94 năm ngành Tuyên giáo

Xây dựng Đảng

Tuyên giáo - công tác lãnh đạo ra đời sớm nhất, linh hồn mọi công tác của Đảng

TS Lê Đức Hoàng 30/07/2024 08:47

Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo mang ý nghĩa chính trị, tư tưởng, văn hóa sâu sắc, thể hiện một mốc son lịch sử đánh dấu sự ra đời, trưởng thành về lĩnh vực công tác tuyên giáo của Đảng - lĩnh vực có lịch sử ra đời sớm nhất trong hoạt động lãnh đạo của Đảng, khẳng định tầm quan trọng hàng đầu của công tác tư tưởng.

1. Trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã có những hoạt động truyền bá tư tưởng vô sản, gắn với công lao to lớn của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc[1], trong đó có vai trò của chí sĩ yêu nước Nguyễn An Ninh[2]. Khi Hội Việt Nam cách mạng thanh niên thành lập năm 1925, nội dung công tác tư tưởng, tuyên giáo được đẩy mạnh một bước (mặc dù chưa có khái niệm đó). Điều lệ của Hội ghi rõ công tác Đảng gồm có các ban, như: Ban Bí thư, Ban Giao thông, Ban Tuyên truyền, Ban Tổ chức, Ban Tài chính, Ban Nông nghiệp, Ban Công nghiệp, Ban Quân sự, Ban Giáo dục, Ban Phụ nữ[3]. Như vậy, có thể coi Ban Tuyên truyềnBan Giáo dục của Hội là tiền thân cơ quan ban tuyên giáo của Đảng ta.

Khi chưa trở thành Đảng cầm quyền, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, nhiệm vụ cơ bản, cấp bách lúc bấy giờ là tuyên truyền, giáo dục, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân biết, hiểu, tin và tích cực hành động theo Cương lĩnh chính trị, đường lối cách mạng của Đảng; không ngừng truyền bá làm cho hệ tư tưởng vô sản ngày càng ăn sâu, bám rễ trong đời sống xã hội Việt Nam. Vì vậy, khi Đảng ta mới ra đời tháng 2/1930 đã thành lập Ban Cổ động và Tuyên truyền, sau đổi là Bộ Tuyên truyền (tháng 10/1930), Bộ Tuyên truyền Cổ động (1934)... Từ năm 1930 đến 1945, mặc dù tên gọi khác nhau, nhưng đều là cơ quan tham mưu, giúp việc cho Trung ương Đảng về công tác tư tưởng (tuyên giáo).

Từ ngày 3 đến 7-2-1930, tại Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc), dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị hợp nhất ba tổ chức Cộng sản ở Việt Nam là Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, thành một đảng duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam. Tranh vẽ minh họa
Từ ngày 3 đến 7/2/1930, tại Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc), dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị hợp nhất ba tổ chức Cộng sản ở Việt Nam là Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, thành một đảng duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam. Tranh vẽ minh họa

Khi trở thành Đảng cầm quyền, đòi hỏi phải lãnh đạo toàn diện các lĩnh vực, theo đó cần triển khai nhiều công tác của Đảng, như: Công tác tư tưởng, công tác văn hóa - văn nghệ, công tác khoa giáo, công tác đối ngoại, công tác kinh tế, công tác dân vận... Để bảo đảm tính toàn diện và chuyên sâu, Đảng ta lập ra bộ máy tham mưu, giúp việc, với mỗi lĩnh vực công tác thường có bộ máy tổ chức tương ứng, thường gọi là các ban đảng. Tuy nhiên, để bảo đảm tinh gọn bộ máy, nhiều công tác được giao cho một cơ quan phụ trách.

2. Trong lịch sử Đảng ta, tính đến nay có hai lần thuật ngữ tuyên giáo được sử dụng làm tên gọi cho một cơ quan tham mưu của Đảng và theo đó, thuật ngữ công tác tuyên giáo ra đời, tồn tại cho đến ngày nay.

Lần thứ nhất là năm 1959, theo Quyết định số 91-QĐ/TW ngày 1/12/1959 của Ban Bí thư về việc hợp nhất Ban Tuyên huấn Trung ương và Ban Văn giáo Trung ương, thành Ban Tuyên huấn Văn giáo Trung ương, gọi tắt là Ban Tuyên giáo Trung ương. Đến năm 1968, theo Quyết định số 1584-QĐ/TW ngày 30/1/1968 của Bộ Chính trị về việc chia Ban Tuyên giáo Trung ương làm hai ban: Ban Tuyên hun Trung ươngBan Khoa giáo Trung ương. Nội hàm khái niệm công tác tuyên giáo thời kỳ này không trùng khít hoàn toàn với nội hàm công tác tuyên giáo hiện nay.

Bác Hồ nói chuyện với nông dân và xã viên Hợp tác xã nông nghiệp Lai Sơn, Vĩnh Phúc, năm 1958. Ảnh tư liệu
Bác Hồ nói chuyện với nông dân và xã viên Hợp tác xã nông nghiệp Lai Sơn, Vĩnh Phúc, năm 1958. Ảnh tư liệu

Lần thứ hai là từ năm 2007 đến nay, theo Quyết định số 80-QĐ/TW ngày 28/8/2007 của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban Tuyên giáo Trung ương, trên cơ sở sát nhập Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương và Ban Khoa giáo Trung ương. Tuy nhiên, công tác tuyên giáo thời kỳ này mang nội dung mới, có nội hàm rộng hơn thời kỳ trước đó.

Công tác tuyên giáo hiện nay bao gồm nhiều lĩnh vực, hoạt động. Xét về các mặt của công tác tuyên giáo, người ta thường đề cập đến các nội dung, như: Tham mưu ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo; hướng dẫn, tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách; đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện; sơ kết, tổng kết, đánh giá việc thực hiện. Xét về các hoạt động công tác tuyên giáo, người ta thường chú ý tới các mảng hoạt động, như: Nghiên cứu, giáo dục lý luận chính trị; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; định hướng tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; hoạt động báo cáo viên, tuyên truyền miệng, cổ động trực quan; định hướng, chỉ đạo báo chí - xuất bản, văn hóa - văn nghệ; nghiên cứu, điều tra, định hướng dư luận xã hội; công tác khoa giáo (khoa học, công nghệ, môi trường, giáo dục, đào tạo, dạy nghề, y tế, thể dục, thể thao, dân số, gia đình, trẻ em...); thông tin đối ngoại, hợp tác quốc tế...

Phạm vi công tác tuyên giáo hiện nay bao gồm theo ngành dọc với ý nghĩa là một công tác lãnh đạo của các cấp ủy Đảng (Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tuyên giáo tỉnh/thành ủy; Ban tuyên giáo huyện/quận, thành ủy; Ban tuyên giáo Đảng ủy xã, phường, thị trấn), công tác tuyên giáo ở Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, trong lực lượng vũ trang, các nhà trường, cơ quan, đơn vị...

Các đại biểu tham dự buổi lễ xem chuyên đề trưng bày. Ảnh Thành Chung
Các đại biểu nghe thuyết minh và xem chuyên đề “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” tại Quảng trường Hồ Chí Minh (TP. Vinh), tháng 5/2022. Ảnh tư liệu: Thành Chung

3. Tháng 2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, thành lập Ban Cổ động và Tuyên truyền[4]. Mấy tháng sau đó, Ban Cổ động và Tuyên truyền phát hành tài liệu “Tuyên truyền đại cương Ngày Quốc tế đỏ mồng một tháng tám[5], lên án chiến tranh đế quốc, kêu gọi chống chủ nghĩa đế quốc, chống áp bức, bóc lột, phản đối chiến tranh xâm lược, bảo vệ hòa bình, bảo vệ Liên Xô; giương cao khẩu hiệu: Xứ Đông Dương hoàn toàn độc lập! Lập chánh phủ công nông! Tịch ký hết thảy ruộng đất của bọn địa chủ bổn xứ và ngoại quốc đem phát cho dân cày! Đảng Cộng sản muôn năm! Cách mạng Đông Dương muôn năm!...[6]. Cuối tài liệu đó có ghi: “Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng Cộng sản ấn hành 1930”[7]. Đây là tài liệu duy nhất, sớm nhất còn lưu lại cho đến nay đề rõ: Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam ấn hành.

