Dấu ấn năm 2020 và dự báo thế giới giai đoạn 2021-2024

Thiếu tướng Lê Văn Cương – Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an trả lời phỏng vấn Báo Nghệ An về tình hình thế giới

P.V: Thưa Thiếu tướng, thế giới năm 2020 đã chứng kiến những thay đổi, biến động dữ dội về kinh tế, xã hội, chính trị… với hàng trăm, hàng nghìn sự kiện lớn, nhỏ đã diễn ra. Theo Thiếu tướng, đâu là sự kiện trong năm nay có ảnh hưởng đến tiến trình phát triển của quốc tế trong những năm tiếp theo?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Năm 2020, thế giới xảy ra hàng trăm, hàng nghìn sự kiện lớn, nhỏ. Trong đó, đại dịch Covid-19 là dấu ấn bao trùm lên hoạt động của nhân loại trên hành tinh trong năm 2020, làm đảo lộn đời sống, xã hội ở tất cả các châu lục. Trên lĩnh vực chính trị, an ninh, quan hệ quốc tế, thì hầu hết các học giả trên thế giới đều chọn cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ lần thứ 46, diễn ra ngày 3/11/2020 là sự kiện quan trọng nhất trong năm, để lại dấu ấn lâu dài nhất không chỉ một quốc gia mà trên toàn thế giới. Có thể nói, đây là việc riêng của Hoa Kỳ, nhưng Hoa Kỳ là siêu cường quốc, có tính ảnh hưởng quyết định đến tiến trình phát triển của quốc tế ở nhiều phương diện. Cho nên, bầu cử Tổng thống Mỹ bao giờ cũng lôi cuốn sự chú ý lớn nhất của cộng đồng quốc tế. Mặc khác, cuộc bầu cử nước Mỹ năm nay diễn ra trong bối cảnh đặc biệt quan trọng. Xung quanh cuộc bầu cử năm 2020 có 3 vấn đề mà dư luận quốc tế đã đang và tiếp tục bàn cãi. Đó là, tại sao Tổng thống Donald Trump lại thất bại? Trong 4 năm cầm quyền, Donald Trump đã có những thành công, thất bại gì? Trong quá trình trước khi bầu cử, trong bầu cử, Trung Quốc muốn ai làm Tổng thống Mỹ thứ 46?

Về thành công và thất bại của Tổng thống Trump, vấn đề này dư luận, các nhà khoa học, người dân Mỹ vẫn tiếp tục mất nhiều thời gian bàn cãi để đánh giá thành công và thất bại của ông trong nhiệm kỳ vừa qua. Với tư cách là một nhà nghiên cứu, theo tôi, trong nhiệm kỳ 2017-2020, ông Trump có thành công lớn nhất, được 328 triệu người Mỹ và cộng đồng quốc tế thừa nhận là thành công trong lĩnh vực kinh tế. Trong gần 4 năm cầm quyền, bằng nhiều biện pháp kinh tế quan trọng, như giảm thuế thu nhập cá nhân, doanh nghiệp, đã kích thích đầu tư phát triển kinh tế. Tất nhiên, chính sách giảm thuế không phải là một “cây gậy thần”, mà chính sách này chỉ có hiệu quả trong một thời gian, giai đoạn lịch sử nào đó, còn nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu của quốc gia, sẽ nảy sinh ra nhiều vấn đề khác. Nhưng ít ra trong mấy năm vừa qua, với chính sách giảm thuế và một loạt biện pháp khác, Tổng thống Donald Trump đã vực dậy nền kinh tế Hoa Kỳ, có thể nói, nền kinh tế Mỹ đã thăng hoa, tạo dấu ấn tích cực, thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu phát triển, đây là thành công rất lớn của Tổng thống Donald Trump!

Thành công thứ 2 trên phạm vi toàn cầu, về vấn đề này còn ít người đề cập, nhưng không thể không nhắc đến, là Donald Trump đã thức tỉnh cộng đồng quốc tế về những thủ đoạn cạnh tranh không lành mạnh của Trung Quốc. Đã hàng chục lần Donald Trump công khai tuyên bố với nước Mỹ và thế giới, phê phán, chỉ trích 4 thủ đoạn cạnh tranh không lành mạnh của Trung Quốc. Đó là hơn 30 năm, Trung Quốc ghìm giá đồng Nhân dân tệ thấp hơn giá trị thật của nó, phục vụ cho mục đích xuất khẩu của Trung Quốc, hành động này bị WTO ngăn cấm. Thủ đoạn cạnh tranh không lành mạnh thứ 2, là nhà nước chi tiền bao cấp hậu thuẫn cho các doanh nghiệp sản xuất dịch vụ giá rẻ cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, vi phạm Luật Thương mại thế giới. Hành động thứ 3, là Trung Quốc bắt buộc các tập đoàn, các doanh nghiệp của Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu, phải chuyển giao công nghệ cao cho Trung Quốc, nếu muốn làm ăn tại Trung Quốc. Hành động thứ 4, là ăn cắp trí tuệ của Hoa Kỳ, mỗi năm Hoa Kỳ bị Trung Quốc đánh cắp hàng trăm tỷ đô la vì bị đánh cắp tài liệu, sở hữu trí tuệ. Năm 2016, ứng cử viên Trump nói rằng, chính 4 hành động này, Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế, cạnh tranh không lành mạnh, làm thiệt hại nền kinh tế Hoa Kỳ nói riêng và thế giới nói chung, chỉ đem lại lợi ích riêng cho Trung Quốc. Chính những năm lăn lộn kinh doanh trên thương trường trước khi bước vào Nhà Trắng, đã giúp cho ông Trump hơn hẳn những người tiền nhiệm hiểu biết về thương trường. Trước đây, các Tổng thống Mỹ chưa đề cập về vấn đề này một cách sâu sắc, toàn diện như Donald Trump. Chính Donald Trump đã cảnh báo, nhắc nhở cộng đồng quốc tế cần phải cảnh giác và có biện pháp đối phó với những hành động cạnh tranh không lành mạnh của Trung Quốc. Đó là đóng góp của ông Trump đối với kinh tế thế giới.

Cách ứng phó với đại dịch Covid-19 đã làm cử tri Mỹ mất niềm tin vào Donald Trump.
Cách ứng phó với đại dịch Covid-19 đã làm cử tri Mỹ mất niềm tin vào Donald Trump.

Về thất bại của ông Donald Trump, có lẽ thất bại lớn nhất, làm cho ông thất bại ở cuộc bầu cử vào nhiệm kỳ 2 chính là ứng xử với đại dịch Covid-19. Ông đã không có chiến lược, chính sách rõ ràng, nhất quán trong phòng, chống đại dịch này. Khiến cho người dân Hoa Kỳ không chấp nhận bầu ông vào nhiệm kỳ 2. Đại dịch Covid-19 đã khiến cho nền kinh tế Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề. Số người Mỹ chết do dịch Covid-19 đã trở thành thảm họa, làm cho cử tri Mỹ không còn tin Donald Trump. Cùng với việc thất bại trong xử lý Covid-19, Donald Trump cũng xử lý không thành công trong bạo loạn chống phân biệt chủng tộc khi một cảnh sát bóp cổ làm một người da màu chết, khiến cho ngọn lửa bạo lực bùng phát khắp nước Mỹ.

Có thể nói, sai lầm lớn nhất, yếu kém lớn nhất, là với tư cách lãnh đạo một siêu cường, Donald Trump đã không biết quản trị đất nước trong tình trạng khẩn cấp. Chính sai lầm này làm cho ông ta thất bại trong cuộc tranh cử 2020.

Thất bại thứ 2 là đối ngoại, giai đoạn Donald Trump cầm quyền đã làm cho mối quan hệ bạn bè đồng minh với nước Mỹ rơi vào khủng khoảng. Gây ra mâu thuẫn với châu Âu, làm suy yếu khối NATO, mối quan hệ với Nhật, Hàn… cũng sa sút, làm ảnh hưởng sức mạnh, vai trò vị thế của Hoa Kỳ. Chính Donald Trump đã làm cho thế trận liên minh bao vây Trung Quốc suy yếu nghiêm trọng. Có thể nói đây là “món quà” vô giá mà Donald Trump đã vô tình dâng lên Trung Quốc. Làm cho Trung Quốc có cơ hội lôi kéo các nước này ngả về phía Trung Quốc. Về quan hệ đối ngoại, chưa bao giờ Trung Quốc được hưởng lợi như thời kỳ Donald Trump cầm quyền.

Vấn đề thứ 2 là, Donald Trump rút khỏi Hiệp định biến đổi khí hậu, các diễn đàn lớn của thế giới Hoa Kỳ cũng vắng mặt, tạo ra một lỗ hổng, điều kiện cho Trung Quốc xuất hiện, nắm quyền lực thay Mỹ để chi phối thế giới, đây cũng là “món quà” quý thứ 2 mà Donald Trump đã vô tình trao cho Trung Quốc, làm cho Trung Quốc phát huy vai trò trên toàn cầu. Đây là những vấn đề mà lịch sử thế giới sẽ đánh giá.

