'Tuyệt chiêu' dùng thuốc lào, hoa cúc trị bệnh cho cam ở Nghệ An

Thanh Phúc 08/11/2019 08:12

(Baonghean.vn) - Người trồng cam xóm Tân Xuân (nay là xóm Xuân Lý, xã Tân Phú, Tân Kỳ) có “tuyệt chiêu” chăm cam sạch bệnh, sai quả, ngọt đậm. Đó là dùng thuốc lào, hoa cúc ngâm rượu, mật mía để trị bệnh cho cam.

Người dân Tân Kỳ sử dụng các chế phẩm thảo dược như thuốc lào, hoa cúc để chăm sóc vườn cam. Ảnh: Thanh Phúc
Người dân Tân Kỳ sử dụng các chế phẩm thảo dược như thuốc lào, hoa cúc để chăm sóc vườn cam. Ảnh: Thanh Phúc

Thời điểm này, 37 ha cam của các hộ dân xóm Xuân Lý, xã Tân Phú vào độ chín rộ. Những cây cam trĩu quả, ngọt đậm đà đang chờ thương lái đặt mua để mở trại. Bờ rào của những vườn cam là những luống thuốc lào, cây cúc vạn thọ, cây chanh, cây sưa. Những tưởng, các loại cây đó chỉ là để làm bờ rào, làm hoa trang trí cho vườn cây. Song, đó lại là nguyên liệu để họ chế ra các loại thuốc trừ sâu thảo dược trị bệnh cho cam.
Điểm khác lạ nữa, là ở các trại cam của các hộ nông dân vùng này cứ khoảng vài trăm mét lại có một lều nhỏ, trong đựng các thùng nhựa, các bể sành. Đó là dụng cụ để ướp cá làm phân bón, chế phẩm làm ra thuốc trừ sâu bằng thảo dược để phun cho cam, táo, ổi.

Ông Nguyễn Tấn Phượng - Tổ trưởng Tổ hợp tác cam sạch ở đây cho biết: “Quá trình trồng và chăm sóc cam, ông cũng như 24 hộ khác trong tổ tuân thủ nghiêm ngặt quy định của an toàn sinh học. Đặc biệt, để tạo dựng thương hiệu cam sạch, các hộ dân ở đây 100% sử dụng thuốc trừ sâu thảo dược với những nguyên liệu sẵn có trong vườn nhà”.

Sử dụng thảo dược để trị bệnh cho cam giúp người trồng tiết kiệm 40% chi phí, chất lượng cam được nâng cao. Ảnh: Thanh Phúc
Sử dụng thảo dược để trị bệnh cho cam giúp người trồng tiết kiệm 40% chi phí, chất lượng cam được nâng cao. Ảnh: Thanh Phúc

Để trị sâu vẽ bùa, sâu keo, sâu cuốn lá, sâu đục quả… các hộ dân dùng tỏi, ớt cay giã nhỏ ngâm cùng rượu trong vòng 10 ngày, thu được chế phẩm bằng nước đem pha loãng cùng nước lạnh và phun lên cây. Còn nếu cam bị nấm thì dùng cây cúc vạn thọ (cả cây và hoa), cây thuốc lào băm nhỏ, trộn với nhau rắc men vi sinh vào, thêm nước lã, ủ 20 ngày đem pha loãng với nước và tưới gốc.

Để bổ sung vi lượng cho cây cam, để cam cho quả to, ngọt đậm đà, các hộ dân nơi đây có một “bí quyết” riêng, đó là lên vùng lòng hồ Thủy điện Hủa Na mua cá vặt với giá 7.000 đồng/kg, cứ 70 kg cá ngâm với 120 lít mật và men vi sinh. Sau 2 tháng, gạn lấy 80 lít nước cốt hỗn hợp, cứ 1 lít nước cốt pha với 80 lít nước lã, tính ra được 6.400 lít đạm vi lượng thương phẩm, phun được khoảng 2 ha cam.

Thời điểm đầu năm 2019, khi các vùng cam khác bị bướm lạ tấn công, bướm ngài chích hút khiến cam rụng thì ở vùng cam Xuân Lý, cam vẫn sai quả, sinh trưởng, phát triển tốt. Đó là nhờ người dân nơi đây tìm ra nguyên lý hoạt động của loại bướm gây hại này vào ban đêm chong đèn, dùng vợt vây bắt; ban ngày thì dùng hỗn hợp nước cá lên men phun cho cam theo hình chữ thập (nghĩa là phun khoanh vùng, không phải cây nào cũng phun) để đuổi bướm. “Loại bướm ngài này theo mùi hương của cam, của ổi để chích hút gây hại, khi phun hỗn hợp này, mùi tanh nồng lấn át nên nó không phát hiện ra mùi hương của trái cây nữa nên sẽ tự động bay đi”.

Dùng thuốc trừ sâu thảo dược tự chế không gây độc hại cho người phun. Ảnh: Thanh Phúc
Dùng thuốc trừ sâu thảo dược tự chế không gây độc hại cho người phun. Ảnh: Thanh Phúc

Ông Nguyễn Tấn Phượng cho biết: “So với thuốc sâu hóa học, thì các loại thảo dược này giá thành rẻ, dễ chế biến và hiệu quả cao. Đặc biệt, nó không làm cho đất bạc màu, cây cam bị thoái hóa như khi phun các chất hóa học và người sử dụng không bị ảnh hưởng sức khỏe.

Tuy nhiên, nhược điểm của nó là quả cam không to, không bóng bẩy, mẫu mã không đẹp bằng dùng thuốc hóa học… Hiện 25 hộ trồng cam trong tổ hợp tác đều sử dụng quy trình chăm sóc cam theo hướng an toàn sinh học, sử dụng thuốc trừ sâu thảo dược và phân bón hữu cơ vi sinh tự chế. Từ đó, giảm 40% chi phí đầu tư sản xuất, người trồng có lãi”.

Mới nhất

x
'Tuyệt chiêu' dùng thuốc lào, hoa cúc trị bệnh cho cam ở Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO