Tuyên truyền kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Tô Hiệu
(Baonghean.vn) - Ngày 22/2, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An ban hành Công văn 768-CV/BTGTU về tuyên truyền kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Tô Hiệu, lãnh đạo tiền bối của Đảng và cách mạng Việt Nam (1912 - 2022).
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đề nghị các địa phương, đơn vị tuyên truyền về thân thế, cuộc đời hoạt động cách mạng và công lao, đóng góp to lớn của đồng chí Tô Hiệu - Người chiến sĩ cộng sản thuộc thế hệ đầu tiên của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam. Đặc biệt là những đóng góp trong việc khôi phục, củng cố các tổ chức đảng và phong trào cách mạng; lãnh đạo cách mạng ở Liên khu B; chỉ đạo các cuộc đình công, bãi công của công nhân; tổ chức đấu tranh chống chế độ tàn bạo của nhà tù Sơn La, nêu cao chí khí của người cộng sản với tinh thần "biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng".
Nhà cách mạng Tô Hiệu và cây đào liệt sĩ đã trồng tại Nhà tù Sơn La. Ảnh tư liệu |
Tuyên truyền những phẩm chất đạo đức cao đẹp của đồng chí Tô Hiệu - người "Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng". Khẳng định "Tinh thần Tô Hiệu" là biểu tượng ý chí, tinh thần cách mạng, của niềm tin và chiến thắng, là nguồn động lực, khích lệ hàng vạn chiến sĩ cộng sản khiến quân thù khiếp sợ, mãi lưu truyền trong các thế hệ cách mạng, là tài sản vô giá đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và của lịch sử dân tộc.
Đồng thời, tổ chức hoạt động tuyên truyền bằng các hình thức đa dạng, phong phú, thiết thực như: Tuyên truyền trên pa-nô, áp phích, khẩu hiệu, báo chí, hệ thống loa truyền thanh, mạng xã hội, bản tin sinh hoạt chi bộ, tuyên truyền miệng, báo cáo viên... để tạo sức lan tỏa sâu rộng cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cũng đề nghị các cơ quan báo chí của tỉnh tổ chức tiếp, phát sóng, đăng tải các chương trình, phóng sự, bài viết của các cơ quan báo chí chủ lực Trung ương; xây dựng các tin, bài tuyên truyền về thân thế, sự nghiệp của đồng chí Tô Hiệu trên các loại hình báo chí của tỉnh.
Đồng chí Tô Hiệu sinh năm 1912 trong một gia đình nhà nho nghèo yêu nước ở thôn Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Tham gia cách mạng từ khi còn thiếu niên, đồng chí là một cán bộ lãnh đạo xuất sắc của Đảng, đã có công xây dựng và phát triển phong trào cách mạng ở Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, khôi phục lại Xứ ủy Bắc Kỳ cuối năm 1936. Trong thời gian bị địch bắt giam năm 1940 tại nhà tù Sơn La, mặc dù bị lao phổi nặng, nhưng với cương vị là Bí thư chi bộ nhà tù, đồng chí Tô Hiệu vẫn hăng hái tham gia lãnh đạo anh em trong tù đấu tranh, giữ vững khí tiết cách mạng, có nhiều hoạt động quan trọng "biến nhà tù thành trường học", đào tạo được nhiều cán bộ ưu tú cho Đảng, cho cách mạng. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí Tô Hiệu luôn là người cộng sản mẫu mực, có bản lĩnh chính trị kiên cường, phẩm chất đạo đức trong sáng, quyết hy sinh quên mình vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.