Tướng Cương: Quan hệ Nga - Mỹ từ đối kháng - không đối thoại đến đối kháng - đối thoại

Phương Thúy 18/07/2018 10:30

(Baonghean.vn) - Ngày 16/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin có cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên tại thủ đô Helsinki của Phần Lan trong bối cảnh quan hệ hai nước ở mức thấp chưa từng có. Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với PGS.TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Bộ Công an về cuộc gặp lịch sử này.

Hai nhà lãnh đạo cùng bắt tay tại cuộc họp báo. Ông Trump vẫn có động tác vỗ vai đối tác bắt tay như thường lệ. Nguồn: Getty Images
Hai nhà lãnh đạo cùng bắt tay tại cuộc họp báo. Ông Trump vẫn có động tác vỗ vai đối tác bắt tay như thường lệ. Nguồn: Getty Images

P.V: Thưa Thiếu tướng, ông có thể cho biết tại sao Tổng thống Mỹ Donald Trump lại đề nghị gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin vào thời điểm này?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Mặc dù quan hệ Mỹ và Nga xấu nhất kể từ năm 1945 đến bây giờ, thậm chí coi nhau là kẻ thù, nhưng họ vẫn phải gặp nhau, bởi để đảm bảo an ninh, lợi ích của Mỹ, buộc lòng Tổng thống Mỹ phải gặp Tổng thống Nga. Ngược lại để bảo vệ lợi ích, an ninh quốc gia, Tổng thống Putin cũng sẵn sàng gặp người đồng cấp nước Mỹ. Đây được coi là nguyên nhân quan trọng nhất. Chúng ta có thể thấy rằng, trên thế giới này chỉ duy nhất Nga mới có ảnh hưởng, tác động trực tiếp và mạnh mẽ nhất đến an ninh quốc gia của Mỹ. Vì nước này là siêu cường hạt nhân, sức mạnh quân sự vượt hẳn Trung Quốc và có khả năng hủy diệt Mỹ.

Đối với các vấn đề trọng đại của thế giới như ngăn cấm phổ biến vũ khí hàng loạt, cuộc chiến Syria, Triều Tiên, mối quan hệ giữa Nga và châu Âu... Mỹ đều cần sự hợp tác của Nga, nếu không chắc chắn sẽ không giải quyết được. Ngược lại, phía Nga cũng rất cần hợp tác với Mỹ vì chỉ trong điều kiện quan hệ hai nước đỡ căng thẳng thì mới có điều kiện thuận lợi để phát triển. Đây chính là lý do cho dù hai nước đối đầu nhưng họ phải gặp nhau.

P.V: Thiếu tướng đánh giá thế nào về kết quả cuộc gặp thượng đỉnh giữa các ông Donald Trump và Putin?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Chúng ta nhớ rằng trước khi diễn ra cuộc gặp ngày 16/7 thì cả Tổng thống Vladimir Putin và Tổng thống Donald Trump cho rằng khó tạo ra đột phá. Tuy nhiên, trên thực tế đã chứng minh diễn biến khác với dự đoán.

Xe chở Tổng thống Mỹ Donald Trump và Đệ nhất phu nhân Melania trên đường đến cung điện. Nguồn: EPA
Xe chở Tổng thống Mỹ Donald Trump và Đệ nhất phu nhân Melania trên đường đến cung điện. Nguồn: EPA

Trong cuộc gặp thượng đỉnh tại thủ đô Helsinki, Phần Lan, danh sách mà Tổng thống Donald Trump gặp Tổng thống Putin tựu trung có 10 vấn đề gồm: Việc Nga sáp nhập Crimea và cuộc xung đột phía Đông Ukraine; tìm một giải pháp chính trị để kết thúc cuộc xung đột kéo dài 7 năm ở Syria; chương trình hạt nhân của Iran và việc duy trì thỏa thuận P5+1; chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên; hiệp định cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược, đến tháng 2/2021 hết hạn hoặc có hiệu lực mới; vấn đề an ninh của châu Âu và mối quan hệ giữa NATO với Nga; cấm vũ khí giết người hàng loạt; năng lượng, kể cả vấn đề quản lý sử dụng Bắc cực và Nam cực; quan hệ song phương Nga - Mỹ, kể cả việc Nga có can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào cuối năm 2016 hay không; vấn đề an ninh mạng và chống khủng bố.

Quân đội Nga đóng ở Syria. Ảnh tư liệu minh họa
Quân đội Nga đóng ở Syria. Ảnh tư liệu minh họa


Mặc dù có cả chục vấn đề nhưng theo tôi, Tổng thống Donald Trump quan tâm nhất là thuyết phục Tổng thống Putin nhân nhượng, hợp tác với Mỹ tốt hơn trong việc chấm dứt cuộc xung đột ở Syria và chương trình hạt nhân Iran. Mặt khác, ông Donald Trump cũng hy vọng thông qua Tổng thống Putin bằng mọi cách tác động để Iran rút quân tại Syria.