Tài liệu đó phát hành gây được dư luận rất lớn trong xã hội đương thời và có sức cổ vũ to lớn đối với quần chúng công nông nước ta đứng lên đấu tranh chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ Liên Xô, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Kể từ ngày 1/8 đến tháng 10/1930, trong cả nước nổ ra hàng trăm cuộc mít tinh, biểu tình của nhân dân ta chống chiến tranh đế quốc. Từ đó, ngày 1/8 trở thành một mốc lớn trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, gắn liền với sự ra đời của một tài liệu lịch sử vô cùng quý giá, đánh dấu một hoạt động rất có ý nghĩa trong lịch sử ngành tuyên giáo của Đảng.

Căn cứ vào những tài liệu và sự kiện lịch sử có ý nghĩa đặc biệt này, năm 2000, Bộ Chính trị (khóa VIII) quyết định lấy ngày 1/8 hằng năm làm Ngày Truyền thống công tác tư tưởng- văn hóa của Đảng. Ngày 28/8/2007, Bộ Chính trị có Quyết định số 80-QĐ/TW hợp nhất Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương và Ban Khoa giáo Trung ương, thành lập Ban Tuyên giáo Trung ương. Cùng năm 2007, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) quyết định lấy ngày 1/8 hằng năm làm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng.

bna-thuong-uy-tran-ngoc-tai-ngoai-cung-ben-phai-dat-giai-b-tai-cuoc-thi-chinh-luan-ve-bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang-9790.jpg
Các tập thể, cá nhân tỉnh Nghệ An đạt giải tại Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng năm 2023. Ảnh tư liệu: Ngân Hạnh

Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo mang ý nghĩa chính trị, tư tưởng, văn hóa sâu sắc, thể hiện một mốc son lịch sử đánh dấu sự ra đời, trưởng thành về lĩnh vực công tác tuyên giáo của Đảng - lĩnh vực có lịch sử ra đời sớm nhất trong hoạt động lãnh đạo của Đảng, khẳng định tầm quan trọng hàng đầu của công tác tư tưởng. Đây là một bộ phận cấu thành rất quan trọng trong hoạt động lãnh đạo của Đảng, là lĩnh vực trọng yếu của công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, “là linh hồn của mọi công tác của Đảng”[8], có ảnh hưởng lớn tới công tác lãnh đạo chính quyền và các tổ chức, đoàn thể trong hệ thống chính trị. Công tác tuyên giáo góp phần quan trọng vào việc hình thành cương lĩnh, đường lối chính trị của Đảng; truyền bá, giáo dục hệ tư tưởng, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; cổ vũ, động viên quần chúng nhân dân tích cực tham gia các phong trào, hành động thực tiễn cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đóng góp quan trọng làm nên những thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam suốt 94 năm qua.



[1] Hoạt động tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc ở cả phương diện lý luận và thực tiễn; Người dày công huấn luyện, đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ đầu tiên làm công tác tư tưởng của Đảng.

[2] Một số tài liệu cho rằng, Nguyễn An Ninh là người đầu tiên dịch Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản và tuyên truyền trên báo chi ở Việt Nam trước năm 1930; đăng báo tiếng Pháp La Cloche fêlée (Chuông rè) từ số 53 ngày 26-3-1926 đến số 60 ngày 26-4-1926.

[3] Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương (1977): Các tổ chức tiền thân của Đảng, HN, tr.83-84.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam (1998): Văn kiện Đảng toàn tập, tập 2, Nxb CTQG, HN, tr.37.

[5] Đại hội VI của Quốc tế Cộng sản quyết định lấy ngày 1/8 làm ngày Quốc tế đỏ; ngày 1/8 là ngày khởi đầu cuộc Chiến tranh thế giới I (1/8/1914)

[6] Văn kiện Đảng toàn tập, tập 2, sđd, tr.53-54.

[7] Văn kiện Đảng toàn tập, tập 2, sđd, tr.37.

[8] Trường Chinh (1962): Công tác tư tưởng của Đảng, Nxb Sự thật, Hà Nội, tr.26

Tuyên giáo - công tác lãnh đạo ra đời sớm nhất, linh hồn mọi công tác của Đảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO