thời, không bị cuốn xung đột, mâu thuẫn giữa các cường quốc, bảo vệ an ninh, phát triển đất nước.
PV: Trân trọng cảm ơn Thiếu tướng!