Còn về phía mình, phát biểu trong cuộc họp báo chung sau cuộc hội đàm mở rộng, Tổng thống Putin cho biết, hai bên đã thảo luận hiện trạng quan hệ song phương và đánh giá cuộc hội đàm đã diễn ra hiệu quả, tích cực trên tinh thần thẳng thắn và cởi mở, đánh dấu những bước đầu tiên nhằm cải thiện quan hệ hai nước. Hai bên đã nhất trí thành lập Hội đồng chuyên gia chung để tìm biện pháp giải quyết những vấn đề còn tồn tại trong quan hệ song phương.

Nhà lãnh đạo hai nước tỏ ra hài lòng về kết quả cuộc họp. Nguồn: Reuters
Nhà lãnh đạo hai nước tỏ ra hài lòng về kết quả cuộc họp. Nguồn: Reuters

Đồng thời, hai nhà lãnh đạo cũng đã tạo ra được nhận thức chung trong việc tìm ra giải pháp chính trị về các vấn đề nóng của nền chính trị quốc tế như: Việc giải quyết cuộc khủng hoảng tại Ukraine, cuộc chiến Syria, vấn đề hạt nhân của Iran và bán đảo Triều Tiên. Bên cạnh đó, vấn đề được quốc tế quan tâm nhất chính là Nga có can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cuối năm 2016? Trong cuộc gặp, cả hai nhà lãnh đạo đều không lảng tránh vấn đề này. Ông Trump không quy trách nhiệm cho Tổng thống Putin. Còn ông Putin khẳng định, Nga không can thiệp vào tiến trình bầu cử của Mỹ và sẵn sàng hợp tác trong các nhóm làm việc chung về an ninh mạng.

Có thể nói rằng cuộc gặp Thượng đỉnh vừa rồi không có đột phá nhưng đã mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ Mỹ - Nga, từ đối kháng không đối thoại đến đối kháng - đối thoại.

P.V: Tại sao cuộc gặp giữa Tổng thống Nga và Mỹ lại không có tuyên bố chung, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Theo tôi, nguyên nhân thứ nhất là trong cuộc gặp lần này, hai bên chỉ nêu ra vấn đề để trao đổi, có một số vấn đề nhất trí thỏa thuận hợp tác với nhau, vì thế khó đưa ra được tuyên bố chung.


Phái đoàn của hai nước Nga, Mỹ cùng tham gia bữa ăn trưa làm việc tại Dinh Tổng thống ở Phần Lan. Nguồn: Getty Images
Phái đoàn của hai nước Nga, Mỹ cùng tham gia bữa ăn trưa làm việc tại Dinh Tổng thống ở Phần Lan. Nguồn: Getty Images

Thứ hai là nội bộ Mỹ quá phức tạp, có những tiếng nói không đồng tình cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước. Trong khi đó, NATO lo lắng, còn Triều Tiên chỉ là vấn đề khu vực, còn Nga chính là vấn đề toàn cầu, tác động lớn đến Mỹ nên ông Trump không vội vàng đưa ra các tuyên bố khi chưa đủ độ chín. Bởi, nếu vội vàng thì có nguy cơ tác động đến sinh mệnh chính trị của vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.

Cuộc gặp Thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Putin
Cuộc gặp Thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Putin

P.V: Thưa Thiếu tướng, cuộc gặp Thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Putin có tác động như thế nào đến Việt Nam?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ và Tổng thống Nga có tác động rất lớn đến Việt Nam. Nga là đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam, còn Mỹ là đối tác toàn diện của Việt Nam. Mỹ với Nga căng thẳng, đối đầu, hoàn toàn không có lợi cho Việt Nam, đặt ta ở thế khó xử trong mối quan hệ với Nga và Mỹ trên các phương diện.

Do đó, khi Mỹ và Nga đã bớt căng thẳng, bắt đầu đối thoại sau cuộc gặp này, tôi cho rằng sẽ có tác động rất tích cực, tạo ra một không gian rộng mở cho Việt Nam trong hoạt động đối ngoại cả về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh với đối tác chiến lược toàn diện là Nga và đối tác toàn diện là Mỹ. Đây cũng là tác động tích cực của cuộc gặp này đối với thế giới và khu vực.

P.V: Trân trọng cảm ơn Thiếu tướng!

Theo Kỹ thuật: Hữu Quân
Copy Link

Mới nhất

x
Tướng Cương: Quan hệ Nga - Mỹ từ đối kháng - không đối thoại đến đối kháng - đối thoại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO