Tuyển sinh năm 2024: Chọn nghề trước khi chọn trường

Mỹ Hà 16/01/2024 10:09

(Baonghean.vn) - Kỳ thi tốt nghiệp và xét tuyển vào đại học năm 2024 được xem là kỳ thi có tính chất đặc biệt, bởi đây là kỳ thi cuối cùng thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành.

“Lỡ hẹn” với kỳ thi năm nay, các sĩ tử sẽ gặp khó khăn khi từ năm 2025, học sinh sẽ thi theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Chương trình Tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp do Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã lần thứ 9 chọn điểm đến tại Nghệ An, một trong những tỉnh có số lượng thí sinh dự thi đông nhất cả nước. Năm nay, dù thời tiết không thuận lợi nhưng không chỉ thí sinh ở thành phố Vinh mà thí sinh nhiều huyện, thành, thị khác cũng có mặt từ rất sớm và ở lại đến trưa muộn để được trực tiếp nghe tư vấn đến từ các trường đại học.

Nhiều cơ hội ở kỳ thi đánh giá năng lực

Năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra quan điểm, giữ ổn định ở Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 để không làm xáo trộn quá nhiều việc học và thi của các thí sinh. Tuy nhiên, trong bối cảnh, nhiều trường đại học thay đổi phương thức xét tuyển và điểm thi tốt nghiệp không còn là ưu tiên hàng đầu, các thí sinh quan tâm nhiều hơn đến Kỳ thi đánh giá năng lực theo đề án riêng của các nhà trường.

Chia sẻ về Kỳ thi này, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Tại Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, thống kê 3 kỳ thi gần đây, số lượng thí sinh Nghệ An tham dự kỳ thi này khá đông với hơn 4.000 lượt thí sinh đăng ký dự thi và có khoảng 3.000 lượt thí sinh đạt kết quả. Đây là một kết quả tương đối cao so với nhiều tỉnh, thành khác.

ban-co-van-den-tu-cac-truong-dai-hoc-thong-tin-tuyen-sinh-ve-cac-ky-thi-trong-nam-2024-1090-3809.jpg
Ban tư vấn đến từ các trường đại học thông tin về các kỳ thi năm 2024. Ảnh: Mỹ Hà

Theo đại diện của Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Kỳ thi đánh giá năng lực của nhà trường nhằm đánh giá năng lực học sinh THPT theo chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông mới; định hướng nghề nghiệp cho người học trên nền tảng năng lực cá nhân. Với 70 trường đã sử dụng phương thức xét tuyển này nên hiện nay đề thi được bố trí tương đối rộng với tiêu chí ổn định phân loại và toàn diện, không có giới hạn của các môn thi.

Đưa ra lời khuyên cho các thí sinh, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Thảo cho rằng, trước khi tham dự kỳ thi này, thí sinh cần tìm hiểu các trường mình dự định đăng ký xét tuyển có lấy kết quả của kỳ thi này hay không. Thí sinh cũng có thể vào trang web của Trung tâm Khảo thí để xem cấu trúc đề thi, làm một số đề thi tham khảo. Trước thời gian dự thi một vài tuần cần hệ thống rà soát lại toàn bộ kiến thức để tham dự Kỳ thi này một cách tốt nhất. Năm nay, Kỳ thi này cũng được tổ chức tại Nghệ An vào 2 ngày 18/2 và 16/3 và sau một tuần các thí sinh có thể biết kết quả để xét tuyển vào các trường đại học.

Với Kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội, PGS, Tiến sĩ Vũ Duy Hải - Trưởng ban Tuyển sinh - Hướng nghiệp của nhà trường cho biết: Bài thi đánh giá tư duy của nhà trường gồm 3 phần đánh giá về tư duy toán học, tư duy đọc hiểu và tư duy khoa học, giải quyết vấn đề. Đây là 3 phần thi độc lập, không liên quan trực tiếp đến môn học nào mà là đánh giá tư duy tổng thể. Vì vậy, mục đích của phần thi là không kiểm tra về kiến thức mà là đánh giá về năng lực tư duy vận dụng để giải quyết vấn đề.

Kỳ thi này, nhà trường không giới hạn số lượng thí sinh dự thi, số lần đăng ký dự thi. Giá trị sử dụng kết quả bài thi có thể được kéo dài trong 2 năm nên các học sinh lớp 10 và lớp 11 hoàn toàn có thể tham dự kỳ thi.

dai-dien-truong-dai-hoc-quoc-gia-thanh-pho-ho-chi-minh-chia-se-thong-tin-ve-ky-thi-danh-gia-nang-luc-cua-nha-truong-9327-1166.jpg
Đại diện Trường Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ về Kỳ thi đánh giá năng lực của nhà trường. Ảnh: Mỹ Hà

Riêng về Kỳ thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính - Giám đốc Trung tâm Khảo thí nhà trường cho biết: Hiện cả nước đã có 102 trường sử dụng kết quả xét tuyển của Kỳ thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Vì vậy, TS Nguyễn Quốc Chính cũng cho rằng, nếu thí sinh muốn tăng cơ hội trúng tuyển vào đại học và tăng cơ hội trúng tuyển vào các trường tốp đầu thì nên tham dự kỳ thi này. Đây là một kênh song song với các kênh truyền thống (học bạ, kết quả tốt nghiệp) để tuyển sinh đầu vào. Đặc biệt, khi hiện nay các trường đại học phần lớn đã “tự chủ” đầu vào thì phương thức này càng được sử dụng nhiều với tỷ trọng cao.

bna_Đã có hàng nghìn thí sinh tham dự Kỳ thi đánh giá năng lực tại Nghệ An. Ảnh - PV.jpeg
Đã có hàng nghìn thí sinh tham dự Kỳ thi đánh giá năng lực tại Nghệ An. Ảnh: PV

Trả lời câu hỏi của một học sinh đến từ Trường THPT Thái Lão (Hưng Nguyên), TS Nguyễn Quốc Chính cũng khẳng định, Kỳ thi đánh giá năng lực dành cho mọi học sinh, không phải chỉ là cơ hội của học sinh ở thành phố.

Ông cũng khuyên thí sinh đừng vội "định vị năng lực" của mình là yếu, kém khi chưa thực sự tham gia kỳ thi này. Vì với "thước đo" mới, kỳ thi có thể định vị gần sát với năng lực thật sự của thí sinh.

Chọn ngành trước khi chọn trường

Ngoài các thông tin về Kỳ thi vào các trường đại học, đến với chương trình, nhiều thí sinh cũng đã được các chuyên gia chia sẻ các kinh nghiệm trong cách chọn ngành, chọn trường và giải đáp một số thắc mắc về công tác tuyển sinh của các nhà trường.

Trả lời câu hỏi của một học sinh nên chọn ngoại ngữ nào để dễ dàng có việc làm sau khi ra trường, Tiến sĩ Nguyễn Thị Cúc Phương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội cho rằng: “Tất cả các chương trình ngôn ngữ đều có định hướng nghề nghiệp như truyền thông, du lịch, thương mại…

thi-sinh-tim-hieu-ve-thong-tin-tuyen-sinh-cua-truong-dai-hoc-bach-khoa-ha-noi-1386-6932.jpg
Thí sinh tìm hiểu về phương án tuyển sinh của Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Ảnh: Mỹ Hà

Ở nhiều vị trí nghề nghiệp, người có ngoại ngữ tốt kết hợp với kiến thức chuyên ngành sẽ có thế mạnh trong bối cảnh hội nhập. Tuy nhiên, trước khi quyết định chọn ngoại ngữ, các thí sinh xem thuận về ngôn ngữ của nước nào. Ví dụ, nếu muốn học tiếng Trung cần phải cân nhắc nhìn vào chữ tượng hình có thích không, có thích văn hóa Trung Quốc không. Khi đã lựa chọn được ngôn ngữ yêu thích thì mới tính tới thị trường lao động. Các thị trường lao động “hot” hiện nay đó là tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Trung và tiếng Anh”.

Đến với chương trình này, học sinh Cao Thị Đỗ Quyên - học sinh lớp 12A2 - Trường THPT Thái Lão cho biết: “Khó khăn hiện nay đối với học sinh cuối cấp là chưa định hướng rõ ràng về nghề nghiệp tương lai. Vì vậy, rất nhiều học sinh muốn được biết về xu hướng nghề nghiệp trong 5 năm tới”.

bna-cac-hoc-sinh-dat-cau-hoi-cho-cac-truong-dai-hoc-ve-ky-thi-nam-2024-6715.jpg
Nam sinh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng đặt câu hỏi về Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: Mỹ Hà

Về câu hỏi này, PGS.TS Vũ Thị Hiền - Trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Ngoại thương cho biết: “Đây là tâm tư của nhiều học sinh THPT và đáng lẽ ra ở bậc học này, học sinh cần phải được trải nghiệm nhiều nghề nghiệp để có thể khám phá được sở thích, đam mê của mình, để khi chọn vào đại học có thể chọn được trường đúng với năng lực và khi ra trường đáp ứng được nhu cầu thị trường nhân lực. Khó khăn hiện nay do nhiều hạn chế nhất định nên học sinh chưa có những trải nghiệm này”.

“Xu hướng ngành nghề có sự chuyển biến trong nội bộ ngành nghề chứ không phải có sự dịch chuyển quá lớn từ ngành nghề này sang ngành nghề khác. Từ ngành nghề yêu thích, các thí sinh mới nên chọn trường phù hợp với năng lực của bản thân”.

Tiến sĩ Vũ Thị Hiền - Trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Ngoại thương

Đưa ra lời khuyên cho các sỹ tử, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội cũng nói rằng, tình trạng "làm trái ngành" là do nhiều khi thí sinh đã chọn sai từ đầu. Các em đã không được hướng nghiệp sớm, không có thông tin đầy đủ trước khi lựa chọn hoặc chịu những tác động khách quan khác dẫn tới chọn sai.

bna-rat-nhieu-hoc-sinh-cuoi-cap-quan-tam-den-phuong-an-tuyen-sinh-nam-nay-cua-cac-truong-dai-hoc-7570.jpg
Rất nhiều học sinh cuối cấp đã "đội mưa" đến tham gia chương trình tư vấn tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng. Ảnh: Mỹ Hà

Thầy Thảo cũng cho rằng mỗi ngành, nhóm ngành sẽ có nhu cầu việc làm khác nhau ở mỗi thời điểm. Có ngành hiện tại có nhu cầu việc làm lớn nhưng 5-7 năm nữa sẽ bão hòa. Vì vậy, để lựa chọn ngành có cơ hội việc làm tốt, cần có thông tin dự báo nhu cầu nhân lực ở thời điểm sau khi sinh viên ra trường. Ông cũng khẳng định, nếu một sinh viên có năng lực, có kỹ năng tốt, một sinh viên giỏi thì không sợ thất nghiệp sau khi ra trường.

Mới nhất

x
Tuyển sinh năm 2024: Chọn nghề trước khi chọn trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO