Tuyên truyền pháp luật có trọng tâm, sát nhu cầu thực tế
(Baonghean.vn) - Qua 10 năm triển khai thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 20/6/2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013) trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với ông Lê Bá Thiệu - Trưởng phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật (Sở Tư pháp) xung quanh vấn đề này.
P.V: Xin ông cho biết kết quả nổi bật trong triển khai thi hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh thời gian qua?
Ông Lê Bá Thiệu: Sau gần 10 năm thực hiện Luật Phổ biến giáo dục pháp luật, công tác phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, cơ bản bám sát và phục vụ kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và nhiệm vụ chính trị ở địa phương, đơn vị.
Hoạt động của Hội đồng Phối hợp Phổ biến giáo dục pháp luật các cấp đi vào nền nếp. Nội dung Phổ biến giáo dục pháp luật hàng năm bám sát kế hoạch của Trung ương, phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương; hình thức Phổ biến giáo dục pháp luật ngày càng được đổi mới, đa dạng hóa. Trong đó, hình thức Phổ biến giáo dục pháp luật trực tiếp được sử dụng rộng rãi (từ năm 2013 đến nay đã tổ chức được 85.711 cuộc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho hơn 13.600.000 lượt người) với điểm mới là tăng cường tương tác 2 chiều, trao đổi, giải đáp những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện.
Đặc biệt, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Hội đồng Phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh đã kịp thời hướng dẫn chỉ đạo các sở, ban, ngành, các địa phương tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác Phổ biến giáo dục pháp luật mang lại hiệu quả cao.
Ông Lê Bá Thiệu phát biểu tại hội nghị tập huấn nghiệp vụ công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Ảnh: Bé Vinh |
Việc tổ chức tuyên truyền, Phổ biến giáo dục pháp luật cho các đối tượng đặc thù được quan tâm. Riêng Sở Tư pháp đã tổ chức 161 đợt truyền thông, trợ giúp pháp lý đến 437 thôn, xóm, bản đặc biệt khó khăn của các xã nghèo thuộc các huyện miền Tây; lắp đặt 5 pa-nô tuyên truyền về phòng, chống mua, bán người và 5 pa-nô về phòng, chống tệ nạn xã hội tại các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Thanh Chương; phát hành 11.000 tờ gấp bằng tiếng dân tộc, tuyên truyền pháp luật về hộ tịch, phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết; 10.000 tờ gấp tuyên truyền pháp luật về ma túy, tội phạm, giao thông; 25.000 tờ gấp về “Một số quy định của pháp luật Việt Nam về quốc tịch”; 7.000 cuốn sách hỏi - đáp pháp luật; 5.000 cuốn sách về cẩm nang hòa giải cơ sở.
Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương duy trì có hiệu quả 84 tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới; 716 tổ tự quản an ninh, trật tự thôn, bản; phân công 593 đảng viên biên phòng phụ trách 2.846 hộ gia đình ở khu vực biên giới để tuyên truyền, Phổ biến giáo dục pháp luật.
Ngành Công an xây dựng hơn 30 mô hình, câu lạc bộ nhằm vận động, giáo dục nhóm đối tượng là người bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, người đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, quản chế, người bị phạt tù được hưởng án treo, người mới ra tù tái hòa nhập cộng đồng... xây dựng và duy trì hoạt động hiệu quả gần 40.000 tổ tự quản về an ninh, trật tự và nhân rộng ra 928 điểm…
Lực lượng chức năng tuyên truyền xây dựng mô hình bản làng không ma tuý ở bản Lưu Thông, Lưu Kiền, Tương Dương. Ảnh tư liệu: Công Kiên |
Việc kiện toàn Hội đồng Phối hợp Phổ biến giáo dục pháp luật các cấp được triển khai thường xuyên, nhất là những thời điểm có sự thay đổi về chức danh, vị trí công tác của các thành viên. Đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật được củng cố, đảm bảo số lượng theo yêu cầu và chất lượng ngày càng được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. (Hiện nay, toàn tỉnh có 110 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh; 829 báo cáo viên pháp luật cấp huyện và 5.954 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã).
P.V: Thực tiễn qua 10 năm triển khai thực hiện Luật Phổ biến giáo dục pháp luật có những khó khăn, vướng mắc gì cần tháo gỡ, thưa ông?
Ông Lê Bá Thiệu: Mặc dù đã đạt được những kết nhất định, nhưng quá trình triển khai thực hiện Luật Phổ biến giáo dục pháp luật cũng nảy sinh một số vướng mắc, bất cập cần tháo gỡ. Chẳng hạn, về thể chế, chính sách: Một số hình thức Phổ biến giáo dục pháp luật quy định tại Điều 11, Luật Phổ biến giáo dục pháp luật, như tủ sách pháp luật, thư viện… không còn phù hợp với thực tiễn dẫn đến kém hiệu quả. Mặt khác, hiện chưa có quy định về phụ cấp định kỳ cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, nên khó thu hút được những người có kỹ năng, trình độ hiểu biết pháp luật sâu rộng tham gia vào hoạt động này.