P.V: Theo Thiếu tướng, về vấn đề bầu cử Mỹ, nhiều người quan tâm Trung Quốc thích Donald Trump hay Joe Biden, Thiếu tướng có nhận định gì về vấn đề này?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Không ít học giả thế giới cho rằng, Trung Quốc không thích Donald Trump, vì ông đã “đánh vỗ mặt” Trung Quốc về kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng, nhiều lần công khai phê phán Trung Quốc. Donald Trump đã bóc trần bản chất Trung Quốc cho thế giới biết. Vì thế, Trung Quốc ghét bỏ ông Trump mà muốn Joe Biden trúng cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới. Hơn nữa, dưới thời Obama, ông Biden từng làm Phó Tổng thống, lúc đó chính quyền Obama đã khá mềm mỏng, khiến cho Trung Quốc đã “tự tung tự tác”, vi phạm luật pháp quốc tế, nhưng chính quyền Obama phản ứng yếu ớt. Nên nhiều người cho rằng Trung Quốc muốn ông Joe Biden làm Tổng thống Mỹ, vì cho rằng ông này sẽ thực hiện chính sách mềm mỏng như thời Obama, có lợi cho Trung Quốc.

Với tư cách nhà nghiên cứu Hoa Kỳ lâu năm, tôi cho rằng, cho dù trước bầu cử Mỹ, Trung Quốc giữ im lặng tuyệt đối, nhưng trong thâm tâm, họ vẫn thiết tha mong Donald Trump tiếp tục làm Tổng thống. Vì trong nhiệm kỳ cầm quyền, Donald Trump đã làm suy yếu các liên minh phương Tây, đây là “món quà quý”, có lợi cho Trung Quốc. Mặc dù ông Trump tạo nên cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc, nhưng điều này vẫn không gây bất lợi lớn cho Trung Quốc. Nên Trung Quốc mong muốn ông Trump tiếp tục nhiệm kỳ thứ 2 để tiếp tục làm suy yếu phương Tây và các liên minh đang cản trở “giấc mộng Trung Hoa”.

P.V: Thiếu tướng có dự báo gì về tình hình thế giới trong năm 2021 và các năm tiếp theo?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Theo tôi, tình hình thế giới trong những năm tiếp theo phụ thuộc rất lớn và chính sách của tân Tổng thống Mỹ trong nhiệm kỳ tới. Theo tôi trước mắt, việc quan trọng, cấp bách nhất khi vào Nhà Trắng nhậm chức, ông Joe Biden sẽ tập trung mọi nguồn lực, mọi cố gắng để đối phó với đại dịch Covid-19. Nếu không giải quyết được dịch Covid-19 thì kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục sa sút, không giữ được vị thế số 1 của thế giới. Việc thứ 2 là hàn gắn vết thương, mất lòng tin, bất bình trong xã hội Mỹ, việc này phải làm lâu dài. Về mặt kinh tế, ông Biden sẽ khôi phục lại Quỹ Obama Care, nhưng điều quan trọng hơn, chúng ta xem ông ta làm gì trong quan hệ quốc tế. Việc đầu tiên là Biden khôi phục lại liên kết liên minh xuyên Đại Tây Dương giữa Hoa Kỳ với châu Âu, sửa sai những việc làm trước đây của Donald Trump. Củng cố lại NATO, xốc lại châu Âu để đối phó với Nga. Nên quan hệ Nga với châu Âu, Nga với Hoa Kỳ sẽ nhiều khó khăn.

Quan hệ Nga - Phương Tây sẽ trở nên gay gắt. Ảnh minh họa
Quan hệ Nga - Phương Tây sẽ trở nên gay gắt. Ảnh minh họa

Đối với Trung Đông, Biden sẽ không thay đổi những quyết định cơ bản mà Donald Trump đã tạo lập, mà chỉ điều chỉnh những bước nhỏ. Khả năng ông Biden sẽ quay lại thỏa thuận P5+1 với Iran với sự thay đổi nhỏ, là không khiêu khích Iran. Cố gắng tránh xung đột quân sự với Iran theo cách mà Obama đã từng làm. Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, Biden sẽ khôn khéo theo kiểu “lạt mềm buộc chặt”, để Thổ Nhĩ Kỳ xa rời Nga. Biden sẽ tập hợp lực lượng ở Trung Đông để đối phó với sự hiện diện của Nga, Trung Quốc tại khu vực này.

Đối với những vấn đề khác, như Triều Tiên, Biden sẽ tiếp cận theo phương pháp của Obama trước đây. Nên trong 4 năm tới đây sẽ không có cuộc gặp cấp cao giữa Biden và Kim Jong-un, nhưng chính quyền Biden sẽ không làm nóng bán đảo Triều Tiên, mà tiếp tục duy trì mối quan hệ đối thoại ở cấp thấp. Đối với Cuba, chính quyền Biden sẽ khôi phục từng bước nhỏ trong quan hệ Cuba, các mối quan hệ khác cũng sẽ được từng bước khôi phục.

Còn với Trung Quốc, “Tuần trăng mật Mỹ – Trung” trong giai đoạn 1978 – 2016 đã qua, từ nay trở đi thì tính đối đầu, cạnh tranh ngày càng quyết liệt, căng thẳng, nhưng không có chiến tranh lạnh, càng không có chiến tranh nóng giữa Mỹ – Trung, mà vẫn trong vòng kiểm soát. Chính vì tham vọng “giấc mộng Trung Hoa” đã đánh thức cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa, thống nhất đánh giá Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chính vị trí siêu cường của Mỹ. Điều mà Trung Quốc lo ngại nhất, là khả năng tập hợp liên minh chống Trung Quốc của ông Biden. Cho dù mối quan hệ ngày càng căng thẳng, nhưng họ vẫn hợp tác với nhau.

Một vấn đề liên quan đến châu Á, Thái Bình Dương là “Bộ tứ kim cương” Mỹ – Nhật – Úc – Ấn Độ, nhiều người cho rằng, 4 nước này sẽ liên minh quân sự để chống lại Trung Quốc, nhưng theo tôi, trong những năm tới sẽ chưa có liên minh quân sự giữa 4 quốc gia này.

Theo tôi, quan hệ quốc tế trong những năm tới vừa cạnh tranh, vừa hợp tác. Trong đó, tính cạnh tranh ngày càng gay gắt, mang tính đối đầu.

P.V: Theo Thiếu tướng, mối quan hệ Việt Nam và các nước trên thế giới trong những năm tới sẽ như thế nào?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Một số người lo lắng rằng, khi ông Joe Biden đắc cử Tổng thống Mỹ ở nhiệm kỳ tới, thì quan hệ Việt – Mỹ sẽ không tốt đẹp như thời ông Donald Trump. Tôi cho rằng, lo lắng này không có cơ sở. Vì hai lý do, lý do thứ nhất là quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ đã có 25 năm phát triển củng cố vững chắc. Chúng ta vừa kỷ niệm 1/4 thế kỷ khôi phục quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ. Đây là một sản phẩm, tài sản quý giá của 2 nước. Cho dù ông Joe Biden đắc cử Tổng thống Mỹ thì ông cũng không thể bỏ tài sản này. Điều thứ hai, hơn lúc nào hết, cho dù ai làm Tổng thống thì Mỹ cần tập hợp lực lượng đối phó với “Giấc mộng Trung Hoa”. Cho dù có một số va chạm nhỏ trên một số lĩnh vực, nhưng vì lợi ích của 2 nước, những va chạm này sẽ không ảnh hưởng đến mối quan hệ của 2 nước. Hai bên đều cần nhau về những lợi ích hợp tác, nên mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ sẽ tiếp tục được củng cố phát triển.

Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò vị thế của mình trên trường quốc tế.
Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò vị thế của mình trên trường quốc tế.

Trong năm 2020 vừa qua, chúng ta đã thể hiện vai trò quan trọng trên chính trường quốc tế. Việt Nam đã làm xuất sắc vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN, hiện nay đang là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, mới đây chúng ta đề ra sáng kiến lấy ngày 27/12 hàng năm làm ngày đối phó đại dịch, được cộng đồng quốc tế chấp nhận. Tôi cho rằng, chưa bao giờ Việt Nam có vai trò, vị thế rất lớn trên chính trường thế giới lớn như bây giờ, đây là tài sản rất quý của Việt Nam, cho nên các nước cũng rất cần Việt Nam, do đó, các mối quan hệ quốc tế của Việt Nam trong những năm tiếp theo sẽ phát triển tốt đẹp!

P.V: Xin cảm ơn Thiếu tướng!