UBND xã Mường Típ ( Kỳ Sơn) và các lực lượng phối hợp tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người dân. Ảnh tư liệu: PV |
Bên cạnh đó, tại Điều 39, Luật Phổ biến giáo dục pháp luật quy định: “Kinh phí phổ biến, giáo dục pháp luật của các cơ quan, tổ chức thụ hưởng ngân sách do ngân sách Nhà nước bảo đảm và huy động từ các nguồn hợp pháp khác. Ngân sách Trung ương hỗ trợ kinh phí phổ biến, giáo dục pháp luật cho các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách”. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện chưa có những văn bản quy định cụ thể, chi tiết để làm căn cứ lập dự toán kinh phí.
Về nguồn lực, nhiều đơn vị, địa phương chưa bố trí đủ số lượng người làm công tác Phổ biến giáo dục pháp luật. Tổ chức pháp chế và cán bộ làm công tác pháp chế tại các sở, ban, ngành chưa được thành lập, kiện toàn, do đó, công tác Phổ biến giáo dục pháp luật còn hạn chế, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác Phổ biến giáo dục pháp luật tuy đã được chú trọng, nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật đa dạng và ngày càng cao của người dân. Tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm còn diễn biến phức tạp, nhất là các vi phạm về bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, an toàn giao thông.
P.V: Trong thời gian tới, để công tác Phổ biến giáo dục pháp luật ngày càng phát huy hiệu quả, theo ông, cần có những giải pháp gì?
Ông Lê Bá Thiệu: Để công tác Phổ biến giáo dục pháp luật ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng cơ chế, chính sách để khuyến khích cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động PBGDPL. Có cơ chế cụ thể để công nhận, quản lý, sử dụng đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, từ đó xác định cụ thể nhiệm vụ cũng như các quyền lợi cho đội ngũ này để làm tốt hơn công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là cho những nhóm đối tượng đặc thù.
Đảm bảo nguồn kinh phí phục vụ cho hoạt động Phổ biến giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, đặc biệt là ở các địa phương điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn; Chú trọng đào tạo, tập huấn chuyên sâu kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho lực lượng làm công tác Phổ biến giáo dục pháp luật. Bên cạnh đó, đề nghị Trung ương quy định cụ thể về cơ chế, chính sách huy động nguồn xã hội hóa trong công tác Phổ biến giáo dục pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ sở trong quá trình triển khai thực hiện.
Công an huyện Tân Kỳ tổ chức buổi tuyên truyền pháp luật tại trường học, phát tờ rơi cho các em học sinh. Ảnh tư liệu: Quỳnh Trang |
P.V: Năm 2022 cũng là năm thứ 10 hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11), vậy hoạt động này ở Nghệ An đã được thực hiện như thế nào, thưa ông?
Ông Lê Bá Thiệu: Trong 10 năm thực hiện Ngày Pháp luật Việt Nam, tỉnh Nghệ An đã tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng hiệu quả, lựa chọn các hoạt động quan trọng làm điểm nhấn như: Hội nghị tôn vinh hòa giải viên tiêu biểu trên địa bàn tỉnh; thi viết tìm hiểu Hiến pháp năm 2013; thi “Hòa giải viên giỏi”, thi trực tuyến “Tìm hiểu Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính”; Hội thi “Thanh niên với an toàn giao thông” bằng hình thức sân khấu hóa; thi viết “Tìm hiểu Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành”, thi viết kịch bản tiểu phẩm tuyên truyền về quyền dân sự, chính trị; thi “Báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật giỏi” bằng hình thức sân khấu hóa gắn với việc tổ chức tôn vinh hòa giải viên giỏi ở cơ sở… góp phần cổ vũ, khích lệ cán bộ, nhân dân tích cực, tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật; nâng cao ý thức bảo vệ pháp luật; nghiêm chỉnh tuân thủ, chấp hành Hiến pháp và pháp luật.
Tuổi trẻ Nam Đàn hưởng ứng Ngày Pháp Luật Việt Nam. Ảnh: CSCC |
Năm 2022, Hội đồng Phổ biến giáo dục pháp luật Trung ương đã lựa chọn Nghệ An là 1 trong 3 địa phương trong cả nước tổ chức Lễ hưởng ứng 10 năm Ngày Pháp luật Việt Nam, Bộ Tư pháp đã có Công văn số 3265/HĐPH ngày 27/9/2022 đề nghị UBND tỉnh Nghệ An quan tâm, chỉ đạo cơ quan, đơn vị liên quan chủ động, tích cực thực hiện các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam; chủ trì, phối hợp tổ chức hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam tại 1 địa phương cấp xã có mô hình hòa giải cơ sở, xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật hiệu quả.
Trên cơ sở đó, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 695/KH-UBND ngày 10/10/2022. Trong đó, yêu cầu các địa phương, ngành chức năng đánh giá khách quan, toàn diện những kết quả đạt được; kịp thời biểu dương, khen thưởng, tôn vinh tập thể, cá nhân điển hình, các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong 10 năm tổ chức hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam.
UBND tỉnh cũng giao Sở Tư pháp chủ trì phối hợp tổ chức hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2022 tại đơn vị điểm là xã Thượng Sơn, huyện Đô Lương vào ngày 31/10/2022. Thông qua các hoạt động, nhằm góp phần đưa Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11) trở thành một sự kiện chính trị - pháp lý quan trọng, thiết thực, hiệu quả.
P.V: Xin cảm ơn ông!